Search This Blog

Saturday, April 25, 2020

Do thái

DO THÁI (PHẦN 1)

Bạn có biết, người Do Thái chiếm 22% số lượng giải Nobel của toàn thế giới. 1/3 số triệu phú và khoảng 20% giáo sư đại học ở Mỹ là người Do Thái. Những văn kiện sáng lập của nước Mỹ (gồm Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền) đều dựa trên nguyên tắc đạo đức trong Kinh Torah của người Do Thái. Hệ thống pháp luật của các tiểu bang, liên bang ở Mỹ cùng đều có nguồn gốc từ kinh Torah.

Dân tộc này đã đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là về tư tưởng. Nhưng bản thân họ lại trải qua một lịch sử đầy đau thương với máu, nước mắt và một cuộc lưu vong kéo dài tới 2.000 năm.
____________________

SỰ HÌNH THÀNH

Một buổi sáng mùa thu năm 1812 TCN, trên thảo nguyên bát ngát của xứ Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà), một người du mục tên là Abraham bật tỉnh dậy sau một giấc mơ. Trong giấc mơ của mình, Abraham gặp một người tự xưng là Thượng Đế, chỉ dẫn cho ông hãy tiến về miền đất Canaan – nơi sẽ thuộc về ông đời đời và ông sẽ trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc.

Abraham ngước nhìn lên bầu trời xa xăm, trên môi ông nở một nụ cười. Ngay hôm đó, ông huy động cả gia đình và bộ lạc, bắt đầu một hành trình xa xăm tiến về Miền Đất Hứa.

Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham như thế. Họ hoàn thành một hành trình dài đến Canaan, phát triển trở thành một thị tộc, rồi một bộ tộc, và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc – dân tộc Do Thái. Abraham không biết rằng, cuộc hành trình của ông, rồi sẽ được đưa vào Kinh Thánh Do Thái và trở thành niềm cảm hứng của 03 tôn giáo độc thần bao trùm toàn bộ lịch sử nhân loại là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.

(Thời đại này tương đương với thời kỳ Nhà Hạ của Trung Quốc, còn ở Việt Nam thuộc Kỷ Hồng Bàng).

CANAAN

Canaan – dải đất ven biển Đại Trung Hải (bao gồm Palestine, Israel và Syria ngày nay) là nơi giao nhau của các nền văn minh, kết nối ba châu lục Phi – Á  và Âu. Khi các Đế quốc lần lượt nổi lên thì vùng đất Canaan trở thành địa điểm chiến lược, một hành lang nằm giữa biển và sa mạc, cung cấp cho các đoàn thương nhân và các đạo quân chinh phục một con đường độc nhất xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh xung quanh. Những trận đánh dữ dội đã diễn ra trên và quanh vùng đất này. Canaan trở thành lời nguyền cho các dân tộc sống ở đó bao gồm cả người Do Thái.

Tại Canaan, gia đình Abraham sống cạnh các dân tộc khác và nhanh chóng lớn mạnh qua nhiều thế hệ. Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo lần lượt được truyền lại cho con trai của ông là Isaac, và rồi đến con trai của Isaac là Jacob. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến mười hai người con trai của Jacob được gọi là 'tổ phụ" tức là tổ tiên của dân tộc Do Thái. Chữ Israel lần đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh có liên quan đến Jacob. Một đêm, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, và sau đó, chính người lạ ấy – hình bóng của Thượng Đế – đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là 'Kẻ chiến đấu với Thượng Đế'. Kể từ đó, người Do Thái được gọi là Bnei Yisrael – 'Son of Israel' (Những người con của Israel).

Jacob cường tráng đến mức ông có tới mười hai người con trai 😊. Mười hai người này lần lượt trở thành tổ tiên của mười hai bộ tộc Israel. Trong 12 bộ tộc này, bộ tộc được các độc giả hiện đại biết đến nhiều nhất là bộ tộc Judah. (Tên gọi Do Thái trong tiếng Việt xuất hiện có lẽ là do phiên âm tiếng Hán của từ Judah).

MOSES

Một trăm năm sau Abraham, đất Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém. Người lãnh đạo của gia tộc lúc này là Jacob (cháu của Abraham) dẫn toàn bộ gia tộc tiến về vùng sông Nile trù phú của Ai Cập. Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ một đôi vụ mùa, ngờ đâu kéo dài tới 400 năm. Chỉ với vài chục người ra đi lúc ban đầu, người Do Thái phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh với hàng trăm ngàn người, trở thành một mối lo ngại với Đế chế Ai Cập. Họ bị các Pharaoh quay lưng và đàn áp dã man.

Giữa hoàn cảnh nô lệ đầy khổ cực, Moses – người mà lịch sử vẫn đầy tranh cãi, xuất hiện và dẫn dắt người Do Thái tháo chạy khỏi Ai Cập. Cuộc hành trình không hề suôn sẻ, họ phải vượt qua Biển Đỏ, bị lạc trong sa mạc tới 40 năm rồi cuối cùng mới trở về chinh phục vùng đất Canaan mà Thượng Đế đã hứa cho họ từ thời Abraham.

Trong thời gian lưu lạc 40 năm trong sa mạc, tại núi thiêng Sinai, Thượng Đế đã truyền ban Mười Điều Răn và Lề Luật cho dân Do Thái thông qua Moses. Mười Điều Răn tuyệt đối này đã được người Do Thái áp dụng đến tận ngày nay.
(Thời đại này tương đương với thời kỳ nhà Thương bên Trung Quốc – chính là quân Shang trong game Đế Chế. Ở Việt Nam vẫn là thời kỳ chưa có sử - Kỷ Hồng Bàng).

PALESTINE

Vào khoảng năm 1175 TCN, một nhóm người mới xuất hiện làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn rất mong manh của Canaan. Đó là người Philistines , tiền thân của người Palestine sau này. Cộng đồng người Philistines dần lớn mạnh thông qua các cuộc xâm chiếm đất đai vào lãnh thổ của các bộ tộc Do Thái.

Với sự đe dọa ngày càng lớn, người Do Thái nhận thấy cần phải có một chính quyền trung ương dưới sự cai trị của một vị vua và quân đội "chính quy – tinh nhuệ - từng bước hiện đại". Thế là Saul trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel. Tiếp theo là David – con rể Saul, và sau đó là Solomon, con trai của David.

THỜI KỲ CỦA CÁC VỊ VUA

David là một vị tướng quân tài ba và cũng là một ông vua yêu thi ca bậc nhất trong lịch sử. Tên tuổi của ông gắn với giai thoại giết chết người khổng lồ Goliath và ông cũng là nguồn cảm hứng để Michelangelo sáng tạo ra bức điêu khắc nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ngôi sao sáu cánh đặc biệt của David đã trở thành biểu tượng của dân tộc Do Thái và nằm trên quốc kỳ của đất nước Israel hiện tại ngày nay.

Sau thời đại David là thời đại của Solomon, một học giả đầy trí tuệ. Solomon thu phục được lòng tin của lân bang, mở rộng ngoại thương tới các xứ xa và tạo nên một trong vương triều giàu có bậc nhất trong lịch sử. Ngôi Đền Jerusalem đã được hoàn thành vào năm 825 TCN và được xem là kỳ quan đệ nhất của thế giới thời đó, hoàn thành giấc mơ dang dở của Vua David.

Có thể nói thời đại David-Solomon là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Israel. Nó vĩnh viễn là một hoài niệm đầy tự hào của dân Do Thái suốt mấy ngàn năm.

(Thời đại này tương đương với thời thời kỳ Tây Chu của Trung Quốc. Ở Việt Nam vẫn là thời kỳ chưa có sử - Kỷ Hồng Bàng).

NGÔI ĐỀN THỨ NHẤT

Sau khi Solomon qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực lớn nổ ra dẫn tới sự chia tách Israel thành 2 vương quốc – vương quốc Israel ở phương Bắc với thủ đô là Samaria (nên sử sách cũng gọi là vương quốc Samaria) và Judah ở phương Nam có thủ đô là Jerusalem.

Năm 720 TCN, Vương quốc Israel phương Bắc bị xâm lăng bởi Đế quốc Assyria (một cường quốc ở vùng Lưỡng Hà). Tất cả mười bộ tộc của Vương quốc Israel phương Bắc bị giết, bị lưu đày, và biến mất khỏi lịch sử. Lịch sử gọi sự kiện này là 'Mười bộ tộc thất lạc'.

Vương quốc Judah phương Nam tồn tại lâu hơn trong sự lệ thuộc vào người Assyria rồi cuối cùng cũng bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Thành phố Jerusalem bị tàn phá, Ngôi Đền Jerusalem bị san thành bình địa, dân nước Judah hoặc bị giết hoặc bị lưu đầy sang Lưỡng Hà.

Sự kiện này kết thúc thời kỳ 'Ngôi Đền thứ Nhất'. (Thời kỳ này tương đương với Thời Xuân Thu bên Trung Quốc và thời kỳ Văn Lang – các Vua Hùng của Việt Nam).

NGÔI ĐỀN THỨ HAI

Năm 538 TCN, người Ba Tư chinh phục Đế chế Babylon và người Do Thái trở thành thần dân của Đế quốc Ba Tư. Hoàng đế Ba Tư là Cyrus nhận thấy cần xây dựng một cứ điểm tại Palestine – vùng đất trọng yếu như một cầu nối giữa Tây Á và Bắc Phi, nên quyết định trả lại tự do cho người Do Thái, cho phép họ quay trở lại đất tổ Judah.

Sự kiện này mở ra thời kỳ tự trị Do Thái. Ngôi Đền thiêng Jerusalem cũng được xây dựng lại trong thời kỳ này. Thế nhưng, người Do Thái lại chuẩn bị phải đối mặt với một trong những đế chế hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử.

Vào thế kỷ 2 TCN, từ một vương quốc lạc hậu dọc theo sông Tiber ở miền Trung Italia, La Mã đã phát triển thành một đế chế hùng mạnh chưa từng thấy trên thế giới trước đó. Sau khi đánh bại Đế chế Macedonia và Seleucid, La Mã đã trở thành người thống trị của Địa Trung Hải, mở ra lối vào Trung Đông. Người La Mã bắt đầu để mắt đến Judea.

Năm 66 (từ đây sẽ là Sau Công Nguyên), Các đội quân La Mã đụng độ với người Do Thái ở Jerusalem, người Do Thái nổi dậy chống trả. Người La Mã điên tiết xua quân đến Jerusalem. Mùa hè năm 70, quân La Mã đánh bại quân khởi nghĩa Do Thái. Hàng ngàn người Do Thái bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ. Ngôi Đền Jerusalem bị san bằng, kết thúc thời kỳ tự trị của người Do Thái. Từ thời điểm này, người Do Thái bắt đầu một cuộc sống lưu vong trên khắp các quốc gia trên thế giới kéo dài gần 2.000 năm.

(Thời kỳ này tương đương với thời kỳ Nhà Hán bên Trung Quốc. Ở Việt Nam là thời kỳ Bắc Thuộc).

THỜI KỲ NƯỚC NGOÀI CAI TRỊ VÀ LƯU VONG

Trong vòng 2.000 năm, dải đất Canaan, lúc này được gọi là Palestine lần lượt qua tay của đế chế La Mã, rồi đến lượt người Ả Rập, quân Thập Tự Chinh, đế chế Ottoman và đến thế kỷ 20 là người Anh (sau chiến tranh thế giới thứ nhất).

Cùng thời gian này ở bên ngoài Vùng đất Israel, kéo dài suốt 2.000 năm, cộng đồng người Do Thái lưu vong trôi nổi trong cuộc hành trình lưu lạc tới mọi miền đất còn lại của thế giới.
Người Do Thái lưu vong, với khả năng thiên phú về học thuật, thương mại và tài chính, có thể dễ dàng bắt đầu cuộc sống ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến. Nhưng, với lối sinh hoạt và đức tin tôn giáo khác biệt, người Do Thái trở thành đối tượng bị kỳ thị và phải sống tập trung tại các khu vực riêng (gọi là Ghetto). Trong nhiều giai đoạn, họ bị các vương quốc xua đuổi và có lúc còn bị tàn sát dã man. Đỉnh điểm là cuộc đại tàn sát người Do Thái tại Nga của Nga Hoàng vào năm 1881 và cuộc thảm sát Holocaust của Phát xít Đức, giết hại 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung.

Cho đến hiện tại, người ta vẫn tranh cái về động cơ của Hitler khi kỳ thị và giết hại dã man một số lượng lớn người Do Thái đến vậy. Cho dù lý giải được đi nữa, đây vẫn sẽ là vết nhơ lớn nhất trong lịch sử nhân loại, của cả Phát Xít Đức và của cả những quốc gia đã khoanh tay đứng nhìn để thảm họa đó xảy ra.

THỜI KỲ HIỆN ĐẠI

Từ những năm cuối thể ký 19, người Do Thái bắt đầu một ý tưởng về Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism). Phong trào này nhanh chóng được hàng triệu người Do Thái trên toàn thế giới đón nhận. Hàng trăm ngàn người bắt đầu di cư về vùng đất thiêng Jerusalem.

Năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với thắng lợi của phe Liên Minh. Quân đội Anh đánh bại người Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman) và giữ quyền ủy trị Palestine cho đến 1948. Với một quá trình vận động dai dẳng và thông minh, năm 1947, Liên Hiệp Quốc đồng ý kế hoạch chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập.

Ngày 14/5/1948, Quốc gia Do Thái chính thức ra đời với tên gọi Israel. Người Do Thái trở lại mảnh đất Canaan của họ sau 2.000 năm lưu lạc.

Và có vẻ như Thượng Đế đã giữ đúng lời hứa với Abraham khi xưa ./.
__________________________________

Tôi chú ý đến chủ đề này khi nhìn thấy Omega+ xuất bản cuốn Lịch sử Do Thái của của Paul Johnson. Đây là cuốn sách giày cộp (900 trang, vâng, nhắc lại là 900 trang) và có có lẽ là cuốn được thiết kế đẹp nhất của Omega+. Một cuốn sách dày dã man như thế mà được tái bản ngay sau 01 tháng thì hẳn phải rất tuyệt vời.

Nhưng, đời không như là mơ. Cuốn sách được viết từ những năm 80 (xuất bản lần đầu năm 1987), dày đặc chữ và không hề có các tiêu đề phụ, bạn sẽ chỉ thấy toàn chữ và chữ mà thôi. Với lượng thông tin đồ sộ và quá chi tiết như vậy, bạn sẽ luôn luôn bị lạc trong mớ thông tin và không thể biết mình đang ở chỗ nào trong mê cung của cả cuốn sách. Tôi đầu hàng và gập sách lại sau 200 trang đầu tiên.

Rất may mắn, tôi tìm được 2 cuốn sách cùng chủ đề của một tác giả Việt Nam tên là Đặng Hoàng Xa. Cuốn 1: "Câu chuyện Do Thái – Lịch sử thăng trầm của một dân tộc" và Cuốn 2: "Câu chuyện Do Thái – Văn hóa, Truyền thông và Con người". 
 
Đặng Hoàng Xa tốt nghiệp Đại học San Francisco, làm việc tại thung lũng Silicon trong 30 năm và cuối đời, ông nghiên cứu nhiều về tôn giáo. Cả hai cuốn sách đều có lời văn giản dị, trong sáng (không qua dịch thuật), kết cấu mạch lạc và vô cùng dễ đọc. Phần lớn các nội dung trong bài tóm tắt này là từ Cuốn 1 nêu trên của ông. Tôi đặc biệt recommend 2 cuốn này cho tất cả những ai muốn bắt đầu tìm hiểu về Do Thái Giáo và người Do Thái.

Còn cuốn của Paul Johnson, nó vẫn là một cuốn sách quá đẹp. Tôi cất lên giá sách ở vị trí dễ nhìn để trang trí và khoe khoang với bạn bè. Sau này, chắc khoảng khi nghỉ hưu, tôi sẽ bắt đầu đọc lại nó.

25/04/2020

Bài gốc tại Góc Của Việt Lơ

#DoThai
#LichSuDoThai
#CauChuyenDoThai
#DangHoangXa
#PaulJohnson

No comments:

Post a Comment

CON NGƯỜI và TINH THẦN

CON NGƯỜI và TINH THẦN 1 –  " Nếu có một gã trọc phú hàng to súng lớn, có thể mua biệt thự alibaba cho em ở, xe lếch xù cho em đi, nạp ...