Search This Blog

Saturday, July 11, 2020

Lợi ích toàn cục - big picture thinking

RÈN LUYỆN TƯ DUY TOÀN CỤC - BIG PICTURE THINKING

Sứ mệnh của Group PTDNV là nâng cao năng lực tư duy, năng lực quản lý và lãnh đạo cho các nhà quản lý và doanh nhân VN..., góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt. Group rèn luyện rất nhiều loại tư duy, nhưng có 3 loại năng lực tư duy mà tôi thường xuyên nhắc đến, là tư duy chiến lược (strategic thinking), tư duy hệ thống (system thinking), và tư duy toàn cục (big picture thinking). Trong bài viết này tôi sẽ nói về tư duy toàn cục hay tư duy bức tranh lớn.

Có một dạo, trong lúc covid mới bùng phát lại sau một thời gian bị khống chế, nhiều người chợt phát hiện cảnh người ta tranh nhau mua khẩu trang, gạo, mì tôm, lập tức post hình lên chỉ trích và kêu gọi mọi người không nên tích trữ những mặt hàng này. 

Hành động này là tốt và tích cực nếu nhìn ở góc nhìn riêng lẻ, trong một bối cảnh riêng lẻ. Nhưng nếu nhìn toàn cục, nó có thể  gây hoang mang thêm cho những người chưa biết và chưa có ý định thu gom tích trữ lương thực, thực phẩm, khẩu trang... 

Họ chưa nghĩ đến điều này và cũng chưa biết là có người khác đang âm thầm tích trữ. Nhưng khi biết thông tin là có người đang tích trữ (khi thấy các hình ảnh được post lên), họ cũng trở nên lo lắng và cũng đi mua hàng tích trữ. Rồi hình ảnh lại được post lên phê phán, và rồi thông tin tích trữ lại được loan truyền. Thế là cả cộng đồng ai cũng lao vào mua hàng tích trữ...

Rõ ràng một thông tin, hình ảnh cá biệt ban đầu, do được thông báo và chia sẻ rộng rãi, đã tạo hiệu ứng viral còn nhanh hơn cả virus; và hành động tốt ban đầu bỗng chốc lại gây tác dụng tiêu cực nếu nhìn vào bức tranh tổng thể.

Ngay tại cty của bạn, việc khen thưởng hay kỷ luật một nhân viên, cũng hãy nhìn vào bức tranh toàn cục. Đôi khi động viên (motivate) một người có thể demotivate (gây mất động lực) cho nhiều người khác, vì họ không phục nên bức xúc, bất mãn. 

Còn nhiều lắm những ví dụ về tư duy toàn cục, và trong các bài viết tôi cũng thường nhắc đến.

Kể cả khi tôi có ý định tranh luận một quan điểm chuyên môn, hay chỉ trích một hiện tượng xã hội, tôi cũng luôn nhìn vào LỢI ÍCH TỔNG THỂ của xã hội, cộng đồng để cân nhắc việc nên lên tiếng hay im lặng, chứ không nhìn vào các tiểu tiết hay chỉ từ bức xúc cá nhân (nhiều người không hiểu nên cứ thắc mắc tại sao tôi im lặng).

Ví dụ, nếu post tên hay hình ảnh một cuốn sách bất lương của một kẻ bất lương lên để phê phán, thì khác nào quảng cáo cho cuốn sách đó? Mọi người đồng ý không?

Long Nguyen Huu - Group PTDNV

* PS: Group PTDNV có những quy định kỳ lạ, không giống ai, gây "thiệt thòi" cho một số người (ví dụ cấm quảng cáo, PR...), nhưng nếu nhìn vào lợi ích toàn cục, nó có lợi cho đa số những người tham gia.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...