Search This Blog

Thursday, May 14, 2020

Toàn cầu hoá

Cơ hội nào cho Toàn Cầu Hóa?

Nghị trường Úc châu đang cực nóng khi trong mấy tuần qua Trung Quốc liên tiếp có những lời đe dọa và hành động trả đũa đối với việc Australia quyết tâm kêu gọi một cuộc điều tra độc lập để truy xét tận cùng về xuất xứ của Coronavirus.

Sau khi đưa ra những lời đe dọa trừng phạt Úc châu về thương mại, đầu tư, du học, du lịch, mới đây Trung Quốc đã chính thức đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò đối với 4 lò mổ lớn của Úc - chiếm 35% tổng lượng thịt bò Úc xuất khẩu sang Trung Quốc, với doanh thu thương mại có thể đạt tới 3.5 tỷ đô la mỗi năm.

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng việc áp mức thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 80% đối với mặt hàng lúa mì Úc xuất khẩu vào nước này. Đây sẽ là một đòn đánh mạnh vào nông dân Úc, những người vừa bị khốn đốn bởi hạn hán và cháy rừng lịch sử, bởi Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì của Úc với giá trị giao dịch thường niên ước tính khoảng 1.5 tỷ đô la.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất, nếu không muốn nói là có vai trò sống còn đối với nền kinh tế Úc. Trung Quốc dừng giao dịch cũng giống như cơ thể Úc bị tắc mạch máu, nguy hiểm khôn lường.

Đại dịch Covid với những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu, và đặc biệt là cách hành xử của Trung Quốc đang làm cho chính phủ Úc (cũng như nhiều chính phủ khác) thấy rõ một điều: Quốc gia thật sự lâm nguy khi quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào một nước (nhất là Trung Quốc).

Toàn Cầu Hóa là xu thế khởi phát sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với sự tan ra của khối XHCN đứng đầu bởi Liên Xô. Dưới bóng ma của chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh nguyên tử, các nước thấy rõ, ngoài việc cần có thêm thị trường tiêu thụ và thị trường nhân công, nguyên vật liệu, thì Toàn Cầu Hóa sẽ giúp họ tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau để giảm nguy cơ đụng đột quân sự. 

Cột sống của Toàn Cầu Hóa chính là Chủ nghĩa thương mại tự do, bắt đầu với sự ra đời và gia tăng hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua các vòng đàm phán đa biên, tiếp đến là sự nổi lên của phong trào đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ở cấp song phương và khu vực khi khuôn khổ WTO gặp bế tắc.

Chủ nghĩa thương mại tự do, được xây dựng trên nền tảng của lý thuyết về lợi thế cạnh tranh và phân công lao động quốc tế, chỉ có thể thực hiện được với giả định một nước khi tập trung cho các ngành mình có thế mạnh, sản xuất được hàng hóa nhiều nhất và tốt nhất, thì sẽ có thị trường bên ngoài tiêu thụ, và ngược lại, bản thân họ sẽ dùng tiền thu được từ xuất khẩu để mua (nhập khẩu) từ nước ngoài những hàng hóa mình không làm.

(Các bạn có thể đọc thêm bài "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và ABC về thương mại quốc tế" tôi đã từng viết tại đây: https://www.facebook.com/100009901717375/posts/872216239785092/)

Thế nhưng sự kiện Covid-19 đã phơi bày những mặt trái của "free trade" và làm đảo lộn tất cả. Những lo lắng, nghi ngờ về chủ nghĩa thương mại tự do có dịp được gia tăng và trỗi dậy thêm. Sự ngờ vực, chống Toàn Cầu Hóa và thương mại tự do không phải là vấn đề mới (các bạn có thể tìm đọc về sự kiện Seatle 1999 phản đối WTO), chỉ là gần đây nó có thêm nhiều cơ sở mà thôi. 

Tiêu biểu cho những người phản đối thương mại tự do có lẽ là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng ta còn nhớ, ngay khi lên cầm quyền, việc đầu tiên vị Tổng thống này làm là rút Hoa Kỳ ra khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" và "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thậm chí xung đột thương mại với cả những nước được xem là đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay láng giềng gần như Canada, Mexico.

Những sự kiện xảy ra trên thế giới thời gian qua, đặc  biệt xoay quanh các tranh chấp ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ, EU, Úc và Trung Quốc, đang tạo ra nhiều thách thức đối với phong trào Toàn Cầu Hóa. Liệu Toàn Cầu Hóa có sẽ tiếp tục hay đổ vỡ? Hay Toàn Cầu Hóa sẽ tiến hóa và bước lên một bậc cao hơn với những thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung? Cơ hội nào cho Toàn Cầu Hóa?

Như đã chia sẻ trong bài viết "Thử hình dung về thế giới hậu Coronavirus" (https://www.facebook.com/anhtuannguy3n/posts/1129301734076540), cá nhân tôi cho rằng, sau khi đại dịch qua đi, các quốc gia sẽ mở cửa trở lại, tiếp tục giao du với thế giới bên ngoài, bởi các liên kết, đã hình thành sau nhiều chục năm qua không chỉ là về kinh tế mà còn là các kết nối ở cấp độ con người, là không thể bị phá vỡ trong ngày một ngày hai. Một ví dụ minh về các liên kết chặt chẽ ở hạ tầng là khái niệm "gia đình quốc tế" - gia đình có bố mẹ, con cháu sinh sống và làm việc ở các quốc gia khác nhau - điều đã không còn xa lạ và ngày càng phổ biến. 

Do đó, cửa nhất định sẽ mở, tuy vậy, từng quốc gia sẽ phải tính toán và điều chỉnh lại các chuỗi giá trị liên quan đến việc phát triển của đất nước mình.

Với sự rút lui của Hoa Kỳ, sự bất an ngày càng tăng lên của các nước trong quan hệ với Trung Quốc, cộng với ý thức tự cường, tự chủ được củng cố sau đại dịch, vai trò của các thỏa thuận về thương mại tự do sẽ không còn mạnh như trước. Các nước sẽ tập trung nguồn lực để phát triển nguồn lực nội tại, hướng nền kinh tế vào bên trong nhiều hơn ra bên ngoài như trước. Những nước phụ thuộc quá vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, nếu không điều chỉnh, sẽ trở thành những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Ở cấp độ vi mô, các tập đoàn kinh tế thay vì tận dụng lợi thế của khoa học kỹ thuật và các hiệp định thương mại tự do để phát triển cơ sở cung ứng trên phạm vi toàn cầu như lâu nay, sẽ phải điều chỉnh lại một cách tổng thể theo hướng đưa các nguồn cung về gần với mình hơn để tránh các rủi ro "ngăn sông cấm chợ" có thể xảy ra như hiện tại. 

Chiến lược "Exit China" hay "No China" (thoát Trung, không đầu tư vào Trung Quốc), hoặc chí ít là "China plus one" (Trung Quốc cộng một) sẽ được các công ty, tập đoàn thực thi mạnh mẽ và triệt để hơn nữa (Thậm chí trong nhiều trường hợp có sự trợ giúp của nhà nước ví dụ như Nhật Bản đang tài trợ tiền cho các doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc).

Và như thế, Toàn Cầu Hóa nếu có tiếp tục, nhất định sẽ có những thay đổi lớn cả về hình thức lẫn nội dung.

Còn với chúng ta, người trần mắt thịt, thì sao? Đừng nghĩ đây chỉ là chuyện thời sự quốc tế xa vời dành cho những người rảnh rỗi. Trái lại, hãy cùng nhau theo dõi xem tình hình thế giới xoay chuyển ra sao, bởi trên một quả địa cầu chật hẹp, nơi loài người chen chúc và quá phụ thuộc lẫn nhau, nhất cử nhất động ở bên kia bờ đại dương đều có thể ảnh hưởng chính đến miếng cơm manh áo của chúng ta mỗi ngày.

Sydney, 14/05/2020

Anh Tuấn Nguyễn 

Sáng lập 5StarGuides - Mạng lưới hướng dẫn viên được chấm điểm 5 sao

Giám đốc Công ty Sydney Signature Tours - Chuyên tour riêng cao cấp tại Úc

No comments:

Post a Comment

Phật giáo vs cúng sao

Nhiều người nói Phật giáo bây giờ biến tướng, cúng sao giải hạng mê tín dị đoan... Nhưng mất đi cái đó rồi, nhóm những con người có ít họ...