Search This Blog

Monday, June 29, 2020

về giáo dục, sự tự do, và những đứa trẻ im lặng.

TL; DR: Rất dài, về giáo dục, sự tự do, và những đứa trẻ im lặng.
Nói chung tôi thấy, nhiều bậc phụ huynh Việt Nam giỏi nhất là công phu chỉ rau gắp thịt.
Nếu sợ học nhiều hoàn toàn có thể đả thông tư tưởng để con vào học trường thường lớp thường thôi. Đã có các bậc phụ huynh làm thế và đạt kết quả tốt. Số này lại chẳng mấy khi đắng lòng với chả thảng thốt về bất kể trường chuyên hay trường thường. Ồn ào nhất chính là nhóm không đủ dũng cảm chọn trường làng, phải quyết nhồi con vào chỗ cũng ra gì và này nọ, cùng lúc đòi mọi đứa trẻ ở chốn đầm rồng hang hổ ấy đạt kết quả hệt như nhau. Họ thật ra không sợ con học nhiều, mà sợ con mình chẳng bằng con nhà người ta. Aka, nói không quan tâm thứ hạng là bởi quan tâm bằng chết.
Cũng nhân nói về cái gọi là "giáo dục tự do" với đại diện phương Tây thường được đem ra so sánh dè bỉu nước nhà, thì tin không vui cho các bậc phụ huynh cấp tiến là Mỹ đang tụt lại đáng kể sau Tàu, điển hình của giáo dục truyền thống châu Á, trên một tiêu chí đã được nhiều nước công nhận, đó là bảng xếp hạng năng lực học sinh quốc tế của PISA. Đáng nói là Mỹ tụt sau nhiều ở các môn cơ bản phục vụ nhiều nghề nghiệp công nghệ tương lai như Toán và kỹ năng đọc hiểu khoa học. Đánh giá quốc tế đã thế, còn theo báo cáo quốc gia của chính Mỹ, trẻ em Huê Kỳ trong 10 năm qua không hề tiến triển thêm tý gì về Toán lẫn khả năng đọc hiểu, một kết quả mà Betsy Devos, bộ trưởng bộ giáo dục Mỹ phải dùng đến từ là "Khủng khiếp", và chính Trump đã xác định cần thiết cải cách vấn đề này.
Đến đây sẽ có vài phụ huynh phản bác : Dưng học đâu chỉ để biết kiến thức hay để đi làm, học còn để biết làm người, biết cảm thông và chia sẻ, biết sống sao cho hạnh phúc , vân vân và mi vân. Khoan bàn mấy lí luận này nghe hơi gớm ghiếc, hãy cứ thử xem kể cả về tâm hồn, giáo dục Tây Âu cũng có làm tốt không?
Như từng nói, thế hệ trẻ Mỹ giờ là một bản sao của thế hệ Boomers, và đang ruồng bỏ thế hệ trước với cùng lý do năm xưa Boomers ruồng bỏ các thế hệ cha anh:
"Ông bà kém đạo đức hơn chúng tôi. Lý tưởng của ông bà đã lỗi thời đáng vứt bỏ. Mọi vấn đề chúng tôi gặp hôm nay đều từ lỗi các ông bà."
Song chẳng cứ Boomers, đến cả các Tổ phụ lập quốc như Thomas Jefferson, George Washington và Abraham Lincoln mới đây cũng bị bị đám biểu tình giật tượng phá hoại bôi bẩn và chửi bới. Sao Lincoln, vị tổng thống Cộng hoà được người da đen góp tiền tạc tượng vì xoá bỏ chế độ nô lệ, giờ lại là phân biệt chủng tộc? Đó là bí ẩn chỉ các chuyên gia ngành Race Studies Mỹ có thể giải thích.
Thế hệ hiện tại ở Hoa Kỳ do đó không chỉ thiếu hiểu biết lịch sử, còn bị tẩy não để trở thành những kẻ ideologue, bị ám ảnh bởi ý thức hệ đến nỗi trống rỗng lòng tôn trọng với bất kỳ điều gì khác, kể cả các di sản tồn tại qua thử thách trăm năm. Hệt thế hệ Hippi, họ không đức hạnh, cũng không phải lãnh đạo trẻ của thế giới. Họ chỉ là đám rối bộ tịch.
Song khác thời hippi, thanh niên Mỹ ngày nay còn không có được các bố mẹ tốt với tài chính vững chắc đủ để buôn đạo đức lâu dài. Theo Peter Thiel, hình mẫu cho nhân vật bộ phim Sillicon Valley lẫn đồng sáng lập Facebook, Millennial là thế hệ đầu tiên ở Mỹ sẽ bắt đầu nghèo hơn cha mẹ của họ, cũng là thế hệ dần từ bỏ vĩnh viễn ước mơ sở hữu xe và nhà. Millennial cũng được cho là gặp nhiều khó khăn tâm lý hơn khi phải tự lập và đối mặt với các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Một tỷ lệ cao hơn ở Millennial cũng bị vỡ mộng khi bắt đầu đi làm.
Và tất cả đều quay về giáo dục. Biết sao đây, trường học thì hô khẩu hiệu "mọi đứa trẻ đều như nhau", dạy trẻ con rằng trong mọi cuộc thi dù năng lực thế nào bạn vẫn được nhận cái gọi là participation trophy aka chẳng có thắng thua gì tất cả sẽ đều vui hết. Vầy mà kỳ lạ cuộc đời sao không hề vận hành giống thế?
Như vậy thì giáo dục tự do Âu Mỹ có thực dạy cách sống hạnh phúc ý nghĩa hơn không, hay chỉ nhấn dìm người trẻ trong các đặc quyền và sự mơn trớn, rèn luyện nên duy nhất thói ngạo mạn, tính ích kỷ, và không đếm xuể ảo vọng về tương lai?
Sau chót, lập luận từ các bậc phụ huynh tân thời mà gây dị ứng nhất với tôi là: Họ luôn nhân danh quyền lợi của trẻ con.
Và tôi nghĩ:  
Này, tất cả trẻ con bầu các người làm phát ngôn viên từ lúc nào vậy? Các người liệu có hiểu rõ mọi trẻ con để nhân danh chúng hay không?
Tôi chẳng có nhu cầu làm phát ngôn viên cho tất cả. Song tôi có tư cách khẳng định cho một số bạn bè, bản thân, và không ít đứa trẻ tôi từng đủ gần gũi là :  
Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích sự hưởng thụ hay những thành công chóng vánh hoặc dễ dàng. Cũng không phải đứa trẻ nào cũng hối hận về những lựa chọn đầy vật lộn của nó. Có những thứ sau này nhìn lại mới hiểu rõ ý nghĩa, và chẳng điện thờ nguy nga nào của tuổi trưởng thành chưa từng đòi hiến tế một hai đau đớn. Nếu chưa từng trải qua để biết nhăn trán căng não giải một điều gì đó cũng là một cảm giác rất kích thích, những người lớn kia sẽ không hiểu nhiều đứa trẻ vẫn vui mà không như kiểu vui họ hay nghĩ.
Với nhiều người,nghĩa vụ là mệt mỏi và nguyên tắc là gò bó. Nhưng người ta chẳng biết, nghĩa vụ có lúc chính là một quyền lợi và nguyên tắc chính là một sự dẫn đường. Sống mà không ai buồn đặt nghĩa vụ lẫn nguyên tắc lên mình, thì như đứng trước đêm đen vô tận hét to một tiếng mong được kết nối, song cả vũ trụ dửng dưng không ai buồn phản bác. Đó không phải tự do. Đó là nỗi bơ vơ khủng khiếp.
Rất thường xuyên, những người lớn ưu thời mẫn thế khá thích thuật lại các truyền thuyết trẻ con thốt lên những lời than thảm thiết kiểu:
Bố mẹ ơi hãy cứu lấy chúng con
Thầy cô ơi hãy thương lấy chúng con
Làm ơn hãy cho chúng con được sống một tuổi thơ đúng nghĩa.
Nhưng thế nào là đúng nghĩa? Chẳng mấy vị ưu thời mẫn thế này buồn hỏi ý kiến những đứa trẻ khác kia. Vì chúng chỉ là số ít? Vì chúng không đáng gọi là trẻ con? Hay vì các niềm vui khi nhăn trán của chúng là thứ họ không thể lẫn không muốn hiểu?
Dù tôi thấy, những đứa trẻ này sẽ chẳng mấy khi có nhu cầu gào khóc gì đâu, cả lúc thầy cô, trường lớp, và chính chúng, bị đem ra đấu tố.
Điều chúng nghĩ duy nhất, có lẽ là:  
Làm ơn hãy để chúng tôi yên.
Chúng tôi không cần lòng thương xót của các người!

Chau Thi Huyen Nguyen 

No comments:

Post a Comment

Phật giáo vs cúng sao

Nhiều người nói Phật giáo bây giờ biến tướng, cúng sao giải hạng mê tín dị đoan... Nhưng mất đi cái đó rồi, nhóm những con người có ít họ...