https://www.facebook.com/liberty.sea.391/posts/896562664150064
PHẦN II. CHIÊU TUYẾT - THỰC HƯ HẮC LÂM XUNG.
Các nhà âm mưu luận bám vào các tình tiết có tính "nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí" để kết tội Lâm Xung. Những tình tiết như vậy, luôn có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dựa trên những tiền giả định khác nhau. Cùng một hành vi nhẫn nhịn - nhưng người cảm thông thì nói là có tu dưỡng, biết nghĩ đến đại cục, đến thân nhân. Người ác ý thì nói là hèn. Ra tay cứu giúp người, từ góc nhìn thông cảm thì nó xuất phát từ thiện tâm. Từ góc nhìn ác ý thì nó chiêu trò mê hoặc nhân tâm. Không biết được nội tâm nhân vật, thì tất cả cũng chỉ là đoán mò theo tư kiến.
Theo tôi, mật ngữ nếu có cũng không thể mâu thuẫn với hiển văn trực tả. Lời thoại của nhân vật thì có thể là giả dối hoặc nhầm lẫn. Lời kể ở ngôi thứ nhất thì có thể là unreliable narrator. Tuy nhiên lời kể ở ngôi thứ ba thì phải là thực, không thể là giả.
Lấy ví dụ, lời kể chuyện đã nói Lâm Xung "nửa năm sau thì chết" ("hậu bán tải nhi vong"), thì Lâm Xung phải chết nửa năm sau, không thể nào khác được. Cho dù Lâm Xung quả thực chưa chết lúc Tống Giang báo Lâm Xung chết, cũng không có nghĩa là Lâm Xung sẽ sống quá nửa năm sau.
Thời gian chênh lệch, có thể là sai sót do vô ý. (Thủy Hử không phải do 1 người viết, nên có những lỗ hổng, bất nhất quán là thường tình. Chuyện Lỗ Đạt biết chữ hay không thì cũng thế. ) Nhưng việc kể Lâm Xung chết nửa năm sau, thì không thể là sai sót vô ý.
Nếu có muốn bày thuyết âm mưu, thì cũng không thể mâu thuẫn với lời kể. Có thể suy diễn Tống Giang báo tử sớm 5 tháng là vì Tống Giang muốn bài trừ Lâm Xung, hoặc có giao ước với Lâm Xung nhưng sau đó quay sang hạ độc, v.v... Nhưng không thể nói Lâm Xung sống quá nửa năm đó. Nếu tác giả muốn sắp đặt cho Lâm Xung giả chết, thì sẽ báo cáo cái chết của Lâm Xung qua lời thoại (bao quát thư từ, tâm tưởng, v.v.) của một nhân vật nào đó, chứ không trực tả trực thuật như vậy.
Tác giả Hồng Hài Nhi thì cho là Thi Nại Am cố tình báo cáo láo, lời kể chuyện nói dối người đọc, Thủy Hử đầy những lời kể dối. Để rồi vẽ ra những thuyết âm mưu vừa thiên tài vừa buồn cười. Như Lâm Xung và Lỗ Trí Thâm ngay từ đầu được giao nhiệm vụ lạc thảo Lương Sơn, Cao Nha Nội chòng ghẹo Lâm nương tử là một âm mưu, v.v...
Nỗ lực giải mật nhiều khi không tránh khỏi trông như nỗ lực hợp lý hóa các lỗ hổng bằng những thuyết âm mưu. Như ai đó nói, nó từa tựa như cố gắng lý giải tại sao Conan mãi học lớp 1.
Lập trường của tôi là lời kể chuyện không nói dối. Lời kể chuyện nói gì về tính cách của Lâm Xung? Hồi thứ 10 Lâm Giáo Đầu Phong Tuyết Sơn Thần Miếu - khi đại tuyết đánh sập 2 gian thảo sảnh - bất kể là bản toàn truyện 120 hồi, hay Kim bản 70 hồi, hay bản sớm nhất 100 hồi, đều có câu này:
"Thì ra lẽ trời soi tỏ, phù hộ kẻ THIỆN NHÂN NGHĨA SĨ, nhân cơn đại tuyết này, cứu mạng Lâm Xung" (nguyên lai thiên lý chiêu nhiên, hựu hộ thiện nhân nghĩa sĩ, nhân giá trường đại tuyết, cứu liễu Lâm Xung đích tính mạng - 原來天理昭然,佑護善人義士,因這場大雪,救了林沖的性命。)
Như vậy, lời kể chuyện gọi Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ. Đồng nghĩa tác giả xem Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ. Mà còn là thiện nhân nghĩa sĩ được trời cao phù hộ.
Thủy Hử toàn truyện dùng chữ thiện 善 104 lần, đa số dùng trong lời thoại của nhân vật. Được lời kể chuyện gọi là thiện nhân, chỉ có 4 người: Tôn Định (hiếu thiện), Lâm Xung (thiện nhân nghĩa sĩ), Võ Đại (thiện nhược đích nhân), Vương Thái Thú (thiện noạ chi nhân). Trong đó chỉ có mình Lâm Xung là hảo hán Lương Sơn.
Tôn Định là người hiếu thiện, Võ Đại là người thiện lương mềm yếu, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Vương Thái Thú xin lưu mạng cho Lư Tuấn Nghĩa và Thạch Tú để "quân dân vô thương", là người có lòng nhân, tiếc là bị Lưu Đường Lý Quỳ đánh vỡ sọ văng não.
"Nghĩa sĩ" được dùng cũng nhiều nhưng dùng trong lời kể truyện (không tính thơ ca) thì chỉ dùng để chỉ Lâm Xung.
Tóm lại, từ giá trị quan của tác giả, Lâm Xung là kẻ thiện nhân nghĩa sĩ. Ta có thể không đồng ý với giá trị quan của tác giả, nhưng đó là chuyện khác. Dụng ý của tác giả là xây dựng nhân Lâm Xung như một thiện nhân nghĩa sĩ. Chí ít là trước bước ngoặt Phong tuyết Sơn Thần Miếu. Giới phê bình thường lấy đó làm cột mốc.
Thế thì chúng ta phải kiến giải hành động của Lâm Xung trước thời điểm đó từ góc độ của kẻ thiện nhân nghĩa sĩ.
Giai đoạn ở Kinh thành, có thể nói Lâm Xung là một tiểu công chức đúng nghĩa, về địa vị và tâm lý. Cần ghi nhớ rằng ngoại hiệu Tiểu Trương Phi là sau khi lên Lương Sơn mới có được, còn lúc này Lâm Xung chỉ là Báo Tử Đầu - một anh võ sư nhỏ nhoi trong một thời đại trọng văn khinh võ. Giáo đầu 80 vạn cấm quân, nghe thì oách nhưng thực chất cũng chỉ là anh huấn luyện viên ủ-shu cho lính cấm quân, không có thực quyền gì cả. (Và tiểu công chức thì vẫn hay khiêm xưng "tiểu nhân". Vương Tiến cũng tự xưng tiểu nhân suốt.)
Lâm Xung bấy giờ chỉ là một con người bình dong nhỏ bé trong bộ máy. Có chí khí tài sức của bậc anh hùng, song cũng luôn bị kiềm hãm bởi những lo sợ của một người bình dong.
Tâm tư của Lâm Xung thể hiện qua lời giãi bày với Lục Khiêm: Những mong "gặp được minh chủ" để được trổ tài sức với đời. Song triều trung vô minh chủ ("bất ngộ minh chủ"), nên đành "khuất trầm dưới kẻ tiểu nhân" ("khuất trầm tại tiểu nhân chi hạ"). Chán ghét "kẻ tiểu nhân" kia, song cũng được hắn có phần ưu ái, nên đành cam chịu tiếp tục dưới trướng tiểu nhân, luồn lăn trong chốn đại nhiễm gian của quan trường hủ bại, cốt mong sao cánh cửa công danh một ngày hé mở.
"Bất ngộ", "khuất trầm" chính là nội tâm sâu thẳm của Lâm Xung, mà Lục Khiêm đã biết tận dụng qua lời chào mời của kẻ bán đao. Hai từ khóa này được vận dụng thành công, thôi thúc Lâm Xung mua đao, biểu thị Lâm Xung thực sự chán ghét đứng dưới trướng tiểu nhân, chứ không phải chỉ là vờ vĩnh.
Cho nên tôi không đồng ý với quan điểm Lâm Xung toàn tâm toàn ý muốn làm chó cho Cao Cầu của tác giả Đào Hoa. Rõ ràng Lâm Xung xem Cao Cầu là tiểu nhân, không phải minh chủ. Lâm Xung khao khát gặp được một người chủ khác, anh minh hơn. Minh chủ cũng tức là "thức giả". Bất ngộ minh chủ, bất ngộ thức giả là nỗi niềm chiếm cứ tiềm thức của Lâm Xung.
Lâm Xung như một thanh bảo đao đang phải giấu mình trong vỏ, cam chịu đóng bụi trên kệ gác hoen ố của kẻ tiểu nhân, mong có ngày được đến tay bậc minh chủ thức đao, tuốt ra khỏi vỏ để tỏa phát quang mang, tranh phong với đời.
Tâm sự khuất trầm không sao hoá giải, đành khuây khỏa tìm vui trong việc "hàng ngày lại đi rong chơi phường phố, chè chén vui cười", bên mái ấm gia đình, bên người hiền thê đẹp nết đẹp người.
Cuộc sống của Lâm Xung, tuy có khuất trầm, có ẩn ức, nhưng cũng có hy vọng, có những niềm vui bình dị. Để giữ lấy chút hy vọng ấy, chút niềm vui ấy, Lâm Xung đã chấp nhận thỏa hiệp với cuộc đời, thỏa hiệp với không ít bất công ngang trái trước mắt.
Song về bản chất chàng vẫn là một thiện nhân. Thiện tâm của chàng biểu hiện qua việc cứu giúp Lý Tiểu Nhị thoát cảnh tù tội, cho tiền đi nơi khác làm ăn -- khi Tiểu Nhị chỉ là một kẻ thấp cổ bé họng, chẳng thể đem lại lợi lộc gì cho LX. Ngay cả khi được báo đáp, chàng cũng không dựa dẫm để ăn bám, mà "đôi khi có được đồng nào, lại đưa cho vợ chồng Tiểu Nhị, để thêm làm vốn buôn." Tất cả cho thấy, LX sống tử tế với người dưới, không hề "hạ đạp".
Nói rằng Tiểu Nhị từng ăn trộm, suy ra nhân phẩm Lâm Xung chẳng ra gì - chỉ là sự suy diễn vô căn cứ. Ăn trộm, vị tất là kẻ bất nghĩa. Vì túng quẫn mà ăn trộm cũng là thường thấy, nhất là trong một thời đại "tích bần tích nhược", tham quan lộng hành.
Thực tế chứng minh, Lý Tiểu Nhị là người có nghĩa, tri ân đồ báo. Khi gặp được Lâm Xung liền chủ động tiếp cận, tận tình báo đáp, phục vụ tận răng - dẫu rằng Lâm Xung bấy giờ chỉ là kẻ tù tội vô quyền vô thế. Biết LX nóng tính, dễ manh động, có thể liên lụy đến bản thân, song khi biết bọn Lục Khiêm mưu hại LX, thì vẫn liều mạng báo tin cho chàng. Một người bình dong an phận thủ thường, mà làm được như thế, đã là chí tình chí nghĩa rồi.
Được cho cơ hội làm lại cuộc đời, Lý Tiểu Nhị làm ăn rất đàng hoàng, "hàng quán một ngày một phát đạt, mà khách hàng ăn ai cũng đến khen là làm ăn sạch sẽ. Bởi vậy chủ nhân có lòng yêu dấu mà gả con gái". Thực là một ca phục hồi nhân phẩm, tái hội nhập cộng đồng thành công rực rỡ.
Điều đó càng cho thấy Lý Tiểu Nhị là người có lòng phục thiện, đáng giúp. Còn Lâm Xung thì nhìn thấy được bản chất thiện lương của Lý Tiểu Nhị, không vì lỗi lầm nhất thời mà hắt hủi. Khí khái của chàng có sức cảm hóa, giúp người ta phục thiện, hướng thiện.
Cũng không thể kết tội LX dựa vào lời bình của Lý Tiểu Nhị rằng: "Ông ấy là người nóng tính, hễ bí đường là ĐÒI giết người phóng hỏa" ("tha thị cá TÍNH CẤP đích nhân, mô bất trứ tiện YẾU sát nhân phóng hỏa"). Lưu ý chữ đòi (yếu). Đòi làm không có nghĩa là thực sự làm. Nó chỉ là cách nói ước lệ để mô tả tính cách nóng nảy (tính cấp).
Lâm nương tử mỗi lần bị chòng ghẹo thì đều tự xưng là lương nhân thê tử. Bởi vì Lâm Xung là lương nhân, là thiện nhân. Lương nhân cũng tức là lương dân. Lương dân thì không sát nhân phóng hỏa. Lâm nương tử biết chuyện chồng mình làm. Tôn Định cũng thế, nên mới giúp Lâm Xung.
Tôi tin Lý Tiểu Nhị không phải là người duy nhất được Lâm Xung giúp đỡ. LX hẳn đã nhiều lần hành hiệp trượng nghĩa, nên danh tiếng lan khắp thiên hạ. Đi đến đâu gặp ai cũng nói đến đại danh của chàng. Tỉ như Sài Tiến, Sai Bát. Tỉ như lời Chu Quý: "từng có người từ Đông Kinh đến, kể về sự tích hào kiệt của ngài". Hoặc Lý Tiểu Nhị: "Đại danh của ân nhân có ai không biết?" Quả thực "giang hồ trì dự vọng, kinh quốc hiển anh hùng". Nếu chàng chỉ là con chó của Cao Cầu, thay hắn sát nhân phóng hỏa - hẳn sẽ không có đại danh hào kiệt như thế, mà chỉ có tẩu cẩu ác danh.
Lâm Xung là lương nhân, cũng là người có "tính cấp". Về thiên bẩm chàng là một võ nhân, song lại có cái tu dưỡng của văn nhân. Đầu báo mặt tròn, râu hùm hàm én, thân cao tám thước, mà lại "tay cầm cái quạt Tứ Xuyên", uống rượu đề thơ, phong thái nho nhã. Bản chất của chàng vốn là một võ nhân nóng tính, cấp trực, nghĩa khí. Thói nhẫn nhịn, nhu nhã của Lâm Xung đến từ hoàn cảnh hơn là từ bản tính. Những năm tháng lăn lộn chốn quan trường đã dạy cho chàng biết hậu quả của việc chống lại cường quyền, bắt buộc chàng phải học cách thỏa hiệp, đè nén cái nhâm tính nghĩa khí của mình.
Bản tính nhiệt huyết, nhưng phải nhẫn nhịn trước cường quyền. Bản tính nghĩa khí, nhưng phải dằn lòng đứng dưới trướng tiểu nhân. Nhẫn nhịn, thỏa hiệp với cường quyền đã trở thành một thói quen. Song sự thỏa hiệp trái bản tính đó không khỏi sản sinh ra mâu thuẫn nội tâm, tạo ra ẩn ức "khuất trầm" đeo nặng trong tiềm thức.
∆ - Và Lâm Xung đã phải trả giá cho sự thỏa hiệp đó. Niên tai nguyệt phạm, tai ương giáng xuống đập tan chút hy vọng và niềm vui đời thường nhỏ bé của vị thiện nhân khuất trầm. Nơi Nhạc miếu trang nghiêm thanh tịnh bỗng xảy ra một hành vi ô uế. Hoa hoa thái tuế ngang nhiên chòng ghẹo "lương nhân thê tử", đảo loạn cái "thanh bình thế giới" của người thiếu phụ vẫn còn bảo lưu cái hồn nhiên trong sáng của khuê nữ.
Lâm Xung chưa biết đối phương là ai, nhưng vẫn tiên lễ hậu binh, không xông vào đập luôn mà trước khi ra tay còn phải nói lý lẽ rõ ràng: "Anh dám đùa bỡn vợ con nhà tử tế, thì có đáng tội hay không?".
Khi biết đó là Cao Nha Nội, Lâm Xung đã phải chùn tay. Không phải Lâm Xung không giận. Thi Nại Am trực thuật "Lâm Xung nộ khí vị tiêu" (cơn giận chưa tan), trừng trừng nhìn Cao Nha Nội, mấy người khác phải xông vào can. Có nghĩa là LX giận thật, và muốn trả đũa Cao Nha Nội thật. Nhưng bị can, và ngẫm nghĩ lại, mới hạ hỏa buông tha. Cũng có nghĩa là LX khó khăn lắm mới dằn được nộ khí, kiềm chế không đánh Cao Nha Nội. Lời kể truyện không nói láo.
Kẻ thiện nhân chùn tay nhẫn nhịn, là vì không muốn liên lụy thân nhân. Huyện lệnh có thể phá gia, tri phủ có thể diệt môn, huống hồ là Cao Thái Uý. Đắc tội tiểu nhân, mà lại là tiểu nhân có quyền thế, thì hậu họa khôn lường. Lâm Xung có mệnh hệ gì, tính mệnh cùng trinh tiết của nương tử cũng khó bảo toàn.
Vì nể mặt ân tướng, vì tiền trình, vì sợ liên lụy thân nhân - Lâm Xung có đủ lý do để nhẫn nhịn.
∆ - Đứng ngoài hô hoán, để Cao Nha Nội chạy thoát, cũng vì như thế. Nhưng còn vì giữ thể diện cho vợ. Tất nhiên, dựa vào lời đối thoại có thể nhận ra Cao Nha Nội chưa làm ăn gì được. Nhưng Lâm Xung vẫn phải xét đến khả năng là quần áo nàng đã bị hắn giật kéo xộc xệch sao đó. Lỗ mãng phá cửa mà vào, nhỡ bị người nhìn thấy không phải là sẽ khiến nàng hổ thẹn muốn chết hay sao. Đứng ngoài hô hoán, cũng là cung cấp thời gian cho vợ tu chỉnh y phục.
So sánh với Võ đại lang:
(a) Phan Kim Liên thông gian; còn Trương Trinh nương thì bị chòng ghẹo, cưỡng bức. Trong tình huống của Trương Trinh Nương, cần ưu tiên đảm bảo an toàn, thể diện của nàng hơn.
+ Lâm Xung gọi mở cửa, và cửa mở. Nếu không mở cửa được thì có thể Lâm Xung sẽ phá cửa. Không có căn cứ gì để nói Lâm Xung sẽ không phá cửa nếu cửa không mở.
(b) Tây Môn Khánh chỉ là anh chủ tiệm thuốc bắc, quyền thế không thể so với Cao Cầu. Võ nghệ không phải mấu chốt. Quyền thế đáng sợ hơn võ nghệ cá nhân.
Đòi hỏi Lâm Xung phải xông vào bụp cho Cao Nha Nội một trận thì hơi quá quắt. Cao Cầu quyền thế cỡ nào. Chiếu ảnh của Lâm Xung là Vương Tiến, bị Cao Cầu lôi cả cha ra chửi, suýt đè ra đánh vì cái chuyện đời nảo đời nao, là đã sợ vãi cả linh hồn, rắm cũng không dám đánh, xoắn đít chạy về mách mẹ, ba chân bốn cẳng chuồn khỏi kinh thành, chứ có dám xông vào chửi lại Cao Cầu hay bụp hắn đâu. Mặc dù, chửi cha là một sỉ nhục lớn, hơn cả chòng ghẹo vợ, án theo tôn ti thời đó.
Không biết Vương Tiến mắc bệnh gì, mà bị Cao Cầu chửi một phát là lập tức khỏi bệnh, chạy khỏe như trâu, đi từ canh năm, "đêm ngủ trọ ngày lên đường, dãi gió dầm sương", chạy suốt một tháng tới thẳng Diên An. Có thể Cao Cầu đã bắt trúng thóp, Vương Tiến chỉ giả bệnh để khỏi đi làm. Hoặc giả, vài câu chửi của Cao Cầu có thể chữa bá bệnh. Đó là sức mạnh của quyền thế.
Nếu Vương Tiến mà bụp, chửi Cao Cầu thì khẳng định không thể sống sót rời khỏi kinh thành. Đây là chỗ thiên tử cước hạ, cũng là địa bàn của Cao Cầu, chứ không phải mấy chỗ xa xôi nơi có thể tùy tiện "ba quyền đấm chết trấn Quan Tây", "báo oán giết nhà Trương Đô giám". Các hành động "anh hùng hảo hán" trong Thủy Hử, dường như chỉ xảy ra ở chỗ xa xôi.
Cho nên không thể vừa lấy tiêu chí của Vương Tiến vừa lấy tiêu chí của Lỗ, Võ ra phán xét Lâm Xung được. Vì Vương Tiến cũng là nhẫn nhịn rồi chuồn thôi. Lâm Xung không thể vừa hành động như Lỗ Trí Thâm rồi chuyển sang hành động như Vương Tiến. Thế thì tại sao Lâm Xung từ đầu không hành động như Vương Tiến?
+ Vương Thăng - cha Vương Tiến - đắc tội Cao Cầu, bị Cao Cầu ghi hận. Cao Cầu vừa nhận chức Điện Súy đã kiếm cớ trả thù Vương Tiến - tỏ rõ địch ý. Nguy cơ hiển hiện quá rõ ràng - "tất là tính mệnh ta khó lòng mà chu toàn với hắn ta được". Tiến "rầu rĩ không biết làm sao", về hỏi mẹ thì bà nói chạy đi. Thế nên, Vương Tiến chạy. Chạy vì sợ nguy đến tính mạng, chẳng phải vì không chịu dưới trướng kẻ tiểu nhân.
Trong khi đó LX trước giờ được Cao Cầu ưu ái, chỉ mới khúc mắc với thằng con nuôi. Cao Cầu lúc đó chưa tỏ ác ý gì với LX. Nếu không phải thằng con nuôi đem tính mạng ra dọa dẫm thì Cao Cầu cũng sẽ không vứt bỏ Lâm Xung. Ai có thể dự liệu được là Cao Nha Nội tương tư Trương thị đến mức sống dở chết dở?
Mà Trương thị cũng khuyên LX hạ hỏa, giữ ở nhà không cho đi trả đũa Lục Khiêm, nói rằng đằng nào cũng chưa bị xâm hại gì. Lúc đó LX chưa thực sự có lý do rõ ràng để đào vong.
Vương Tiến thụ hận, Lâm Xung thụ sủng, chẳng trách Lâm Xung khó bỏ nợ công danh hơn.
Hơn nữa, nếu vứt bỏ sự nghiệp mà dễ dàng thì nó đã không là lý tưởng của người xưa. Vương Tiến đạt tới lý tưởng đó, không có nghĩa không làm được như Vương Tiến thì đều là rác rưởi. Vương Tiến là chiếu ảnh lý tưởng của Lâm Xung, là hóa thân biểu thị lý tưởng của tác giả. Còn Lâm Xung chính là chiếu ảnh hiện thực của Vương Tiến, một Vương Tiến còn chìm nổi trong cõi hồng trần, lao lụy trong vòng tranh đấu của nhân gian, đầy những khuyết điểm, những tầm thường của con người bình dong.
Tôi đánh bạo mà cho rằng, nhân vật Lâm Xung cũng chính là tiếng lòng của Thi Nại Am, một trong những hóa thân của tác giả. Lâm Xung là nhân vật bi kịch nhất bộ truyện, trải tận nhân sinh bi hoan ly hợp, ân oán tình cừu - là nhân vật trung tâm của Thủy Hử trong ý nghĩa bi kịch của nó, cũng tức là trong ý nghĩa văn học của nó.
∆ - Lâm Xung xách dao tìm Lục Khiêm, có phải chỉ là diễn kịch hay không? Cả hai phương án đều khả dĩ, đều không nhất thiết mâu thuẫn với tư cách thiện nhân của Lâm Xung.
Song cá nhân tôi cho rằng nó chỉ là sự bạo phát của cái tính nóng của Lâm Xung. Đó là một nước đi vụng dại, biểu thị địch ý không chết không thôi với Lục Khiêm, đẩy Lục Khiêm vào thế không chết không thôi với Lâm Xung. Mọi mưu kế hãm hại Lâm Xung về sau đều do Lục Khiêm chủ động đề xướng.
Bản chất của Lâm Xung vốn cấp trực, thô phác, nhiệt huyết. Sự kiềm chế, điềm tĩnh của Lâm Xung xuất phát từ hoàn cảnh. Khi thoát ly khỏi hoàn cảnh thường nhật, bản chất lại bạo phát ra. Đặc biệt là đối với Lục Khiêm. Hễ liên quan đến Lục Khiêm, Lâm Xung dường như mất hết điềm tĩnh, giận quá mất khôn.
Sự kiện ở quán Lý Tiểu Nhị cũng là như thế. Thi Nại Am trực thuật "Lâm Xung đại nộ". Lời kể truyện không nói láo. Có nghĩa là Lâm Xung giận thật, không phải vờ vĩnh. Và Lý Tiểu Nhị cũng tiên liệu được điều đó, cho thấy nó là tính cách trước giờ. Giận quá mất khôn, quên mất rằng nó có thể đe dọa đến an nguy cả nhà Lý Tiểu Nhị, chứ không phải cố ý.
Lâm Xung đang được Lý Tiểu Nhị cung phụng, không có lý do gì lại đi hy sinh một nguồn hỗ trợ chỉ vì những hy vọng ngây thơ mờ mịt vào khả năng được Cao Cầu tha. Lâm Xung có ác thì cũng tìm thấy ở Lý Tiểu Nhị giá trị lợi dụng, biểu hiệu qua việc đưa tiền cho Lý Tiểu Nhị làm ăn. Cho nên, đó chỉ là đại nộ mất khôn.
Có lẽ, Lâm Xung đặc biệt căm hận Lục Khiêm, vì Lục Khiêm tạo cho Lâm Xung cảm giác bị phản bội. Lâm Xung có thể ít nhiều khoan dung những người dưng nước lã đắc tội mình. Nhưng không thể chấp nhận một người cùng mình lớn lên, được mình cứu giúp, thổ lộ tâm tư, như huynh nhược đệ, mà lại phản bội mình. Như huynh nhược đệ - tình cảm càng sâu, hận càng sâu.
Võ Tòng cũng là như thế. Võ Tòng tìm thấy tình cảm gia đình nơi chị dâu, nơi nhà Trương Đô Giám. Nhưng khi biết họ phản bội cái tình cảm ấy, thì Võ Tòng ra tay cực kỳ thảm khốc.
Lâm Xung không có huynh đệ, phụ mẫu không còn, xem Lục Khiêm như huynh đệ, tìm thấy cảm giác gia đình nơi Lục Khiêm. Lâm Xung ngầm biết Lục Khiêm là hạng cầu vinh, nhưng tự thuyết phục mình rằng hắn vẫn còn có tình huynh đệ. Khi ảo tưởng đó bị hiện thực phá vỡ, Lâm Xung "đại nộ", không sao kiềm chế.
Nhưng Lâm Xung không cực đoan như Võ Tòng. Bị đắc tội lần đầu, Lâm Xung vẫn sẵn sàng bỏ qua sau khi phát tiết. Giận đó quên đó, biểu hiện cái bản chất thiện lương hồn nhiên của Lâm Xung.
"Từ đó Lâm Xung mỗi ngày cũng Lỗ Trí Thâm dạo phố, uống rượu, vụ việc kia cũng đem buông lỏng đi (phóng mạn liễu)". (自此每日與智深上街喫酒,把這件事都放慢了。)
Phóng mạn liễu - mạn tức là chậm, đối với cấp, có nghĩa là gấp. Lâm Xung phóng mạn rồi, có nghĩa là trước đó Lâm Xung rất gấp gao, rất gay gắt, không phải là diễn. Lâm Xung gấp gao, gay gắt vì Lâm xung là người "tính cấp".
"Lại nói Lâm Xung mỗi ngày cùng Lỗ Trí Thâm uống rượu, cũng không đem việc ấy ghi ở trong lòng nữa (bất ký tâm liễu)" (-再說林沖每日和智深喫酒,把這件事不記心了。)
Bất ký tâm - không ghi ở trong lòng. Ba chữ này biểu thị bản chất lương thiện của Lâm Xung. Đây là một câu trực thuật nội tâm. Phải là người có nội tâm lương thiện dường nào thì mới có thể đem những mâu thuẫn vừa qua không ghi trong lòng. Nhất là giữa tình hình căng thẳng, mâu thuẫn vị giải như thế.
Thấy Cao Nha Nội không đến quấy rầy vợ mình nữa, Lục Khiêm cũng không bén mảng đến nữa, lại có bạn cùng uống rượu, bèn không ghi ở trong lòng. Suy nghĩ sao mà đơn giản thế. Phải chăng Lâm Xung đầu óc tinh tinh, linh hồn thánh mẫu? Có thể nói Lâm Xung hèn, hoặc ngu. Nhưng khó có thể nói Lâm Xung độc địa, đa đoan. Kẻ độc địa, tâm kế đa đoan thì cho dù ngoài mặt không truy cứu sẽ vẫn ghi hận trong lòng, toan tính tìm mưu đối phó.
Các âm mưu gia mô tả Lâm Xung như một người tâm cơ cẩn mật, quỷ kế đa đoan. Nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao Lâm Xung liên tục ăn những cú lừa thô thiển nhất, bị bọn tiểu tốt như Phú An, Tiết Bá (chứ chưa nói tới Ngô Dụng) quay như chong chóng?
Cuộc bán đao là tình huống như thế. Anh bán đao theo dấu Lâm Xung, dùng những từ như "bất ngộ", "khuất trầm" mà Lâm Xung đã nói với Lục Khiêm ("bất ngộ thức giả, khuất trầm liễu ngã giá khẩu bảo đao"). Khi bị hỏi thân thế thì lấp liếm bảo nói ra thì thẹn. Những cử chỉ quá ám muội, quá đáng nghi, thế mà Lâm Xung chả nghi ngờ truy vấn. Nếu là bọn như Võ Tòng, Tống Giang, Ngô Dụng, v.v... thì có khi đã vặn hỏi.
Lâm Xung luôn tỏ ra thiếu đề phòng người khác. Được người lạ mặt dẫn đến Bạch Hổ Đường, cũng không hoài nghi gì. Tiết Bá thân là công sai, lại đề nghị rửa chân cho phạm nhân. Chuyện ngược đời đến thế, mà Lâm Xung không thấy ám muội đáng nghi. Bị đưa cho chậu nước sôi để rửa chân, mà Lâm Xung còn "không biết là kế" ("bất tri thị kế"). Nó bảo để nó trói lại thì cũng y lời - không hề hoài nghi người ta có ý định giết mình.
Đang mang tử tội, che giấu thân phận trốn tránh quan binh, mà lại hớ hênh đến mức ghi rõ họ tên lên bài thơ: "Khảng khái thay Lâm Xung!" Tống Giang làm thơ phản còn biết giấu tên, chứ không lạy ông tôi ở bụi này như Lâm Xung. Phải là một tay tinh vi như Hoàng Văn Bính mới bắt thóp được Tống Giang, chứ Lâm Xung thì ai biết chữ cũng bắt thóp được.
Lâm Xung có thể học vài chiêu như đút lót để khỏi bị đánh đòn, nhưng về cơ bản vẫn thiếu bản năng của một chính trị gia trời sinh. Cho nên 35 tuổi vẫn chỉ lẹt đẹt làm một anh thương bổng giáo đầu quèn, chức vụ thấp hơn cha mình và Lỗ Đạt (đề hạt), thấp hơn cả Vương Tiến (tổng giáo đầu), Vương Thăng (đô quân giáo đầu). Mặc dù có võ công cái thế, được Cao Cầu tiếc tài.
∆ - Lâm Xung cứ thế mua đao. Vì yêu đao, hay vì muốn tống lễ Cao Cầu? Cả hai khả năng đều khả dĩ, và đều không phương hại đến giả định Lâm Xung là thiện nhân. Thiện nhân, cũng có thể dĩ hòa vi quý.
Song tôi cho rằng, Lâm Xung mua đao vì vốn có sự trân trọng thưởng thức nhất định đối với binh khí nói chung, thường thấy ở võ giả. Và tâm lý đó bị kích hoạt gia cường bởi những từ khóa lặp đi lặp lại như thôi miên của anh bán đao (bất ngộ, khuất trầm). Sự hiệu quả của những từ khóa đó biểu thị cái nội tâm khuất trầm của Lâm Xung, cũng biểu thị Lâm Xung mua đao vì nhu cầu nội tâm là chính.
Điều đó cũng thể hiện qua các tình tiết: (1) Lâm Xung mấy phen đòi xem bảo đao của Cao Cầu; (2) Nếu chỉ vì tống lễ thì khó mà mê mẩn đến độ "Chàng khen lấy khen để, rồi xem đi xem lại mãi đến đêm mới treo lên vách mà đi nghỉ. Sáng hôm sau lại đến trông ngắm thanh đao mà khen mãi không thôi"; (3) Lâm Xung dùng thương là chính, song những lần truy sát Lục Khiêm thì đều dùng "giải oản tiêm đao".
Lâm Xung nghĩ đến bảo đao trong phủ Thái Uý vì nghĩ có thanh bảo đao này sẽ khiến Cao Cầu muốn so đao, từ đó cho mình xem thanh bảo đao kia. (Trớ trêu là, thanh đao Lâm Xung mua cũng chính là thanh đao trong phủ Thái úy).
∆ - Nếu đã chấp nhận giả định Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ, thì cần giải thích hành động hưu thê của Lâm Xung theo hướng tích cực.
Cho dù Lâm Xung không hưu thê, thì Trương Trinh nương cũng sẽ bị Cao Nha Nội bức hôn.
Nếu không hưu thê, và nếu Lâm Xung mất tích không rõ sống chết, thì ràng buộc pháp lý sẽ tiếp tục tồn tại. Ràng buộc pháp lý tạo ra áp lực pháp lý, gia tăng áp lực đạo đức, dư luận. Dưới điều kiện đó, nếu Trương thị lựa chọn tái hôn, sẽ phải chịu sự đàm tiếu từ xã hội.
Do đó, nó thu hẹp phương án lựa chọn của Trương thị, và gia tăng áp lực tự sát tuẫn tiết lên nàng. Với tính trinh liệt sẵn có, thì nó đẩy khả năng tự sát lên cao.
Không lẽ Lâm Xung phải mong mỏi Trương thị thủ tiết, tuẫn tiết theo tiêu chuẩn Tống Nho thì các nhà âm mưu luận mới vừa lòng?
Cho nên Lâm Xung hưu thê, là giảm thiểu áp lực tự sát cho vợ. Cũng là gia tăng phương án lựa chọn cho vợ. Trương thị có thể lựa chọn thủ tiết suốt đời, hoặc tái hôn với Cao Nha Nội, hoặc tái hôn với một người khác để bảo vệ mình khỏi sự bức hôn của Cao Nha Nội.
Đã bị con trai nuôi của Cao Thái Uý dòm ngó thì Trương thị còn có thể tái hôn với ai? Thực ra, Trương thị nếu nhất quyết không cưới Cao Nha Nội, thì vẫn có thể lựa chọn cùng cha cao chạy xa bay, gửi thân cho một vị vương gia hay đại gia nào đó cỡ Sài Tiến (bản thân Sài Tiến cũng ok). Thậm chí có thể lựa chọn tiến cung trở thành phi tần của hoàng đế. Với nhan sắc có thể khiến cho Cao Nha Nội mê mẩn chết lên chết xuống, thì điều đó hoàn toàn khả dĩ.
Cho nên Lâm Xung hưu thê, không đồng nghĩa với dâng vợ cho kẻ thù.
Còn việc Lâm Xung nói "tránh bị Cao Nha Nội hãm hại"?
Thứ nhất, một người tốt khi thuyết phục người khác thì cũng sẽ nói ra điểm có lợi cho mình, để đối phương khỏi áy náy.
Thứ hai, nếu Lâm Xung làm điều đó để tránh bị hãm hại thì cũng không có vấn đề gì, bởi nó vẫn gia tăng lựa chọn cho Trương thị. Lợi người lợi mình, không phải chuyện đáng thẹn.
Tại sao Lâm Xung không lựa chọn đào vong, cùng vợ cao chạy xa bay, đi đến cùng trời cuối bể, một túp lều tranh hai trái tim vàng?
Thứ nhất, Lâm Xung là thiện nhân, muốn làm lương dân, không muốn làm đào phạm. Không đến đường cùng thì không muốn sống ngoài vòng pháp luật, giữa bầy thảo khấu hay trốn chui trốn nhủi. Lâm Xung không phải tử tù, chấp hành tốt thì vẫn thể quay đầu, trở lại làm lương dân. Tống triều thường có thiên hạ đại xá, không lo thiếu cơ hội.
Thứ hai, Lâm Xung cũng không muốn làm lỡ tiền trình của Trương thị. Lâm Xung nghĩ rằng, thân phận tù đày của mình không xứng với Trương thị. Trương thị xứng đáng được hưởng vinh hoa phú quý. Tư duy đó của Lâm Xung thể hiện qua lời nói với Lý Tiểu Nhị: "Tôi bây giờ đương cơn hoạn nạn thế này, chỉ e có điều làm giảm mất danh giá của vợ chồng anh thôi."
Thứ ba, Thủy Hử không phải truyện Kim Dung. Mặc dù Thủy Hử là thủy tổ của truyện kiếm hiệp. Võ công cao cường như Vương Tiến mà còn phải vất vả lắm mới trốn được khỏi kinh thành nhân lúc người ta không phòng bị. Lâm Xung đã mang tội vào thân rồi. Giữa đường giết công sai chạy trốn thì còn có thể, chứ đột nhập vào kinh thành mang Trương thị bỏ trốn thì sao làm cho được. Lâm Xung không biết thuật dịch dung, cũng không có Lăng Ba Vi Bộ hay phép thần hành.
Nếu muốn dâng vợ, Lâm Xung có thể nói thẳng, trong một thời đại phu xướng phụ tùy. Nếu vợ chịu lấy Cao Cầu thì tốt. Nếu vợ không chịu, oán Lâm Xung, thì Lâm Xung cũng đạt được mục đích hưu thê.
Sau tất cả, Lâm Xung chưa bao giờ có nửa lời nửa ý oán trách vợ mình sao không cưới Cao Nha Nội để mình khỏi lao dao. Khi nghe tin cha vợ cứng đầu không gả con gái, thì Lâm Xung trong đầu cũng chỉ oán giận bọn Lục Khiêm Sai Bát và giết chúng. Khi ở quán rượu của Chu Quý, Lâm Xung trong đầu cũng oán hận lão tặc Cao Cầu chứ không oán gì vợ mình. "Thế mà ai ngờ ngày nay lại bị thằng cọp già Cao Cầu kia nó hãm hại ta..."
Lên Lương Sơn, Lâm Xung vẫn thường tưởng niệm vợ. Biểu hiện qua lời giãi bày với Tiều Cái:
"Thấy Tiều Cái cư xử rộng rãi, trọng nghĩa sơ tài, đãi vợ con các người khác đều được chu tất, thì trong bụng chợt tư niệm vợ mình là Trương Thị ở Đông Kinh... chàng liền đem ruột gan bầy giải tường tận với Tiều Cái rằng:
Tôi từ khi lên Lương Sơn, đã có ý mang cả vợ tôi lên đây một thể, nhưng về sau thấy Vương Luân là một người lòng dạ khó lường, cho nên trong lòng do dự lại thôi."
Thi Nại Am trực thuật "giải bầy ruột gan" (toại tương tâm phúc tế bị dữ Tiều Cái đạo). Ta có mọi lý do để tin rằng "đã có ý mang cả vợ tôi lên đây một thể" thực là ruột gan của Lâm Xung, và chẳng có lý do gì để tin rằng đó là giả đò.
Nghe tin vợ chết, Lâm Xung "tầm tã rơi lệ". Phản ứng tự nhiên, biểu thị đau thương tự đáy lòng. Sinh ly tử biệt, gia phá nhân vong, tang thương chí tận.
∆ - Lâm Xung có bán đứng Lỗ Trí Thâm?
17, 18 ngày trước khi Lâm Xung nói về chuyện họ Lỗ bứng rễ cây liễu ở chùa Tướng quốc, thì bọn Đổng Siêu Tiết, Bá đã tự đoán ra được thân phận của Lỗ Trí Thâm: "Mới đây nghe nói ở vườn rau Giải Vũ thuộc chùa Tướng Quốc, có một lão sư mới đến, tên gọi Lỗ Trí Thâm, có lẽ chính là anh nầy đây hẳn".
Cho dù Lâm Xung không nói, thì khi về Đông Kinh bọn kia cũng sẽ nhanh chóng kiểm chứng được. Hình dạng, tác phong của Lỗ Trí Thâm quá đặc thù.
Nếu như Thi Nại Am có ý ám chỉ Lâm Xung bán đứng Lỗ Trí Thâm thì còn thêm vào tình tiết ấy làm gì?
Nếu như Lâm Xung thực bán đứng Lỗ Trí Thâm thì Lỗ lấy mật báo ở đâu ra để mà biết được? Giả sử hai tên ấy có tâu lại là nhờ Lâm Xung mà biết, và lời ấy lọt ra ngoài, thì Lỗ Trí Thâm lấy lý do gì để tin hai tên ấy mà không tin huynh đệ mình? Và với tính cách "không sợ" của Lỗ Trí Thâm, nếu cho rằng Lâm Xung bán đứng mình thì tại sao không nói thẳng với Dương Chí như thế, việc gì phải úp mở?
Lương Sơn tái ngộ, Lỗ Trí Thâm gọi Lâm Xung là giáo đầu. Thật ra từ sau khi kết bái huynh đệ, Lỗ Trí Thâm lúc thì gọi huynh đệ lúc thì gọi giáo đầu. Ví dụ như sau vụ xách dao tìm Lục Khiêm, Lỗ Trí Thâm đến mời Lâm Xung đi uống rượu thì nói là: Giáo đầu tại sao mấy ngày nay không thấy mặt (Giáo đầu như hà liên nhật bất kiến diện -「教頭如何連日不見面?」). Ở đoạn này các nhà âm mưu luận đọc sách chưa kỹ.
Xét câu nói của Lâm Xung, có vẻ như đã dò đoán được rằng thân phận của Lỗ Trí Thâm đã sẵn bại lộ, cho nên nói luôn câu đó, để dọa nạt hai tên công sai. Kiểu "chúng mày liệu hồn, chớ có đụng đến huynh đệ tao, không ông ấy tát chết cả lũ bây giờ".
∆ - Lâm Xung ra tay với Hồng Giáo đầu nặng hơn Vương Tiến ra tay với Sử Tiến, cũng không nói lên điều gì. Vì đó là hai tình huống lược đồng nhưng khác nhau. Bản chất của Hồng giáo đầu khác với Sử Tiến - Sử Tiến chỉ là anh trẻ người non dạ, còn Hồng giáo đầu già đầu rồi.
Chung quy, Lâm Xung không đánh gãy chân Hồng giáo đầu. Lâm Xung là cao thủ, dụng lực tự biết điều tiết.
∆ - Lâm Xung có hèn không khi lót tiền để khỏi ăn Sát Uy Bổng, khóc lóc van xin bọn Đổng, Tiết?
Lâm Xung không sắt đá như thiết hán Võ Tòng. Tuy nhiên né 100 gậy Sát Uy thì cũng không có gì đến nỗi hèn như chó. Đó là thường tình mà thôi. Có bạn đọc nào sẵn sàng đưa mông chịu đòn như Võ Tòng khi còn có lựa chọn khác? Khóc lóc cầu sinh, cũng là thường thấy ở người thường.
Lâm Xung là người quý mạng mình, quý mạng người. Không phải bất đắc dĩ thì không giết người. Điều đó biểu thị qua việc:
(1) xin tha cho Đổng Siêu, Tiết Bá.
(2) hô lên một tiếng tự thẹn ("Tàm quý") khi chuẩn bị giết người lấy đầu danh trạng. Trong Thủy Hử Lâm Xung là người duy nhất hô tự thẹn trước khi ra tay giết người.
(3) xin tha cho những người tùy tùng Hoàng Tín khi Tống Giang định giết họ.
"Tống Giang nghe nói cả giận, toan hạ lệnh chém mấy tên đi theo Hoàng Tín và không biết đem tin về báo ngay khi đó. Sau có Hoa Vinh, Lâm Xung khuyên giải mới tha".
Những người tùy tùng kia đối với Lâm Xung có giá trị lợi dụng gì? Xin tha mạng cho người khác, có vẻ là một thói quen tự nhiên của Lâm Xung.
Võ Tòng không tiếc thân mình, cũng ít quý mạng người - cho nên ra tay giết người báo thù ghê rợn hơn Lâm Xung - giết sạch già trẻ gái trai cả nhà Trương đô giám.
Hai người công sai áp giải Võ Tòng đã đối xử tử tế với Võ Tòng. Võ Tòng lấy cớ đấy xin tha mạng cho họ. Tiết Bá hành hạ Lâm Xung, thế nhưng Lâm Xung vẫn xin tha mạng cho hắn. Cái nhân của Lâm Xung quá cái nhân của Võ Tòng.
∆ - Lâm Xung tại sao giết bọn Sai Bát, Quản Doanh, Lục Khiêm mà không giết bọn Đổng Siêu, Tiết Bá? Có người giải thích vì lúc ở Dã Trư Lâm thì Lâm Xung vẫn còn nuôi hy vọng trở lại làm lương dân. Còn sau khi cháy thảo trường thì Lâm Xung đã mang tử tội, vô vọng quay đầu.
Tôi nghĩ đó là một yếu tố. Song bên cạnh đó cũng có yếu tố khác - kiến giải từ góc độ của "thiện nhân nghĩa sĩ".
Trong truyện, Đổng Siêu, Tiết Bá thể hiện ra là còn có chút lương tâm. Đặc biệt là Đổng Siêu. Đổng Siêu vốn khước từ đơn đặt hàng giết Lâm Xung, lấy lý do pháp luật, và sức khỏe. Có thể thấy Đổng Siêu không quen trái pháp luật. Tiết Bá thúc giục Đổng Siêu nhận lời, với hàm ý Cao Cầu muốn họ chết thì họ tất chết.
Đổng Siêu chỉ là người dưng nước lã, mà còn biết khước từ lệnh giết Lâm Xung, thế là đã tử tế hơn xa Lục Khiêm. Lục Khiêm là huynh đệ, thế mà không chút do dự nhận lời bán đứng Lâm Xung, "chỉ cần Nha Nội được vui thì xá gì đến tình cảm huynh đệ". Lâm Xung tuy không biết những tình tiết đó, nhưng qua tiếp xúc có thể cảm nhận được phần nào.
Nếu đọc lại hành trình áp giải, ta sẽ thấy Đổng Siêu luôn có ý nhẹ nhàng với Lâm Xung. Còn Tiết Bá thì gay gắt.
《Đổng Siêu nghe nói liền đáp rằng: Việc ấy chỉ sợ không làm được! Vì trong công văn của phủ, chỉ nói là giải sang Thương Châu, chứ không nói gì đến sự giết hắn cả...》
《Tiết Bá thấy Lâm Xung đi chậm thì mắng... Đổng Siêu thấy vậy thì bảo rằng: "Thôi thong thả vậy, không nói làm gì nữa." Tiết Bá thì vừa đi vừa chưởi rủa..."》
《thấy Lâm Xung không đi được, thì Đổng Siêu đưa cho một đôi giầy đay để đi》
《Tiết Bá quay lại mắng rằng: "Có đi thì đi mau, mà không thì gậy đánh vào đít bây giờ đấy." Lâm Xung kêu vang rằng: "Khốn nạn! Tôi dám lười đâu! Vì hai chân đau quá, không sao đi được nữa, xin các ông xét cho." Đổng Siêu nói: "Nếu vậy để tôi dắt cho mà đi."》
Tất cả cho thấy, Đổng Siêu còn có lương tâm. Lâm Xung cảm cái tình ấy mà xin tha mạng cho Đổng Siêu, tất cũng nể mặt Đổng Siêu mà xin tha cho cả Tiết Bá.
Ngược lại, bọn Quản Doanh, Sai Bát, Lục Khiêm, ngữ khí tỏ ra vô lại, khoái trá khi nói về chuyện hãm hại Lâm Xung.
Tiếp xúc với bọn Quản Doanh, Sai Bát đã lâu, Lâm Xung hiểu rõ bọn ấy tham lam hủ bại, táng tận lương tâm, sa đoạ hơn bọn Đổng Siêu. Lời kết tội của Lâm Xung thể hiện cái phân biệt ấy: "Đồ khốn nạn nầy, ta với mầy có thù hận gì, mà mầy làm hại ta đến thế? Mầy phải biết giết người còn có thể tha được, chứ cái lòng độc ác ấy không thể nào mà dung thứ được đâu?"
Nặng nhẹ phân minh, biểu thị cái lòng nhân của Lâm Xung.
∆ - Tôi đồng ý là sau khi giết bọn Lục Khiêm, Lâm Xung có thay đổi. Trở nên sắt đá, tàn nhẫn hơn, tâm ngoan thủ lạt hơn. Nhưng về cơ bản vẫn bảo lưu lương tâm.
Ngay từ đầu, Lâm Xung chỉ muốn làm lương dân.
Chịu cảnh tù đày, Lâm Xung vẫn mong mỏi một ngày có thể quay trở lại làm lương dân. Đã lập chí như thế, Lâm Xung nhất quán thi hành, nhẫn nhịn mọi sự hành hạ, "cả đời cũng không chạy". Nhẫn nhịn, cũng cần có ý chí cao độ. Lâm Xung là người có mục tiêu, nghĩ về tương lai, không bất cần, bạt mạng như Võ Tòng.
Để có thể làm lương dân, Lâm Xung phải nhân nhượng, hết lần này đến lần khác. Song bè lũ Cao Cầu vẫn không buông tha cho chàng. Lâm Xung càng nhân nhượng, kẻ thù càng lấn tới. Cho đến khi con đường làm lương dân của Lâm Xung hoàn toàn bị bịt kín, không thể nhân nhượng được nữa. Lương Sơn hảo hán, duy chỉ có Lâm Xung thực sự bị "bức thướng Lương Sơn".
Lâm Xung muốn làm người lương thiện. Ai cho Lâm Xung được lương thiện?
Bi kịch của Lâm Xung cũng chính là bi kịch của xã hội. Một người muốn làm lương dân nhất như Lâm Xung lại không được phép làm lương dân. Đó là lời tố cáo mạnh mẽ nhất, phản ánh hiện thực xã hội bất công, tàn khốc, băng hoại.
"Thân thế bi phù trầm", "có nước không được ở, có nhà không được về", ấy là tiếng kêu đứt ruột của một kiếp người anh hùng khí đoản, thiện nhân nghĩa sĩ, từng một lòng muốn làm lương dân.
Phong tuyết sơn thần miếu, thảo trường đã cháy, bạn thân cũng đã giết. Lương dân lộ tuyệt, vô pháp hồi đầu. Lầm lũi đi trong cơn tuyết, tuyệt vọng, quẫn trí, mất phương hướng. Chàng chỉ muốn uống thật say để quên đi tất cả. Nên bèn tìm đến mấy gian nhà lá xin rượu. Giải hàn, chỉ là cái cớ. Tiên lễ hậu binh, biểu hiện thói quen lễ độ, xưng tiểu nhân với những người thấp cổ bé họng nhất, mặc dù hoàn toàn có thể xông vào cướp ngay từ đầu. Họ không cho, đành phải đuổi họ đi để nốc rượu giải sầu. Đó là lần đầu tiên ta thấy Lâm Xung khi áp bá tánh.
Chỉ có khi ở một mình uống rượu, một mảnh trời riêng ta với ta, Lâm Xung mới tự xưng là lão gia.
Gặp Sài Tiến, được cứu giúp, Lâm Xung chủ động rời đi để tránh liên lụy đến Sài Tiến. Nhưng đối với Vương Luân thì Lâm Xung không lễ độ như thế. Bởi vì Vương Luân là hạng người khác với Sài Tiến.
Đến quán rượu đề thơ, Lâm Xung đã lập chí lên Lương Sơn làm thảo khấu, chuẩn bị cho công cuộc báo thù mai sau. Kế hoạch đã đặt ra thì phải thực hiện. Làm lương dân cho ra lương dân. Làm thảo khấu cho ra thảo khấu. Không thể do dự. Không được phép do dự. Vì thế, chàng không nao núng khi nghe đến những chuyện giết người lấy thịt, lập danh đầu trạng.
∆ - Vương Luân có đáng chết không?
Theo tôi, tuyệt đối đáng chết!
Vương Luân có thể nói là kẻ ác ôn hàng đầu Thủy Hử.
Thứ nhất, Luân sai Chu Quý mở quán, làm thịt khách qua đường, thái thịt phơi khô bổ sung đạm, lấy mỡ đốt đèn. Đó là hành vi táng tận lương tâm, mất hết tính người. Chế độ này do Chu Quý thi hành, nhưng do Vương Luân đặt ra. Nó là sự tàn ác có hệ thống, khác với hành vi giết người bộc phát của Võ Tòng, Lý Quỳ, v.v...
Vợ chồng Vương Anh, Tôn Nhị Nương cũng mở quán làm thịt thương khách qua đường nấu bánh bao. Nhưng chí ít còn đặt ra ngoại lệ (không hại sư sãi đạo sĩ, kỹ nữ và kẻ tù tội đi đày) - nghe qua cũng còn có chút đạo lý. Còn Vương Luân chỉ dựa vào có tiền hay không có tiền. Đơn thuần là quân cướp cạn man rợ. Nếu vợ chồng Trương-Tôn đáng ghê tởm thì Vương Luân còn đáng ghê tởm hơn. Trương Thanh là kẻ thất phu lỗ mãng. Còn Vương Luân vốn là kẻ tú tài bụng đầy kinh luân, chữ nghĩa thánh hiền - và còn đầy thịt người.
Thứ hai, Vương Luân không chỉ sát hại khách qua đường, mà còn phá hoại sinh kế của người dân xung quanh. Như lời Tam Nguyễn:
"Tiên sinh không biết, chỗ Lương Sơn Bạc trước vẫn là kho cơm áo của chúng tôi, nhưng ngày nay lại không dám đến nữa rồi... Chỗ Lương Sơn Bạc thì gớm lắm! Bây giờ mới có một bọn cường đạo ở đấy, họ có cho đánh cá nữa đâu!... Mấy đứa chó má ấy nó tụ họp có tới năm bảy trăm lâu la, chỉ đi phá nhà cửa, cướp bóc khách buôn, rồi giữ riết lấy chỗ ấy, làm cho anh em chúng tôi, đến HƠN NĂM NAY mất cả áo cơm với họ, mà không dám vào đấy nữa!"
(Hành vi cướp phá này xảy ra đã hơn một năm, tức là trước khi Lâm Xung lạc thảo Lương Sơn. Lâm Xung tuyết dạ thướng Lương Sơn vào mùa đông, cuối năm 1114. Lưu Đường đầu bôn Tiều Cái, Ngô Dụng khuyến thuyết Tam Nguyễn vào đầu tháng 5 năm 1115 - sau tết Đoan Ngọ một chút).
Thứ ba, đầu danh trạng là thứ thủ tục bất nhân. Nó không phải chỉ dành riêng cho Lâm Xung, mà như Chu Quý nói, là một thứ thường lệ. "Phàm đám hảo hán muốn nhập bọn với nhau, tất phải có đầu danh trạng". Khác chăng là cái hạn định 3 ngày.
+ Vương Luân có phải bụng dạ hẹp hòi không?
Từ góc nhìn của Thi Nại Am, Vương Luân hẹp lượng. Trước tiên ta xem lời kể truyện. Khi Lâm Xung giết Vương Luân, lời kể chuyện bàn rằng: 《Tiếc cho Vương Luân bao năm làm trại chủ, ngày nay chết dưới tay Lâm Xung, chính ứng vào lời cổ nhân rằng: "Lượng rộng phúc cũng phúc cũng rộng, mưu sâu hoạ cũng sâu". Có thơ làm chứng: độc cứ Lương Sơn chí khả tu, tật hiền ngạo sĩ thiểu khoan nhu... Hung hoài biển hiệp chân kham hận, bất khẳng lưu hiền mệnh bất lưu.》
Chính thủ hạ của Vương Luân còn nhận xét như thế, theo lời kể của Tam Nguyễn.
"Tiên sinh không biết, chứ anh em chúng tôi đã mấy phen toan vào nhập bọn với họ đấy. Nhưng về sau thấy bọn thủ hạ của Bạch Y Tú Sĩ Vương Luân thường nói rằng: Anh ta bụng dạ hẹp hòi, không có lượng bao dung kẻ khác, mới đây Giáo Đầu Lâm Xung đến đó, cũng bị anh ta đãi chẳng ra gì, vì thế anh em tôi chán nản không muốn lên đấy nữa... Giá bọn họ mà được khẳng khái như tiên sinh, yêu đãi anh em tôi thì còn đâu nữa?..."
Thủ hạ của Vương Luân thì phải biết rõ hơn khách giang hồ. Chiêu nạp vào là một chuyện, sau đó đối đãi, ăn chia với anh em như thế nào lại là chuyện khác. Những biểu hiện lễ độ của Vương Luân mà Tào tiên sinh nêu ra cũng chỉ là hư lễ xã giao bề ngoài. Phải ăn ở lâu dài với nhau mới biết khí lượng ra sao.
Lâm Xung thấy Tiều Cái đối đãi tử tế rộng lượng với vợ con của anh em, mới xin rước vợ về cùng. Cho thấy Vương Luân đối đãi với anh em và vợ con họ không rộng rãi. Vương Luân chính là kẻ ngoài rộng trong hẹp, trước rộng sau hẹp kiểu nhân vật hư cấu Viên Thiệu trong TQDN.
Cái ghen ghét hiền tài, không thể dung người của Vương Luân là ở chỗ: trước giờ Vương Luân toàn chiêu nạp những kẻ tài năng loàng nhoàng. Cho đến khi người đầu tiên có đại tài lên Lương Sơn thì bị Vương Luân gây khó dễ. Và nếu không vì chế hành Lâm Xung thì cũng sẽ không mời Dương Chí nhập bọn. Vương Luân có thể dung người, nhưng chỉ là dung người bất tài. Nói Vương Luân không thể dung người, là ý nói Vương Luân không thể dung người tài có chí khí.
Anh em Tam Nguyễn là người tài, có chí khí, nên sợ rằng Vương Luân không dung mình. Không chỉ anh em Tam Nguyễn mới nghe kể lại như thế, mà cả Tào Chính cũng thế.
"Ngài nói cũng có lẽ, tôi cũng thấy nhiều người nói rằng: Vương Luân là một anh hẹp hòi không có độ lượng gì, ngày trước sư phụ tôi đến đấy cũng bị anh ta bắt hành bắt họe mãi rồi mới chịu dung, nhưng thế thì những người chí khí chịu sao cho được."
Điều này cho thấy tiếng xấu hẹp hòi của Vương Luân đã vang khắp giang hồ. Hảo hán thiên hạ bấy giờ đã xem Vương Luân như chó, Street cred / uy tín giang hồ đã thối hoắc rồi.
Trước khi giết Vương Luân, tác giả Thi Nại Am đã cho sắp đặt những tình tiết như thế, dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng: thứ nhất là nhằm mô tả Vương Luân như một kẻ đáng chết. Thứ hai là mô tả Lâm Xung như một người đáng cảm thông. Đây là chuẩn bị cho Lâm Xung giết Vương Luân.
Tàn ác bất nhân, hoạ hại dân lành, lại bụng dạ hẹp hòi như Vương Luân, đương nhiên đáng giết. Giết Vương Luân, là trừ kẻ bất nhân. Như chính Lâm Xung đã nói:
"Tiên sinh sai rồi, tôi ngày nay chỉ vì các vị hào kiệt, lấy nghĩa khí làm trọng, nên phải giết thằng giặc BẤT NHÂN ấy đi, chứ thực không có lòng nào mà mưu tranh lấy địa vị ấy. " (Nguyên văn: bất nhân chi tặc)
Dù dụng ý của Lâm Xung là gì, thì việc giết Vương Luân đã giúp dân trừ hại, cứu nhiều người thoát khỏi cảnh bị "thái thịt phơi khô, lấy mỡ đốt đèn". Lương Sơn Bạc thời Tiều Cái dù gì cũng nhân đạo hơn xa thời Vương Luân. Tiều Cái nhậm chức xong đã ra lệnh cấm giết người: "Đến đó phải làm sao cho khéo, để lấy kim ngân tài bạch, chứ không được giết hại khách thương... Chúng ta từ đây trở đi, không nên giết hại người ta mới được." Cái tệ "đầu danh trạng" bất nhân cũng bị bãi bỏ.
Tống Giang tâm đen nhưng cũng ít họa hại dân hơn Vương Luân.
"Tống Giang lại nói: ...Vậy nay đã đánh xong Chúc Gia Trang, vì dân trừ được hại to, trong dân có bao nhiêu nhà, đều thưởng cho một hộc gạo, gọi là thụ lộc làm vui, phiền lão phân phát giúp cho.
... Khi đi qua đường các dân sự trong thôn, đều cõng trẻ dắt già đem hương hoa ra đường đón để mừng lạy tạ, chẳng khác chi quân vương giả đi qua, không ai là không kính phục."
Tuy nhiên, nếu không xét đến việc giết người làm thịt phá làng phá xóm này kia, mà xét từ góc độ nghĩa khí giang hồ, thì sao?
Sài Tiến có đại ân với Vương Luân. Nay Sài Tiến tiến cử một người mà Vương Luân không nhận, hoặc gây khó dễ, thì đó là quả ân quả nghĩa trong mắt giang hồ. Vương Luân cũng biết như vậy.
Vương Luân không đủ ân uy với thuộc hạ. Muốn đuổi Lâm Xung mà thuộc hạ nhao nhao ra cãi, viện dẫn Sài Tiến. Rốt cuộc họ là đệ của Sài Tiến hay của Vương Luân. Lúc sắp bị giết, Luân hô tâm phúc của ta đâu thì chẳng có ai dám lên. Lãnh đạo như thế, sớm muộn cũng vong.
Tào tiên sinh so sánh Lương Sơn Bạc với một công ty. Thực ra Lương Sơn Bạc giống một công ty cổ phần. Vương Luân là CEO nhưng chỉ sở hữu một phần cổ phần. Đỗ Thiên, Tống Vạn đều là cổ đông, có hùn vốn, góp binh mã tài vật. Sài Tiến là nhà đầu tư và đại cổ đông, cứu giúp Vương Luân lúc hắn tay trắng khởi nghiệp. Vương Luân không thể tùy tiện gạt bỏ ý kiến của các đại cổ đông khác. Khi Vương Luân muốn đuổi Lâm Xung thì các đại cổ đông đều phản đối. Lâm Xung chịu ơn bọn Đỗ Thiên, Tống Vạn, Chu Quý nhiều hơn là Vương Luân.
Nhưng không báo ơn nhỏ, cũng là chưa tận nghĩa. Hành động của Lâm Xung có đáng cảm thông hay không, phải xét đến động cơ.
Theo tôi, Lâm Xung giết Vương Luân, lập Tiều Cái, thứ nhất là để phục vụ cho mục đích báo thù Cao Cầu, thứ hai là vì khát cầu minh chủ. Hai mục đích này thống nhất với nhau. Lâm Xung cần một minh chủ có thể giúp mình báo thù.
Chí hướng của Lâm Xung được thể hiện rõ ràng trong lời nói:
"Cứ như cầm đầu thì tôi cũng không khi nào cự địch quan quân, chỉ mong có một ngày kia trừ bỏ những tên tâm địa độc ác ở bên cạnh nhà vua đi, thế là thỏa chí."
+ Nói Lâm Xung không hận Cao Cầu, không có chí báo thù là sai. Trước lúc đề thơ Lâm Xung gọi Cao Cầu là thằng giặc. Về Lâm Xung cũng tuyên chiến dữ dội với Cao Liêm, Cao Cầu. Tuyên bố địch ý không chết không thôi, khiến kẻ địch muốn diệt mình, đồng nghĩa tự đặt mình vào hiểm cảnh.
"Mày là đồ mọt già hại dân, nay mai ta đánh đến kinh sư, ta sẽ đem cả thằng Cao Cầu là đồ dối vua hại dân, mà chặt xác ra làm muôn đoạn để trừ hại cho dân mới được."
Cao Cầu chẳng biết rõ Lâm Xung hay sao? Khi bị bắt, Cao Cầu "mươi phần khiếp sợ" (thập phân cụ khiếp) trước "ánh mắt giận dữ, như muốn phát tác" (nộ mục nhi thị, hữu dục phát tác chi sắc) của Lâm Xung. Thử hỏi Cao Cầu xem Lâm Xung có muốn báo thù không.
+ Nếu Lâm Xung hèn, vô chí báo thù thì đã không lập Tiều Cái. Tiều Cái làm trại chủ thì Lâm Xung sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn là dưới trướng Vương Luân. Mâu thuẫn với triều đình, đến Vương Luân còn sợ. Lâm Xung không sợ điều đó thì đã là dũng hơn Vương Luân.
Lâm Xung muốn báo thù. Nếu tiếp tục ở dưới trướng Vương Luân thì Lâm Xung không thể báo thù, vì Vương Luân chỉ cầu an. Tiều Cái là người có thể giúp Lâm Xung báo thù, nên Lâm Xung quyết chí lập Tiều Cái.
Chí hướng của Lâm Xung chính là tìm được minh chủ. Như chính Lâm Xung đã thổ lộ với Lục Khiêm.
Lâm Xung không phải là người có tố chất làm lãnh đạo, luôn cần đến sự dẫn dắt của ngoại lực. Anh ta biết điều đó và mong mỏi tìm được một người minh chủ có thể tri hiểu tài năng của mình, đón nhận mình, rộng lượng với mình, dẫn dắt mình. Về mặt này, Vương Luân còn tệ hơn Cao Cầu (trước khi đụng độ Cao Nha Nội).
Tiều Cái chính là minh chủ mà Lâm Xung tìm kiếm. Nghe cố sự của 7 người tiều cái lấy ít thắng nhiều, Lâm Xung biết đây là người có thể giúp mình báo thù. Vừa gặp Tiều Cái một hôm, Lâm Xung đã dứt khoát loại bỏ Vương Luân, lập Tiều Cái.
Có thể thấy, Lâm Xung đã thay đổi. Dứt khoát, ngoan liệt hơn trước. Vì báo thù mà không ngại mang tiếng vong ân bội nghĩa. Lâm Xung đúng hay sai? Xin để cho bạn đọc đánh giá.
Đáng tiếc là về sau Tiều Cái bị Tống Giang ám sát. Cả Ngô Dụng cũng bỏ Tiều Cái. Lý do là vì Tiều Cái quá thiếu tâm cơ. Chính như Ngô Dụng nhận xét: "Tính bác ngay thẳng, vẫn tưởng là Vương Luân chịu lưu chúng ta ở đây hay sao? Bác không biết ruột hắn, chứ bác lại không xem nhan sắc và cử động của hắn à?"
Lâm Xung trân trọng một nhân cách ngay thẳng như vậy. Nhưng với Ngô Dụng, đó là một khuyết điểm lớn.
Giải thích câu nói "Nếu người ấy đến đây, thì tất là trúng kế ta hẳn!" của Ngô Dụng như thế nào, khi trước đó Ngô Dụng chưa có trao đổi gì với Lâm Xung?
Rất có thể, chính việc Tiều Cái lên Lương Sơn, đã là cái kế mà Ngô Dụng nói đến.
Có một thuyết âm mưu như sau: ngay từ đầu Ngô Dụng đã lập kế bức Tiều Cái lên Lương Sơn làm chủ trại. Một người nắm rõ thông tin như Ngô Dụng thì không thể không biết tình hình Lương Sơn Bạc. Ông ta chỉ vờ không biết để có cớ hỏi han kết thân lấy lòng Tam Nguyễn. Ngô Dụng biết rõ Lâm Xung có hiềm khích với Vương Luân, và muốn báo thù Cao Cầu. Khi một minh chủ xuất hiện, Lâm Xung sẽ giết Vương Luân mà lập người ấy lên. (Xem thêm: https://bit.ly/2z7HK2R)
Tất nhiên Lâm Xung là chủ, Ngô Dụng là khách. Nhưng chủ cũng có thể trúng kế của khách.
Vậy Lâm Xung là người như thế nào?
Tôi đồng ý với nhận xét của Bào Bằng Sơn tiên sinh, Lâm Xung là một đại anh hùng đậm hơi thở của con người bình dong, cũng là một người bình dong có khí chất của anh hùng.
Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng là những anh hùng vượt ngoài khuôn khổ, larger than life. Lâm Xung là một nhân vật rất gần gũi, rất chân thực. Mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy một chút của bản thân nơi Lâm Xung. Không sắt đá, trâu bò, siêu phàm như Võ Tòng, không gian hùng như Tống Giang. Lâm Xung có những lo lắng, những sợ sệt, do dự, cam chịu, những giây phút mềm yếu như chính chúng ta. Kẻ hảo hán cũng có lúc phải khóc lóc cầu sinh, những thời khắc ê chề nhục nhã. Đó là cái làm cho Lâm Xung rất người, rất chân thực, khiến người ta cảm thán, đồng tình.
Sau trận cháy thảo trường, Lâm Xung đã thay đổi. Trở nên sắt đá hơn, quyết liệt hơn. Dẫu vậy, Lâm Xung vẫn hạn chế làm những chuyện bất lương, sống giữa thảo khấu mà tâm phi thảo khấu. Khác với Võ Tòng, tác giả an bài cho Lâm Xung chỉ giết những người đáng giết, không bao giờ giết một thường dân vô tội. Về mặt hành vi, Lâm Xung hành động như một thiện nhân.
Lâm Xung có thể không phải mẫu người anh hùng lý tưởng. Song chàng có những phẩm chất đáng quý, cần thiết cho một xã hội văn minh. Xã hội cần có những người muốn làm lương dân, những người không sẵn sàng giết người vì tư thù.
Thay lời kết.
Kim Thánh Thán dành nhiều lời khen cho Lâm Xung, gọi ông là thượng thượng nhân vật, cực trượng phu.
Lời bình Lâm Xung là người độc, phải đặt vào trong ngữ cảnh của nó, mới hiểu được ý nghĩa của chữ độc.
"Hoặc có kẻ hỏi đến Thánh Thán rằng: Lỗ Đạt là người thế nào? Rằng: Là người rộng rãi; Tống Giang là người thế nào? Rằng: Là người hẹp hòi; Lâm xung là người thế nào? Rằng: Là người độc (độc nhân dã); Tống Giang là người thế nào? Rằng: Là người ngọt (cam nhân dã)" ~ tiếp tục với Dương Chí - chính nhân vs Tống Giang - kẻ quặn quẹo; Sài Tiến - người lành vs Tống Giang - người tệ; Ngô Dụng - người nhanh (trí) vs Tống Giang người chậm (ngốc)...
Kim Thánh Thán đem so sánh Tống Giang với các anh hùng Lương Sơn để chê Tống Giang, đưa ra những cặp tính từ đối lập, gán cái tiêu cực cho Tống Giang và cái tích cực cho bên còn lại. Xem thế thì biết, gọi Lâm Xung độc nhân là khen, mà gọi Tống giang cam nhân là chê.
Độc ở đây đối nghĩa với cam. Có người diễn giải, độc ở đây có nghĩa là khổ (khổ có nghĩa gốc là đắng, từ đó có nghĩa là đau khổ). Kinh Thi có câu: Tâm chi ưu hỉ, kỳ độc đại khổ. Gọi Tống Giang là cam nhân, vì Tống Giang được sung sướng. Gọi Lâm Xung là độc nhân, vì Lâm Xung đau khổ, cay đắng.
Các nhà âm mưu luận bám vào các tình tiết có tính "nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí" để kết tội Lâm Xung. Những tình tiết như vậy, luôn có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dựa trên những tiền giả định khác nhau. Cùng một hành vi nhẫn nhịn - nhưng người cảm thông thì nói là có tu dưỡng, biết nghĩ đến đại cục, đến thân nhân. Người ác ý thì nói là hèn. Ra tay cứu giúp người, từ góc nhìn thông cảm thì nó xuất phát từ thiện tâm. Từ góc nhìn ác ý thì nó chiêu trò mê hoặc nhân tâm. Không biết được nội tâm nhân vật, thì tất cả cũng chỉ là đoán mò theo tư kiến.
Theo tôi, mật ngữ nếu có cũng không thể mâu thuẫn với hiển văn trực tả. Lời thoại của nhân vật thì có thể là giả dối hoặc nhầm lẫn. Lời kể ở ngôi thứ nhất thì có thể là unreliable narrator. Tuy nhiên lời kể ở ngôi thứ ba thì phải là thực, không thể là giả.
Lấy ví dụ, lời kể chuyện đã nói Lâm Xung "nửa năm sau thì chết" ("hậu bán tải nhi vong"), thì Lâm Xung phải chết nửa năm sau, không thể nào khác được. Cho dù Lâm Xung quả thực chưa chết lúc Tống Giang báo Lâm Xung chết, cũng không có nghĩa là Lâm Xung sẽ sống quá nửa năm sau.
Thời gian chênh lệch, có thể là sai sót do vô ý. (Thủy Hử không phải do 1 người viết, nên có những lỗ hổng, bất nhất quán là thường tình. Chuyện Lỗ Đạt biết chữ hay không thì cũng thế. ) Nhưng việc kể Lâm Xung chết nửa năm sau, thì không thể là sai sót vô ý.
Nếu có muốn bày thuyết âm mưu, thì cũng không thể mâu thuẫn với lời kể. Có thể suy diễn Tống Giang báo tử sớm 5 tháng là vì Tống Giang muốn bài trừ Lâm Xung, hoặc có giao ước với Lâm Xung nhưng sau đó quay sang hạ độc, v.v... Nhưng không thể nói Lâm Xung sống quá nửa năm đó. Nếu tác giả muốn sắp đặt cho Lâm Xung giả chết, thì sẽ báo cáo cái chết của Lâm Xung qua lời thoại (bao quát thư từ, tâm tưởng, v.v.) của một nhân vật nào đó, chứ không trực tả trực thuật như vậy.
Tác giả Hồng Hài Nhi thì cho là Thi Nại Am cố tình báo cáo láo, lời kể chuyện nói dối người đọc, Thủy Hử đầy những lời kể dối. Để rồi vẽ ra những thuyết âm mưu vừa thiên tài vừa buồn cười. Như Lâm Xung và Lỗ Trí Thâm ngay từ đầu được giao nhiệm vụ lạc thảo Lương Sơn, Cao Nha Nội chòng ghẹo Lâm nương tử là một âm mưu, v.v...
Nỗ lực giải mật nhiều khi không tránh khỏi trông như nỗ lực hợp lý hóa các lỗ hổng bằng những thuyết âm mưu. Như ai đó nói, nó từa tựa như cố gắng lý giải tại sao Conan mãi học lớp 1.
Lập trường của tôi là lời kể chuyện không nói dối. Lời kể chuyện nói gì về tính cách của Lâm Xung? Hồi thứ 10 Lâm Giáo Đầu Phong Tuyết Sơn Thần Miếu - khi đại tuyết đánh sập 2 gian thảo sảnh - bất kể là bản toàn truyện 120 hồi, hay Kim bản 70 hồi, hay bản sớm nhất 100 hồi, đều có câu này:
"Thì ra lẽ trời soi tỏ, phù hộ kẻ THIỆN NHÂN NGHĨA SĨ, nhân cơn đại tuyết này, cứu mạng Lâm Xung" (nguyên lai thiên lý chiêu nhiên, hựu hộ thiện nhân nghĩa sĩ, nhân giá trường đại tuyết, cứu liễu Lâm Xung đích tính mạng - 原來天理昭然,佑護善人義士,因這場大雪,救了林沖的性命。)
Như vậy, lời kể chuyện gọi Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ. Đồng nghĩa tác giả xem Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ. Mà còn là thiện nhân nghĩa sĩ được trời cao phù hộ.
Thủy Hử toàn truyện dùng chữ thiện 善 104 lần, đa số dùng trong lời thoại của nhân vật. Được lời kể chuyện gọi là thiện nhân, chỉ có 4 người: Tôn Định (hiếu thiện), Lâm Xung (thiện nhân nghĩa sĩ), Võ Đại (thiện nhược đích nhân), Vương Thái Thú (thiện noạ chi nhân). Trong đó chỉ có mình Lâm Xung là hảo hán Lương Sơn.
Tôn Định là người hiếu thiện, Võ Đại là người thiện lương mềm yếu, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Vương Thái Thú xin lưu mạng cho Lư Tuấn Nghĩa và Thạch Tú để "quân dân vô thương", là người có lòng nhân, tiếc là bị Lưu Đường Lý Quỳ đánh vỡ sọ văng não.
"Nghĩa sĩ" được dùng cũng nhiều nhưng dùng trong lời kể truyện (không tính thơ ca) thì chỉ dùng để chỉ Lâm Xung.
Tóm lại, từ giá trị quan của tác giả, Lâm Xung là kẻ thiện nhân nghĩa sĩ. Ta có thể không đồng ý với giá trị quan của tác giả, nhưng đó là chuyện khác. Dụng ý của tác giả là xây dựng nhân Lâm Xung như một thiện nhân nghĩa sĩ. Chí ít là trước bước ngoặt Phong tuyết Sơn Thần Miếu. Giới phê bình thường lấy đó làm cột mốc.
Thế thì chúng ta phải kiến giải hành động của Lâm Xung trước thời điểm đó từ góc độ của kẻ thiện nhân nghĩa sĩ.
Giai đoạn ở Kinh thành, có thể nói Lâm Xung là một tiểu công chức đúng nghĩa, về địa vị và tâm lý. Cần ghi nhớ rằng ngoại hiệu Tiểu Trương Phi là sau khi lên Lương Sơn mới có được, còn lúc này Lâm Xung chỉ là Báo Tử Đầu - một anh võ sư nhỏ nhoi trong một thời đại trọng văn khinh võ. Giáo đầu 80 vạn cấm quân, nghe thì oách nhưng thực chất cũng chỉ là anh huấn luyện viên ủ-shu cho lính cấm quân, không có thực quyền gì cả. (Và tiểu công chức thì vẫn hay khiêm xưng "tiểu nhân". Vương Tiến cũng tự xưng tiểu nhân suốt.)
Lâm Xung bấy giờ chỉ là một con người bình dong nhỏ bé trong bộ máy. Có chí khí tài sức của bậc anh hùng, song cũng luôn bị kiềm hãm bởi những lo sợ của một người bình dong.
Tâm tư của Lâm Xung thể hiện qua lời giãi bày với Lục Khiêm: Những mong "gặp được minh chủ" để được trổ tài sức với đời. Song triều trung vô minh chủ ("bất ngộ minh chủ"), nên đành "khuất trầm dưới kẻ tiểu nhân" ("khuất trầm tại tiểu nhân chi hạ"). Chán ghét "kẻ tiểu nhân" kia, song cũng được hắn có phần ưu ái, nên đành cam chịu tiếp tục dưới trướng tiểu nhân, luồn lăn trong chốn đại nhiễm gian của quan trường hủ bại, cốt mong sao cánh cửa công danh một ngày hé mở.
"Bất ngộ", "khuất trầm" chính là nội tâm sâu thẳm của Lâm Xung, mà Lục Khiêm đã biết tận dụng qua lời chào mời của kẻ bán đao. Hai từ khóa này được vận dụng thành công, thôi thúc Lâm Xung mua đao, biểu thị Lâm Xung thực sự chán ghét đứng dưới trướng tiểu nhân, chứ không phải chỉ là vờ vĩnh.
Cho nên tôi không đồng ý với quan điểm Lâm Xung toàn tâm toàn ý muốn làm chó cho Cao Cầu của tác giả Đào Hoa. Rõ ràng Lâm Xung xem Cao Cầu là tiểu nhân, không phải minh chủ. Lâm Xung khao khát gặp được một người chủ khác, anh minh hơn. Minh chủ cũng tức là "thức giả". Bất ngộ minh chủ, bất ngộ thức giả là nỗi niềm chiếm cứ tiềm thức của Lâm Xung.
Lâm Xung như một thanh bảo đao đang phải giấu mình trong vỏ, cam chịu đóng bụi trên kệ gác hoen ố của kẻ tiểu nhân, mong có ngày được đến tay bậc minh chủ thức đao, tuốt ra khỏi vỏ để tỏa phát quang mang, tranh phong với đời.
Tâm sự khuất trầm không sao hoá giải, đành khuây khỏa tìm vui trong việc "hàng ngày lại đi rong chơi phường phố, chè chén vui cười", bên mái ấm gia đình, bên người hiền thê đẹp nết đẹp người.
Cuộc sống của Lâm Xung, tuy có khuất trầm, có ẩn ức, nhưng cũng có hy vọng, có những niềm vui bình dị. Để giữ lấy chút hy vọng ấy, chút niềm vui ấy, Lâm Xung đã chấp nhận thỏa hiệp với cuộc đời, thỏa hiệp với không ít bất công ngang trái trước mắt.
Song về bản chất chàng vẫn là một thiện nhân. Thiện tâm của chàng biểu hiện qua việc cứu giúp Lý Tiểu Nhị thoát cảnh tù tội, cho tiền đi nơi khác làm ăn -- khi Tiểu Nhị chỉ là một kẻ thấp cổ bé họng, chẳng thể đem lại lợi lộc gì cho LX. Ngay cả khi được báo đáp, chàng cũng không dựa dẫm để ăn bám, mà "đôi khi có được đồng nào, lại đưa cho vợ chồng Tiểu Nhị, để thêm làm vốn buôn." Tất cả cho thấy, LX sống tử tế với người dưới, không hề "hạ đạp".
Nói rằng Tiểu Nhị từng ăn trộm, suy ra nhân phẩm Lâm Xung chẳng ra gì - chỉ là sự suy diễn vô căn cứ. Ăn trộm, vị tất là kẻ bất nghĩa. Vì túng quẫn mà ăn trộm cũng là thường thấy, nhất là trong một thời đại "tích bần tích nhược", tham quan lộng hành.
Thực tế chứng minh, Lý Tiểu Nhị là người có nghĩa, tri ân đồ báo. Khi gặp được Lâm Xung liền chủ động tiếp cận, tận tình báo đáp, phục vụ tận răng - dẫu rằng Lâm Xung bấy giờ chỉ là kẻ tù tội vô quyền vô thế. Biết LX nóng tính, dễ manh động, có thể liên lụy đến bản thân, song khi biết bọn Lục Khiêm mưu hại LX, thì vẫn liều mạng báo tin cho chàng. Một người bình dong an phận thủ thường, mà làm được như thế, đã là chí tình chí nghĩa rồi.
Được cho cơ hội làm lại cuộc đời, Lý Tiểu Nhị làm ăn rất đàng hoàng, "hàng quán một ngày một phát đạt, mà khách hàng ăn ai cũng đến khen là làm ăn sạch sẽ. Bởi vậy chủ nhân có lòng yêu dấu mà gả con gái". Thực là một ca phục hồi nhân phẩm, tái hội nhập cộng đồng thành công rực rỡ.
Điều đó càng cho thấy Lý Tiểu Nhị là người có lòng phục thiện, đáng giúp. Còn Lâm Xung thì nhìn thấy được bản chất thiện lương của Lý Tiểu Nhị, không vì lỗi lầm nhất thời mà hắt hủi. Khí khái của chàng có sức cảm hóa, giúp người ta phục thiện, hướng thiện.
Cũng không thể kết tội LX dựa vào lời bình của Lý Tiểu Nhị rằng: "Ông ấy là người nóng tính, hễ bí đường là ĐÒI giết người phóng hỏa" ("tha thị cá TÍNH CẤP đích nhân, mô bất trứ tiện YẾU sát nhân phóng hỏa"). Lưu ý chữ đòi (yếu). Đòi làm không có nghĩa là thực sự làm. Nó chỉ là cách nói ước lệ để mô tả tính cách nóng nảy (tính cấp).
Lâm nương tử mỗi lần bị chòng ghẹo thì đều tự xưng là lương nhân thê tử. Bởi vì Lâm Xung là lương nhân, là thiện nhân. Lương nhân cũng tức là lương dân. Lương dân thì không sát nhân phóng hỏa. Lâm nương tử biết chuyện chồng mình làm. Tôn Định cũng thế, nên mới giúp Lâm Xung.
Tôi tin Lý Tiểu Nhị không phải là người duy nhất được Lâm Xung giúp đỡ. LX hẳn đã nhiều lần hành hiệp trượng nghĩa, nên danh tiếng lan khắp thiên hạ. Đi đến đâu gặp ai cũng nói đến đại danh của chàng. Tỉ như Sài Tiến, Sai Bát. Tỉ như lời Chu Quý: "từng có người từ Đông Kinh đến, kể về sự tích hào kiệt của ngài". Hoặc Lý Tiểu Nhị: "Đại danh của ân nhân có ai không biết?" Quả thực "giang hồ trì dự vọng, kinh quốc hiển anh hùng". Nếu chàng chỉ là con chó của Cao Cầu, thay hắn sát nhân phóng hỏa - hẳn sẽ không có đại danh hào kiệt như thế, mà chỉ có tẩu cẩu ác danh.
Lâm Xung là lương nhân, cũng là người có "tính cấp". Về thiên bẩm chàng là một võ nhân, song lại có cái tu dưỡng của văn nhân. Đầu báo mặt tròn, râu hùm hàm én, thân cao tám thước, mà lại "tay cầm cái quạt Tứ Xuyên", uống rượu đề thơ, phong thái nho nhã. Bản chất của chàng vốn là một võ nhân nóng tính, cấp trực, nghĩa khí. Thói nhẫn nhịn, nhu nhã của Lâm Xung đến từ hoàn cảnh hơn là từ bản tính. Những năm tháng lăn lộn chốn quan trường đã dạy cho chàng biết hậu quả của việc chống lại cường quyền, bắt buộc chàng phải học cách thỏa hiệp, đè nén cái nhâm tính nghĩa khí của mình.
Bản tính nhiệt huyết, nhưng phải nhẫn nhịn trước cường quyền. Bản tính nghĩa khí, nhưng phải dằn lòng đứng dưới trướng tiểu nhân. Nhẫn nhịn, thỏa hiệp với cường quyền đã trở thành một thói quen. Song sự thỏa hiệp trái bản tính đó không khỏi sản sinh ra mâu thuẫn nội tâm, tạo ra ẩn ức "khuất trầm" đeo nặng trong tiềm thức.
∆ - Và Lâm Xung đã phải trả giá cho sự thỏa hiệp đó. Niên tai nguyệt phạm, tai ương giáng xuống đập tan chút hy vọng và niềm vui đời thường nhỏ bé của vị thiện nhân khuất trầm. Nơi Nhạc miếu trang nghiêm thanh tịnh bỗng xảy ra một hành vi ô uế. Hoa hoa thái tuế ngang nhiên chòng ghẹo "lương nhân thê tử", đảo loạn cái "thanh bình thế giới" của người thiếu phụ vẫn còn bảo lưu cái hồn nhiên trong sáng của khuê nữ.
Lâm Xung chưa biết đối phương là ai, nhưng vẫn tiên lễ hậu binh, không xông vào đập luôn mà trước khi ra tay còn phải nói lý lẽ rõ ràng: "Anh dám đùa bỡn vợ con nhà tử tế, thì có đáng tội hay không?".
Khi biết đó là Cao Nha Nội, Lâm Xung đã phải chùn tay. Không phải Lâm Xung không giận. Thi Nại Am trực thuật "Lâm Xung nộ khí vị tiêu" (cơn giận chưa tan), trừng trừng nhìn Cao Nha Nội, mấy người khác phải xông vào can. Có nghĩa là LX giận thật, và muốn trả đũa Cao Nha Nội thật. Nhưng bị can, và ngẫm nghĩ lại, mới hạ hỏa buông tha. Cũng có nghĩa là LX khó khăn lắm mới dằn được nộ khí, kiềm chế không đánh Cao Nha Nội. Lời kể truyện không nói láo.
Kẻ thiện nhân chùn tay nhẫn nhịn, là vì không muốn liên lụy thân nhân. Huyện lệnh có thể phá gia, tri phủ có thể diệt môn, huống hồ là Cao Thái Uý. Đắc tội tiểu nhân, mà lại là tiểu nhân có quyền thế, thì hậu họa khôn lường. Lâm Xung có mệnh hệ gì, tính mệnh cùng trinh tiết của nương tử cũng khó bảo toàn.
Vì nể mặt ân tướng, vì tiền trình, vì sợ liên lụy thân nhân - Lâm Xung có đủ lý do để nhẫn nhịn.
∆ - Đứng ngoài hô hoán, để Cao Nha Nội chạy thoát, cũng vì như thế. Nhưng còn vì giữ thể diện cho vợ. Tất nhiên, dựa vào lời đối thoại có thể nhận ra Cao Nha Nội chưa làm ăn gì được. Nhưng Lâm Xung vẫn phải xét đến khả năng là quần áo nàng đã bị hắn giật kéo xộc xệch sao đó. Lỗ mãng phá cửa mà vào, nhỡ bị người nhìn thấy không phải là sẽ khiến nàng hổ thẹn muốn chết hay sao. Đứng ngoài hô hoán, cũng là cung cấp thời gian cho vợ tu chỉnh y phục.
So sánh với Võ đại lang:
(a) Phan Kim Liên thông gian; còn Trương Trinh nương thì bị chòng ghẹo, cưỡng bức. Trong tình huống của Trương Trinh Nương, cần ưu tiên đảm bảo an toàn, thể diện của nàng hơn.
+ Lâm Xung gọi mở cửa, và cửa mở. Nếu không mở cửa được thì có thể Lâm Xung sẽ phá cửa. Không có căn cứ gì để nói Lâm Xung sẽ không phá cửa nếu cửa không mở.
(b) Tây Môn Khánh chỉ là anh chủ tiệm thuốc bắc, quyền thế không thể so với Cao Cầu. Võ nghệ không phải mấu chốt. Quyền thế đáng sợ hơn võ nghệ cá nhân.
Đòi hỏi Lâm Xung phải xông vào bụp cho Cao Nha Nội một trận thì hơi quá quắt. Cao Cầu quyền thế cỡ nào. Chiếu ảnh của Lâm Xung là Vương Tiến, bị Cao Cầu lôi cả cha ra chửi, suýt đè ra đánh vì cái chuyện đời nảo đời nao, là đã sợ vãi cả linh hồn, rắm cũng không dám đánh, xoắn đít chạy về mách mẹ, ba chân bốn cẳng chuồn khỏi kinh thành, chứ có dám xông vào chửi lại Cao Cầu hay bụp hắn đâu. Mặc dù, chửi cha là một sỉ nhục lớn, hơn cả chòng ghẹo vợ, án theo tôn ti thời đó.
Không biết Vương Tiến mắc bệnh gì, mà bị Cao Cầu chửi một phát là lập tức khỏi bệnh, chạy khỏe như trâu, đi từ canh năm, "đêm ngủ trọ ngày lên đường, dãi gió dầm sương", chạy suốt một tháng tới thẳng Diên An. Có thể Cao Cầu đã bắt trúng thóp, Vương Tiến chỉ giả bệnh để khỏi đi làm. Hoặc giả, vài câu chửi của Cao Cầu có thể chữa bá bệnh. Đó là sức mạnh của quyền thế.
Nếu Vương Tiến mà bụp, chửi Cao Cầu thì khẳng định không thể sống sót rời khỏi kinh thành. Đây là chỗ thiên tử cước hạ, cũng là địa bàn của Cao Cầu, chứ không phải mấy chỗ xa xôi nơi có thể tùy tiện "ba quyền đấm chết trấn Quan Tây", "báo oán giết nhà Trương Đô giám". Các hành động "anh hùng hảo hán" trong Thủy Hử, dường như chỉ xảy ra ở chỗ xa xôi.
Cho nên không thể vừa lấy tiêu chí của Vương Tiến vừa lấy tiêu chí của Lỗ, Võ ra phán xét Lâm Xung được. Vì Vương Tiến cũng là nhẫn nhịn rồi chuồn thôi. Lâm Xung không thể vừa hành động như Lỗ Trí Thâm rồi chuyển sang hành động như Vương Tiến. Thế thì tại sao Lâm Xung từ đầu không hành động như Vương Tiến?
+ Vương Thăng - cha Vương Tiến - đắc tội Cao Cầu, bị Cao Cầu ghi hận. Cao Cầu vừa nhận chức Điện Súy đã kiếm cớ trả thù Vương Tiến - tỏ rõ địch ý. Nguy cơ hiển hiện quá rõ ràng - "tất là tính mệnh ta khó lòng mà chu toàn với hắn ta được". Tiến "rầu rĩ không biết làm sao", về hỏi mẹ thì bà nói chạy đi. Thế nên, Vương Tiến chạy. Chạy vì sợ nguy đến tính mạng, chẳng phải vì không chịu dưới trướng kẻ tiểu nhân.
Trong khi đó LX trước giờ được Cao Cầu ưu ái, chỉ mới khúc mắc với thằng con nuôi. Cao Cầu lúc đó chưa tỏ ác ý gì với LX. Nếu không phải thằng con nuôi đem tính mạng ra dọa dẫm thì Cao Cầu cũng sẽ không vứt bỏ Lâm Xung. Ai có thể dự liệu được là Cao Nha Nội tương tư Trương thị đến mức sống dở chết dở?
Mà Trương thị cũng khuyên LX hạ hỏa, giữ ở nhà không cho đi trả đũa Lục Khiêm, nói rằng đằng nào cũng chưa bị xâm hại gì. Lúc đó LX chưa thực sự có lý do rõ ràng để đào vong.
Vương Tiến thụ hận, Lâm Xung thụ sủng, chẳng trách Lâm Xung khó bỏ nợ công danh hơn.
Hơn nữa, nếu vứt bỏ sự nghiệp mà dễ dàng thì nó đã không là lý tưởng của người xưa. Vương Tiến đạt tới lý tưởng đó, không có nghĩa không làm được như Vương Tiến thì đều là rác rưởi. Vương Tiến là chiếu ảnh lý tưởng của Lâm Xung, là hóa thân biểu thị lý tưởng của tác giả. Còn Lâm Xung chính là chiếu ảnh hiện thực của Vương Tiến, một Vương Tiến còn chìm nổi trong cõi hồng trần, lao lụy trong vòng tranh đấu của nhân gian, đầy những khuyết điểm, những tầm thường của con người bình dong.
Tôi đánh bạo mà cho rằng, nhân vật Lâm Xung cũng chính là tiếng lòng của Thi Nại Am, một trong những hóa thân của tác giả. Lâm Xung là nhân vật bi kịch nhất bộ truyện, trải tận nhân sinh bi hoan ly hợp, ân oán tình cừu - là nhân vật trung tâm của Thủy Hử trong ý nghĩa bi kịch của nó, cũng tức là trong ý nghĩa văn học của nó.
∆ - Lâm Xung xách dao tìm Lục Khiêm, có phải chỉ là diễn kịch hay không? Cả hai phương án đều khả dĩ, đều không nhất thiết mâu thuẫn với tư cách thiện nhân của Lâm Xung.
Song cá nhân tôi cho rằng nó chỉ là sự bạo phát của cái tính nóng của Lâm Xung. Đó là một nước đi vụng dại, biểu thị địch ý không chết không thôi với Lục Khiêm, đẩy Lục Khiêm vào thế không chết không thôi với Lâm Xung. Mọi mưu kế hãm hại Lâm Xung về sau đều do Lục Khiêm chủ động đề xướng.
Bản chất của Lâm Xung vốn cấp trực, thô phác, nhiệt huyết. Sự kiềm chế, điềm tĩnh của Lâm Xung xuất phát từ hoàn cảnh. Khi thoát ly khỏi hoàn cảnh thường nhật, bản chất lại bạo phát ra. Đặc biệt là đối với Lục Khiêm. Hễ liên quan đến Lục Khiêm, Lâm Xung dường như mất hết điềm tĩnh, giận quá mất khôn.
Sự kiện ở quán Lý Tiểu Nhị cũng là như thế. Thi Nại Am trực thuật "Lâm Xung đại nộ". Lời kể truyện không nói láo. Có nghĩa là Lâm Xung giận thật, không phải vờ vĩnh. Và Lý Tiểu Nhị cũng tiên liệu được điều đó, cho thấy nó là tính cách trước giờ. Giận quá mất khôn, quên mất rằng nó có thể đe dọa đến an nguy cả nhà Lý Tiểu Nhị, chứ không phải cố ý.
Lâm Xung đang được Lý Tiểu Nhị cung phụng, không có lý do gì lại đi hy sinh một nguồn hỗ trợ chỉ vì những hy vọng ngây thơ mờ mịt vào khả năng được Cao Cầu tha. Lâm Xung có ác thì cũng tìm thấy ở Lý Tiểu Nhị giá trị lợi dụng, biểu hiệu qua việc đưa tiền cho Lý Tiểu Nhị làm ăn. Cho nên, đó chỉ là đại nộ mất khôn.
Có lẽ, Lâm Xung đặc biệt căm hận Lục Khiêm, vì Lục Khiêm tạo cho Lâm Xung cảm giác bị phản bội. Lâm Xung có thể ít nhiều khoan dung những người dưng nước lã đắc tội mình. Nhưng không thể chấp nhận một người cùng mình lớn lên, được mình cứu giúp, thổ lộ tâm tư, như huynh nhược đệ, mà lại phản bội mình. Như huynh nhược đệ - tình cảm càng sâu, hận càng sâu.
Võ Tòng cũng là như thế. Võ Tòng tìm thấy tình cảm gia đình nơi chị dâu, nơi nhà Trương Đô Giám. Nhưng khi biết họ phản bội cái tình cảm ấy, thì Võ Tòng ra tay cực kỳ thảm khốc.
Lâm Xung không có huynh đệ, phụ mẫu không còn, xem Lục Khiêm như huynh đệ, tìm thấy cảm giác gia đình nơi Lục Khiêm. Lâm Xung ngầm biết Lục Khiêm là hạng cầu vinh, nhưng tự thuyết phục mình rằng hắn vẫn còn có tình huynh đệ. Khi ảo tưởng đó bị hiện thực phá vỡ, Lâm Xung "đại nộ", không sao kiềm chế.
Nhưng Lâm Xung không cực đoan như Võ Tòng. Bị đắc tội lần đầu, Lâm Xung vẫn sẵn sàng bỏ qua sau khi phát tiết. Giận đó quên đó, biểu hiện cái bản chất thiện lương hồn nhiên của Lâm Xung.
"Từ đó Lâm Xung mỗi ngày cũng Lỗ Trí Thâm dạo phố, uống rượu, vụ việc kia cũng đem buông lỏng đi (phóng mạn liễu)". (自此每日與智深上街喫酒,把這件事都放慢了。)
Phóng mạn liễu - mạn tức là chậm, đối với cấp, có nghĩa là gấp. Lâm Xung phóng mạn rồi, có nghĩa là trước đó Lâm Xung rất gấp gao, rất gay gắt, không phải là diễn. Lâm Xung gấp gao, gay gắt vì Lâm xung là người "tính cấp".
"Lại nói Lâm Xung mỗi ngày cùng Lỗ Trí Thâm uống rượu, cũng không đem việc ấy ghi ở trong lòng nữa (bất ký tâm liễu)" (-再說林沖每日和智深喫酒,把這件事不記心了。)
Bất ký tâm - không ghi ở trong lòng. Ba chữ này biểu thị bản chất lương thiện của Lâm Xung. Đây là một câu trực thuật nội tâm. Phải là người có nội tâm lương thiện dường nào thì mới có thể đem những mâu thuẫn vừa qua không ghi trong lòng. Nhất là giữa tình hình căng thẳng, mâu thuẫn vị giải như thế.
Thấy Cao Nha Nội không đến quấy rầy vợ mình nữa, Lục Khiêm cũng không bén mảng đến nữa, lại có bạn cùng uống rượu, bèn không ghi ở trong lòng. Suy nghĩ sao mà đơn giản thế. Phải chăng Lâm Xung đầu óc tinh tinh, linh hồn thánh mẫu? Có thể nói Lâm Xung hèn, hoặc ngu. Nhưng khó có thể nói Lâm Xung độc địa, đa đoan. Kẻ độc địa, tâm kế đa đoan thì cho dù ngoài mặt không truy cứu sẽ vẫn ghi hận trong lòng, toan tính tìm mưu đối phó.
Các âm mưu gia mô tả Lâm Xung như một người tâm cơ cẩn mật, quỷ kế đa đoan. Nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao Lâm Xung liên tục ăn những cú lừa thô thiển nhất, bị bọn tiểu tốt như Phú An, Tiết Bá (chứ chưa nói tới Ngô Dụng) quay như chong chóng?
Cuộc bán đao là tình huống như thế. Anh bán đao theo dấu Lâm Xung, dùng những từ như "bất ngộ", "khuất trầm" mà Lâm Xung đã nói với Lục Khiêm ("bất ngộ thức giả, khuất trầm liễu ngã giá khẩu bảo đao"). Khi bị hỏi thân thế thì lấp liếm bảo nói ra thì thẹn. Những cử chỉ quá ám muội, quá đáng nghi, thế mà Lâm Xung chả nghi ngờ truy vấn. Nếu là bọn như Võ Tòng, Tống Giang, Ngô Dụng, v.v... thì có khi đã vặn hỏi.
Lâm Xung luôn tỏ ra thiếu đề phòng người khác. Được người lạ mặt dẫn đến Bạch Hổ Đường, cũng không hoài nghi gì. Tiết Bá thân là công sai, lại đề nghị rửa chân cho phạm nhân. Chuyện ngược đời đến thế, mà Lâm Xung không thấy ám muội đáng nghi. Bị đưa cho chậu nước sôi để rửa chân, mà Lâm Xung còn "không biết là kế" ("bất tri thị kế"). Nó bảo để nó trói lại thì cũng y lời - không hề hoài nghi người ta có ý định giết mình.
Đang mang tử tội, che giấu thân phận trốn tránh quan binh, mà lại hớ hênh đến mức ghi rõ họ tên lên bài thơ: "Khảng khái thay Lâm Xung!" Tống Giang làm thơ phản còn biết giấu tên, chứ không lạy ông tôi ở bụi này như Lâm Xung. Phải là một tay tinh vi như Hoàng Văn Bính mới bắt thóp được Tống Giang, chứ Lâm Xung thì ai biết chữ cũng bắt thóp được.
Lâm Xung có thể học vài chiêu như đút lót để khỏi bị đánh đòn, nhưng về cơ bản vẫn thiếu bản năng của một chính trị gia trời sinh. Cho nên 35 tuổi vẫn chỉ lẹt đẹt làm một anh thương bổng giáo đầu quèn, chức vụ thấp hơn cha mình và Lỗ Đạt (đề hạt), thấp hơn cả Vương Tiến (tổng giáo đầu), Vương Thăng (đô quân giáo đầu). Mặc dù có võ công cái thế, được Cao Cầu tiếc tài.
∆ - Lâm Xung cứ thế mua đao. Vì yêu đao, hay vì muốn tống lễ Cao Cầu? Cả hai khả năng đều khả dĩ, và đều không phương hại đến giả định Lâm Xung là thiện nhân. Thiện nhân, cũng có thể dĩ hòa vi quý.
Song tôi cho rằng, Lâm Xung mua đao vì vốn có sự trân trọng thưởng thức nhất định đối với binh khí nói chung, thường thấy ở võ giả. Và tâm lý đó bị kích hoạt gia cường bởi những từ khóa lặp đi lặp lại như thôi miên của anh bán đao (bất ngộ, khuất trầm). Sự hiệu quả của những từ khóa đó biểu thị cái nội tâm khuất trầm của Lâm Xung, cũng biểu thị Lâm Xung mua đao vì nhu cầu nội tâm là chính.
Điều đó cũng thể hiện qua các tình tiết: (1) Lâm Xung mấy phen đòi xem bảo đao của Cao Cầu; (2) Nếu chỉ vì tống lễ thì khó mà mê mẩn đến độ "Chàng khen lấy khen để, rồi xem đi xem lại mãi đến đêm mới treo lên vách mà đi nghỉ. Sáng hôm sau lại đến trông ngắm thanh đao mà khen mãi không thôi"; (3) Lâm Xung dùng thương là chính, song những lần truy sát Lục Khiêm thì đều dùng "giải oản tiêm đao".
Lâm Xung nghĩ đến bảo đao trong phủ Thái Uý vì nghĩ có thanh bảo đao này sẽ khiến Cao Cầu muốn so đao, từ đó cho mình xem thanh bảo đao kia. (Trớ trêu là, thanh đao Lâm Xung mua cũng chính là thanh đao trong phủ Thái úy).
∆ - Nếu đã chấp nhận giả định Lâm Xung là thiện nhân nghĩa sĩ, thì cần giải thích hành động hưu thê của Lâm Xung theo hướng tích cực.
Cho dù Lâm Xung không hưu thê, thì Trương Trinh nương cũng sẽ bị Cao Nha Nội bức hôn.
Nếu không hưu thê, và nếu Lâm Xung mất tích không rõ sống chết, thì ràng buộc pháp lý sẽ tiếp tục tồn tại. Ràng buộc pháp lý tạo ra áp lực pháp lý, gia tăng áp lực đạo đức, dư luận. Dưới điều kiện đó, nếu Trương thị lựa chọn tái hôn, sẽ phải chịu sự đàm tiếu từ xã hội.
Do đó, nó thu hẹp phương án lựa chọn của Trương thị, và gia tăng áp lực tự sát tuẫn tiết lên nàng. Với tính trinh liệt sẵn có, thì nó đẩy khả năng tự sát lên cao.
Không lẽ Lâm Xung phải mong mỏi Trương thị thủ tiết, tuẫn tiết theo tiêu chuẩn Tống Nho thì các nhà âm mưu luận mới vừa lòng?
Cho nên Lâm Xung hưu thê, là giảm thiểu áp lực tự sát cho vợ. Cũng là gia tăng phương án lựa chọn cho vợ. Trương thị có thể lựa chọn thủ tiết suốt đời, hoặc tái hôn với Cao Nha Nội, hoặc tái hôn với một người khác để bảo vệ mình khỏi sự bức hôn của Cao Nha Nội.
Đã bị con trai nuôi của Cao Thái Uý dòm ngó thì Trương thị còn có thể tái hôn với ai? Thực ra, Trương thị nếu nhất quyết không cưới Cao Nha Nội, thì vẫn có thể lựa chọn cùng cha cao chạy xa bay, gửi thân cho một vị vương gia hay đại gia nào đó cỡ Sài Tiến (bản thân Sài Tiến cũng ok). Thậm chí có thể lựa chọn tiến cung trở thành phi tần của hoàng đế. Với nhan sắc có thể khiến cho Cao Nha Nội mê mẩn chết lên chết xuống, thì điều đó hoàn toàn khả dĩ.
Cho nên Lâm Xung hưu thê, không đồng nghĩa với dâng vợ cho kẻ thù.
Còn việc Lâm Xung nói "tránh bị Cao Nha Nội hãm hại"?
Thứ nhất, một người tốt khi thuyết phục người khác thì cũng sẽ nói ra điểm có lợi cho mình, để đối phương khỏi áy náy.
Thứ hai, nếu Lâm Xung làm điều đó để tránh bị hãm hại thì cũng không có vấn đề gì, bởi nó vẫn gia tăng lựa chọn cho Trương thị. Lợi người lợi mình, không phải chuyện đáng thẹn.
Tại sao Lâm Xung không lựa chọn đào vong, cùng vợ cao chạy xa bay, đi đến cùng trời cuối bể, một túp lều tranh hai trái tim vàng?
Thứ nhất, Lâm Xung là thiện nhân, muốn làm lương dân, không muốn làm đào phạm. Không đến đường cùng thì không muốn sống ngoài vòng pháp luật, giữa bầy thảo khấu hay trốn chui trốn nhủi. Lâm Xung không phải tử tù, chấp hành tốt thì vẫn thể quay đầu, trở lại làm lương dân. Tống triều thường có thiên hạ đại xá, không lo thiếu cơ hội.
Thứ hai, Lâm Xung cũng không muốn làm lỡ tiền trình của Trương thị. Lâm Xung nghĩ rằng, thân phận tù đày của mình không xứng với Trương thị. Trương thị xứng đáng được hưởng vinh hoa phú quý. Tư duy đó của Lâm Xung thể hiện qua lời nói với Lý Tiểu Nhị: "Tôi bây giờ đương cơn hoạn nạn thế này, chỉ e có điều làm giảm mất danh giá của vợ chồng anh thôi."
Thứ ba, Thủy Hử không phải truyện Kim Dung. Mặc dù Thủy Hử là thủy tổ của truyện kiếm hiệp. Võ công cao cường như Vương Tiến mà còn phải vất vả lắm mới trốn được khỏi kinh thành nhân lúc người ta không phòng bị. Lâm Xung đã mang tội vào thân rồi. Giữa đường giết công sai chạy trốn thì còn có thể, chứ đột nhập vào kinh thành mang Trương thị bỏ trốn thì sao làm cho được. Lâm Xung không biết thuật dịch dung, cũng không có Lăng Ba Vi Bộ hay phép thần hành.
Nếu muốn dâng vợ, Lâm Xung có thể nói thẳng, trong một thời đại phu xướng phụ tùy. Nếu vợ chịu lấy Cao Cầu thì tốt. Nếu vợ không chịu, oán Lâm Xung, thì Lâm Xung cũng đạt được mục đích hưu thê.
Sau tất cả, Lâm Xung chưa bao giờ có nửa lời nửa ý oán trách vợ mình sao không cưới Cao Nha Nội để mình khỏi lao dao. Khi nghe tin cha vợ cứng đầu không gả con gái, thì Lâm Xung trong đầu cũng chỉ oán giận bọn Lục Khiêm Sai Bát và giết chúng. Khi ở quán rượu của Chu Quý, Lâm Xung trong đầu cũng oán hận lão tặc Cao Cầu chứ không oán gì vợ mình. "Thế mà ai ngờ ngày nay lại bị thằng cọp già Cao Cầu kia nó hãm hại ta..."
Lên Lương Sơn, Lâm Xung vẫn thường tưởng niệm vợ. Biểu hiện qua lời giãi bày với Tiều Cái:
"Thấy Tiều Cái cư xử rộng rãi, trọng nghĩa sơ tài, đãi vợ con các người khác đều được chu tất, thì trong bụng chợt tư niệm vợ mình là Trương Thị ở Đông Kinh... chàng liền đem ruột gan bầy giải tường tận với Tiều Cái rằng:
Tôi từ khi lên Lương Sơn, đã có ý mang cả vợ tôi lên đây một thể, nhưng về sau thấy Vương Luân là một người lòng dạ khó lường, cho nên trong lòng do dự lại thôi."
Thi Nại Am trực thuật "giải bầy ruột gan" (toại tương tâm phúc tế bị dữ Tiều Cái đạo). Ta có mọi lý do để tin rằng "đã có ý mang cả vợ tôi lên đây một thể" thực là ruột gan của Lâm Xung, và chẳng có lý do gì để tin rằng đó là giả đò.
Nghe tin vợ chết, Lâm Xung "tầm tã rơi lệ". Phản ứng tự nhiên, biểu thị đau thương tự đáy lòng. Sinh ly tử biệt, gia phá nhân vong, tang thương chí tận.
∆ - Lâm Xung có bán đứng Lỗ Trí Thâm?
17, 18 ngày trước khi Lâm Xung nói về chuyện họ Lỗ bứng rễ cây liễu ở chùa Tướng quốc, thì bọn Đổng Siêu Tiết, Bá đã tự đoán ra được thân phận của Lỗ Trí Thâm: "Mới đây nghe nói ở vườn rau Giải Vũ thuộc chùa Tướng Quốc, có một lão sư mới đến, tên gọi Lỗ Trí Thâm, có lẽ chính là anh nầy đây hẳn".
Cho dù Lâm Xung không nói, thì khi về Đông Kinh bọn kia cũng sẽ nhanh chóng kiểm chứng được. Hình dạng, tác phong của Lỗ Trí Thâm quá đặc thù.
Nếu như Thi Nại Am có ý ám chỉ Lâm Xung bán đứng Lỗ Trí Thâm thì còn thêm vào tình tiết ấy làm gì?
Nếu như Lâm Xung thực bán đứng Lỗ Trí Thâm thì Lỗ lấy mật báo ở đâu ra để mà biết được? Giả sử hai tên ấy có tâu lại là nhờ Lâm Xung mà biết, và lời ấy lọt ra ngoài, thì Lỗ Trí Thâm lấy lý do gì để tin hai tên ấy mà không tin huynh đệ mình? Và với tính cách "không sợ" của Lỗ Trí Thâm, nếu cho rằng Lâm Xung bán đứng mình thì tại sao không nói thẳng với Dương Chí như thế, việc gì phải úp mở?
Lương Sơn tái ngộ, Lỗ Trí Thâm gọi Lâm Xung là giáo đầu. Thật ra từ sau khi kết bái huynh đệ, Lỗ Trí Thâm lúc thì gọi huynh đệ lúc thì gọi giáo đầu. Ví dụ như sau vụ xách dao tìm Lục Khiêm, Lỗ Trí Thâm đến mời Lâm Xung đi uống rượu thì nói là: Giáo đầu tại sao mấy ngày nay không thấy mặt (Giáo đầu như hà liên nhật bất kiến diện -「教頭如何連日不見面?」). Ở đoạn này các nhà âm mưu luận đọc sách chưa kỹ.
Xét câu nói của Lâm Xung, có vẻ như đã dò đoán được rằng thân phận của Lỗ Trí Thâm đã sẵn bại lộ, cho nên nói luôn câu đó, để dọa nạt hai tên công sai. Kiểu "chúng mày liệu hồn, chớ có đụng đến huynh đệ tao, không ông ấy tát chết cả lũ bây giờ".
∆ - Lâm Xung ra tay với Hồng Giáo đầu nặng hơn Vương Tiến ra tay với Sử Tiến, cũng không nói lên điều gì. Vì đó là hai tình huống lược đồng nhưng khác nhau. Bản chất của Hồng giáo đầu khác với Sử Tiến - Sử Tiến chỉ là anh trẻ người non dạ, còn Hồng giáo đầu già đầu rồi.
Chung quy, Lâm Xung không đánh gãy chân Hồng giáo đầu. Lâm Xung là cao thủ, dụng lực tự biết điều tiết.
∆ - Lâm Xung có hèn không khi lót tiền để khỏi ăn Sát Uy Bổng, khóc lóc van xin bọn Đổng, Tiết?
Lâm Xung không sắt đá như thiết hán Võ Tòng. Tuy nhiên né 100 gậy Sát Uy thì cũng không có gì đến nỗi hèn như chó. Đó là thường tình mà thôi. Có bạn đọc nào sẵn sàng đưa mông chịu đòn như Võ Tòng khi còn có lựa chọn khác? Khóc lóc cầu sinh, cũng là thường thấy ở người thường.
Lâm Xung là người quý mạng mình, quý mạng người. Không phải bất đắc dĩ thì không giết người. Điều đó biểu thị qua việc:
(1) xin tha cho Đổng Siêu, Tiết Bá.
(2) hô lên một tiếng tự thẹn ("Tàm quý") khi chuẩn bị giết người lấy đầu danh trạng. Trong Thủy Hử Lâm Xung là người duy nhất hô tự thẹn trước khi ra tay giết người.
(3) xin tha cho những người tùy tùng Hoàng Tín khi Tống Giang định giết họ.
"Tống Giang nghe nói cả giận, toan hạ lệnh chém mấy tên đi theo Hoàng Tín và không biết đem tin về báo ngay khi đó. Sau có Hoa Vinh, Lâm Xung khuyên giải mới tha".
Những người tùy tùng kia đối với Lâm Xung có giá trị lợi dụng gì? Xin tha mạng cho người khác, có vẻ là một thói quen tự nhiên của Lâm Xung.
Võ Tòng không tiếc thân mình, cũng ít quý mạng người - cho nên ra tay giết người báo thù ghê rợn hơn Lâm Xung - giết sạch già trẻ gái trai cả nhà Trương đô giám.
Hai người công sai áp giải Võ Tòng đã đối xử tử tế với Võ Tòng. Võ Tòng lấy cớ đấy xin tha mạng cho họ. Tiết Bá hành hạ Lâm Xung, thế nhưng Lâm Xung vẫn xin tha mạng cho hắn. Cái nhân của Lâm Xung quá cái nhân của Võ Tòng.
∆ - Lâm Xung tại sao giết bọn Sai Bát, Quản Doanh, Lục Khiêm mà không giết bọn Đổng Siêu, Tiết Bá? Có người giải thích vì lúc ở Dã Trư Lâm thì Lâm Xung vẫn còn nuôi hy vọng trở lại làm lương dân. Còn sau khi cháy thảo trường thì Lâm Xung đã mang tử tội, vô vọng quay đầu.
Tôi nghĩ đó là một yếu tố. Song bên cạnh đó cũng có yếu tố khác - kiến giải từ góc độ của "thiện nhân nghĩa sĩ".
Trong truyện, Đổng Siêu, Tiết Bá thể hiện ra là còn có chút lương tâm. Đặc biệt là Đổng Siêu. Đổng Siêu vốn khước từ đơn đặt hàng giết Lâm Xung, lấy lý do pháp luật, và sức khỏe. Có thể thấy Đổng Siêu không quen trái pháp luật. Tiết Bá thúc giục Đổng Siêu nhận lời, với hàm ý Cao Cầu muốn họ chết thì họ tất chết.
Đổng Siêu chỉ là người dưng nước lã, mà còn biết khước từ lệnh giết Lâm Xung, thế là đã tử tế hơn xa Lục Khiêm. Lục Khiêm là huynh đệ, thế mà không chút do dự nhận lời bán đứng Lâm Xung, "chỉ cần Nha Nội được vui thì xá gì đến tình cảm huynh đệ". Lâm Xung tuy không biết những tình tiết đó, nhưng qua tiếp xúc có thể cảm nhận được phần nào.
Nếu đọc lại hành trình áp giải, ta sẽ thấy Đổng Siêu luôn có ý nhẹ nhàng với Lâm Xung. Còn Tiết Bá thì gay gắt.
《Đổng Siêu nghe nói liền đáp rằng: Việc ấy chỉ sợ không làm được! Vì trong công văn của phủ, chỉ nói là giải sang Thương Châu, chứ không nói gì đến sự giết hắn cả...》
《Tiết Bá thấy Lâm Xung đi chậm thì mắng... Đổng Siêu thấy vậy thì bảo rằng: "Thôi thong thả vậy, không nói làm gì nữa." Tiết Bá thì vừa đi vừa chưởi rủa..."》
《thấy Lâm Xung không đi được, thì Đổng Siêu đưa cho một đôi giầy đay để đi》
《Tiết Bá quay lại mắng rằng: "Có đi thì đi mau, mà không thì gậy đánh vào đít bây giờ đấy." Lâm Xung kêu vang rằng: "Khốn nạn! Tôi dám lười đâu! Vì hai chân đau quá, không sao đi được nữa, xin các ông xét cho." Đổng Siêu nói: "Nếu vậy để tôi dắt cho mà đi."》
Tất cả cho thấy, Đổng Siêu còn có lương tâm. Lâm Xung cảm cái tình ấy mà xin tha mạng cho Đổng Siêu, tất cũng nể mặt Đổng Siêu mà xin tha cho cả Tiết Bá.
Ngược lại, bọn Quản Doanh, Sai Bát, Lục Khiêm, ngữ khí tỏ ra vô lại, khoái trá khi nói về chuyện hãm hại Lâm Xung.
Tiếp xúc với bọn Quản Doanh, Sai Bát đã lâu, Lâm Xung hiểu rõ bọn ấy tham lam hủ bại, táng tận lương tâm, sa đoạ hơn bọn Đổng Siêu. Lời kết tội của Lâm Xung thể hiện cái phân biệt ấy: "Đồ khốn nạn nầy, ta với mầy có thù hận gì, mà mầy làm hại ta đến thế? Mầy phải biết giết người còn có thể tha được, chứ cái lòng độc ác ấy không thể nào mà dung thứ được đâu?"
Nặng nhẹ phân minh, biểu thị cái lòng nhân của Lâm Xung.
∆ - Tôi đồng ý là sau khi giết bọn Lục Khiêm, Lâm Xung có thay đổi. Trở nên sắt đá, tàn nhẫn hơn, tâm ngoan thủ lạt hơn. Nhưng về cơ bản vẫn bảo lưu lương tâm.
Ngay từ đầu, Lâm Xung chỉ muốn làm lương dân.
Chịu cảnh tù đày, Lâm Xung vẫn mong mỏi một ngày có thể quay trở lại làm lương dân. Đã lập chí như thế, Lâm Xung nhất quán thi hành, nhẫn nhịn mọi sự hành hạ, "cả đời cũng không chạy". Nhẫn nhịn, cũng cần có ý chí cao độ. Lâm Xung là người có mục tiêu, nghĩ về tương lai, không bất cần, bạt mạng như Võ Tòng.
Để có thể làm lương dân, Lâm Xung phải nhân nhượng, hết lần này đến lần khác. Song bè lũ Cao Cầu vẫn không buông tha cho chàng. Lâm Xung càng nhân nhượng, kẻ thù càng lấn tới. Cho đến khi con đường làm lương dân của Lâm Xung hoàn toàn bị bịt kín, không thể nhân nhượng được nữa. Lương Sơn hảo hán, duy chỉ có Lâm Xung thực sự bị "bức thướng Lương Sơn".
Lâm Xung muốn làm người lương thiện. Ai cho Lâm Xung được lương thiện?
Bi kịch của Lâm Xung cũng chính là bi kịch của xã hội. Một người muốn làm lương dân nhất như Lâm Xung lại không được phép làm lương dân. Đó là lời tố cáo mạnh mẽ nhất, phản ánh hiện thực xã hội bất công, tàn khốc, băng hoại.
"Thân thế bi phù trầm", "có nước không được ở, có nhà không được về", ấy là tiếng kêu đứt ruột của một kiếp người anh hùng khí đoản, thiện nhân nghĩa sĩ, từng một lòng muốn làm lương dân.
Phong tuyết sơn thần miếu, thảo trường đã cháy, bạn thân cũng đã giết. Lương dân lộ tuyệt, vô pháp hồi đầu. Lầm lũi đi trong cơn tuyết, tuyệt vọng, quẫn trí, mất phương hướng. Chàng chỉ muốn uống thật say để quên đi tất cả. Nên bèn tìm đến mấy gian nhà lá xin rượu. Giải hàn, chỉ là cái cớ. Tiên lễ hậu binh, biểu hiện thói quen lễ độ, xưng tiểu nhân với những người thấp cổ bé họng nhất, mặc dù hoàn toàn có thể xông vào cướp ngay từ đầu. Họ không cho, đành phải đuổi họ đi để nốc rượu giải sầu. Đó là lần đầu tiên ta thấy Lâm Xung khi áp bá tánh.
Chỉ có khi ở một mình uống rượu, một mảnh trời riêng ta với ta, Lâm Xung mới tự xưng là lão gia.
Gặp Sài Tiến, được cứu giúp, Lâm Xung chủ động rời đi để tránh liên lụy đến Sài Tiến. Nhưng đối với Vương Luân thì Lâm Xung không lễ độ như thế. Bởi vì Vương Luân là hạng người khác với Sài Tiến.
Đến quán rượu đề thơ, Lâm Xung đã lập chí lên Lương Sơn làm thảo khấu, chuẩn bị cho công cuộc báo thù mai sau. Kế hoạch đã đặt ra thì phải thực hiện. Làm lương dân cho ra lương dân. Làm thảo khấu cho ra thảo khấu. Không thể do dự. Không được phép do dự. Vì thế, chàng không nao núng khi nghe đến những chuyện giết người lấy thịt, lập danh đầu trạng.
∆ - Vương Luân có đáng chết không?
Theo tôi, tuyệt đối đáng chết!
Vương Luân có thể nói là kẻ ác ôn hàng đầu Thủy Hử.
Thứ nhất, Luân sai Chu Quý mở quán, làm thịt khách qua đường, thái thịt phơi khô bổ sung đạm, lấy mỡ đốt đèn. Đó là hành vi táng tận lương tâm, mất hết tính người. Chế độ này do Chu Quý thi hành, nhưng do Vương Luân đặt ra. Nó là sự tàn ác có hệ thống, khác với hành vi giết người bộc phát của Võ Tòng, Lý Quỳ, v.v...
Vợ chồng Vương Anh, Tôn Nhị Nương cũng mở quán làm thịt thương khách qua đường nấu bánh bao. Nhưng chí ít còn đặt ra ngoại lệ (không hại sư sãi đạo sĩ, kỹ nữ và kẻ tù tội đi đày) - nghe qua cũng còn có chút đạo lý. Còn Vương Luân chỉ dựa vào có tiền hay không có tiền. Đơn thuần là quân cướp cạn man rợ. Nếu vợ chồng Trương-Tôn đáng ghê tởm thì Vương Luân còn đáng ghê tởm hơn. Trương Thanh là kẻ thất phu lỗ mãng. Còn Vương Luân vốn là kẻ tú tài bụng đầy kinh luân, chữ nghĩa thánh hiền - và còn đầy thịt người.
Thứ hai, Vương Luân không chỉ sát hại khách qua đường, mà còn phá hoại sinh kế của người dân xung quanh. Như lời Tam Nguyễn:
"Tiên sinh không biết, chỗ Lương Sơn Bạc trước vẫn là kho cơm áo của chúng tôi, nhưng ngày nay lại không dám đến nữa rồi... Chỗ Lương Sơn Bạc thì gớm lắm! Bây giờ mới có một bọn cường đạo ở đấy, họ có cho đánh cá nữa đâu!... Mấy đứa chó má ấy nó tụ họp có tới năm bảy trăm lâu la, chỉ đi phá nhà cửa, cướp bóc khách buôn, rồi giữ riết lấy chỗ ấy, làm cho anh em chúng tôi, đến HƠN NĂM NAY mất cả áo cơm với họ, mà không dám vào đấy nữa!"
(Hành vi cướp phá này xảy ra đã hơn một năm, tức là trước khi Lâm Xung lạc thảo Lương Sơn. Lâm Xung tuyết dạ thướng Lương Sơn vào mùa đông, cuối năm 1114. Lưu Đường đầu bôn Tiều Cái, Ngô Dụng khuyến thuyết Tam Nguyễn vào đầu tháng 5 năm 1115 - sau tết Đoan Ngọ một chút).
Thứ ba, đầu danh trạng là thứ thủ tục bất nhân. Nó không phải chỉ dành riêng cho Lâm Xung, mà như Chu Quý nói, là một thứ thường lệ. "Phàm đám hảo hán muốn nhập bọn với nhau, tất phải có đầu danh trạng". Khác chăng là cái hạn định 3 ngày.
+ Vương Luân có phải bụng dạ hẹp hòi không?
Từ góc nhìn của Thi Nại Am, Vương Luân hẹp lượng. Trước tiên ta xem lời kể truyện. Khi Lâm Xung giết Vương Luân, lời kể chuyện bàn rằng: 《Tiếc cho Vương Luân bao năm làm trại chủ, ngày nay chết dưới tay Lâm Xung, chính ứng vào lời cổ nhân rằng: "Lượng rộng phúc cũng phúc cũng rộng, mưu sâu hoạ cũng sâu". Có thơ làm chứng: độc cứ Lương Sơn chí khả tu, tật hiền ngạo sĩ thiểu khoan nhu... Hung hoài biển hiệp chân kham hận, bất khẳng lưu hiền mệnh bất lưu.》
Chính thủ hạ của Vương Luân còn nhận xét như thế, theo lời kể của Tam Nguyễn.
"Tiên sinh không biết, chứ anh em chúng tôi đã mấy phen toan vào nhập bọn với họ đấy. Nhưng về sau thấy bọn thủ hạ của Bạch Y Tú Sĩ Vương Luân thường nói rằng: Anh ta bụng dạ hẹp hòi, không có lượng bao dung kẻ khác, mới đây Giáo Đầu Lâm Xung đến đó, cũng bị anh ta đãi chẳng ra gì, vì thế anh em tôi chán nản không muốn lên đấy nữa... Giá bọn họ mà được khẳng khái như tiên sinh, yêu đãi anh em tôi thì còn đâu nữa?..."
Thủ hạ của Vương Luân thì phải biết rõ hơn khách giang hồ. Chiêu nạp vào là một chuyện, sau đó đối đãi, ăn chia với anh em như thế nào lại là chuyện khác. Những biểu hiện lễ độ của Vương Luân mà Tào tiên sinh nêu ra cũng chỉ là hư lễ xã giao bề ngoài. Phải ăn ở lâu dài với nhau mới biết khí lượng ra sao.
Lâm Xung thấy Tiều Cái đối đãi tử tế rộng lượng với vợ con của anh em, mới xin rước vợ về cùng. Cho thấy Vương Luân đối đãi với anh em và vợ con họ không rộng rãi. Vương Luân chính là kẻ ngoài rộng trong hẹp, trước rộng sau hẹp kiểu nhân vật hư cấu Viên Thiệu trong TQDN.
Cái ghen ghét hiền tài, không thể dung người của Vương Luân là ở chỗ: trước giờ Vương Luân toàn chiêu nạp những kẻ tài năng loàng nhoàng. Cho đến khi người đầu tiên có đại tài lên Lương Sơn thì bị Vương Luân gây khó dễ. Và nếu không vì chế hành Lâm Xung thì cũng sẽ không mời Dương Chí nhập bọn. Vương Luân có thể dung người, nhưng chỉ là dung người bất tài. Nói Vương Luân không thể dung người, là ý nói Vương Luân không thể dung người tài có chí khí.
Anh em Tam Nguyễn là người tài, có chí khí, nên sợ rằng Vương Luân không dung mình. Không chỉ anh em Tam Nguyễn mới nghe kể lại như thế, mà cả Tào Chính cũng thế.
"Ngài nói cũng có lẽ, tôi cũng thấy nhiều người nói rằng: Vương Luân là một anh hẹp hòi không có độ lượng gì, ngày trước sư phụ tôi đến đấy cũng bị anh ta bắt hành bắt họe mãi rồi mới chịu dung, nhưng thế thì những người chí khí chịu sao cho được."
Điều này cho thấy tiếng xấu hẹp hòi của Vương Luân đã vang khắp giang hồ. Hảo hán thiên hạ bấy giờ đã xem Vương Luân như chó, Street cred / uy tín giang hồ đã thối hoắc rồi.
Trước khi giết Vương Luân, tác giả Thi Nại Am đã cho sắp đặt những tình tiết như thế, dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng: thứ nhất là nhằm mô tả Vương Luân như một kẻ đáng chết. Thứ hai là mô tả Lâm Xung như một người đáng cảm thông. Đây là chuẩn bị cho Lâm Xung giết Vương Luân.
Tàn ác bất nhân, hoạ hại dân lành, lại bụng dạ hẹp hòi như Vương Luân, đương nhiên đáng giết. Giết Vương Luân, là trừ kẻ bất nhân. Như chính Lâm Xung đã nói:
"Tiên sinh sai rồi, tôi ngày nay chỉ vì các vị hào kiệt, lấy nghĩa khí làm trọng, nên phải giết thằng giặc BẤT NHÂN ấy đi, chứ thực không có lòng nào mà mưu tranh lấy địa vị ấy. " (Nguyên văn: bất nhân chi tặc)
Dù dụng ý của Lâm Xung là gì, thì việc giết Vương Luân đã giúp dân trừ hại, cứu nhiều người thoát khỏi cảnh bị "thái thịt phơi khô, lấy mỡ đốt đèn". Lương Sơn Bạc thời Tiều Cái dù gì cũng nhân đạo hơn xa thời Vương Luân. Tiều Cái nhậm chức xong đã ra lệnh cấm giết người: "Đến đó phải làm sao cho khéo, để lấy kim ngân tài bạch, chứ không được giết hại khách thương... Chúng ta từ đây trở đi, không nên giết hại người ta mới được." Cái tệ "đầu danh trạng" bất nhân cũng bị bãi bỏ.
Tống Giang tâm đen nhưng cũng ít họa hại dân hơn Vương Luân.
"Tống Giang lại nói: ...Vậy nay đã đánh xong Chúc Gia Trang, vì dân trừ được hại to, trong dân có bao nhiêu nhà, đều thưởng cho một hộc gạo, gọi là thụ lộc làm vui, phiền lão phân phát giúp cho.
... Khi đi qua đường các dân sự trong thôn, đều cõng trẻ dắt già đem hương hoa ra đường đón để mừng lạy tạ, chẳng khác chi quân vương giả đi qua, không ai là không kính phục."
Tuy nhiên, nếu không xét đến việc giết người làm thịt phá làng phá xóm này kia, mà xét từ góc độ nghĩa khí giang hồ, thì sao?
Sài Tiến có đại ân với Vương Luân. Nay Sài Tiến tiến cử một người mà Vương Luân không nhận, hoặc gây khó dễ, thì đó là quả ân quả nghĩa trong mắt giang hồ. Vương Luân cũng biết như vậy.
Vương Luân không đủ ân uy với thuộc hạ. Muốn đuổi Lâm Xung mà thuộc hạ nhao nhao ra cãi, viện dẫn Sài Tiến. Rốt cuộc họ là đệ của Sài Tiến hay của Vương Luân. Lúc sắp bị giết, Luân hô tâm phúc của ta đâu thì chẳng có ai dám lên. Lãnh đạo như thế, sớm muộn cũng vong.
Tào tiên sinh so sánh Lương Sơn Bạc với một công ty. Thực ra Lương Sơn Bạc giống một công ty cổ phần. Vương Luân là CEO nhưng chỉ sở hữu một phần cổ phần. Đỗ Thiên, Tống Vạn đều là cổ đông, có hùn vốn, góp binh mã tài vật. Sài Tiến là nhà đầu tư và đại cổ đông, cứu giúp Vương Luân lúc hắn tay trắng khởi nghiệp. Vương Luân không thể tùy tiện gạt bỏ ý kiến của các đại cổ đông khác. Khi Vương Luân muốn đuổi Lâm Xung thì các đại cổ đông đều phản đối. Lâm Xung chịu ơn bọn Đỗ Thiên, Tống Vạn, Chu Quý nhiều hơn là Vương Luân.
Nhưng không báo ơn nhỏ, cũng là chưa tận nghĩa. Hành động của Lâm Xung có đáng cảm thông hay không, phải xét đến động cơ.
Theo tôi, Lâm Xung giết Vương Luân, lập Tiều Cái, thứ nhất là để phục vụ cho mục đích báo thù Cao Cầu, thứ hai là vì khát cầu minh chủ. Hai mục đích này thống nhất với nhau. Lâm Xung cần một minh chủ có thể giúp mình báo thù.
Chí hướng của Lâm Xung được thể hiện rõ ràng trong lời nói:
"Cứ như cầm đầu thì tôi cũng không khi nào cự địch quan quân, chỉ mong có một ngày kia trừ bỏ những tên tâm địa độc ác ở bên cạnh nhà vua đi, thế là thỏa chí."
+ Nói Lâm Xung không hận Cao Cầu, không có chí báo thù là sai. Trước lúc đề thơ Lâm Xung gọi Cao Cầu là thằng giặc. Về Lâm Xung cũng tuyên chiến dữ dội với Cao Liêm, Cao Cầu. Tuyên bố địch ý không chết không thôi, khiến kẻ địch muốn diệt mình, đồng nghĩa tự đặt mình vào hiểm cảnh.
"Mày là đồ mọt già hại dân, nay mai ta đánh đến kinh sư, ta sẽ đem cả thằng Cao Cầu là đồ dối vua hại dân, mà chặt xác ra làm muôn đoạn để trừ hại cho dân mới được."
Cao Cầu chẳng biết rõ Lâm Xung hay sao? Khi bị bắt, Cao Cầu "mươi phần khiếp sợ" (thập phân cụ khiếp) trước "ánh mắt giận dữ, như muốn phát tác" (nộ mục nhi thị, hữu dục phát tác chi sắc) của Lâm Xung. Thử hỏi Cao Cầu xem Lâm Xung có muốn báo thù không.
+ Nếu Lâm Xung hèn, vô chí báo thù thì đã không lập Tiều Cái. Tiều Cái làm trại chủ thì Lâm Xung sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn là dưới trướng Vương Luân. Mâu thuẫn với triều đình, đến Vương Luân còn sợ. Lâm Xung không sợ điều đó thì đã là dũng hơn Vương Luân.
Lâm Xung muốn báo thù. Nếu tiếp tục ở dưới trướng Vương Luân thì Lâm Xung không thể báo thù, vì Vương Luân chỉ cầu an. Tiều Cái là người có thể giúp Lâm Xung báo thù, nên Lâm Xung quyết chí lập Tiều Cái.
Chí hướng của Lâm Xung chính là tìm được minh chủ. Như chính Lâm Xung đã thổ lộ với Lục Khiêm.
Lâm Xung không phải là người có tố chất làm lãnh đạo, luôn cần đến sự dẫn dắt của ngoại lực. Anh ta biết điều đó và mong mỏi tìm được một người minh chủ có thể tri hiểu tài năng của mình, đón nhận mình, rộng lượng với mình, dẫn dắt mình. Về mặt này, Vương Luân còn tệ hơn Cao Cầu (trước khi đụng độ Cao Nha Nội).
Tiều Cái chính là minh chủ mà Lâm Xung tìm kiếm. Nghe cố sự của 7 người tiều cái lấy ít thắng nhiều, Lâm Xung biết đây là người có thể giúp mình báo thù. Vừa gặp Tiều Cái một hôm, Lâm Xung đã dứt khoát loại bỏ Vương Luân, lập Tiều Cái.
Có thể thấy, Lâm Xung đã thay đổi. Dứt khoát, ngoan liệt hơn trước. Vì báo thù mà không ngại mang tiếng vong ân bội nghĩa. Lâm Xung đúng hay sai? Xin để cho bạn đọc đánh giá.
Đáng tiếc là về sau Tiều Cái bị Tống Giang ám sát. Cả Ngô Dụng cũng bỏ Tiều Cái. Lý do là vì Tiều Cái quá thiếu tâm cơ. Chính như Ngô Dụng nhận xét: "Tính bác ngay thẳng, vẫn tưởng là Vương Luân chịu lưu chúng ta ở đây hay sao? Bác không biết ruột hắn, chứ bác lại không xem nhan sắc và cử động của hắn à?"
Lâm Xung trân trọng một nhân cách ngay thẳng như vậy. Nhưng với Ngô Dụng, đó là một khuyết điểm lớn.
Giải thích câu nói "Nếu người ấy đến đây, thì tất là trúng kế ta hẳn!" của Ngô Dụng như thế nào, khi trước đó Ngô Dụng chưa có trao đổi gì với Lâm Xung?
Rất có thể, chính việc Tiều Cái lên Lương Sơn, đã là cái kế mà Ngô Dụng nói đến.
Có một thuyết âm mưu như sau: ngay từ đầu Ngô Dụng đã lập kế bức Tiều Cái lên Lương Sơn làm chủ trại. Một người nắm rõ thông tin như Ngô Dụng thì không thể không biết tình hình Lương Sơn Bạc. Ông ta chỉ vờ không biết để có cớ hỏi han kết thân lấy lòng Tam Nguyễn. Ngô Dụng biết rõ Lâm Xung có hiềm khích với Vương Luân, và muốn báo thù Cao Cầu. Khi một minh chủ xuất hiện, Lâm Xung sẽ giết Vương Luân mà lập người ấy lên. (Xem thêm: https://bit.ly/2z7HK2R)
Tất nhiên Lâm Xung là chủ, Ngô Dụng là khách. Nhưng chủ cũng có thể trúng kế của khách.
Vậy Lâm Xung là người như thế nào?
Tôi đồng ý với nhận xét của Bào Bằng Sơn tiên sinh, Lâm Xung là một đại anh hùng đậm hơi thở của con người bình dong, cũng là một người bình dong có khí chất của anh hùng.
Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng là những anh hùng vượt ngoài khuôn khổ, larger than life. Lâm Xung là một nhân vật rất gần gũi, rất chân thực. Mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy một chút của bản thân nơi Lâm Xung. Không sắt đá, trâu bò, siêu phàm như Võ Tòng, không gian hùng như Tống Giang. Lâm Xung có những lo lắng, những sợ sệt, do dự, cam chịu, những giây phút mềm yếu như chính chúng ta. Kẻ hảo hán cũng có lúc phải khóc lóc cầu sinh, những thời khắc ê chề nhục nhã. Đó là cái làm cho Lâm Xung rất người, rất chân thực, khiến người ta cảm thán, đồng tình.
Sau trận cháy thảo trường, Lâm Xung đã thay đổi. Trở nên sắt đá hơn, quyết liệt hơn. Dẫu vậy, Lâm Xung vẫn hạn chế làm những chuyện bất lương, sống giữa thảo khấu mà tâm phi thảo khấu. Khác với Võ Tòng, tác giả an bài cho Lâm Xung chỉ giết những người đáng giết, không bao giờ giết một thường dân vô tội. Về mặt hành vi, Lâm Xung hành động như một thiện nhân.
Lâm Xung có thể không phải mẫu người anh hùng lý tưởng. Song chàng có những phẩm chất đáng quý, cần thiết cho một xã hội văn minh. Xã hội cần có những người muốn làm lương dân, những người không sẵn sàng giết người vì tư thù.
Thay lời kết.
Kim Thánh Thán dành nhiều lời khen cho Lâm Xung, gọi ông là thượng thượng nhân vật, cực trượng phu.
Lời bình Lâm Xung là người độc, phải đặt vào trong ngữ cảnh của nó, mới hiểu được ý nghĩa của chữ độc.
"Hoặc có kẻ hỏi đến Thánh Thán rằng: Lỗ Đạt là người thế nào? Rằng: Là người rộng rãi; Tống Giang là người thế nào? Rằng: Là người hẹp hòi; Lâm xung là người thế nào? Rằng: Là người độc (độc nhân dã); Tống Giang là người thế nào? Rằng: Là người ngọt (cam nhân dã)" ~ tiếp tục với Dương Chí - chính nhân vs Tống Giang - kẻ quặn quẹo; Sài Tiến - người lành vs Tống Giang - người tệ; Ngô Dụng - người nhanh (trí) vs Tống Giang người chậm (ngốc)...
Kim Thánh Thán đem so sánh Tống Giang với các anh hùng Lương Sơn để chê Tống Giang, đưa ra những cặp tính từ đối lập, gán cái tiêu cực cho Tống Giang và cái tích cực cho bên còn lại. Xem thế thì biết, gọi Lâm Xung độc nhân là khen, mà gọi Tống giang cam nhân là chê.
Độc ở đây đối nghĩa với cam. Có người diễn giải, độc ở đây có nghĩa là khổ (khổ có nghĩa gốc là đắng, từ đó có nghĩa là đau khổ). Kinh Thi có câu: Tâm chi ưu hỉ, kỳ độc đại khổ. Gọi Tống Giang là cam nhân, vì Tống Giang được sung sướng. Gọi Lâm Xung là độc nhân, vì Lâm Xung đau khổ, cay đắng.
No comments:
Post a Comment