Search This Blog

Wednesday, October 26, 2022

ĐI PHÂN KÈM BỌT CÓ PHẢI LÀ TIÊU CHẢY?

ĐI PHÂN KÈM BỌT CÓ PHẢI LÀ TIÊU CHẢY?
Xin phép nói sơ 1 chút xíu, nhiều mẹ lặn lội xa xôi lên sài gòn vì đi phân sệt sệt vài ba lần trong ngày, từ lúc sinh tới giờ vẫn vậy, và vẫn lên ký tốt…nên bác chia sẻ bài này chút để các mẹ hiểu hơn về tiêu chảy để biết cần làm gì và xử lý như thế nào, tránh mất thời gian và tiền bạc.
Tiêu chảy được định nghĩa là đi phân lỏng hoặc nhiều nước hơn bình thường, ít nhất 3 lần trong 24 giờ. Tuy nhiên thì tính chất phân thường được quan tâm hơn số lượng, bởi vì phân đóng khuôn nhưng đi nhiều lần cũng không gọi là tiêu chảy. Trẻ em bú mẹ thường đi phân lỏng, sệt, không thành khuôn là HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG.
NGUYÊN NHÂN
Nhìn chung nguyên nhân tiêu chảy rất nhiều nhưng tóm gọn đơn giản lại thành 2 nhóm là nhiễm trùng và không nhiễm trùng
Nhiễm trùng do virus hay vi khuẩn: nhóm Rotavirus, norovirus, adenovirus…chiếm tới 90% nguyên nhân tiêu chảy ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi; ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như E.coli, Salmonella, Shigella, Vibrio parahaemolyticus, Cryptosporidium… Nhóm nguyên nhân này cần thăm khám cũng như một số xét nghiệm phân cần thiết, nhưng phân đột ngột nhầy + máu, kèm sốt hoặc không sốt thì nên nghĩ đến nguyên nhân nhiễm trùng và đi khám bác sĩ
Không nhiễm trùng như nhóm nguyên nhân dị ứng thức ăn, bất dung nạp đạm, lactose, suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin A…
Ngoài ra, còn có nhóm nguyên nhân bụng ngoại khoa cũng có thể gây tiêu chảy như viêm tắc ruột, viêm ruột thừa…
QUAN NIỆM SAI LẦM
• Thứ nhất, trẻ tiêu chảy thì ngừng ăn ngừng bú sẽ ngưng tiêu chảy
Sai. Vì nếu trẻ tiêu chảy do nhiễm trùng thì trẻ bắt buộc sử dụng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Tiêu chảy thường gây mất nước, điện giải và mất dinh dưỡng. Nếu ngừng ăn hay uống, trẻ sẽ mất nước nặng hơn và thậm chí cấp cứu.
• Thứ hai, trẻ tiêu chảy thì tự mua thuốc cầm tiêu chảy cho bé uống
Sai. Việc tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy khiến bố mẹ nghĩ bé ổn và không đi khám, trong khi nguyên nhân nhiễm trùng vẫn còn. Kết quả là bé đi bệnh viện trễ hoặc đánh giá sai tình trạng tiêu chảy, gây nguy kịch cho bé.
THỰC SỰ THÌ CON NÍT ĐI PH N SỆT LÀ BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG ĐÁNG LO NGẠI NẾU NHƯ BÉ VẪN ĂN BÚ BÌNH THƯỜNG.
Một số quan điểm bố mẹ hiện nay cho rằng sữa là nguyên nhân gây tiêu chảy nhưng thực tế không đúng 100%. Nếu bạn thay đổi sữa thì việc đi phân lỏng một thời gian sau đó là hoàn toàn bình thường vì hệ tiêu hóa của bé cần thời gian để làm quen với nguồn sữa mới.
Một số bé hấp thụ không hết đường lactose trong sữa thường sẽ đi phân lỏng hơn bình thường. Nhưng có thể tự ổn định sau vài ngày. Nếu tiếp tục đi phân lỏng, đặc biệt là đi tiêu lỏng nhiều nước hơn bình thường và chỉ tiêu lỏng liên quan đến cử sữa thì nhiều khả năng bé có tình trạng dị ứng đạm bò. Tuy nhiên, việc chẩn đoán xác định phải do bác sĩ Nhi.
Những đứa trẻ dị ứng đạm bò cần tách biệt đạm bò trong chế độ ăn và dùng sữa thủy phân hoàn toàn hoặc mẹ kiêng cử hoàn toàn bò, trứng, sữa… Sữa thủy phân bán phần không giúp cải thiện tình trạng dị ứng đạm bò.
LƯU Ý KHI TRẺ TIÊU CHẢY
• Quan sát tính chất phân của trẻ và số lần đi trong ngày?
• Quan sát có nhầy, máu hay mùi tanh hay không?
• Nếu trẻ có sốt nhẹ (38oC kẹp nách) hoặc nôn ói liên tục hoặc da khô, mắt trũng hơn bình thường… thì phải cho đi khám ngay
• Trẻ có uống nước háo hức hay không? Nếu có cũng đi khám ngay
CẦN LÀM GÌ KHI TRẺ TIÊU CHẢY
• Quan sát các dấu hiệu như sốt, mắt trũng , da khô, lừ đừ…cũng như phân nhầy máu, số lần và tính chất phân…để đưa đi khám ngay
• Nước điện giải: gần như trong tất cả phác đồ hiện nay đều ưu tiên bù nước cho trẻ khi tiêu chảy cấp và việc bù đủ nước rất quan trọng
• Bổ sung kẽm
• Tiếp tục cho ăn. Chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ: chọn thực phẩm lành mạnh, chọn sữa chứa nhiều lợi khuẩn, dễ tiêu, tốt cho hệ tiêu hoá, và có lượng đường lactose phù hợp với cơ địa của trẻ.
• Theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng (sốt, thở nhanh, không ăn bú được …)
TÓM LẠI
• Con nít đi phân sệt hay chút nhầy bọt là bình thường và tiếp tục bú mẹ hoặc dùng loại sữa công thức theo tuổi hiện tại, không cần đổi sữa hay bổ sung thêm men…
• Rất khó xác định tiêu chảy do sữa, nhưng một số bé hấp thụ không hết lactose sẽ đi phân lỏng hơn loại sữa khác (lỏng hơn chứ không có nghĩa tiêu chảy)
• Không nhất thiết đổi sữa nếu tăng cân tốt
• Khi tiêu chảy cấp (phân nhiều nước, >3 lần/24h) thì nên theo dõi và khám bác sĩ, song song bù nước, điện giải, kẽm và tiếp tục cho ăn, cho bú (ưu tiên sữa nhiều lợi khuẩn, hàm lượng lactose vừa phải…)
Mình biết rằng hiện nay đang có nhiều bài viết làm hoang mang khi trẻ đi phân sệt, chút bọt…nhưng bố mẹ cần tìm hiểu, kiên định vì phân sệt, bọt là bình thường nếu bé ăn bú giỏi và lên cân tốt. Chỉ can thiệp khi trẻ tiêu phân lỏng nước quá nhiều lần, kèm sốt, đừ hay mất nước… Hy vọng bài viết giúp chút thông tin cho bố mẹ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8804427/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499939/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2737434/
https://www.uptodate.com/.../approach-to-the-child-with...
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499939/


No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...