Search This Blog

Sunday, June 28, 2020

Phản anh hùng

[Nhân Vật Chính Trong Truyện Mạng Đều Là Phản Anh Hùng]

Phản anh hùng, antihero (nam) hay antiheroine (nữ) là nhân vật chính trong câu chuyện nhưng lại thiếu những phẩm chất và thuộc tính của một anh hùng thông thường như về chủ nghĩa lý tưởng, lòng can đảm, hay về đạo đức. Mặc dù những antihero đôi khi có thể thực hiện những hành động đúng về mặt đạo đức, nhưng không phải lúc nào cũng vì những lý do chính đáng. Thông thường những hành động của họ chủ yếu vì lợi ích cá nhân hoặc theo cách bất chấp đạo đức, miễn là hành động của họ cuối cùng sẽ đưa họ trở thành một người tốt.

Được rồi, cái định nghĩa dài ngoằng trên chỉ để các bạn có hình dung tương đối về cái gọi là Phản Anh Hùng. Để cụ thể hơn, ad gầy sẽ liệt kê các loại phản anh hùng và ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn.

1/ Phản Anh Hùng Cổ Điển: Nếu các anh hùng thường sẽ là một nhân vật hoàn hảo về sức mạnh thể chất, tinh thần và cả trí tuệ thì phản anh hùng cổ điển hoàn toàn ngược lại. Họ không có sức mạnh thể chất vượt trội, tinh yếu có khi yếu đuối, tự ti và thỉnh thoảng có thể hơi ngớ ngẩn. Tựu chung lại thì họ là một người tầm thường với những điểm yếu giống chúng ta. Nhưng, trong họ vẫn là lý tưởng tốt đẹp, thế giới quan không lệch lạc ra khỏi luân thường đạo lý, tinh thần quật cường giúp họ theo thời gian dần vượt qua chính mình để trở thành người tốt hơn, thậm chí là trở thành anh hùng. 

Điển hình cho loại phản anh hùng này có thể kể tới như Quách Tĩnh - một nhân vật ngốc nghếch, cả tin, đầu óc kém nhanh nhạy và đôi khi hoài nghi chính bản thân mình để rồi mém mất mạng. Theo thời gian, nhờ vào cơ duyên lẫn sự kiên trì cố gắng, Quách Tĩnh dần mạnh hơn, kiên định hơn và sáng suốt hơn để trở thành một anh hùng thực sự.

Trong truyện mạng, không khó để tìm thấy loại phản anh hùng này ở các thể loại như Phàm nhân lưu, phế vật lưu, tuy rằng vì tác giả buff mạnh nên đôi khi chúng ta không cảm nhận được hết sự nỗ lực của nhân vật chính nhưng không thể phủ nhận, họ đã cố gắng để vượt qua chính yếu điểm của mình để mạnh mẽ hơn, tốt hơn.

2/ Phản anh hùng trong lớp giáp tồi hay Phản anh hùng cưỡng ép:
Loại phản anh hùng (PAH) này là những người có ưu điểm nào đó về thể chất, trí tuệ và họ vẫn tuân theo những chuẩn mực đạo đức và không làm quá nó. Tuy nhiên họ mang tư tưởng có phần cay nghiệt, ích kỷ và hành động chủ yếu vì bản thân. Họ sẽ không nhảy vào một cuộc chiến vì người khác nếu cuộc chiến đó không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ hoặc đem lại lợi ích nào đó cho bản thân.

Điển hình của PAH dạng này không ai khác chính là Hàn Lập trong PNTT. Hàn Lập là một kẻ tu tiên kiểu khắc khổ, ít giao tiếp bạn bè, ngại lo chuyện thiên hạ và chỉ làm vì lợi ích bản thân. Dù hành động của Hàn Lập ở nhiều trường hợp vẫn đậm chất anh hùng nhưng nó dường như luôn có cái bóng lợi ích đi kèm.

3/ PAH thực dụng: Loại PAH này đen tối hơn 2 kiểu trước ở chỗ, họ có tố chất anh hùng như thể chất trí tuệ cao, mục tiêu hành động tốt nhưng tư tưởng lại di biệt với một quy chuẩn đạo đức của riêng họ, sẵn sàng vượt chuẩn đạo đức thông thường để đạt được mục đích sau cùng (đa số là mục đích tốt). 

Nhắc tới thể loại này, ad gầy nhớ ngay tới Vân Trung Hạc trong bộ Sử Thượng Đệ Nhất Mật Thám. Hắn vốn mang máu điên trong người lại thông minh vượt trội nên hắn chẳng ngại dùng thủ đoạn như lợi dụng bạn bè, lừa tình cảm con gái để đạt mục đích. Nhưng Vân Trung Hạc vẫn có tiêu chuẩn, giới hạn đạo đức của riêng hắn như việc không bỏ bạn, không lợi dụng tình cảm xong quất ngựa truy phong không chút trách nhiệm, thậm chí hắn rất sòng phẳng và rõ ràng.

4/ PAH Ngang Tàng: Giống loại 3 nhưng họ không mang theo bất kỳ quy chuẩn, giới hạn nào dù cơ bản họ vẫn là người tốt.
Họ sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích, ranh giới tốt - xấu ở họ là vô cùng mong manh bất chấp họ phần lớn là nghiêng về cái tốt.
Không khó để tìm được loại PAH này ở thể loại Hắc Ám Lưu và tiêu biểu là Tô Tín trong Tối Cường Phản Phái Hệ Thống. Tô Tín sẵn sàng ra tay triệt hạ bất cứ kẻ nào dù tốt, dù xấu trên con đường của hắn.

5/ PAH hư danh: Sở dĩ họ được gọi là PAH đơn giản vì họ là nhân vật chính chứ họ không hề có điểm tốt, lý tưởng hành động đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức. 
Ví dụ tiêu biểu là Phương Nguyên trong Cổ Chân Nhân. 

Vậy tại sao ad gầy lại nói truyện mạng toàn PAH? Có 2 điểm hấp dẫn ở PAH khiến độc giả bị thu hút:
1/ Họ rất gần gũi với bản thân chúng ta, họ cũng có những yếu điểm như chúng ta nhưng họ lại dám nỗ lực, dám vượt qua và dám làm những thứ chúng ta chỉ dám nghĩ.
2/ PAH không như anh hùng, họ không gò bó nên họ vô cùng khó đoán. Bạn sẽ không thể biết họ sẽ làm gì, đơn cử như thấy cảnh bất bình, anh hùng chắc chắn sẽ giúp đỡ nhưng PAH thì sao? Có trời mới biết họ sẽ làm gì và làm thế nào.

Bài viết có tham khảo Wikipedia + Kênh Phê Phim và nhiều nguồn tư liệu khác.

#bachngocsach

No comments:

Post a Comment

Phật giáo vs cúng sao

Nhiều người nói Phật giáo bây giờ biến tướng, cúng sao giải hạng mê tín dị đoan... Nhưng mất đi cái đó rồi, nhóm những con người có ít họ...