#wednonquora
Tạo trắc nghiệm khách quan trong đánh giá giáo dục: Một công việc vui vẻ !
Phần 2: Tạo câu hỏi trắc nghiệm
[Lưu ý không chia sẻ hoặc sao chép bài viết sang bất kì nơi nào khác vượt ngoài mục đích lưu trữ cá nhân mà chưa có sự đồng ý của tác giả]
Link phần 1: https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2715703908662728/
Trong các kì thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp hay thi học kì tại nước ta, đa phần chúng ta thấy phổ biến nhất đối với hình thức trắc nghiệm là một câu hỏi có 4 lựa chọn với 1 đáp án đúng. Điều này giúp dễ dàng cho máy chấm trắc nghiệm và không cần đến giám khảo để chấm tay.
Thực tế, trắc nghiệm có tới 4 hình thức thông dụng:
- Câu hỏi Đúng - Sai
- Câu hỏi có nhiều lựa chọn (MCQ)
- Câu hỏi ghép cặp
- Câu điền khuyết
Do tính phổ biến, chúng ta sẽ chủ yếu tập trung vào câu MCQ có 4 lựa chọn.
CẤU TRÚC CỦA MỘT CÂU HỎI
Câu MCQ có phần gốc là câu hỏi và phần lựa chọn (3, 4 hoặc 5 câu), trong đó có 1 câu đáp án đúng, còn lại là câu "mồi nhử", "câu nhiễu" (distractors).
Câu MCQ có tính phổ biến bởi:
- Độ may rủi thấp, tỉ lệ đánh lụi hay đoán đáp án khó.
- Nếu soạn đúng quy cách, kết quả có tính tin cậy và giá trị cao.
- Chấm nhanh, kết quả chính xác, khảo sát được số đông học sinh.
Tiết lộ qua chiều dài của câu trắc nghiệm (câu Đúng thường dài), dùng danh từ khó so với các lựa chọn khác, cách dùng chữ hay chọn ý (không bao giờ, thường thường…) tiết lộ qua những câu đối chọi hay phản nghĩa nhau, tiết lộ do những mồi nhử quá giống nhau về tính chất, tiết lộ qua câu trùng ý, tiết lộ qua mồi nhử sai một cách rõ rệt - Lý Minh Tiên.
Nếu bạn đã từng thi lý thuyết bằng lái xe qua hình thức trắc nghiệm, bạn sẽ thấy nó rất dễ. Bỏi lẽ chỉ cần đọc sơ lý thuyết là hoàn toàn có thể đoán đáp án của câu hỏi (nếu không tin, bạn có thể xem hình 2)
Một trong những vấn đề là câu trắc nghiệm phải làm sao cho chỉ khi học sinh tư duy đúng thì mới chọn được đáp án đúng. Nếu câu hỏi quá dễ dàng đoán được đáp án đúng thì nó thiếu độ tin cậy. Nếu câu hỏi quá đánh đố (đặc biệt là phần chữ nghĩa quá rắc rối) thì nó không đảm bảo đo được tư duy của học sinh mà chỉ đơn thuần ai nhạy mắt hơn sẽ đúng. Như bài viết trước, mục đích của trắc nghiệm là đo MỨC ĐỘ NHẬN THỨC của học sinh.
Vì thế, vài nguyên tắc cơ bản khi soạn câu trắc nghiệm:
- Nội dung phải rõ ràng, chính xác, tuy nhiên cũng không phải chép hoàn toàn từng câu từng chữ trong sách ra (vì như thế sẽ khuyến khích học sinh học vẹt), chuyển đổi sao cho đúng.
- Các mồi nhử phải hấp dẫn đối với học sinh (để làm được điều này, cần khảo sát trên chính học sinh).
Ngoài ra, có rất nhiều lưu ý cũng như chỉ ra những lỗi cơ bản khi soạn câu trắc nghiệm được ghi chép trong các sách về Đo lường và đánh giá kết quả học tập nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu sâu.
CÂU NÀO DỄ - CÂU NÀO KHÓ
Làm thế nào để biết được câu nào dễ và câu nào khó? Chắc chắn trong một bài thi, bạn không thể để tất cả các câu dễ và khó cùng một lúc mà cần có sự đan xen với nhau. Nhưng đánh giá thế nào là khó, hay dễ, không dựa vào cảm quan của giáo viên được, mà cần đánh giá đối với học sinh. Vì vậy, chúng ta cần có đại lượng để tính toán.
Độ khó (ĐK) của một câu trắc nghiệm được tính bằng tổng số người trả lời đúng câu hỏi trên tổng số người trả lời. Giả sử có 6 học sinh chọn đúng đáp án của câu hỏi trên 10 học sinh, thì độ khó là 60%.
Tuy nhiên, làm thế nào để biết được độ khó này đã phù hợp với học sinh hay chưa. Làm sao ta biết như vậy là câu quá khó hay quá dễ, lúc này cần có một đại lượng tiêu chuẩn để so sánh, gọi là ĐỘ KHÓ VỪA PHẢI (ĐKVP)
ĐKVP = (100% + TỈ LỆ MAY RỦI)/2
Như vậy, với câu MCQ có 4 lựa chọn, tỉ lệ may rủi là 25%, thì ĐKVP = 62.5%.
62.5% được xem là điểm mốc. Ở đây ta lấy tỉ lệ sang hai bên trục hoành, ta xác định vùng ĐKVP nằm từ 55% -70%. Nếu ĐK nằm trong khoảng này, câu hỏi có ĐK vừa phải. Nếu trên khoảng này thì câu hỏi rất dễ và ngược lại, rất khó.
Dựa vào kết quả bên trên, khi soạn các câu trắc nghiệm chúng ta sẽ xem xét lựa chọn các câu hỏi như thế nào theo mục đích: lựa chọn học sinh năng khiếu, khảo sát năng lực học sinh, tổ chức khi kết thúc học phần...
CÂU CHUYỆN PHÂN HOÁ NĂNG LỰC
Mỗi khi kết thúc kì thi THPT Quốc gia, chúng ta thường nghe những lời than phiền, thường đến từ các thầy cô và giảng viên đại học về khả năng phân hoá học sinh. Hầu hết các ý kiến cho rằng đây điểm yếu của trắc nghiệm khách quan khi là hình thức quyết định kết quả vào đại học.
Vẫn như đã nói, chuyện phân hoá học sinh giỏi hay kém, không dựa vào cảm quan của chúng ta được, bởi lẽ trắc nghiệm chỉ có đúng hoặc sai. Vì vậy, sau khi tính ĐK của câu trắc nghiệm, công việc tiếp theo chúng ta cần làm là tính Độ phân cách câu trắc nghiệm.
Độ phân cách của một câu trắc nghiệm là một chỉ số giúp ta phân biệt được HS giỏi với HS kém. Cho nên, một bài trắc nghiệm gồm toàn những câu trắc nghiệm có độ phân cách tốt trở lên sẽ là một công cụ đo lường có tính tin cậy cao - Lý Minh Tiên.
Với cách đơn giản nhất, công việc của chúng ta sau khi đã khảo sát học sinh là phân các điểm số từ cao xuống thấp, sau đó chọn 27% bài điểm cao và 27% bài điểm thấp. Chúng ta gọi hai nhóm này là nhóm cao và nhóm thấp.
Công thức tính Độ phân cách:
D = Tỉ lệ % nhóm cao làm đúng - Tỉ lệ % nhóm thấp làm đúng
= [(Số HS nhóm cao đúng - Số HS nhóm thấp đúng) / Số HS 1 nhóm] * 100%
Sau khi có trị số D, nếu từ 40% trở lên thì câu hỏi này có độ phân cách rất tốt; từ 30 - 39% được xem là khá tốt nhưng vẫn có thể làm cho tốt hơn; 20 - 29% là tạm được và cần được sửa chữa nhiều, và dưới 20% thì câu hỏi buộc phải loại bỏ hoặc làm lại.
Trị số D nói lên điều gì? Khi chúng ta soạn một câu trắc nghiệm, học sinh giỏi chắc chắn sẽ chọn đúng nhiều hơn học sinh kém. Nếu chẳng may sự chênh lệch này quá ít hoặc gần như không có, điều đó đồng nghĩa với việc hoặc câu này quá dễ, hoặc câu này dễ bị đoán đáp án, đến mức mà học sinh kém cũng chọn đúng được.
Trên đây là 2 chỉ số thể hiện chất lượng của câu hỏi trong bài trắc nghiệm. Phần tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách đánh giá đâu là bài trắc nghiệm tốt và đâu là bài trắc nghiệm kém.
(còn tiếp)
Regards, LongNX
No comments:
Post a Comment