Search This Blog

Monday, November 22, 2021

Dĩ thương nhập Đạo

Dĩ thương nhập Đạo
 
Details
Written by Chau Hong Linh
Category: Literature
Thương (枪) ở đây là súng, chứ không phải cây giáo (锬)

 

Nhân dịp nói chuyện với chú đệ về súng đạn, chú nó bảo "bắn không cần ngắm mà vẫn trúng thì chỉ có ở trong phim thôi", em cho chú nó xem cái clip của bọn thi bắn skeet giải vô địch thế giới, dùng shotgun bắn cái đĩa di động đang bay, đĩa vừa bay lên là vận động viên giơ súng bắn tan đĩa liền, hoàn toàn không ngắm. Nói chuyện lan man một lúc nữa, chú nó quay ra hỏi tập thế nào thì làm được như thế, rồi luyện tâm thế nào. Em cũng giải thích linh tinh lang tang, lại cũng nhân dịp viết truyện chưởng đến đoạn có một môn phái chuyên dùng súng, nên viết lại một tí ở đây cho có hệ thống.

 
Khoa học phương tây (nói thật là em chả biết ngành khoa học chó nào, do những nhà khoa học chó nào viết ra, nhưng được âm thầm chấp nhận trong cuộc sống và trên Internet) có nói là muốn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào thì phải tập những kỹ thuật của nó không dưới mười ngàn lần. Ví dụ như bọn tập boxing muốn thành vận động viên chuyên nghiệp thì phải tập đấm không dưới mười ngàn lần đủ các loại kỹ thuật, võ sĩ muốn đánh kiếm giỏi thì phải cầm thanh kiếm chém không dưới mười ngàn lần, nhạc sĩ muốn chơi một bản nhạc đạt yêu cầu thì phải tập bản nhạc đó không dưới mười ngàn lần ..etc... Tất nhiên là phải tập có phương pháp.

Cứ thế mà nói, muốn bắn súng cho tử tế thì mỗi hạng mục tập bắn phải bắn không dưới mười nghìn viên đạn. Đấy chính là lối tập mà bọn vận động viên bắn súng tầm cỡ thế giới bây giờ vẫn làm. Nhưng mà vào thời buổi súng cao đạn kém này, thì tùy loại đạn, bắn mười ngàn phát đạn thì cũng tốn đâu đó bằng khoảng một con Toyota Camry cho đến một con Mercedes-Benz S600. Có một số loại đạn nào đó thì còn đủ mua cả một con Ferrari hay Lamborghini. Thế thì có giết người, đốt nhà cả đời như bọn "Không thở được" cũng không đủ tiền mà mua đạn.

Mà tập theo lối "mười ngàn" thì tập đánh đàn chỉ biết đánh đàn, tập đánh kiếm chỉ biết đánh kiếm, tập bắn súng thì chỉ biết bắn súng, nói tóm lại là tập cái gì chỉ biết cái đấy thôi. Thời gian, công sức, tiền bạc đâu mà tập cho đến mức bơi lội giỏi, võ thuật cao, tay lái lụa, cầm kỳ thi họa súng đao kiếm cái gì cũng biết một tí, tán gái được bằng hai mươi ngôn ngữ, đọc thông viết thạo năm mươi ngôn ngữ lập trình, phỏng ạ?

Phương Đông đã có câu trả lời cho vấn nạn này từ hơn 5000 năm trước rồi: "Luyện tâm, luyện cho ý thức thống nhất với tiềm thức, luyện thể cho cơ thể trở nên mềm, lỏng, vận động tự nhiên, luyện não bộ và cơ thể thống nhất với nhau, sau đó rồi não bảo cơ thể làm gì, cơ thể sẽ làm đúng cái đó thôi". Mọi kỹ năng trên đời này như chơi đàn, múa đao, đánh kiếm, cắm hoa, bắn súng, tán gái, lập trình ...etc... đều không ra ngoài cái gọi là vận dụng trí não và vận động.

Vậy luyện tâm và luyện thể như thế nào? Như đạo Hindu cổ và anh Phực đã từng nói, trên cái cõi đời này có mười vạn tám ngàn pháp môn tu luyện, nôm na là nhiều không kể xiết. Cứ có pháp môn nào có hành động cụ thể có thể lặp lại từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì đều dùng tu luyện được cả, võ đạo, cung đạo, kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo, thiền, tụng kinh gõ mõ ...etc... đều có thể dùng để tu luyện tâm trí và thân thể. Tất nhiên là khi tu luyện, con người phải có ý thức là tôi đang tu luyện tâm trí, cơ thể, hợp nhất tâm trí và cơ thể chứ không phải tập cắm hoa, tập đánh kiếm, tập chơi đàn hay tập tụng kinh gõ mõ.

Bắn súng cũng là một pháp môn tu luyện tốt. Khi dùng súng làm một pháp môn tu luyện, không phải là con người ta tập bắn súng, theo kiểu tập động tác một cách máy móc, cầm khẩu súng một cách máy móc, ngắm bắn vào bia một cách máy móc, như kiểu người phương tây hay nói là luyện "muscle memory". Hành động bắn súng chẳng qua chỉ là một phương tiện để người tu luyện lắng nghe tâm trí của mình khi đang cầm khẩu súng, tâm trí khi đang ngắm vào mục tiêu, luyện thả lỏng cơ thể, thao tác súng không cần phải gồng cứng cơ bắp, lắng nghe cảm giác của gân, cơ, nội lực trong cơ thể khi đang cầm khẩu súng, khi tĩnh tại, khi di chuyển trong các tư thế khác nhau, từ low-ready qua bắn, từ high-ready qua bắn, di chuyển nòng súng theo mục tiêu di động, lắng nghe hơi thở khi người bắn đang ở trong trạng thái tĩnh tại và vận động, đồng bộ tâm trí, hơi thở, vận động với chân, thân, tay khi di chuyển súng và bóp cò súng.

Khi con người luyện tâm, luyện thể bằng cách bắn súng như thế, thì lên đến một trình độ nhất định, khi bắn súng là mắt nhìn vào đâu sẽ là chỗ mình muốn bắn vào đó. Cảm giác về độ chính xác khi bắn vào mục tiêu là cảm giác mình lắng nghe được bên trong tâm mình, trong cơ thể mình, cảm giác về cấu trúc cơ thể, về từng sợi gân, sợi cơ trong cơ thể khi mình di chuyển súng, cảm giác về độ đồng bộ giữa hơi thở và động tác di chuyển, bóp cò. Đây hoàn toàn là luyện tâm, luyện thể, luyện bản thân mình, nhân súng hợp nhất, con người là chủ, chứ không phải là tập cầm khẩu súng rồi tì vai, áp má, nín thở, bóp cò, con người phải lệ thuộc vào khẩu súng nữa. Đạt đến tầm nhân súng hợp nhất thì mắt nhìn vào đâu là đạn bắn vào đấy, thở ra một hơi là đạn bay vào đích.

Trong truyện chưởng Long Xà diễn nghĩa, có lão Trình Sơn Minh, là cháu mấy đời của đại tông sư Bát quái chưởng Trình Đình Hoa, cũng luyện súng. Tông sư Trình Đình Hoa là người có thật trong lịch sử. Hồi liên minh tám nước đánh Bắc Kinh thời Mãn Thanh, ổng có ra đường gây sự đánh nhau với một đám lính, bị chúng nó dùng loạn súng bắn chết. Theo như truyện chưởng Long Xà diễn nghĩa thì do ông tổ Trình Đình Hoa bị loạn súng bắn chết, nên con cháu Trình phái Bát quái chưởng ở Bắc Mỹ dùng súng để tu luyện Bát quái chưởng, nhằm đề phòng vũ khí hiện đại, đồng thời cũng dùng vận động của súng, âm thanh của đạn để luyện Hổ Báo Lôi âm, dịch cân, tẩy tủy 😃 Nhưng đấy là truyện chưởng. Chứ còn pháp môn "Dĩ thương nhập đạo" của em luyện lâu nay, có mấy chiêu Glock Chấn thiên nam, Sig Sauer Hỏa Lưu tinh, AR-15 tam thập trọng lãng, AK Phích lịch hỏa và Shotgun Lôi tạc đạn cũng tương đối tiểu thành rồi.

Bí kíp chi tiết của việc dùng súng luyện thiền, em sẽ viết trong truyện chưởng.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...