Search This Blog

Monday, August 10, 2020

Nên (và không nên) viết gì trong CV ứng tuyển kỹ sư phần mềm?

Nên (và không nên) viết gì trong CV ứng tuyển kỹ sư phần mềm?
[Tác giả: James S. Fisher
Ngày xuất bản: 01/01/2019
Link bài viết gốc: https://link.medium.com/GBt4KGKc47
Ảnh minh họa: Kelly Sikkema trên Unsplash
Dịch: Bùi Thanh Lâm]
(ND: trong bài này mình sẽ dùng từ CV để cùng chỉ hồ sơ, CV hay resume nói chung, nhằm tạo sự gần gũi với người đọc Việt Nam. Các khái niệm này thực tế có thể có đôi chút khác nhau, tùy từng trường hợp)
Nên viết gì trong CV là một trong những câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ mọi người. Tôi đã từng đọc hàng nghìn bản CV, phỏng vấn người khác hàng chục lần, hỗ trợ phía nhân lực tìm người cũng cả tá. Vì vậy, tôi sẽ nói chính xác những gì mình kỳ vọng trong bản CV của bạn nếu tôi là nhà tuyển dụng.
RESUME HAY CV?
Ở Mỹ, một bản ghi lại các thành tích và kinh nghiệm làm việc được gọi là résumé. Tại Châu Âu hoặc một số nơi khác, nó được gọi là CV (curriculum vitae). Tóm lại, mục đích của chúng đều như nhau: tóm tắt ngắn gọn kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, học vấn, thông tin liên hệ, và những thứ khác mà giúp người ta xác định bạn có phù hợp với vị trí đang ứng tuyển hay không.
Tôi sống ở Mỹ, nên tôi sẽ có xu hướng theo cách nhìn ở Mỹ hơn; tuy nhiên tôi sẽ cố gắng đặt theo quan điểm tại một số nơi mà tôi đã từng trải nghiệm.
TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CHÚNG?
Gần như hầu hết mọi công việc đều coi CV là yêu cầu bắt buộc. Khi bạn kiếm một công việc gì đó trên mạng, ấn click "Ứng tuyển ngay" thì trang tiếp theo chắc chắn sẽ dẫn bạn đến một nơi để điền hoặc tải CV. Đương nhiên tuyển dụng còn cả một quá trình phỏng vấn và thương lượng lâu dài phía sau, nhưng một bản CV sẽ cho nhà tuyển dụng cái nhìn tổng quan trước những bước tiếp theo đó.
Bản CV giống như tấm vé gửi xe vậy. Nhà tuyển dụng đứng giữa một đống CV, và so sánh cái của bạn với của những người khác. Do đó, thống nhất một số thứ trong CV sẽ đem lại cho bạn cơ hội bình đẳng với những người khác.
ĐỘ DÀI
Hãy cố gắng viết trong một trang giấy. Sang trang thứ hai cũng tạm chấp nhận được, nhưng những thứ ngoái 2 trang đầu khả năng sẽ không ai đọc đến đâu.
Nhà tuyển dụng thường đọc nhiều CV cùng một lúc, vì thế hãy đem những gì tốt đẹp nhất của bản thân để viết vào đầu tiên nhé.
ĐỊNH DẠNG
PDF nhé. Làm việc với nhiều định dạng khác nhau thật phiền phức. Và những định dạng khác như MS Word hay Google Docs đều có thể chuyển đổi sang PDF mà. Văn bản thô thì khó đọc khi in ra. Tóm lại, PDF vẫn là định dạng phổ biến nhất.
CÓ CẦN ĐƠN XIN VIỆC KHÔNG?
Nếu quy trình đó yêu cầu thì cứ viết thêm thôi. Nếu không thì bạn không cần bận tâm. Với kỹ sư phần mềm, ít người quan tâm đến cái đó lắm.
Có thể việc bày tỏ sự hứng thú, quan tấm đến vị trí và công ty đó sẽ là lợi thế trong mắt nhà tuyển dụng, nhưng bạn có thể làm điều này trong quá trình phỏng vấn.
Nếu phải viết đơn xin việc, hãy viết ngắn thôi, khoảng 2 – 3 đoạn. Viết về quá trình bạn tiếp cận được với thông báo tuyển dụng này, và kể ra những kỹ năng mà bạn thấy phù hợp với vị trí và công ty dó.
TÔI CHƯA TỪNG VIẾT CV BAO GIỜ. PHẢI LÀM THẾ NÀO?
I dì. Bước một, google "software engineer resume". Sau đó kiếm một cái template có sẵn nào đó trên Google Docs. Tôi thấy mẫu "Serif" là đẹp nhất.
CẤU TRÚC CỦA MỘT CV
Tôi kỳ vọng sẽ được thấy các mục sau, theo thứ tự:
1. Thông tin cá nhân & liên hệ
2. Kỹ năng
3. Kinh nghiệm
4. Dự án (nếu đáng kể hoặc bạn chưa có nhiều kinh nghiệm)
5. Học vấn
6. Giải thưởng, thành tích nổi bật hoặc bất kỳ cái gì liên quan (nếu có)
Cụ thể như sau
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Làm ơn hãy ghi giúp tôi ít nhất là cái tên, cái email và số điện thoại. Nếu có nickname, cũng hãy ghi ra, ví dụ: James "Buckeye" Fisher.
Một địa chỉ chính xác có thể không quá quan trọng trong thời đại số, nhưng cũng nên đề cập đến thành phố, tỉnh đang sống, để sau này họ hỗ trợ chi phí đi lại chẳng hạn.
Hãy viết link tới những profile quan trọng, chẳng hạn Github và LinkedIn. Để link Github lên đầu là rất ăn điểm đấy: tôi sẽ vào xem code của bạn ngay lúc ấy luôn.
Không nên chèn ảnh của bạn vào. Điều này khá phổ biến ở các nước khác ngoài Mỹ. Thêm ảnh vào dễ gây ra thiên kiến cá nhân từ các nhà tuyển dụng.
KỸ NĂNG
Liệt kê các công nghệ mà bạn biết là rất cần thiết vì:
· Cho thấy cái nhìn tổng quan về mảng kỹ năng và kiến thức của bạn
· Vượt qua các bộ lọc (có thể chạy bằng máy) nếu có
· Đôi khi bộc lộ bạn có để ý những chi tiết nhỏ hay không: bạn viết JavaScript có đúng không? Bạn có ghi rõ bản distro Linux nào không hay chỉ nói chung chung là "Linux"?
Hãy liệt kê theo thứ tự giảm dần các ngôn ngữ bạn quen thuộc, hay các framework, hệ điều hành, công cụ và phần mềm khác…
Hãy chú ý tùy chỉnh CV sao cho phù hợp với JD (mô tả công việc). Giả sử JD có yêu cầu ngôn ngữ Ruby, hãy đề Ruby lên đầu. Nhà tuyển dụng sẽ kiểu "À, đây, đúng người đang cần đây rồi!".
Không nên liệt kê những chứng chỉ mà không được công nhận rộng rãi. Tôi nghĩ chỉ nên ghi chứng chỉ của Microsoft và Cisco thôi. Hiện nay có rất nhiều chứng chỉ online trên mạng, nhưng về cơ bản nó tốn thời gian và tiền bạc. Ở đây chúng tôi không quan trọng có nhiều chứng chỉ, mà kỹ năng mới là thứ quyết định.
Không bao giờ "xếp hạng năng lực" của bản thân. Sẽ có nhiều trang web có kiểu đánh giá cho bạn năng lực từ 1 sao đến 5 sao… về React hay jQuery. Mấy cái xếp hạng này thực sự vô nghĩa, không khác gì những chứng chỉ phía trên cả. (Không nói đến thứ hạng trên StackOverflow, TopCoder hay HackerRank nhé, mặc dù cũng không có quá nhiều ý nghĩa nhưng chúng tôi cũng sẽ có để ý qua).
Đừng liệt kê Microsoft Word. Ai ai cũng biết dùng MS Word cả.
KINH NGHIỆM LÀM VIỆC
Đây là phần chính của CV. Kinh nghiệm làm việc quan trọng bởi nó mô tả những gì bạn được trả công để làm. Nếu có ít kinh nghiệm, hãy thay thế bởi những dự án cá nhân (xem phần sau).
Ở mỗi mục kinh nghiệm hãy ghi tên công ty, thời gian làm việc và 2 – 5 gạch đầu dòng về những thứ bạn đã làm.
Sử dụng từ ngữ là rất quan trọng. Hãy sử dụng những động từ như: phát triển, xây dựng, tạo, phân phối, quản lý, thiết kế, phân tích, chỉ đạo, phụ trách…
Hãy định lượng hóa hiệu quả kinh tế của những công việc bạn đã làm. Nếu ứng dụng của bạn giúp người dùng tiết kiệm thời gian, thì đó là ai, và bao nhiêu thời gian? Nếu bạn xây dựng tính năng giao hàng, vậy bao nhiều người dùng, doanh thu thu về là bao nhiêu? Các con số không phải lúc nào cũng sẵn có, nhưng nếu có thể, hãy viết ra để nhà tuyển dụng hiểu được sản phầm bạn làm, hơn là ngồi đọc code của bạn.
Hãy kể về bản thân. Đương nhiên mọi công sức đều của tập thể chung, tuy nhiên bạn phụ trách phần nào, thì hãy nói hết cho chúng tôi biết. Bạn thức đến 3 giờ sáng để fix một hệ thống lỗi tùm lum, thì hãy kể ra. Bạn tìm ra nguyên nhân của một con bug mà không ai phát hiện ra, thì cũng hãy khoe ra.
Không bao giờ được chém gió. Lừa dối chỉ giúp bạn đến được cánh cửa thôi, nhưng trong ngành này, chỉ nói chuyện một lúc là những kẻ lừa đảo sẽ lòi ra hết!
DỰ ÁN
Nếu bạn chưa có quá nhiều kinh nghiệm làm việc, hãy thay thế bởi các dự án. Kinh nghiệm thì cần ấn tượng, còn dự án thì nên thú vị.
Tôi cần biết không chỉ bạn làm dự án gì mà còn là tại sao bạn làm nữa. Dự án tốt là dự án giải quyết vấn đề trong chính đời sống của bạn. Dự án tuyệt vời là dự án giải quyết vấn đề mà mọi người đều gặp phải – đôi khi chúng sẽ trở thành ý tưởng kinh doanh.
Dù là dự án nào, hãy nói đến phần công việc khó nhất mà bạn đã vượt qua và những thử thách mà bạn đã gặp phải.
Hãy dẫn link tới project để tôi có thể xem chúng để biết chắc nó là gì, nó làm gì và đâu là điểm hay ho nhất.
Hãy dẫn link tới code của project nếu có thể.
HỌC VẤN
Phần này sẽ tương đối ngắn, nhưng là bắt buộc trừ phi bạn tự học. Nếu có bằng đại học, hãy viết ra tên bằng và niên khóa. Nếu học từ trung tâm, hãy kể tên khóa học ấy. Nếu có giải thưởng ở trường, cũng hãy liệt kê ra, cùng với câu lạc bộ hay các hội nhóm khác.
Hãy ghi cả điểm GPA nếu chúng ổn. Nếu không, thì thôi (Có nhà hàng 2 sao nào lại đi quảng cáo là mình 2 sao không?)
NHỮNG THỨ KHÁC
Đây là phần thú vị. Viết vài dòng để mọi người thấy rằng bạn là con người thú vị, chẳng hạn như tài lẻ, sở thích. Bạn sắp phải ở chung phòng với những người xa lạ, và những thứ nhỏ bé này biết đâu sẽ trở thành chủ đề bắt chuyện hay ho.
Không nên đề cập tới ngôn ngữ bạn nói nếu công việc không yêu cầu, bởi điều này cũng có thể gây ra thiên kiến cá nhân từ nhà tuyển dụng.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...