Chúng ta có nhận thức trực tiếp được sự vật trong nhận thức?
Câu hỏi này có vẻ lẩn thẩn, nhưng rất quan trọng trong bước đầu để tìm hiểu nhận thức.
1. Câu chuyện bắt đầu từ việc chúng ta hay nói rằng "Bạn nói "sự vật A là thế này" là không "đúng sự thực" mà sự vật A phải thế kia bởi vì kinh nghiệm cho thấy điều XYZ và XYZ là "sự thực"". Trong lập luận trên, chúng ta cho răng kinh nghiệm là "có thực" bởi chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp bằng giác quan, hoặc thông qua tác động của chúng lên sự vật khác mà chúng ta có thể cảm nhận bằng giác quan. Tuy nhiên, niềm tin này chỉ đúng nếu nhận thức của chúng ta về sự vật là "trung thành" và trực tiếp. Có nghĩa là chúng ta có một phiên bản giống hệt về sự vật trong tâm trí. Chẳng hạn trong tâm trí chúng ta có một cơ chế nào đó, có thể là số (digital) hoặc là siêu số (super digital), và sự vật sẽ được hình thành nhờ superbit đó (có thể là q-bit hoặc siêu việt hơn mà chúng ta chưa biết). Nếu vậy, chúng ta phải thừa nhận là sự vật cũng phải là superbit. Tức là thế giới vật chất và ý thức của chúng ta cùng phải hình thành từ cùng một chất liệu siêu vật chất nào đó.
2. Giả thiết này không phải là không thể, nhưng nó mạnh đến nỗi sẽ thành chuyện lớn hơn chính câu hỏi ban đầu của chúng ta và cần có sở cứ để tiếp tục nghĩ theo hướng đó. Việc trả lời một câu hỏi đơn giản bằng cách đưa ra một giả thiết còn lớn hơn và không có sở cứ là một phương án tồi hơn nhiều so với giả thiết về Thượng đế hoặc tiểu thuyết viễn tưởng. Tất nhiên, nếu chúng ta hạn chế ở cơ chế vật chất chứ không phải là siêu vật chất thì rõ ràng mệnh đề trên không khả dụng, bởi lẽ không có một con gà thực sự tồn tại trong tâm trí của chúng ta.
3. Nhiều khả năng là con gà trong ý thức của chúng ta chỉ là một biểu diễn hay một ánh xạ của con gà vào ý thức. Nếu không phải là phiên bản giống hệt, tức là sẽ có nhiều biểu diễn với sự bóp méo khác nhau, hoặc với độ trung thành khác nhau. Điều này cũng tựa như Quốc hội về nguyên tắc phải đại diện hay biểu diễn trung thành nguyện vọng của người dân, nhưng sự tế đã phát hiện những nghị sị không hề trung thành, và cũng có thể có những nghị sĩ không trung thành chưa bị phát hiện. Thực tế là nhận thức về con gà cũng thay đổi, nếu bạn thấy gà Đông Tảo, gà chọi, gà tre, bạn sẽ luôn luôn phải điều chỉnh nhận thức này. Như vậy, con gà trong nhận thức không phải là con gà thực và cũng không có gì đảm bảo là con gà trong nhận thức của chúng ta là trung thành với những con gà chúng ta đã từng nhìn thấy. Như vậy đoan quyết của chúng ta về "sự thực" dựa trên kinh nghiệm của chúng ta không có gì đảm bảo. Càng không có gì đảm bảo con gà trong nhận thức của bạn giống con gà trong nhận thức của tôi. Hoàn toàn có thể màu xanh của tôi giống màu đỏ của bạn và ngược lại. Chúng ta sẽ bàn về câu hỏi này sau.
4. Có một vài điều chúng ta phải nói về kinh nghiệm. Trước hết, kinh nghiệm bắt đầu từ cảm nhận giác quan, là những gì chúng ta cảm nhận được thông qua giác quan, chẳng hạn như nóng-lạnh, to- nhỏ, xanh- đỏ và các con số định lượng liên quan. Cố nhiên việc có con số lại là một vấn đề phức tạp ta sẽ phải thảo luận tiếp. Chúng ta tạm giả thiết thế giới của chúng ta chỉ có các khái niệm gián đoạn biểu diễn hoàn toàn được bằng bit nhị phân. Các cảm nhận giác quan có thể tổ hợp để hình thành một ấn tượng nào đó, có thể mờ nhạt hay sắc nét, có thể rời rạc, vô lý hay mạch lạc. Khi ấn tượng này đủ sắc nét, mạch lạc chúng ta sẽ có một ý niệm. Ý niệm chưa phải là nhận thức, nhưng đã tiến hơn cảm nhận giác quan. Có lẽ tập hợp các ý niệm là cái mà chúng ta gọi là trực giác. Đương nhiên, ý niệm sẽ ảnh hưởng bởi cảm xúc, cái bị ảnh hưởng bởi các quá trình sinh hóa. Thí dụ dùng thuốc lắc, ma túy, rượu, hoặc thiếu vi chất sẽ sinh ra những cái mà ta gọi là ảo giác, bóp méo các ý niệm trực giác. Vì vậy ý niệm trực giác có thể thay đổi, có thể rất thăng hoa để tạo ra các liên kết kỳ lạ.
5. Từ trực giác, chúng ta sẽ có các tưởng tượng và ấn tượng, thực chất là tổ hợp của các ý niệm trực giác, được kết dính bởi các phạm trù tiên nghiệm có sẵn trong nhận thức, như không thời gian, chân thiện mĩ, thị phi, nhận thức về Chúa. Tôi không biết các phạm trù tiên nghiệm này có thực là tiên nghiệm hay không. Tạm chấp nhận như vậy. Phụ thuộc vào tiêu chuẩn thẩm mĩ, niềm tin ở Thượng Đế, ấn tượng và tưởng tượng sẽ hình thành. Cố nhiên quá trình này cũng ảnh hưởng và thăng giáng bởi các yếu tố ngẫu nhiên. Cũng có thể có quy luật nhưng vô cùng phức tạp mà chúng ta chưa nắm được nên tạm coi là ngẫu nhiên.
6. Tưởng tượng và ấn tượng sẽ được nhận thức theo một quy trình để trở thành các khái niệm và lưu vào bộ nhớ mà chúng ta sẽ gọi là kinh nghiệm. Sự hình thành khái niệm mới còn phụ thuộc vào kinh nghiệm đã có được tích lũy từ trước. Cũng không loại trừ ấn tượng và tưởng tượng chỉ là chìa khóa giúp người ta kết nối với ý thức siêu nhiên để hình thành khái niệm mới qua mạc khải. Cũng có thể hoàn toàn khồng có mạc khải nhưng cơ chế phối hợp ấn tượng tưởng tượng với nhận thức và tri thức kinh nghiệm phức tạp đến mức chúng ta chưa giải thích được.
7. Vì vậy, chúng ta có thể tin rằng cái lưu trong kho kinh nghiệm của chúng ta không phải là sự vật mà chỉ là các khái niệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy vậy, điều kỳ diều là con người vẫn có thể giao lưu với nhau thông qua các khái niệm và vẫn đạt được sự hài hòa (harmony) nhất định. Như vậy, sự tồn tại của cơ chế mạc khải sẽ là lời giải thích đơn giản nhất mặc dù có thể không phải là duy nhất.
8. Có lẽ chính vị vậy mà Duy thức luận trong Phật Pháp nói rằng vạn sự giai không, có ý muốn thể hiện những khái niệm trong nhận thức đều không phải là sự vật. Tuy vậy, thực tế là các khái niệm này vẫn có mối liên hệ hài hòa, có thể nhờ kết nối với một trung tâm siêu việt, để cho đến nay chúng ta vẫn nói chuyện và trao đổi được với nhau, chứ không phải như đối thoại ăn khớp ngẫu nhiên của anh chàng mò mẫm trong bóng tối tắt điện với một cô nàng:
Anh làm gì đấy?
Anh là xã đội trưởng
Anh có thôi ngay đi không?
Anh muốn thôi lắm nhưng trên dưới đều chưa cho thôi.
Nguyen aiviet
No comments:
Post a Comment