Search This Blog

Monday, June 8, 2020

Chiến lược

TƯ DUY CHIẾN LƯỢC 
(Diễn giải một cách đơn giản nhất) 

Chiến lược (strategy) là con đường dẫn ta đi đến đích được mô tả trong tầm nhìn (vision). Nói cách khác, hiện ta đang đứng ở A và muốn đi đến B, thì tầm nhìn là hướng về B và chiến lược là vạch nối từ A đến B, và tất cả những hành động, hoạt động để giúp ta đi từ A đến B chính là sách lược (tactics), kế hoạch hành động (action plan).

Lấy một ví dụ trực quan tối giản để các bạn dễ hình dung: đạp xe đạp từ nhà đến văn phòng. Nhà là điểm xuất phát, hay "hiện trạng" (A), văn phòng là đích đến, hay "tầm nhìn" (B), con đường từ nhà đến văn phòng chính là "chiến lược", và việc đạp xe sao cho an toàn, không ngã, không lạc đường chính là thực thi "kế hoạch hành động".

Cách tư duy như vậy tôi gọi là "tư duy chiến lược" (strategic thinking). Không có gì to tát cả. Chỉ cần hiểu đơn giản như thế là tất cả mọi việc của bạn đều trở nên dễ dàng và rành mạch. Trước khi bắt tay làm bất cứ việc gì, hãy tư duy một cách chiến lược.

Như vậy, tư duy chiến lược là cách hình dung trước toàn bộ quá trình của một việc, từ bắt đầu đến kết thúc, mối quan hệ nguyên nhân kết quả (causal relationship) của các hành động, hoạt động trong chuỗi mắt xích công việc sẽ diễn ra, qua đó giúp ta dự báo được tuần tự những công đoạn phải làm (actions, activities), những công cụ phải có (resources), những thách thức (challenges) phải đối mặt và rủi ro (risks) có thể xảy ra.

Tư duy chiến lược là quan trọng và áp dụng cho mọi việc lớn bé trong cuộc sống. Đối với người làm kinh doanh, tư duy chiến lược giúp nhìn rõ con đường mà doanh nghiệp đang đi, những cơ hội, thách thức, những điểm mạnh và hạn chế, để từ đó có thể lập kế hoạch phân bổ nguồn lực một cách tối ưu nhằm đi đến đích đến mong muốn.

Vì tư duy chiến lược giúp ta "thấy trước" những gì có thể xảy đến, do vậy có thể đưa ra được những hành động để "mở khóa" cho những việc muốn xảy ra hoặc "chốt chặn" những điều không mong muốn, bởi tất cả mọi việc đều có quan hệ nguyên nhân kết quả.

Nếu bị lạc vào trong một phòng tối chẳng hạn, thay vì quờ quạng vô định để tìm lối ra, tư duy chiến lược sẽ mách rằng: hãy men theo bờ tường gần nhất, nhất định tìm được công tắc đèn. Bật được công tắc (mở khóa), đường đi sẽ sáng như ban ngày.

Chúc bạn sớm tìm thấy "công tắc" của cuộc đời mình.

Từ Sydney, Australia

Anh Tuấn Nguyễn 
Owner & Director
Sydney Signature Tours: Công ty số 1 về tư vấn, thiết kế và tổ chức tour cao cấp tại Úc

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...