HÃY ĐỂ TÀI XẾ TÔI TRẢ LỜI!
Max Planck là nhà vật lý người Đức đoạt giải Nobel Vật lý năm 1918 nhờ vào lý thuyết lượng tử. Sau khi đoạt giải ông được mời đi diễn thuyết khắp nơi. Ở đâu ông cũng diễn thuyết giống nhau về cơ học lượng tử. Dần dần người tài xế đi với ông học thuộc nhập tâm. Một hôm người tài xế gợi ý với Planck đại ý là thật là buồn tẻ khi diễn thuyết y chang nhau. Lần sắp tới tại Munich cà hai sẽ đổi vai. Planck ngồi phía trước giả làm tài xế, còn tài xế đứng trên bục giảng.
Ngày hôm ấy rất đông khách há hốc mồm ngồi nghe tải xế của Planck thuyết trình. Đến lúc 1 giáo sư vật lý đặt câu hỏi, người tài xế trả lời "Tôi thật không ngờ một người tại thành phố tân tiến như Munich lại có thể đặt câu hỏi đơn giản như thế. Hãy để tài xế tôi trả lời!"
Theo Charlie Munger, người kể câu chuyện trên, đó là "kiến thức tài xế". Kiến thức tài xế mà kiến thức mà ta thu nhận từ đâu đó, học từ ai đó, nghe ai đó nói, đọc ở đâu đó, thấy ai đó làm, tìm trên internet với bác Gúcgô mà ngày nay bất kỳ cá nhân nào cũng có thể nhanh chóng trở thành chuyên gia với vài ba cái click chuột!
Chúng ta sử dụng rất nhiều "kiến thức tải xế" bởi vì đơn giản không ai thông hiểu mọi việc một cách tường tận. Ta có thể dùng kiến thức tài xế để tán gẫu lúc trà dư tửu hậu. Tuy nhiên chúng ta sống bằng kiến thức thật của mình, bằng trí tuệ của mình. Bi kịch của cuộc đời là ta dùng kiến thức tài xế để kiếm sống và sống chứ không phải kiến thức thật, bằng trí tuệ của mình.
Vậy làm sao để có kiến thức thật, trí tuệ thật?
2500 năm trước, Đức Phật nói đến văn, tư, tu tuệ. Văn tuệ là thông tin thu nhận từ bên ngoài thông qua việc học, nghe, đọc, thấy, tìm. Thật ra đó là thông tin ta có được qua quá trình học hỏi (learning). Tư tuệ là khi ta có được thông tin qua học hỏi ta dủng tư duy, kinh nghiệm, hiểu biết của mình để đối chiếu, suy nghĩ, phân biệt đúng sai. Đó là kiến thức thông quá trình chiêm nghiệm (reflecting) bên trong ta. Tu tuệ là khi ta áp dụng những kiến thức đó, hiểu biết đó vào cuộc sống, từ đó rút ra ý nghĩa đích thực của nó, nhận biết đúng sai. Đó là trí tuệ có được qua quá trình thực hành (practising).
Như vậy trí tuệ phát sinh qua con đường biến thông tin bên ngoài qua học hỏi (learning) thành kiến thức phát sinh qua chiêm nghiệm bên trong (relfecting) khởi phát thành trí tuệ qua quá trình thực hành (practising). 3 quá trình này bổ sung cho nhau. Chúng ta học, chiêm nghiệm, thực hành. Từ kết quả thực hành, chúng ta chiêm nghiệm và quay lại học hỏi. Quá trình ấy là quá trình không bao giờ ngưng nghỉ, từ ấy ta đúc kết được trí tuệ của riêng mình. Đó là quá trình "Học, Chiêm, Hành" (Learning, Reflecting, Practising).
Trí tuệ không phải là học vấn, là kiến thức mà chính là sự hiểu biết đúc kết qua quá trình "Học, Chiêm, Hành". Càng đầu tư vào quá trình này nhiều thì trí tuệ càng tốt.
Bạn đã sống như thế nào với quá trình này hay là phải thường xuyên "Để tài xế tôi trả lời"?
SG 8/6/2020
Mr Coach
Lâm Bình Bảo
#mrcoach #hanhtrinhkimcuong #bcoaching
Mr Coach & Friends
No comments:
Post a Comment