KHỞI NGHIỆP: HÃY CỨ KHÁT KHAO, NHƯNG CHỚ DẠI KHỜ!
"Stay hungry, stay foolish" (tạm dịch là "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ") là câu nói mà Steve Jobs phát biểu tại lễ phát bằng ở một trường ĐH ở Mỹ. Ít ai biết, câu nói này không phải do ông sáng tác ra, mà chỉ là lập lại từ một cuốn sách được xuất bản trước đó rất lâu. Chẳng hiểu vì sao, câu nói này được trích dẫn khắp nơi và được diễn đạt theo cách thức "xúi" người trẻ khởi nghiệp cứ việc khát khao và cứ việc dại khờ theo kiểu liều lĩnh, bất chấp.
Tôi cho rằng cách diễn giải và cổ súy khởi nghiệp kiểu này là hết sức nguy hiểm!
Khát khao làm được điều gì đó (ví dụ khởi nghiệp làm ăn riêng) là yếu tố rất quan trọng! Nhưng khát khao đó không nên vì Steve Jobs hay một đại gia thành đạt nào đó "bơm" cho, càng không nên vì một lớp học làm giàu hay tạo phễu nào đó tạo động lực. Khát khao khởi nghiệp phải là thứ thôi thúc từ bên trong, không cần ai phải "thổi" nó lên hay "truyền cảm hứng" cho nó bùng nổ.
Những người khởi nghiệp thành công thường không phải là do ai đó "động viên" hay "thôi thúc" cho có "khát khao", mà khát vọng đó cứ như sẵn từ trong máu, cứ thôi thúc ngày đêm, và cho dù có ai ngăn cản, họ cũng khó mà từ bỏ ý định khởi nghiệp.
Ngược lại, những người khởi nghiệp thất bại thường là những người phát sinh ham muốn làm giàu hay "tự chủ tài chính" gì đó sau khi tham gia một khóa học, đọc một tài liệu, hay nghe ai đó phán câu gì đó mang tính "tạo động lực". Sở dĩ như vậy là vì người có khát khao từ bên trong sẽ luôn TỰ TẠO ĐỘNG LỰC cho mình để vượt qua khó khăn; còn người khát khao do ai đó cho uống "thuốc lắc" thì luôn phụ thuộc vào ĐỘNG LỰC NGẪU HỨNG từ bên ngoài, nên rất dễ bỏ cuộc khi mất nguồn tạo động lực.
Ở khía cạnh "dại khờ", tôi không tán thành việc khởi nghiệp cứ phải dại khờ, bất chấp, lao vào như con thiêu thân (như lời khuyên của nhiều người); ngược lại, phải tỉnh táo, cân nhắc, tính toán thật kỹ và tiến hành từng bước hết sức thận trọng. Tôi luôn nói, khởi nghiệp cũng cần chiến lược là vì vậy!
Người khởi nghiệp thành công không phải là người "dại khờ", ngốc nghếch hay liều lĩnh (điếc không sợ súng), mà nhờ vào sự khôn ngoan, óc phân tích, phán đoán, biết chọn đúng đường, đi đúng cách, và chỉ chấp nhận những rủi ro đã được phân tích kỹ (well analyzed risks).
Vậy thì làm sao để có được sự khôn ngoan? Không cách nào khác là phải quan sát, nghe ngóng, học hỏi bằng nhiều cách, trong đó có cả cách học từ thất bại của người khác (ưu tiên hơn) và thất bại của chính mình (hạn chế tối đa, đừng xem đó là mặc định).
Lời khuyên của tôi là: HÃY CỨ KHÁT KHAO, NHƯNG CHỚ DẠI KHỜ!
* Dại khờ nên được hiểu là đam mê, kiên trì và dấn thân (một cách khôn ngoan), chứ không phải là liều mình một cách dại dột và bất chấp! Steve Jobs và các thiên tài thế giới khát khao làm những điều có vẻ hão huyền và điên rồ, nhưng không phải điều điên rồ nào họ cũng làm. Họ chỉ làm những điều mà họ có niềm tin là có cơ sở để thành công. Họ không làm điều điên rồ một cách dại dột. Khát vọng, ước mơ, sáng tạo, khai phá... chỉ dẫn đến thành công khi nó gắn với tư duy và sự tính toán khôn ngoan của họ. Thoạt nhìn bên ngoài, người ta có thể nghĩ là họ dại khờ, điên rồ, nhưng thật ra các thiên tài thế giới đều rất khôn ngoan. Họ biết tiến tới và cũng biết dừng lại đúng lúc. Đó là lý do họ thành công. Hãy tỉnh táo để đừng dại khờ theo cách hiểu lệch lạc để rồi chẳng những chẳng làm được việc gì ra hồn mà lại có nguy cơ mất hết tất cả!
No comments:
Post a Comment