Lãi suất, tỷ suất lợi nhuân là một trong những khái niệm cực kỳ quan trọng trong kinh tế, tài chính, đầu tư, kinh doanh…và tất cả những gì liên quan đến tiền.
Loạt bài viết – văn theo kiểu bình dân - này giúp cho các bạn doanh nhân, Startup, quản lý, đại lý bảo hiểm, các bạn môi giới ngành chứng khoán không chuyên về tài chính hiểu rõ hơn về lãi suất và những gì liên quan đến lãi suất.
LÃI SUẤT ĐƠN VÀ LÃI SUẤT KÉP
** Lãi suất đơn.
Số tiền ban đầu 100 đồng. Lãi suất 12%/năm.
Sau 1 năm chúng ta sẽ nhận được 100 đồng tiền gốc và 12 đồng tiền lãi.
Sau 2 năm chúng ta sẽ nhận được 124 đồng = 100 đồng tiền gốc + 12 đồng lãi năm 1 + 12 đồng lãi năm 2. (12 đồng lãi đã sinh của năm 1, không sinh ra lãi)
Sau 3 năm chúng ta sẽ nhận được 136 đồng
Sau 4 năm chúng ta sẽ nhận được 148 đồng
Sau 5 năm chúng ta sẽ nhận được 160 đồng
Lãi suất đơn hầu như rất hiếm trong thực tế. Thời nay, ai cũng khôn. Không ai dại gì đầu tư, bỏ tiền vào sản phẩm chỉ có lãi suất đơn.
** Lãi suất kép.
Số tiền ban đầu 100 đồng. Lãi suất 12%/năm.
Sau 1 năm: chúng ta sẽ nhận được 100 đồng tiền gốc và 12 đồng tiền lãi. Tổng tiền cuối năm 1 là = 100+12 = 112
Sau 2 năm: 100 đồng tiếp tục sinh lãi là 12 đồng. Và 12 đồng lãi năm trước cũng sinh lãi là 1.44 đồng. Tổng tiền của cuối năm 2 là = 100 gốc+12 lãi năm trước+12 lãi năm 2+1.44 = 125.44
Sau 3 năm số tiền 125,44 này lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 140.49
Sau 4 năm, số tiền 140,49 lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 157.
Sau 5 năm, số tiền 157.35 lại tiếp tục sinh lãi, và tính tương tự ta sẽ nhận được số tiền là = 176.23
LÃI SUẤT VÀ THỜI GIAN.
GIÁ TRỊ THỜI GIAN CỦA TIỀN.
Ví dụ trên: 100 triệu, sau 5 năm với lãi suất 12%, trở thành số tiền 176.23 triệu.
Trong tài chính, người ta nói
Số tiền 100 triệu là giá trị hiện tại. (Present Value, PV),
Số tiền 176 triệu là giá trị tương lai. (Future, FV).
Với lãi suất 12%, số tiền 100 triệu hiện tại tương đương với 176,23 triệu tại năm thứ 5. Hoặc ngược lại 176,23 triệu tương lai (năm thứ năm) sẽ tương đương với 100 triệu hiện tại.
Nói cách khác, nếu A mượn ai đó 100 triệu, lãi suất 12%, thì sau 5 năm A phải trả 176,23 triệu.
Và vì thế người ta nói tiền có giá trị thời gian.
LÃI SUẤT KÉP LÀ KỲ QUAN THỨ TÁM CỦA THẾ GIỚI
Như ví dụ trên, tiền sẽ sinh sôi nảy nở, đẻ con đẻ cháu, theo thời gian. Lãi suất càng cao, thời gian đầu tư càng dài, thì số tiền thu được càng lớn. Chúng ta xem các con số sau.
100 triệu, lãi suất 5%, sau 20 năm, sẽ là 265,329,771
100 triệu, lãi suất 10%, sau 20 năm, sẽ là 672,749,995
100 triệu, lãi suất 15%, sau 20 năm, sẽ là 1,636,653,739
100 triệu, lãi suất 20%, sau 20 năm, sẽ là 3,833,759,992
100 triệu, lãi suất 25%, sau 25 năm, sẽ là 8,673,617,380
100 triệu, lãi suất 30%, sau 20 năm, sẽ là 19,004,963,775
Các bạn hình dung nhé, 100 triệu sau 20 năm thành 19 tỷ. Một con số khủng khiếp.
Vì thế nhà bác học lừng danh Albert Einstein từng nói: "Compound interest is the eighth wonder of the world. He who understands it, earns it … he who doesn't … pays it". Tạm dịch là : "Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của loài người. Những ai hiểu được nó sẽ nhận được giá trị to lớn từ nó. Những ai không hiểu nó, sẽ trả giá vì nó".
Nhà đầu tư số 1 thế giới Warren Buffet là minh chứng cho việc sinh sôi nảy nở giá trị tài sản của mình bằng cách liên tục đầu tư vào nhữnv tài sản đem lại tỷ suất lợi nhuận cao.
CÁCH TÍNH LÃI SUẤT KÉP
Ví dụ trên, 100 triệu, lãi suất 10%, sau 20 năm, sẽ là 672,749,995
Công thức tài chính: FV = PV * (1+r)^n = 100*(1+10%)^20 = 672,749,995
Công thức này có 4 biến số. Cho 3 biến số thì chúng ta sẽ tính được ẩn số còn lại.
Nghe có vẻ phức tạp quá nhỉ.
May thay Excel đã giúp cho mọi việc đơn giản hơn. Bạn lên Excel đánh công thứ sau
=FV(lãi suất, số năm,0,PV),
tức là =FV(10%,20,0,100000000)
Enter sẽ ra 672,749,995
Ghi chú dấu của PV và FV luôn trái nhau. Vì đó là 2 hành động ngược nhau về dòng tiền.
Đó là trường hợp dòng tiền đơn giản. Nhưng trong thực tế, dòng tiền không đơn giản cuối kỳ và đầu kỳ thư thế, mà sẽ rất phức tạp.
** Ví dụ 1: tiền vay 20.
Bà X cho vay trả góp. Bà cho bà K vay 10 triệu. Mỗi ngày bà K trả 400,000 ngàn. Sau 30 ngày, bà K trả 12 triệu cho bà X. Nên dân gian hay gọi đó là tiền 20. Tức là 20% tháng
Nhưng thực chất đó không phải là lãi suất 20%/tháng.
Nếu bà K vay 10 triệu, và được sử dụng 10 triệu đó nguyên 1 tháng. Đến cuối tháng, bà K trả lại cho bà X 12 triệu, Thì đó mới là lãi suất 20%/tháng.
Nhưng vì bà K phải trả góp, nên bà K không bao giờ được sử dụng đủ 10 triệu. Bà phải trả lãi hàng ngày.
Nếu tính đúng thì lãi suất của vụ cho vay này là: 39.28%. Rất cao.
Đó là lý do mà những bạn cho vay nặng lãi luôn giàu, Và những người đi vay trả góp luôn bị vướng nợ.
Nếu bạn muốn biết cách tính lãi suất của phi vụ cho vay này, thì hãy comment nhé. Đủ 300 comment, tôi sẽ quay video hướng dẫn cách tính trên Execel. Chỉ vài ba cái Enter, cực kỳ đơn giản.
** Ví dụ 2
Z đầu tư quán cà phê 2 tỷ. Cuối năm 1, Z nhận được 100 triệu tiền lời. Cuối năm 2, Z nhận được 120 triệu tiền lời. Cuối năm 3, Z nhận được 130 triệu lời. Cuối năm 4, Z đầu tư thêm 500 triệu, và nhận được 150 triệu tiền lời. Cuối năm 5, Z nhận 180 triệu tiền lời. Cuối năm 6, Z nhận được 190 triệu tiền lời. Cuối năm 7, Z bán quán Cà phê cho chủ khác với giá 4 tỷ.
Hỏi tỷ lệ lợi nhuận của Z trong phi vụ này là bao nhiệu?
Nếu bạn muốn biết cách tính lãi suất của đầu tư này, thì hãy comment nhé. Đủ 300 comment, tôi sẽ quay video hướng dẫn cách tính trên Execel. Chỉ vài ba cái Enter, cực kỳ đơn giản
Ví dụ 3:
Các bạn hãy tính lãi suất của bất kỳ sản phẩm bảo hiềm nào, dựa vào bảng minh hoạ. (Xịn nữa thì loại phần phí bảo hiểm tử kỳ ra khỏi bản tính!)
LÃI SUẤT VÀ RỦI RO.
Rủi ro luôn tồn tại, và đi đôi với lãi suất. Có rất nhiều rủi ro: rủi ro mất vốn, rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng, rủi ro thanh khoản ...nói chung là tùm lum rủi ro.
Theo nguyên tắc, chỉ có trái phiếu chính phủ ngắn hạn của các quốc gia được xếp hạng 3A, AAA thì mới được xem là rủi ro bằng 0. Giải thích: vì họ đủ bền vững trong 1 năm để in tiền trả cho các chủ trái phiếu.
Ngoài ra thì rủi ro hiện diện ở tất cả các nơi. Chính phủ các nước, các ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, các doanh nghiệp... tất cả đều rủi ro, ở mức của mình.
Việt Nam, rất lạ, là làm cho dân nghĩ rằng các ngân hàng Việt Nam không có rủi ro. Do đó dân gởi tiền thoải mái vào các ngân hàng, kể cả những ngân hàng làm ăn tệ hại. Khi có ngân hàng nào sắp phá sản, nhà nước lại nhảy vào cứu.
Bằng cách cứu đó, Nhà nước đã dùng tiền của toàn dân để cứu 1 số khách hàng. Và vô hình dung, tạo cho dân 1 suy nghĩ là ngân hàng tại Việt Nam không có rủi ro. Đây là 1 cách làm đi ngược với nền kinh tế thị trường.
Những tổ chức uy tín cao, rủi ro thấp thì sẽ trả tiền lãi thấp hơn.
Những tổ chức ít uy tín, rủi ro cao thì phải trả lãi suất cao hơn.
Vì thế người dân khi nhận lãi suất cao thì phải gánh chịu rủi ro tiềm tàng. Lãi suất cao, mà không rủi ro thì là chuyện không thể xảy ra.
Rất nhiều những dự án, những tay bịp bợm….chào những dự án (21, Onecoin,…) và hứa hẹn đảm bảo mức lãi suất 30%, 40%, 50% thậm chí 100%. Tôi nói ngay đó đây là những dự án rủi ro cực cao, hoặc lừa đảo.
Suy nghĩ đơn giản thế này. Nếu thật sự dự án đó trả 30%/năm, thì tôi đi vay ngân hàng, 10%/ năm, tôi đưa vào thì tôi sẽ được hưởng lãi suất chênh lệch 20%, mà gần như không có rủi ro!
Chuyện cổ tích ấy không thể xảy ra.
Ấy thế mà, rất nhiều người, từ người ít học cho đến trí thức, từ tiểu gia cho đến đại gia, ùn ùn đổ tiền vào những dự án hứa hẹn, đảm bảo trả lãi suất cao. Họ chết vì thiếu hiểu biết và quá tham lam.
Ví dụ khác:
Hôm tôi nói về sản phẩm tử kỳ, có bạn đại lý vào lý luận các kiểu, và nói được công ty, và các trainer dạy rằng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư của công ty bạn ấy có lãi suất cao hơn ngân hàng. Tôi nói: kỳ vọng thôi, chứ không thể đảm bảo. Bạn ấy cãi dài lắm. Tôi cũng không đọc hết.
Nhưng tôi nói đơn giản thế này: Nếu có 1 sản phẩm bảo hiểm, vừa bảo hiểm rủi ro khi xảy ra, vừa đảm bảo trả lãi suất cao hơn ngân hàng, thì toàn dân sẽ xếp hàng mua, vì quá lợi. Chỉ cần mượn tiền ngân hàng để mua thì dân sẽ được bảo hiểm, lại còn hưởng chênh lệch lãi suất.
Tôi nói với bạn ấy: với dòng tiền thu được 10, 20 năm công ty bảo hiểm có thể liên kết các sản phẩm đầu tư và kỳ vọng rằng lãi suất nhân được sẽ cao hơn ngân hàng. Nhưng đó là kỳ vọng thuận lợi. Cũng sẽ có những trường hợp, công ty bảo hiểm không đạt được kỳ vọng thuận lợi. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ dự kiến, chứ không bao giờ cam kết tỷ lệ lợi nhuận cao đối với các sản phẫm đầu tư.
Đã giải thích rõ như thế mà bạn ấy còn hậm hực lắm. Những đại lý kiểu như bạn ấy sẽ đi chào bán bảo hiểm một cách sai sự thật, và vì thế góp phần làm cho thị trường bị méo mó.
LMC
** Bài về tài chính cơ bản:
- Lãi suất thực, và các khái niệm liên quan:
https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/2337088853045259
- Cách tính lãi suất thực, cách tính tỷ lệ lợi nhuận:
https://www.facebook.com/LamMinhChanh/videos/2346500272104117/
** Bài về Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tử kỳ: https://www.facebook.com/LamMinhChanh/posts/2331439023610242
No comments:
Post a Comment