Search This Blog

Sunday, July 26, 2020

Học tiếng Nhật như thế nào?

Hôm trước bạn Nguyen Thanh Trung có đăng topic về chia sẻ cách học tiếng Nhật. Mình định cmt nhưng biết là trong vài câu sẽ không hết được ý mình muốn nói nên quyết định viết thành 1 mục riêng, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm 1 gợi ý cho cách học sau này.
Mình vốn học khoa Nhật ra, có thể xem là được đào tạo bài bản. Bản thân mình cũng kinh qua tiếng Anh, tiếng Pháp rồi mới gắn với tiếng Nhật đến giờ. Thời mới học tiếng Nhật, chắc chắn không chỉ mình mà các anh chị, các bạn bè thời mình cũng ở hoàn cảnh tương tự là không có tài liệu tham khảo, internet không phổ biến như bây giờ. Có được quyển từ điển Việt-Nhật và 国語辞典thì quý hơn vàng, dùng đến nát cả giấy. Nhưng mình luôn trân trọng cái thời đó vì nhờ có thời đó mà bản thân mình đã tiếp nhận được nhiều kiến thức gốc cơ bản để có thể nâng cao trình độ lúc này. Đúng như bạn Trung và nhiều bạn chia sẻ, cách học điển hình của đại đa số dân ngoại ngữ nhà mình là chia ra học từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp...rồi đặt câu. Mình cũng đã không phải trường hợp ngoại lệ. Hồi mới học luôn áp lực về việc phải nhớ cách đọc chữ Hán thế này thế kia nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu vì ngay cả thời kỳ mới bắt đầu học ở trường, giáo viên thời mình cũng ko có một phương pháp dạy chữ Hán thống nhất và có hiệu quả. Cuối cùng sinh viên nào thấy có hứng thú thì cứ mày mò tập viết, tập nhớ máy móc.
Hiện tại trên mạng hay các trường, các trung tâm giảng dạy bắt đầu đưa ra nhiều phương pháp học tích cực và hiệu quả, dễ nhớ, dễ hiểu hơn nhưng dù là cách học như thế nào thì quan trọng là bản thân mình phải kiên trì và quyết tâm, biết được trình độ mình ở đâu và đặt ra mục tiêu rõ ràng để từng bước nâng cao kỹ năng, chứ không phải là cứ thấy gì cũng học theo kiểu nhảy cóc, thử vài ba buổi thấy chán lại thôi, lại bỏ thì cho dù có bao nhiêu cách học các bạn cũng sẽ ko thể đạt được kết quả như ý muốn.
Mười mấy năm trước, khi mới sang Nhật, bắt đầu cuộc sống thường nhật ở đất nước này, xung quanh ko 1 người Việt, chỉ có dân Trung Quốc và Hàn Quốc đông như kiến cỏ. Mang tiếng là được đào tạo chính quy nhưng thời gian đầu, nói chuyện tay bo với người Nhật, mình chỉ có thể nắm được 30~40% nội dung câu chuyện. Nguyên nhân là người ta ko nói giống như mình đã học qua sách vở. Không phải cái gì cũng わたしは~です/ます。Cũng như có bao nhiêu cách nói tắt, cách nói theo vùng miền hoàn toàn xa lạ đối với 1 đứa chân ướt chân ráo như mình. Khi đó mình đã nghĩ bụng: Sẽ nghe người Nhật nói rồi bắt chước theo. Được 1 thời gian thì mình thấy cách này có vấn đề rất lớn là ko phải cứ là người Nhật thì sẽ nói đúng tiếng Nhật, đặc biệt trong cách nói Kính ngữ và Khiêm tốn ngữ. Mình được học ở trường rằng:お/ご~になるlà kính ngữ, còn お/ご~するlà khiêm tốn ngữ, nhưng trên thực tế các nhân viên quầy thu ngân ở siêu thị hay nhà hàng đều dùng ngược lại với quy tắc này. Lần đầu khi nghe người ta nói 「おつりをお返しになります」mình đã rất ngỡ ngàng và nghĩ là chỉ có người này thôi, nhưng để ý thì thấy vô cùng phổ biến. Có thắc mắc hỏi thì họ cũng không phân biệt và giải thích được, chỉ bảo trongマニュアルnó viết như thế.
Vậy là mình đã từ bỏ ý định học theo kiểu bắt chước này mà chuyển sang hình thức học đọc, viết.
Có hai hình thức đọc: 1)Đọc thành lời 2) Đọc không ra lời.
Đối với hình thức 1), ban đầu mình chọn sách cấp thấp như 4kyu, 3kyu đọc to tất cả những phần có chữ. Phần nào có băng đĩa nghe thì sẽ nghe và dọc theo để sửa phát âm của mình. Quan trọng là không tham trình độ cao vì cái này không cần hiểu mà là cần nghe đúng và phát âm đúng. Mỗi ngày cứ ra rả được càng nhiều càng tốt, ko cần phải luyện 2,3 tiếng liên tục mà khi có điều kiện dành ra 15, 20 phút/ lần là đủ, nhưng ngày nào cũng phải duy trì việc này. Trong giáo dục tiếng Nhật cơ sở, cái này gọi là 口慣らし. Khi miệng và lưỡi đã quen với các âm của tiếng Nhật thì khi hội thoại, từ ngữ sẽ tự động trôi ra mà ko bị cứng lưỡi, ngượng miệng.
Khi đã quen thì sẽ mua giáo trình hướng dẫn nghe thời sự, mỗi ngày làm 1 bài, nghe và đánh dấu ngữ âm, sau đó nghe lại, đọc theo xem có đúng ko. Xin thề với cả nhà đây là thời kỳ luyện gian nan không kém luyện Ninja Nhật của mình.
Đối với hình thức 2)
Ban đầu là chọn truyện có nội dung đơn giản như sách thiếu nhi, đọc truyện tranh, sau đó chuyển sang truyện ngắn, truyện dài kỳ rồi tiểu thuyết. Tìm những tác phẩm mà mình đã từng đọc tiếng Việt ở VN, những tác phẩm được chuyển thể thành phim mà mình đã biết qua nội dung. Mình đọc tất các thể loại từ nghiên cứu ngôn ngữ, tình cảm, trinh thám, viễn tưởng, khoa học, hiện đại đến kiếm hiệp Nhật. Mục đích của mình là:
1) Đọc sách về ngôn ngữ để xem kiến thức cơ bản của mình có bị sai không? Nếu có thì sai ở đâu?
2) Đọc các tác phẩm văn học để trước hết là xem trình độ đọc hiểu của mình đến mức nào? Sau nữa là học cách hành văn, dùng từ.
Khi đọc, có từ không hiểu thì chỉ ghi lại, chưa vội tra nghĩa mà đọc lại đoạn văn đó rồi đoán nghĩa của nó sau đó mới tra nghĩa. Cách học này tránh tạo thói quen cứ thấy từ ko hiểu là đi tra luôn mà không cố gắng tự tìm hiểu nghĩa trong ngữ cảnh của câu văn, bởi trong thực tế ko phải lúc nào cũng có thể tra từ ngay được. Và vừa đọc vừa thử nhẩm dịch tiếng Việt.
Tóm lại, khi đọc thành lời thì không cần phải hiểu nghĩa mà cần nhớ ngữ âm, còn khi đọc không thành lời thì bắt buộc phải hiểu câu chuyện đó nó như thế nào, nói về cái gì. Khi thành thạo được hai yếu tố này, chắc chắn khả năng bật khi hội thoại, nắm bắt nội dung sẽ tăng lên rất nhiều.
Còn với kỹ năng viết, mình học theo hình thức:
・Viết nhật ký theo dạng tóm tắt 1 ngày của bản thân.
Ví dụ: 今日7月25日、雨。一日雨だったから、どこへも行けず、うちでゴロゴロしながら好きな本を最後まで読んだ。久しぶりパスタを作ったけど、なかなか旨かった。腕が上がったねって自分をほめて、なんちゃって。^_^。夜、実家に電話を掛けた。母とあれこれお喋りして、気づいたらずいぶん長電話をしちゃった。たまにこういう過ごし方も悪くないなあと思った。
Việc viết nhật ký như thế này ko đòi hỏi phải dùng cấu trúc câu cầu kỳ, dùng toàn câu đơn cũng được nhưng cái chính là nghĩ và viết bằng tiếng Nhật. Sai đúng chưa cần biết mà quan trọng là duy trì được thói quen và nắm được cái gì là nội dung mình muốn lưu lại.
・Đọc/ xem phim → tóm tắt về nhân vật, nội dung, điễn biến bằng từ khóa → viết tóm tắt, triển khai nó thành câu hoàn chỉnh theo cách diễn đạt của mình → Viết cảm tưởng.
Ví dụ: Câu chuyện diễn ra ở đâu? Khi nào? Nhân vật chính, phụ là ai? Có đặc điểm như thế nào? ...Liệt kê ra theo ý hiểu của mình, đương nhiên là bằng tiếng Nhật nhé. Sau đó, tóm tắt lại nội dung câu chuyện bằng cách liên kết các từ mình đã liệt kê theo văn của mình, tất nhiên cũng là bằng tiếng Nhật.
Việc luyện tập như thế này không chỉ giúp các bạn luyện đọc viết mà còn luyện cả kỹ năng tóm tắt văn bản, biết nên bắt đầu từ đâu, diễn đạt thế nào cho dễ hiểu, đủ ý.
Mình thấy nhiều bạn có dùng hình thức xem phim truyền hình, xem đi xem lại đến mức có thể thuộc lòng lời thoại. Mình ko phản đối cách học này nhưng mình thấy chỉ có xem rồi bắt chước học vẹt kiểu này ko bao giờ có thể biến cái của người ta thành của mình. Vấn đề là nếu bị lệch so với những gì các bạn đã thuộc lòng là chịu không biết xoay như thế nào. Theo mình, chọn phương pháp học nào ko phải là vấn đề mà mục đích của bạn khi chọn phương pháp học đó mới là mấu chốt. Sẽ có lúc mình cần học máy móc, dập khuôn nhưng khi có nền tảng rồi thì phải cân nhắc phát triển cao và xa hơn, kiểu như có vốn rồi muốn đầu tư làm giàu thì sẽ phải xem đầu tư vào đâu và như thế nào để đồng vốn ấy sinh lời sinh lãi nhiều nhất có thể..
Như trong cmt, có bạn đã nói, khi học ngôn ngữ gì thì nên tư duy bằng ngôn ngữ đó. Mình rất đồng tình với ý kiến này. Hồi sinh viên năm thứ 3, mỗi tuần cô giáo người Nhật thường giao cho bọn mình 1 câu chuyện, yêu cầu đọc rồi viết cảm tưởng về câu chuyện đó. Mình nhớ khi đó luôn viết bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Nhật, nhưng đương nhiên với khả năng tiếng Nhật hạn hẹp khi đó, mình không thể truyền tải hết được ý đã viết tiếng Việt sang tiếng Nhật và câu từ cứ sai bung bét. Sau đó mình bỏ thói quen này, viết luôn tiếng Nhật, dù chỉ là những câu đơn giản nhưng lỗi giảm hẳn.
Ông cha mình có câu "Văn ôn võ luyện" để khuyên con cháu mình cần duy trì thái độ học tập chăm chỉ, chuyên cần. Nhưng ngoài ra cũng có câu "Khổ luyện thành tài", không có thành công hay kết quả tốt nào tự nhiên đến mà ko cần chúng ta đổ mồ hôi, công sức ra hết. Nói như vậy không có nghĩa là mình tự mãn mình tốt lên rồi ko cần phấn đấu nữa. Núi này cao còn có núi khác cao hơn. Vượt qua bức tường này thì sẽ lại tiếp tục phải đối mặt với bức tường khác cao hơn. Việc học là cả một quá trình dài, bền bỉ nên cũng cần nhiều công phu để không bị nhàm chán và gây nản chí.
Sau bao năm trăn trở với phương pháp học thế nào, có thể nói mình đã tìm được cách học phù hợp cho mình. Mình nhận ra, với cách học này, mình ko phải ôm trán, nhăn mặt phải nhớ từng thứ, vì suy cho cùng chỉ nhớ mỗi từ, mẫu câu hay Kanji thì cũng ko truyền tải được gì. Và với mình, việc học từng phần như vậy chỉ phù hợp với các bạn đang học sơ cấp, trung cấp, đang thiếu vốn từ vựng, ngữ pháp và khi ôn luyện thi kyu. Khi các bạn đạt 2 kyu hay N2 hiện nay trở lên có nghĩa là bạn đã có thể đọc hiểu được hầu hết văn bản thông dụng, như thế sẽ cần phải có cách học khác phù hợp để kích thích bản thân tiến lên thêm.
Chúng ta làm Phiên dịch, nhưng DỊCH là tên gọi công việc mình làm chứ ko phải là MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU của việc học ngoại ngữ. Vì thế mình mong các bạn sẽ không bị đóng khung trong suy nghĩ lấy việc DỊCH làm mục đích học của mình bởi ngoài dịch còn nhiều thứ cần đến ngoại ngữ. Mình luôn cố gắng không đặt ra giới hạn với bản thân trong việc học nhưng cũng không có nghĩa là học lan man, mỗi thứ 1 tý để rồi cái gì cũng nửa chừng nửa vời. Có thể thử nhiều thứ nhưng khi quyết định học thì nên chọn học 1, cùng lắm đến 2 thứ cho thành thạo, bõ công đèn sách.
Không nghĩ viết xong sẽ dài như thế này nhưng cũng không nỡ và không muốn cắt đi khúc nào vì nó đều là gan ruột của mình. Hy vọng sẽ không làm cả nhà chán và đóng góp thêm 1 cách học có thể hữu ích cho các bạn đang muốn thử phương pháp mới.
Chúc cả nhà tuần mới nhiều niềm vui, suôn sẻ như ý muốn.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...