https://www.facebook.com/liberty.sea.391/posts/896560864150244
MINH OAN CHO LÂM XUNG
PHẦN I. KHÁI LƯỢC ÂM MƯU LUẬN - TỪ GIẢI CẤU ĐẾN GIẢI MẬT.
Gúc gồ từ khóa Lâm Xung, sẽ hiện ra một loạt những bài chửi Lâm Xung là tiểu nhân trên trang nhất. Trend này khá nổi gần đây ở VN. Và hiển nhiên, nó là sự đú trend ăn theo phong trào giải mật ở TQ. Ở VN, có luận điểm phê phán Lâm Xung nào mà không xuất phát từ TQ.
Các bài báo mạng VN chửi LX tiểu nhân, đều là dịch và xào nấu lại từ báo mạng TQ, có bài ghi nguồn có bài không. Báo mạng TQ thì lại chủ yếu là đăng lại, xào nấu lại từ tác phẩm của các đại sư bình giải danh tiếng. Tỉ như Phản thuyết Thủy Hử của kịch gia Trần Quốc Phong 陳國峰, Tân Thuyết Thủy Hử của giáo sư Bào Bằng Sơn 鮑鵬山, Lão Lương phê Thủy Hử của bình luận gia Lương Hồng Đạt 梁宏達, Hắc Thủy Hử của nhà nghiên cứu Ngô Nhàn Vân 吳閒雲. Cho đến tác phẩm của các cao thủ giải mật trên diễn đàn Thiên Nhai xã khu, như Trẻ không đọc Thủy Hử của Tào Đồng Tước 曹銅爵, Lão Lưu đọc Thủy Hử của Lưu tiên sinh (hz_lj9999), Đào Hoa đọc Thủy Hử của tác giả Đào Hoa 桃花 (zzy727727).
Những luận thuyết này trong mạch kiến giải các tác phẩm văn học cổ điển theo hướng "hậu hắc học" - lục lọi dấu hiệu của âm mưu, quyền thuật, minh tranh ám đấu. Trào lưu này ra đời trong một bối cảnh đặc thù của sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa với văn hóa Tây phương.
Ở bình diện hàn lâm, nó một mặt là sự tiếp nhận của trào lưu giải cấu từ Tây phương trong văn học và phê bình văn học. Ở một mặt khác nó là sự tiếp nối những khuynh hướng sẵn có từ Sách Ẩn phái trong Hồng học (một phái cố tình giải thích Hồng Lâu Mộng theo hướng âm mưu luận, "Phản Thanh Phục Minh" - do ảnh hưởng của tâm lý thời đại).
Ở một bình diện phổ hơn, nó là biểu hiện của tinh thần đương đại, của bầu không khí chuộng quyền mưu hiện nay. Tinh thần ấy không chỉ biểu hiện trong các tác phẩm giải mật âm mưu luận, mà còn thể hiện trong phim ảnh, tiểu thuyết hiện thời.
Lấy ví dụ, dòng truyện quyền mưu, đấu trí gần đây rất thịnh ở TQ, với các nhân vật chính mưu mô, thủ đoạn đa đoan, ít nhiều tàn nhẫn - với những câu thích giả sinh tồn, nhược nhục cường thực. Phim ảnh chuyển thể tác phẩm cổ điển cũng mang khuynh hướng lệch về quyền mưu hơn các phiên bản chuyển thể cũ. Như Tân Tam Quốc 2010 so với bản 1994 - thêm thắt Tào Phi ám sát Tào Xung, Tư Mã Ý bày mưu cho Tào Phi tranh ngôi, v.v... Dòng phim Cung đấu cũng nằm trong dòng chảy đó - kết hợp ngôn tình với quyền mưu minh tranh ám đấu.
Bối cảnh nào sinh ra trào lưu ấy? Trước thềm thế kỷ 20, truyền thống Nho giáo lung lay, văn minh TQ quỵ ngã dưới ống súng Tây Dương, nảy sinh ra trào lưu tống cựu nghênh tân, học hỏi Tây Dương để cường quốc. Trong đó, Thiên Diễn Luận do Nghiêm Phục biên dịch có ảnh hưởng đặc biệt lớn, quảng bá học thuyết tiến hóa, mà cụ hàm thuyết Đác-uyn xã hội.
Sau Văn Cách, cải cách mở cửa, văn hóa truyền thống đã thêm mờ nhạt, mà lý tưởng CS cũng chỉ còn là khẩu hiệu, tạo ra khoảng trống tư tưởng. Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường non trẻ, càng khiến nhiều người hướng về thuyết Đác-uyn xã hội. Pathos mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết được nhiều người ưa chuộng.
Từ hàn lâm xuống đại chúng, từ giải cấu đến giải mật, cũng ít nhiều nương theo sự biến chuyển về kinh tế và vị thế chính trị của TQ. Giải cấu Thủy Hử bắt đầu từ giới trí thức tinh hoa ít nhiều hàn lâm, khi TQ vẫn còn đang thoát nghèo, ít nhiều mặc cảm trước Tây. Đến khi kinh tế phát triển, phân tích văn học không còn là đặc quyền của trí thức hàn lâm. Và khi vị thế của TQ đi lên, nhu cầu lấy lại sự tự tin đối với các trước tác dân tộc càng mạnh mẽ. Thủy Hử được nhìn nhận lại như một siêu phẩm cài cắm.
Nhưng cho dù là giải cấu hay giải mật, thì Lâm Xung cũng là một tâm điểm quan trọng nhất. Tại sao lại là nhân vật Lâm Xung?
Không có nhân vật nào gây tranh cãi hơn Lâm Xung. Nếu như giải mật các nhân vật khác chỉ ít nhiều gợi lên chút hứng thú hiếu kỳ, thì giải mật Lâm Xung làm cho nhiều người cảm thấy sốc và bất bình. Sau khi đọc một cuốn sách yết bí Thủy Hử nào đấy, thường thường người đọc sẽ phát biểu cảm nghĩ về Lâm Xung.
Người đọc, người xem Thủy Hử đã quen thuộc với hình ảnh của một Lâm Xung trọng tình trọng nghĩa, đỉnh thiên lập địa, và ít nhiều có cảm tình với nhân vật này. Người ta dễ dàng chấp nhận thuyết Tống Giang mặt dày tâm đen, cũng chỉ cười nhẹ khi nghĩ đến khả năng Yến Thanh là gay, Võ Tòng là mật vụ, Lý Quỳ ngoài thô trong tế, nhưng khó lòng chấp nhận rằng Lâm Xung cũng mặt dày tâm đen (Hắc Lâm Xung).
Dưới đây tôi sẽ trình bày khái lược những đàm luận của văn đàn TQ về chủ đề Hắc Lâm Xung. Mặc dù tôi không đồng tình, nhưng cũng không thể không thừa nhận các tác giả TQ đã đưa ra nhiều lập luận lý thú, sắc sảo. Những ý tưởng độc đáo, chính hãng / authentic thì rất đáng đối thoại.
1. Trần Quốc Phong - "không giải cấu, không khoái hoạt".
Người đầu tiên đả phá hình tượng Lâm Xung trên văn trường hiện đại là kịch tác gia trứ danh Trần Quốc Phong. Ông có mái đầu của Michel Foucault và thái độ ngang tàng của một Dương Ngọc Dũng, nổi tiếng với những trước tác như "Tinh thần bệnh hoạn giả". Ông còn là nhà phê bình văn học, nổi tiếng nhất với tác phẩm Phản thuyết Thủy Hử, in trong Trần Quốc Phong văn tập.
Phản thuyết Thủy Hử, mở đầu bằng phản thuyết Lâm Xung. Bởi vì Lâm Xung là nhân vật Thủy Hử được tôn sùng nhất, lý tưởng hóa nhất trên văn đàn lẫn văn hóa dân gian mấy trăm năm qua. Để đả phá tượng đài Thủy Hử, thì Lâm Xung phải lên bàn mổ đầu tiên. Phản thuyết Lâm Xung vốn là một luận văn viết năm 2007, với tựa đề "Lâm Xung là kẻ không có cốt khí nhất".
Áp dụng giải cấu pháp vào mổ xẻ Thủy Hử, ông đưa ra nhiều luận điểm đã quen thuộc với giới giải mật hiện nay, nhưng rất táo bạo và mới mẻ thời bấy giờ, như: Lâm Xung xách đao tìm giết Lục Khiêm chỉ là diễn kịch, hưu thê là dâng vợ để bảo thân, cố ý tiết lộ thân phận của Lỗ Trí Thâm để mượn đao giết người, v.v...
So sánh Lâm Xung với Lỗ Trí Thâm, ông cho rằng Lâm Xung không hề đáng mặt anh hùng khi chùn tay trước Cao Nha Nội, thiếu hẳn khí độ không sợ trời không sợ đất của Lỗ Trí Thâm. So sánh Lâm Xung với Võ Tòng, ông nhận định cốt khí của họ Lâm thua xa Võ Tòng, khi phải đút lót để tránh bị đánh một trăm trượng Sát Uy Bổng. (1)
Đả phá hình tượng Lâm Xung trọng tình thương vợ, ông khẳng định Lâm Xung là kẻ bạc tình quả nghĩa nhất. Biết vợ chưa bị xâm hại thông qua đoạn hội thoại trước đó với Cao Nha Nội, nhưng vẫn cố tình hỏi vợ đã bị xâm hại chưa, để có cái cớ bỏ qua cho Cao Nha Nội. Lên Lương Sơn 5 tháng trời, vẫn không nhờ Sài Tiến, Lý Tiểu Nhị hỏi thăm tin tức của vợ. Ông đặt câu hỏi: Lâm Xung hưu thê, ở cái Đông Kinh còn ai dám lấy Trương thị, ngoại trừ Huy Tông hoàng đế
Ông vạch trần những tính toán sâu xa của Lâm Xung, không phải để ca ngợi cái tài của Thi Nại Am. Ngược lại, ông cho rằng Thủy Hử thua xa Tam Quốc Diễn Nghĩa về mọi mặt. Ông chỉ ra vô số những lỗ hổng trong Thủy Hử. Tỉ như Lỗ Trí Thâm lần đầu gặp Lâm Xung đứng bên kia bức tường làm sao biết Lâm Xung "chân đi đôi hài mõm vuốt"; Lục Khiêm quá ngu hay sao khi để Cao Nha Nội hành gian tại nhà mình mà không phải nơi khác; đã dẫn Lâm Xung đi sao không dẫn cho xa; Cao Nha Nội là tay chơi có tiếng sao lại quá tay mơ khi để Cẩm Nhi chạy thoát; Lỗ Trí Thâm lăn lộn giang hồ đã lâu sao không hề hoài nghi tên bán đao ám muội; v.v... Mưu chước của bè lũ họ Cao quá đỗi thô thiển vụng về, và điều càng vô lý là một người tâm tư tinh tế như Lâm Xung lại liên tục mắc mưu.
Ông đánh giá Thi Nại Am có tứ quan xiêu vẹo (chính trị quan, anh hùng quan, tình ái quan, tông giáo quan), và Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn. Đọc đến đoạn Chu Quý kể lể về việc đánh thuốc thương khách, thái thịt phơi khô, lấy mỡ đốt đèn mà Lâm Xung vẫn tỉnh bơ - ông không khỏi thốt lên: bọn này thật biến thái, Thi Nại Am thật biến thái, Kim Thánh Thán cũng biến thái! Lưu ý những tình tiết giết phụ nữ được mô tả vô cùng chi tiết, việc hầu hết các nhân vật nữ trong truyện đều xấu xa dâm đãng, sự ca ngợi nam tính bạo lực, v.v... - ông hồ nghi Thi Nại Am có ẩn ức đồng tính luyến ái và ghét đàn bà.
Với cách hành văn lôi cuốn, khoát đạt, sảng khoái, lập luận sắc bén táo bạo - Phản Thuyết Thủy Hử đã gây tiếng vang lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách nhìn nhận về Thủy Hử nói chung và Lâm Xung nói riêng.
2. Bào Bằng Sơn - "Thế giới của Lâm Xung mãi mãi rơi tuyết" (2)
Người đóng vai trò lớn nhất trong việc phổ biến quan niệm Lâm Xung nhu nhược là Bào Bằng Sơn. Ông là tiến sĩ văn học, giáo sư tại đại học Khai phóng Thượng Hải. Là một người bình Thủy Hử trứ danh, ông nổi tiếng với loạt bài giảng về Thủy Hử trên tiết mục truyền hình Bách gia văn đàn năm 2008-2009. Danh khí của ông bấy giờ lấn át cả Dịch Trung Thiên. Loạt bài giảng này sau được cải biên in thành sách, đặc sắc nhất chính là phần bình Lâm Xung.
Bào tiên sinh xem sự kiện cháy thảo liệu trường (phong tuyết sơn thần miếu) là bước ngoặt trọng đại nhất trong đời Lâm Xung. Ở giai đoạn trước đó, Lâm Xung chỉ là một kẻ nhu nhược (nhu phu), một dong nhân nằm gọn trong thể chế, khiếp sợ trước quyền lực, thiếu tính phản kháng, luôn sẵn sàng thỏa hiệp cho đến khi bị dồn đến bước đường cùng.
Ông nhận định, vì không muốn vỡ bát cơm, Lâm Xung không những chùn tay trước Cao Nha Nội mà còn lảng tránh Lỗ Trí Thâm sau khi Lỗ Trí Thâm có ý can thiệp và biểu thị thái độ không sợ. Cả đời Lâm Xung, chỉ là một chữ "sợ". Cả đời Lỗ Trí Thâm, chỉ là hai chữ "không sợ". Lâm Xung sợ cái không sợ của Lỗ Trí Thâm, cho nên phải nói, anh say rồi, mặc dù Lỗ Trí Thâm rất tỉnh.
Phân tích tình tiết Lâm Xung đến nhà Lục Khiêm bắt gian không phá cửa vào mà chỉ đứng ngoài hô hoán (văn minh), nhưng sau khi Cao Nha Nội bỏ chạy thì lại đập phá nhà Lục Khiêm (dã man), Bằng tiên sinh phát hiện, Lâm Xung đã cố tình để Cao Nha Nội chạy thoát, để tránh đối diện với Cao Nha Nội. Rồi lại diễn những màn đập phá, vờ vĩnh xách dao dọa dẫm; mừng thầm khi được Cao Cầu gọi đi đọ đao, vì có cơ hội để tu bổ quan hệ với Cao Cầu.
Phân tích câu Niên tai nguyệt phạm trong lời lẽ của Lâm Xung lúc hưu thê, ông cho rằng, Lâm Xung đã khách quan hóa cái ác, xem cái ác là tồn tại khách quan tất yếu, thay vì chỉ là ý chí chủ quan của kẻ thủ ác, để có thể giải phóng trách nhiệm can thiệp. Khi Hoa Hoa Thái Tuế khi nam bá nữ ở kinh thành, vô số lương nhân thê nữ trở thành nạn nhân của hắn, Lâm Xung tuy biết nhưng nhắm mắt làm ngơ, xem nó như thiên tai, trúng ai người nấy chịu, trời kêu ai nấy dạ, để có thể an ổn lương tâm mà ngủ cho qua giấc. Tâm lý đó không chỉ của riêng Lâm Xung mà còn của bao người bình dong khác, thể hiện qua cái biệt danh "Thái tuế" của Cao Nha Nội. Đó là sự tầm thường của cái ác.
Cho đến khi nó xảy đến với mình, Lâm Xung cũng chỉ đành xem nó như niên tai nguyệt phạm, để rồi hưu thê dâng vợ cho Cao Nha Nội nhằm tránh liên lụy tới bản thân.
Cả đời Lâm Xung, chỉ là hai chữ "không dám". Bằng tiên sinh thống kê, Thi Nại Am tả Lâm Xung từ hồi 7 đến hồi 12, dùng những chữ như "không dám", "nào dám", "sao dám", "há dám", v.v... đến 14 lần. Ông cho rằng, nếu như Lâm Xung không nhu nhược như vậy, mà cứng cỏi như Võ Tòng, thì sẽ không bị hành hạ khổ sở như thế. Rốt cuộc, một người tâm tư tinh tế như Lâm Xung phải chịu bao khổ sở, cuối cùng ôm hận mà chết. Còn một người thô hào khoáng đạt, tùy tâm sở dục như Lỗ Đạt lại được khoái hoạt, toạ hóa yên lành, đạt đạo nhi chung.
Thế giới của Lâm Xung mãi mãi rơi tuyết
So với những tác giả khác, Bằng tiên sinh ít nhiều có cái nhìn cảm thông và lý giải đối với Lâm Xung. Ông nhận xét, tại Đông Kinh, Lâm Xung tuy có tố chất anh hùng, nhưng thiếu cái dũng khí của anh hùng. Nếu như Lỗ Trí Thâm là thiên sinh anh hùng, thì Lâm Xung là anh hùng do nhân gian đào nặn, bị bức thành anh hùng. Lâm Xung là một anh hùng nồng đậm khí tức của một người bình dong, cũng là một người bình dong có khí chất của bậc anh hùng. Phong tuyết Sơn thần miếu, bị bức đến đường cùng, Lâm Xung lần đầu tiên thực sự phản kháng, một mũi dao moi gan quân tàn ác. Từ đó, Lâm Xung mới thực sự bước đi trên con đường của người hùng.
3. Ngô Nhàn Vân
Cái nhìn của Bào Tiên sinh ít nhiều bảo lưu tính cổ điển, truyền thống. Những nhà giải mật đi sau ông, dân dã hơn, lại có cái nhìn cay nghiệt hơn nhiều với Lâm Xung. Sau những khai phá của Trần Quốc Phong và Bào Bằng Sơn, hoạt động mổ xẻ Thủy Hử ngày càng lan rộng trong dân gian. Từ đó bắt đầu một phong trào lùng sục mật ngữ trong các tác phẩm kinh điển như Tây Du Ký và Thủy Hử, bôi đen Lâm Xung nhằm ca ngợi cái tài cài cắm của Thi Nại Am.
Đầu tàu của trào lưu đó là diễn đàn Thiên Nhai xã khu, nơi ra đời những giả thuyết như Tiều Cái do Từ Ninh bắn chết, Võ Tòng là mật vụ triều đình. Các giải mật gia post từng chương sách lên đấy rồi biên thành một bộ sách trọn vẹn. Những người thành công có thể xuất bản sách, thu được danh tiếng và lợi ích thương mại.
Một nhân vật tiêu biểu phát động trào lưu giải mật là Ngô Nhàn Vân, một nhà nghiên cứu ở tỉnh Hồ Bắc (nơi phát dịch Covid), chuyên về văn học cổ điển - nổi tiếng với các tác phẩm như Giảng Tây Du, Phẩm Thủy Hử, Tân Thuyết Kim Bình Mai. Ông là người đi đầu trong lối tiếp cận kiến giải các tác phẩm kinh điển bằng âm mưu luận, đưa ra nhiều kiến giải táo bạo, độc đáo, rất được ưa chuộng và thịnh hành. Tiêu biểu nhất có thuyết Đường Tăng không phải con Trần Quang Nhị, thuyết Yến Thanh là luyến đồng của Lô Tuấn Nghĩa, v.v...
Trong cuốn Hắc Thủy Hử (một cái tựa tỏ rõ khuynh hướng Hậu Hắc Học), từ chương 8 đến chương 15, cộng thêm chương 24-25, ông thảo luận Lâm Xung, khẳng định Lâm Xung là kẻ tiểu nhân vong ân phụ nghĩa, mãi hữu cầu vinh. So sánh cảnh Lâm Xung đứng ngoài hô hoán với Võ Đại, ông nhận xét Lâm Xung "ngay cả dũng khí của Võ Đại cũng không có" (liên Võ Đại đích dũng khí đô một hữu) (3).
Ông nêu ra quan điểm rằng Lâm Xung thực chất là hồng nhân của Cao Cầu, mua đao nhằm tống lễ Cao Cầu, trung với Cao Cầu, về sau làm thơ không dám đề đến việc báo thù Cao Cầu, mà chỉ đề đến việc nổi danh, "lững lẫy Thái Sơn Đông". Cũng chính là uy trấn cái địa bàn của Vương Luân, tất yếu khiến Vương Luân lo ngại.
Nhận xét Vương Luân, Ngô tiên sinh công nhận, Lâm Xung nói đúng khi nói Vương Luân "vô đại lượng đại tài, ghen ghét hiền tài". Nhưng Vương Luân dẫu có bụng dạ hẹp hòi ("tiểu đỗ kê tràng"), thiếu nghĩa khí, thiếu cả tham vọng, thì cũng không đến mức đáng tội chết, và dù sao cũng có ơn thu lưu Lâm Xung. Thi Nại Am an bài Lâm Xung giết Vương Luân mà không phải người khác, chính là để xây dựng một Lâm Xung bất nghĩa. (4)
Hai người phát triển thuyết Hắc Lâm Xung đến mức hoàn thiện và hệ thống nhất là Tào Đồng Tước và Đào Hoa, hai cao thủ giải mật trên diễn đàn Thiên Nhai. Tôi sẽ trình bày khái lược từng luận điểm của họ một cách hệ thống để tiện cho phản biện.
4. Đào Hoa - "Gả ai chớ gả Lâm Giáo Đầu, Kết bạn nên phòng Tiểu Trương Phi."
https://yiduks. com/read_751582_29048.html (bỏ dấu cách)
Trước tiên nói đến cuốn sách có cái tên dài ngoằng và màu mè: Đào Hoa đọc Thủy Hử - Đông lạnh sắp đến, đêm tối vô biên, mạt thế cùng đường, không còn lối thoát (Đào Hoa độc Thủy Hử - Lẫm Đông Tương Chí, Ám Dạ Vô Biên, Mạt Thế Cùng Đồ, Vô Lộ Khả Đào).
Tác giả có một học thuyết vô cùng thú vị trong kiến giải Thủy Hử, gọi là tiểu hiệu - phát triển từ thuyết lược phạm trong giới phê bình văn chương, hay "đặc phạm bất phạm" của Kim Thánh Thán. Tác giả cho rằng trong Thủy Hử, mỗi loại hình nhân vật sẽ có một đại hiệu và nhiều tiểu hiệu. Các tiểu hiệu có thân phận hay đặc điểm tương tự với đại hiệu, nhưng lựa chọn khác nhau dẫn đến cuộc đời khác nhau, dùng để thôi diễn các loại khả năng vốn có thể xảy ra của Đại hiệu. (5)
Tỉ như, Vương Tiến là tiểu hiệu của Lâm Xung - cùng là giáo đầu 80 vạn cấm quân, cùng đắc tội Cao Cầu, cùng có màn đấu bổng. Nhưng Vương Tiến thì sớm thoái ẩn mà thoát nạn, Lâm Xung tham luyến công danh nên gặp họa. Vương Tiến nhẹ nhàng khi đánh bổng, còn Lâm Xung thì hạ độc thủ khi đánh vào Liêm Nhi cốt của Hồng Giáo đầu.
Lục Khiêm cũng là một tiểu hiệu của Lâm Xung. Khiêm Xung là một từ, có nghĩa là khiêm tốn. Lục Khiêm và Lâm Xung cùng một hạng người, cho nên Lâm Xung có thể giãi bày tâm tư với Lục Khiêm mà không thể giãi bày với Lỗ Trí Thâm. Tác giả cho rằng, nếu như Cao Nha Nội thèm thuồng vợ của Lục Khiêm thì Lâm Xung cũng sẽ hành động y như Lục Khiêm. Hoặc giả Cao Cầu sai Lâm
Hay anh chàng được sai bán đao cho Lâm Xung, là một tiểu hiệu của Dương Chí: đều bán bảo đao gia truyền, tự thẹn điếm nhục tông môn, ra giá 3 ngàn quan, đều quấn "trảo giác nhi đầu cân", mặc cựu chiến bào ) chinh sam. Đó là cái ma mị của Thủy Hử.
Bản thân nhiều nhân vật Thủy Hử lại là phản ảnh của nhiều nhân vật ngoài Thủy Hử, như Quan Thắng, Lã Phương. Tác giả còn cho rằng, Lỗ Trí Thâm là một Tôn Ngộ Không của Thủy Hử. Chủ đề này sẽ bàn ở dịp khác.
Mở đầu phần bàn về Lâm Xung, tác giả Đào Hoa dẫn lại quan điểm của Kim Thánh Thán bình về Lâm Xung. "Lâm Xung là người thế nào? Thưa là người độc", "tính toán đến nơi đến chốn, nắm giữ chặt chẽ, chịu đựng được mọi sự, làm việc triệt để, thực khiến cho người ta sợ" (toán đắc đáo, bả đắc lao, ngao đắc trụ, tố đắc triệt, đô sử nhân phạ). Tác giả công nhận, nhưng bình thêm rằng, Lâm Xung là kẻ tuyệt đối vị kỷ đến chó cũng không bằng, tâm vô nghĩa khí. (6)
Tác Đào Hoa có quan điểm gay gắt nhất về Lâm Xung, liên tục chửi Lâm Xung là chó, vẫy đuôi như chó ("cẩu nhất dạng đích dao vĩ"), chủ sai đâu cắn đấy ("nhượng giảo thùy tựu giảo thùy đích nhất điều cẩu") (7).
So sánh bài thơ của Lâm Xung tại quán rượu của Chu Quý với "Lầu Tầm Dương Tống Giang ngâm thơ phản". Tác giả nhận xét, Lâm Xung chỉ nói đến công danh với đắc chí mà không nói gì đến trả thù Cao Cầu. Tại sao là "lừng lẫy Thái Sơn Đông" mà không phải là "máu nhuộm Thái Uý Phủ"? Sau mọi uất ức Lâm Xung vẫn không dám hận, dám trả thù Cao Cầu dù chỉ trong mơ, trong hồi tưởng - thiếu cái khí phách xông xáo, "máu nhuộm Tầm Dương sẽ biết nhau" của Tống Giang. Chỉ nhớ đến những ngày vui vẻ làm chó cho Cao Cầu, cảm thán tịch mịch như một con chó bị chủ bỏ rơi. (8)
Để chứng minh Lâm Xung là chó vẫy đuôi, trước tiên tác giả xem xét thái độ của Lâm Xung với những người "hữu quyền hữu thế" như Cao Nha Nội, Đổng Siêu Tiết Bá (9):
+ Lâm Xung chùn tay trước Cao Nha Nội ở Ngũ Nhạc Miếu, Lỗ Trí Thâm tức giùm thì lại can. (10a)
+ Nhận định đó là bởi Lâm Xung vốn là con chó cưng của Cao Cầu, được Cao Cầu sủng ái. Dựa vào lời nói của Lục Khiêm với Lâm Xung ("thái úy hựu khán thừa đắc hảo"), lời của Phú An với Cao Nha Nội ("tại trướng hạ thính sử hoán, ĐẠI THỈNH ĐẠI THỤ"), lời của Cao Cầu đắn đo cân nhắc tính mạng Lâm Xung với Cao Nha Nội ("tầm tư", "tích"), cách Lâm Xung gọi Cao Cầu là "ân tướng". (10b)
+ Nhận định Lâm Xung tại cửa nhà Lục Khiêm, đứng ngoài hô hoán "Đại tẩu khai môn", là cố ý để Cao Nha Nội chạy thoát. (11)
+ Nhận định Lâm Xung hỏi vợ "có bị xâm hại chưa" là vờ vĩnh để có cớ tiếp tục nhẫn nhịn bỏ qua. (12)
+ Nhận định việc Lâm Xung xách đao rượt Lục Khiêm, gióng chống khua chiêng, thực chất là để bảo Lục Khiêm mày ở đó đừng ra. So sánh với Võ Tòng báo thù Trương Đô Giám, nhận định Lâm Xung nếu thực sự muốn giết Lục Khiêm thì cứ âm thầm mà làm là được rồi. (13)
+ Nhận định Lâm Xung mua đao là nhằm lấy lòng Cao Cầu. Dựa vào tình tiết Lâm Xung khi mua đao thì nghĩ đến thanh đao trong phủ Thái úy. (14)
+ Nhận định Lâm Xung hưu thê để tránh bản thân bị liên lụy. Dựa vào lời nói của Lâm Xung khi hưu thê như "miễn đắc Cao Nha Nội hãm hại", "lưỡng tương đam ngộ", "lưỡng hạ tương ngộ" (làm lầm lỡ nhau). (15)
Tác giả than rằng: Gả ai chớ gả Lâm giáo đầu. Nói đến đây, tác giả "bỗng nghĩ đến Lâm Bình Chi" ("đột nhiên tưởng đáo cá Lâm Bình Chi" - một nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, còn gọi là Tiểu Lâm Tử). (16)
+ Chê trách thái độ hèn hạ của Lâm Xung khi khóc lóc van xin bọn Đổng Siêu Tiết Bá, lệ tuôn như mưa. (17) Lại còn hễ mở miệng ra là xưng tiểu nhân ("nhất khẩu nhất cá tiểu nhân")
+ So sánh với Vương Tiến ~ Lâm Xung lẽ ra có thể dùng võ nghệ cao cường để cùng vợ cao chạy xa bay, phu thê đồng cam cộng khổ. "Trời cao đất rộng, có thể dung hai mẹ con Vương Tiến, sao không thể dung vợ chồng Lâm Xung ngươi". (18)
+ Nhận định Lâm Xung xin tha cho Đổng Siêu, Tiết Bá vì vẫn còn ôm hy vọng làm giáo đầu. (19)
Để cho thấy Lâm Xung hèn nhưng độc, tác giả Đào Hoa đưa ra các luận điểm:
+ Nhận định Lâm Xung đã bán đứng Lỗ Trí Thâm. Dựa vào các tình tiết như:
~ câu nói của Lâm Xung kể với Đổng, Tiết về chuyện Lỗ Trí Thâm nhổ gốc cây dương liễu ở chùa Tướng Quốc. (20)
~ Khi gặp Dương Chí thì Lỗ Trí Thâm nhắc đến việc cứu Lâm Xung chỉ là "lộ kiến bất bình" chứ không nhắc đến mối tương giao giữa hai người. (21)
~ Khi gặp lại Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm không gọi Lâm Xung là huynh đệ mà gọi là giáo đầu. Nhưng vẫn gọi Trương Trinh nương là A Tẩu vì kính trọng nàng. (22)
+ Nhận định Lâm Xung ra tay ngoan độc khi đánh vào xương ống quyển của Hồng giáo đầu, là chỗ dễ gãy xương.
Tác giả lại so sánh với cảnh Vương Tiến đấu với Sử Tiến một cách nhẹ nhàng, khí độ để nêu bật cái độc của Lâm Xung.
(23)
+ Nhận định Lâm Xung xách dao tìm Lục Khiêm sau khi được Lý Tiểu Nhị nhắc nhở cũng chỉ là màn diễn kịch để bảo mày đừng tìm tao. Bất chấp an nguy của cả nhà Lý Tiểu Nhị. (24)
+ Nhận định Lâm Xung giết Vương Luân là phạm vào đại kỵ của quy củ giang hồ, tự tuyệt tiền trình.
Thà không nhận Vương Luân đại ca thì thôi, chứ đã xưng huynh gọi đệ, thì phải đặt chữ nghĩa lên đầu, sinh tử tương báo ("ký nhiên nhận liễu đại ca, na tựu chỉ năng nghĩa tự đương đầu, sinh tử tương báo"). Thầm mang lòng phản trắc, cấu kết người ngoài, giết đại ca của mình, là chuyện giang hồ cấm tuyệt ("ám hoài bất trắc chi tâm, dữ ngoại nhân cấu kết, sát liễu tự kỷ đích đại ca, thị giang hồ đích đại kỵ"). Tác giả nhận xét, một nước đi này của họ Lâm coi như "tuyệt luôn đường làm người" ("tẩu tuyệt đích thị tự kỷ đích xuất lộ"), tự đánh mất chỗ đứng trên giang hồ. (25a)
Tác giả cho rằng chính vì lý do này mà Lâm Xung luôn bị nghi kỵ, cuối cùng bị Tống Giang đẩy ra khỏi hạch tâm quyền lực của Lương Sơn Bạc, bị một anh Quan Thắng từ đâu rơi xuống vô công vô trạng đè lên đầu. (25b)
5. Tào Đồng Tước - "Trượng nghĩa mỗi đa đồ cẩu bối, phụ tâm đa thị độc thư nhân".
Tào tiên sinh viết đến hơn 200 chương phân tích Thủy Hử truyện đăng trên diễn đàn Thiên Nhai, biên thành sách với tựa đề Trẻ không đọc Thuỷ Hử. Trong đó, từ chương 2 đến chương 17, Tào tiên sinh chứng minh Lâm Xung là kẻ tiểu nhân mười phần nô tính, thượng đội hạ đạp. Tiêu biểu có các lập luận như sau:
+ Đối chiếu 2 tình tiết: (a) Phú An bình luận Lâm Xung tuy là hảo hán nhưng dưới quyền Cao Cầu, sao dám đắc tội Cao Cầu; (b) tương phản, Lý tiểu nhị bình Lâm Xung là kẻ tính nóng, sẵn sàng giết người phóng hỏa. Từ đó suy ra Lâm Xung là kẻ thượng đội hạ đạp - hai góc nhìn khác nhau là vì xuất phát từ hai giai cấp khác nhau. (Chương 1) - (26)
+ Nhận định Lâm Xung chỉ vờ vĩnh lấp liếm khi nói với Lỗ Trí Thâm là tại hắn không biết đó là vợ tôi nên mới ghẹo, định đánh hắn nhưng bị cản lại. Nói là nể mặt Cao Cầu, thực chất là sợ Cao Cầu. Nhưng bị tuệ nhãn của Lỗ Trí Thâm nhìn thấu, hùng dũng nói: "anh sợ Thái Uý nhà anh chứ tôi sợ gì". (Chương 2) - (27)
+ Dựa vào bằng hữu quyển của Lâm Xung để đoán định LX là kẻ chẳng ra gì: Lục Khiêm đệ nhất phản bạn, Lý tiểu nhị từng ăn trộm, đồ đệ Tào Chính là kẻ quỵt tiền. Nhân dĩ loại tụ vật dĩ quần phân. (Chương 3) - (28)
+ Nhận định Lâm Xung xem Trương thị là đầu mối tai họa của mình. Dựa vào câu "đụng phải Cao Nha Nội" khi hưu thê. (Chương 5) - (29)
+ So sánh việc Lâm Xung khóc lóc van xin bọn Đổng, Tiết tha chết với Tống Giang lúc bị Vương Anh. Nhận định khí tiết của Lâm Xung thua xa cả Tống Giang. (Chương 7) - (30)
+ Phân tích câu nói "tiểu nhân là hảo hán" của LX. Tiểu nhân là cách tự xưng khi có điều cầu cạnh, khi kẻ yếu sợ kẻ mạnh. Hảo hán là cách tự gọi khi muốn thể hiện cường thế. (Chương 7) (31)
Ở chương 55, tác giả nhận xét: "Lâm Xung người này, là người có nô tính rất nặng. Bất kể là ai, hễ mạnh hơn bản thân, thậm chí không sai biệt với mình bao nhiêu, Lâm Xung đều tự xưng là tiểu nhân, mà không phải cách xưng lão tử, gia gia, yêm, v.v. của hảo hán thông thường."
(32)
Đặc sắc nhất là thông qua minh oan cho Vương Luân để tố cáo Lâm Xung.
+ Nhận định bản chất Vương Luân không hề nhỏ mọn, bác bỏ quan điểm "Vương Luân bụng dạ nhỏ nhen". Dựa vào lời của Sài Tiến ("Xưa nay thường có những người nặng tội phạm, trốn tránh vào đấy, thì họ đều dung nạp cả"); lời của Chu Quý ("Vả chăng lại có Sài Đại Quan Nhân tiến cử, thì ngài tới nơi, tất là được trọng dụng chớ chẳng chơi."); việc Tống Vạn được chiêu nạp; việc Luân thân nghinh đón bọn Tiều Cái lên Lương Sơn, lễ số trang trọng, thay vì cự tuyệt từ đầu. (34)
+ Nhận định Vương Luân ban đầu chào đón Lâm Xung. Sau khi uống rượu trò chuyện, mới nảy suy nghĩ không muốn chiêu nạp LX, vì đã nhìn ra tính cách và dụng ý của LX. "Vương Luân là văn nhân. Trong Thủy hử, văn nhân như Ngô Dụng, Vương Luân, Hoàng Văn Bính đều giỏi nhìn thấu dụng ý đối phương". (35)
+ Nhận định Luân không muốn tiếp nạp Lâm, Tiều là chính đáng, vì: (a) Lương Sơn là tư hữu của Luân, Luân hoàn toàn có quyền; (b) Lâm, Tiều là nhân tố bất ổn cho công ty.
"Vì bảo hộ công ty của mình không bị người khác cướp, bèn đuổi đi nhân tố bất ổn, đây mà là không thể dung người hay sao?" (36)
Tác giả thường xuyên sử dụng lăng kính "công ty" để kiến giải hành động của các nhân vật, đặc biệt là Lâm Xung.
+ Nhận định Lâm Xung tạo phản vì không cam lòng xếp dưới kẻ kém tài như Đỗ Thiên, Tống Vạn. (37)
+ Bác bỏ quan điểm "Ngô Dụng mượn tay Lâm Xung để hạ thủ". Nhận định Lâm Xung nắm thế chủ động, vì có thể lựa chọn phản hoặc không phản, đều chẳng sao. Còn bọn Ngô Dụng không lên núi được thì ắt nguy đến tính mạng. Suy ra chính bọn Ngô Dụng mắc mưu Lâm Xung, chứ không phải Lâm Xung mắc mưu như Ngô Dụng tự khoe. (38)
+ Phân tích lời của Lâm Xung than "Vương Luân là người tâm thuật không định, bàn nói không nghe", với câu trả lời của Ngô Dụng nói Vương Luân "mà tâm địa lại hẹp hòi hay sao?". Lưu ý Lâm Xung không hề nói gì đến chuyện Vương Luân tâm địa hẹp hòi. (39)
Tác giả so sánh Lâm Xung với Lữ Bố: võ nghệ cao cường, nhưng nhân phẩm tầm thường, thậm chí phản trắc, làm gia nô ba họ - phụng sự ba đời trại chủ Vương, Tiều, Tống.
Cuối cùng, Tào tiên sinh cho rằng kết cục của các nhân vật phản ánh nhân cách của họ. Người trượng nghĩa như Lỗ Trí Thâm được thiện chung. Còn kẻ bất nghĩa như Lâm Xung phải chết trong khổ sở.
Bên cạnh đó, cũng có những thuyết âm mưu thú vị khác. Ví dụ như tác giả Hồng Hài Nhi của diễn đàn Thiên Nhai trong cuốn Giúp bạn đọc Thủy Hử có nêu thuyết âm mưu nói rằng Lâm Xung giả chết. Dựa vào đối chiếu ngày tháng (thấy Tống Giang báo tử sớm 5 tháng so với ngày chết của Lâm Xung) và số tiền lãnh thưởng bất hợp lý của Võ Tòng, dẫn trường hợp giả chết của Lý Tuấn.
No comments:
Post a Comment