*Phần 2 của Phần tiếp theo* #HọcBá học hành ra sao, họ có phương pháp hay là bí thuật nào để có thể học tập hiệu quả hơn người bình thường??
Abstract: không cần nghe giảng vẫn rank #1
*Warning: tiếp tục đắp Vạn Lý Trường Thành.. lần này nội dung lại còn được viết bởi một Học bá về Toán học :)))) ai muốn bỏ cuộc thì đọc đến đây là đủ rồi đó...
Link phần trước: https://www.facebook.com/groups/weibovn/permalink/627577828106929/
_______________
Group Weibo Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/weibovn
Dịch bởi: Tiên Chỉ Ngọc - anh thầy giáo - học tiếng Trung tử tế - ai bê bài nhớ nhớ nhớ inbox nhé nhé nhé. riêng bài này chắc không ai rảnh mà bê đâu =))
___________
[5573+ likes]Tôi luôn tự học và hiếm khi nghe giảng trên lớp. Từ đầu năm thứ nhất, tôi đã có ý tưởng về cách cải thiện phương pháp học tập, viết ra ý tưởng của mình, thường xuyên sắp xếp chúng lại và in ra giấy. Và hầu như tất cả thời gian, kể cả cuối tuần, tôi đều dành cho việc học. Kỳ nghỉ hè năm thứ hai cũng chủ yếu ở trường để học các môn học của học kỳ tiếp theo.
Mãi đến năm học thứ ba mới thấy có sự tiến bộ rõ rệt. Năm thứ ba tôi đã giành được rank #1 vào cuối học kỳ. Sau đó, điểm số năm 3 và năm 4 đều là rank #1. (Kết quả của năm nhất và năm hai là rank #15 và #14 trong số 29 sinh viên chuyên ngành.)
1. Kinh nghiệm tư học
Từ năm nhất Đại học, tôi đã chọn phương pháp tự học. Khi lên lớp tôi hầu như không nghe giảng, tôi thường ngồi ở hàng cuối cùng để dành thời gian đọc giáo trình. Không ai trong số những học sinh có điểm số tốt trong lớp làm giống tôi, bọn họ đều nghe giảng rất chăm chỉ.
Lý do tôi chọn một phương pháp khác có lẽ là vì tôi thích tự học từ hồi còn học cấp 3. Những cuốn sách thuộc bậc Đại học mà tôi từng đọc khi còn học cấp 3 bao gồm "Lý thuyết Số học Cơ bản" của Phan Thừa Động, "Dẫn luận về Số học Nâng Cao" Tập 1 của Hoa La Canh, "Bài giảng Feynman về Vật Lý" của Feynman, và khó nhất Đó là "Lý thuyết Galois" do Tôn Bản Vượng biên soạn. Lúc đó, tôi bắt đầu tự học mà không có ai hướng dẫn, tôi phải tự mình tích lũy kinh nghiệm. Chương trình học ở bậc trung học không hề khó chút nào, tôi nghĩ không cần bất kỳ phương pháp đặc biệt nào để có thể đọc hiểu được mớ sách vở ấy (Dịch giả cũng thấy đúng, vì hồi cấp 3 mình học chuyên tiếng Trung thì thấy tiếng Trung cũng không có gì là khó, mặc dù mình học trường Năng khiếu, thi Học sinh Giỏi tiếng Trung cấp Thành phố cũng không cần nỗ lực gì nhiều để đạt Giải Nhất, nhưng khi lên Đại học đập vào mặt là giáo trình 桥梁 - Nhịp Cầu – giáo trình của lớp Cử nhân Chất lượng cao thì nó lại hoàn toàn khác nha, từ mới và ngữ pháp như ở một vũ trụ khác vậy..) Nhưng Toán và Vật lý ở bậc Đại học thì khó hơn. Do đó, các yêu cầu cho phương pháp học tập cao hơn nhiều. Lúc đầu, tôi thực sự không hề có bất kỳ phương pháp học tập nào trong tay. Trong khi đọc giáo trình, cần đánh dấu trên sách, chẳng hạn như đánh dấu hỏi và gạch chân phần trọng điểm, mấy quy tắc đơn giản như vậy mà tôi không hề biết mặc dù từng đọc xong cuốn "Lý thuyết Số học Cơ bản". Sau này tôi đọc được ở một cuốn sách có nói rằng phương pháp này hữu ích trong việc đọc hiểu và ghi nhớ, từ đó mới bắt đầu thực hành theo. Vì sự lạc hậu của tôi mà những cuốn sách kể trên tôi đã phải rất tốn công để đọc và chưa đọc hiểu được hoàn toàn. Nhưng mà cũng từ đó mà nó đã thành nền tảng cho việc tự học của tôi.
Những lợi thế của việc tự học có lẽ tôi không cần phải nói nhiều nữa, điều này là vô cùng rõ ràng. Đặc biệt là càng về sau, tốc độ học càng nhanh thì lợi ích đem lại càng lớn. Trong môn Đại số Trừu tượng, giáo viên cần mất bốn tháng để giảng xong nội dung của giáo trình. Riêng tôi đã tự đọc hết sách chỉ trong hai tuần đầu tiên khi bắt đầu học kỳ. Khi đến giữa kỳ, tôi đã đọc nó được ba hoặc bốn lần. (Tôi làm được điều này trong khi còn phải học tới 4 môn chuyên ngành nữa.) Phương pháp của tôi chưa được hoàn thiện khi còn là sinh viên năm nhất và năm hai, do đó chưa có được kết quả tốt. Nhưng vào năm ba thì thực sự là đã có những hiệu quả mang tính đột phá. Thành tích học tập rank #14 đã một bước vọt lên rank #1.
Không nói dông dài nữa, giờ là vào thẳng kinh nghiệm về vấn đề tự học.
1.1 Đọc giáo trình
Lấy cuốn "Đại số Trừu tượng" làm ví dụ. Khi đọc giáo trình, tôi phân ra làm nhiều lần đọc, mỗi lần đọc sẽ có một mục đích khác nhau.
a1. Bước thứ nhất, đọc giáo trình lần 1
b1. Cách làm cụ thể: yêu cầu vô cùng thấp, việc cần làm rất đơn giản, những thứ khó nhằn như là chứng minh định lý, đề mẫu đều không cần đọc, chỉ đọc định nghĩa, khái niệm, giải thích từ ngữ. Cùng với việc đọc, cần phải thực hiện việc ghi chú đánh dấu, ví dụ như gạch chân những nội dung trọng điểm; nội dung nào không hiểu thì đánh dấu hỏi chấm; hoặc sử dụng ghi chú theo số thứ tự để đánh dấu lại các kết luận quan trọng. Không cần thiết phải đọc hiểu, đọc không hiểu gì cũng ok. Chỉ cần đọc qua giáo trình một lượt như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ rồi.
b2. Nguyên lý: có quá nhiều chỗ không hiểu, đọc sách mà như ăn táo cả hột như vậy có ổn không? Câu trả lời là Có. Điều này giúp não bộ có được ấn tượng nhất định về giáo trình. Tuy là còn chưa hiểu gì, nhưng não bộ đã bước đầu ghi nhận là đã có những nội dung này, đã ghi lại những thứ đó, và sẽ ngày một quen dần với nó. Cách này giúp đọc cả cuốn giáo trình một cách nhanh chóng, chỉ tốn 2-3 ngày là có thể hoàn thành bước này.
a2. Bước 2, đây là bước vô cùng quan trọng, đem lại hiệu quả cao: thu thập, ghi chép lại toàn bộ các định nghĩa, kiến thức quan trọng nằm trong giáo trình.
b1. Cách làm cụ thể: Đối với môn Đại số Trừu tượng, Kiến thức quan trọng đều nằm ở các Định lý trong giáo trình. (Sách Vật lý thì sẽ có thêm các Công thức). Về cách thu thập ghi chép, có thể không cần chép tay, làm như vậy sẽ rất mệt, lại tốn thời gian. Tôi thì tìm bản PDF của giáo trình, sau đó dùng máy tính capture màn hình lại, ghi lại toàn bộ các Định nghĩa từng cái một, lần lượt paste vào Word. Sau đó lại làm tương tự với các Định lý, paste vào một file Word khác. Sắp xếp xong sẽ đem in ra. Sau này khi muốn xem lại sẽ vô cùng thuận tiện.
b2. Nguyên lý: Tại sao lại nhấn mạnh đây là bước vô cùng quan trọng?
Bởi vì, bước này sẽ khiến toàn bộ việc học sau này trở nên vô cùng dễ dàng, từ đó đạt được hiệu suất học tập vô cùng to lớn. Học tập chủ yếu phân ra thành 2 phần, Hiểu và Ghi nhớ. Các cách giải đề trong giáo trình như là dẫn chứng, chứng minh, giải thích, đề mục.. đều phải hiểu hết. Còn các thứ khác như là khái niệm, kết luận, công thức thì cần phải thuộc nằm lòng.
b3. Tại sao tôi nghĩ đến vấn đề này?
Có một lần, tôi đột nhiên ngộ ra điểm quan trọng này, giáo trình của Đại học khó đọc hơn sách giáo khoa cấp 3 rất nhiều, đó là bởi vì có qúa nhiều thứ phức tạp cần phải ghi nhớ. Sách cấp 3 không có nhiều định nghĩa hay là các định lý mang tính trừu tượng như giáo trình Đại học, công thức cũng vô cùng đơn giản.
Tôi nói việc khó khăn ở đây chủ yếu là do phải nhớ nhiều thứ phức tạp, chứ không phải khó ở việc lý giải các định nghĩa, vì sao? Bởi vì các điểm thật sự khó hiểu của giáo trình chủ yếu là do phần sau của giáo trình sử dụng quá nhiều kết luận hoặc định nghĩa của phần trước. Giả dụ, nếu bạn không nhớ những kết luận, định nghĩa ở phần trước, thì sẽ không thể hiểu được phần dẫn chứng, chứng minh ở phần sau đang nói về cái gì. Ngược lại, nếu toàn bộ các định nghĩa, định lý được dùng trong phần chứng minh mà ta đều đã nắm được, thì phần chứng minh đó không có gì là khó hiểu cả.
Nói như vậy tức là phải ghi nhớ, hiểu rõ toàn bộ phần phía trước rồi thì mới có thể đọc phần sau của giáo trình sao?
Không hề, nếu làm vậy thì mỗi khi đọc đến 1 phần nhỏ sẽ phải ngừng lại một lúc lâu, hiệu quả làm việc không cao. Do đó cần phải dùng phương pháp khác. Chỉ cần liệt kê hết các kiến thức, kết luận quan trọng ra, gặp cái nào không biết thì tra luôn, điều này mang lại hiệu quả giống như việc bản thân đã ghi nhớ từ trước rồi vậy. (cho dù là chưa nhớ được kỹ đống này, nhưng mà tra đi tra lại vài lần, rồi dùng nhiều thì tự khắc sẽ quen, sau này có muốn ghi nhớ cũng rất dễ)
Lợi ích thứ 1 từ việc thu thập các kiến thức, kết luận quan trọng: sẽ tiện lợi rất nhiều trong việc đọc giáo trình hoặc đề mẫu sau này. Không hiểu thì tra, dần dần sẽ tăng hiệu suất đọc hiểu, ít bị vướng mắc (vì những kiến thức mà trước đây chưa hiểu). Ngoài ra còn có một lợi ích quan trọng khác: giúp tăng cường khả năng ghi nhớ. Có nhiều người không có thói quen liệt kê thu thập các kiến thức, kết luận quan trọng (trong giáo trình) nên những thứ cần ghi nhớ như vậy cứ mãi chơi trốn tìm trong sách giáo trình, không những dễ bị bỏ sót, mà hay bị lẫn lộn giữa cái này với cái kia, gây khó khăn trong việc học thuộc lòng. (bình thường tất cả mọi người đều để đến kỳ ôn tập mới bắt đầu liệt kê chọn lọc toàn bộ kiến thức. Tôi thì cho rằng, việc này nên làm ngay từ đầu mỗi khi hoàn thành một bài học thì sẽ hiệu quả hơn)
a3. Bước thứ ba, đọc giáo trình lần thứ 2
b1. Cách làm cụ thể: Lúc này cần tập trung vào việc đọc các phép chứng minh, đề mẫu có thể chưa cần đọc. Việc cần làm lúc này là tập trung toàn bộ tinh thần vào việc đọc các phép chứng minh, khái niệm hay là giải thích từ ngữ đều bỏ qua hết. Khi đó sẽ phát hiện ra, việc đọc qua một lượt và sau khi đã ghi chép lại toàn bộ các định nghĩa, kết luận thì việc đọc phương pháp chứng minh sẽ vô cùng dễ hiểu. Thường là sẽ đọc hiểu được toàn bộ nội dung.
Nếu như vẫn còn chỗ chưa hiểu thì phải làm thế nào? Đánh dấu hỏi vào chỗ đó, không được dừng lại, không được tốn thời gian vào những chỗ như vậy. Bởi vì có nhiều thứ khi mới bắt đầu đọc thì có vẻ khó hiểu, đó là do chưa có được hình dung đầy đủ. Sau khi đã đọc tới phần sau, có được sự hình dung nhất định rồi quay lại đọc phần trước trước, tự nhiên sẽ vỡ ra nhiều điều. Với kinh nghiệm của bản thân, cứ theo cách này việc đọc phương pháp chứng minh một ngày có thể đọc được mấy chục trang. Vì thế chỉ cần mất 3-4 ngày là có thể hoàn thành bước này.
Sử dụng phương pháp trên để đọc giáo trình, cảm giác giống như đang áp dụng kỹ thuật Pipeline (Pipeline là một thuật ngữ trong lập trình máy tính, trong đó các lệnh được thực thi theo kiểu chồng lắp lên nhau.), các bước khác nhau đều được phân tách ra. Trước đó, chúng ta thường quen với việc làm theo từng bước, từ đầu đến cuối, đọc từ khái niệm, định nghĩa, đề mẫu, chứng minh, dẫn chứng đều đọc hết 1 lần, sách viết gì là đọc cái đó. Riêng tôi thì cho rằng việc bóc tách từng phần ra để đọc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Quy tắc ở đây là bắt tay vào làm từ dễ đến khó. Làm hết các việc dễ trước, làm tốt những thứ cơ bản, sau đó bắt tay vào làm các việc khó nhằn, như vậy cảm giác sẽ dễ thở hơn. Bằng không sẽ thường xuyên bị kẹt lại ở những việc khó khăn, mà đã bị kẹt là sẽ tốn rất nhiều thời gian.
1.2 Giải đề
Sau khi đã hoàn thành các bước trên, giáo trình đã đọc xong 2 lần, tất cả đều đã hiểu rõ. Tiếp theo là đi vào giải đề thôi.
a. Bước thứ nhất, hãy đọc nhiều đề
Giả dụ có 5 chương, tôi sẽ đọc liền một lúc đề trong 3 chương đầu, sau đó làm đề của chương thứ 1. Lợi ích của việc này là khi chúng ta đã xem đến nội dung phía sau thì lúc quay lại đọc nội dung phía trước sẽ cảm thấy rất đơn giản. (Nguyên nhân: các phần sau thường dùng kiến thức có liên quan đến phần trước, cho nên sẽ khiến người đọc cảm thấy quen thuộc khi quay lại đọc những nội dung của phần trước)
b. Bước thứ hai, tự giải đề
Khi đã có phương pháp đúng để đọc giáo trình thì lúc thầy giảng tới 1/3 (giáo trình) mình đã đọc xong giáo trình được 2 lần. Bởi vậy, toàn bộ thời gian còn lại có thể dành ra để đọc đề, giải đề. Đề thi cuối kỳ thường là những kiến thức rất cơ bản, vì thế chỉ cần chăm chỉ đọc đề, làm đề, có nền tảng kiến thức vững rồi thì đến lúc thi cuối kỳ, những Đề người khác giải được bạn cũng sẽ giải được, những Đề người khác không giải được thì có khi bạn lại giải được. Được như vậy là đã đặt chân vào thánh địa của sự Bất bại.
Vào Đại học năm ba sẽ phải học rất nhiều môn, ngoài 5 môn chuyên ngành còn phải học thêm 5 môn tự chọn, ngoài ra còn học Kỹ thuật truyền thông và Ứng dụng. Muôn hình muôn vẻ các thể loại thi cử kiểm tra cứ dồn dập đổ lên đầu, khiến cho ai cũng cảm thấy muốn gục ngã. Thực tế là vậy cho nên tôi cũng không giải được nhiều Đề. Kỳ 1 năm Ba thì bài vở ít hơn, có được thời gian rảnh, cho nên tôi đầu tư thời gian để học về Cơ học Lượng tử. Kết quả là giành được điểm số cao hiếm có trong Khoa, 99 điểm. Kỳ 2 của năm Ba, thời gian để đọc giáo trình phần nhiều dành cho môn "Đại số Trừu tượng", kết quả là thi cuối kỳ được 94 điểm. Môn này thấy bảo trong lớp có nhiều Học-Bá thi cuối kỳ chỉ được có 6-70 điểm, vậy tôi đạt 94 điểm là cũng coi được chớ hả. (quá được thưa bạn..)
2. Kinh nghiệm để nâng cao hiệu suất học tập
Khi làm một việc gì, điều đầu tiên là phải nghĩ cách làm sao để làm công việc đó một cách tốt hơn mình có thể. Ví như việc học chẳng hạn, hiện tại tôi đã có những ý tưởng khá ổn, bây giờ việc tiếp theo là phải biến nó thành cách hành động cụ thể.
a. Đầu tiên là phải ý thức được một chuyện quan trọng: khi làm một công việc lớn thì sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành công việc đó. Nếu mà không có bất kỳ sự sắp xếp nào, cứ thế cắm đầu vào làm, thì mỗi lần bắt đầu làm đều cảm thấy mình sẽ còn lâu mới có thể hoàn thành được công việc này.
Lấy 1 ví dụ: bây giờ hiện có 1 nhiệm vụ ở đây. Tình huống thứ 1, trong 1 giờ đồng hồ có thể hoàn thành nhiệm vụ này. Tình huống thứ 2, phải mất tới 5 giờ đồng hồ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên khi rơi vào tình huống 1, tôi sẽ dốc toàn tâm toàn lực, dùng mọi năng lượng tích cực mà mình có để mà hoàn thành nó nhanh nhất có thể. Do vậy, tôi cảm thấy việc này không hề khó, không cần phải bỏ quá nhiều công sức để hoàn thành nó, có thể nhìn thấy rõ khả năng hoàn thành nhiệm vụ ngay trước mắt. Nếu mà rơi vào tình huống thứ 2 (mỗi khi bắt đầu phải làm bài tập của môn chuyên ngành là đều rơi vào trạng thái này), tôi đều cảm thấy bị nhụt chí, tìm mọi cách để trì hoãn, hoặc có làm thì cứ làm từ từ chậm rãi chứ không có quyết tâm. Bởi vì sao, tôi ý thức được rằng tôi không thể nhanh chóng hoàn thành công việc này, tôi hiểu rõ khi bắt tay vào làm việc này là ôi thôi, thoang thoảng đâu đây mùi cháo hành nức mũi, cảm thấy như đeo gông vào cổ, không những phải vùi đầu vào nó trong thời gian dài, mà có khi còn bị nó xoay cho chóng cả mặt. Vừa nghĩ như vậy là mọi năng lượng tích cực của tôi đều tiêu tan. Khi mà không còn năng lực tích cực nữa thì hiệu suất làm việc sẽ vô cùng thấp, càng làm càng cảm thấy công việc này thực sự vô vị, chán ngắt.
b. Do đó, nếu bản thân chỉ luôn gặp tình huống số 1, thì mọi chuyện dễ dàng quá rồi, cuộc đời chỉ toàn là hoa thơm trái ngọt, cảm giác thỏa mãn dâng trào, càng làm càng hăng, năng lượng tích cực tràn trề. Bởi vì từng nhiệm vụ đều có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, bản thân lại càng hăng hái, gấp rút hoàn thành công việc. Ngược lại, khi rơi vào tình huống thứ 2, hiệu suất làm việc thấp, tinh thần làm việc cũng chẳng vui vẻ gì. Càng gần deadline (ví dụ là thời gian còn nửa tiếng) thì lại sinh ra suy nghĩ : đằng nào còn nửa tiếng cũng chẳng thể làm xong được, thôi thì cứ tạm dừng nghỉ ngơi cái đã, bởi vậy nên càng bỏ lỡ nhiều thời gian. Rõ ràng là tình huống số 1 dễ xơi hơn tình huống số 2 rất rất nhiều. Nhưng mà việc học hành thì hầu như đều rơi vào tình huống số 2, phải đọc giáo trình, phải giải nhiều Đề, khi làm thì đều tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Do đó, phương pháp để cải thiện tình trạng này chính là nghĩ ra cách để chuyển hóa, biến một việc lớn thành nhiều việc nhỏ.
c. Những điều nói trên chắc ai cũng đã biết, thứ tôi muốn nói tới ở đây chính là cách làm cụ thể, làm thế nào để chuyển hóa việc lớn thành việc nhỏ một cách hiệu quả.
Tổng kết lại thì công việc cần làm có 5 thứ như sau: Đọc giáo trình lần thứ nhất (chủ yếu là đọc khái niệm), Đọc giáo trình lần thứ hai (tập trung vào đọc dẫn chứng số học), đọc bộ Đề, tổng kết các Đề đã đọc, lựa chọn một số Đề để giải. Nhiệm vụ chính của tôi là học kỹ chương 4 và chương 5. Sau đó thì tôi sẽ phân ra các nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ sẽ được giải quyết trong vòng 1 tiếng rưỡi. Ví như việc đọc giáo trình lần thứ nhất, tôi nhẩm tính sẽ phải phân ra làm 4 nhiệm vụ nhỏ (mỗi nhiệm vụ nhỏ cần tốn 1 tiếng rưỡi để hoàn thành), mỗi nhiệm vụ nhỏ cần ghi rõ ra là từ phần mấy tới phần mấy (của mỗi chương). Làm Đề thì cần phải phân ra khoảng 10 nhiệm vụ nhỏ, mỗi nhiệm vụ nhỏ là 2 câu, v.v.. Sau khi phân tách nhiệm vụ, dùng máy tính để liệt kê lại tất cả, sau đó đem in ra rồi mới bắt tay vào làm. Như vậy, từ cái nhiệm vụ to vật vã là phải hoàn thành chương 4 và chương 5, sau khi phân tách xong, thì tôi chỉ phải đối mặt với các nhiệm vụ nhỏ nhỏ xinh xinh, chỉ cần 1 tiếng rưỡi đồng hồ là có thể hoàn thành. Bây giờ thì chỉ cần toàn tâm toàn ý mà làm một lèo là có thể xong từng việc, mỗi lần làm xong một việc là có thể tận hưởng cảm giác được thỏa mãn khi hoàn thành công việc. Từ đó sẽ không bị cảm giác mệt mỏi bủa vây, có thể lên tinh thần để bắt đầu làm các nhiệm vụ tiếp theo. Cả một nhiệm vụ lớn (nếu phân tách ra) có thể được hoàn thành một cách hiệu quả sau mỗi lần tập trung trí lực cho từng nhiệm vụ nhỏ.
(còn một số nội dung về Q&A-hỏi đáp nhưng nó quá thiên về toán học nên thôi, mình không dịch nữa)
To be continued.. Phần sau là về kinh nghiệm học ngoại ngữ nhaaaa!
___________