Search This Blog

Saturday, September 19, 2020

Những đế chế nào tồn tại 2000 năm trước.?

Những nền văn minh nào tồn tại trên thế giới vào khoảng 2000 năm trước? (Phần 1)

Trả lời: Stephen Tempest – Nhà sử học nghiệp dư có trình độ
(Đây là một câu trả lời rất dài, tác giả đã giới thiệu về từng nền văn minh trên từng vùng đất trên thế giới, phần một bao gồm những nền văn minh tại Châu Âu và khu vực Trung Á)
Hãy cùng nhau dạo một vòng quanh thế giới vào năm 16 CN (tác giả trả lời vào năm 2016).
Phần lớn dân số thế giới sống rải rác từ Châu Âu tới Trung Á, Ấn Độ rồi Trung Quốc. Những khu vực này đã có tổ chức quốc gia, thành thị, nghề rèn đúc và chữ viết. Đế Chế La Mã và Trung Quốc là hai thế lực lớn mạnh nhất và hai bên đã mơ hồ biết đến nhau qua những đồn đại và truyền thuyết.
Đế quốc La Mã thống trị khu vực Địa Trung Hải. Thuyền bè đầy ắp thóc gạo vẫn thường xuyên khởi hành từ Ai Cập đến Italy để nuôi sống số dân đô thị khổng lồ của thành Rome, đô thị lớn nhất thời bấy giờ. Tây Ban Nha, Pháp, Bắc Phi, Hy Lạp và vùng Bai-kan, Tiểu Á và khu vực Đông Địa Trung Hải (gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine) đều nằm dưới quyền kiểm soát của La Mã. Về phía Bắc dãy Alps (An-pơ), binh lính La Mã đang canh gác dọc bờ sông Rhine (Ranh) và Danube (Đa Nuýp).
La Mã bấy giờ nằm dưới quyền cai trị của Hoàng đế Tiberius, người thừa kế bất đắc dĩ của Augustus – hoàng đế đầu tiên. Cháu của Tiberius Germanicus (chàng được ban tên này sau khi cha chàng qua đời nhằm vinh danh những chiến công của ông ở vùng Germania) đang hành quân tới bờ đông sông Rhine để tiễu trừ những bộ tộc Germans (Giắc-manh), dù cho cuối cùng chẳng có kết quả nào đạt ý nghĩa lâu dài. 
Phía bắc đế chế La Mã là vùng đất của người Celts (Xen-tơ) và Germans, những kẻ mọi rợ trong mắt người La Mã. Vương quốc Anh và Ai-len bấy giờ là nơi sinh sống của hàng tá những bộ lạc vương quốc nhỏ, tình trạng ở Đức, khu vực Scandinavia và Đông Âu cũng vậy. Những người sống ở khu vực này thời đó chưa phát triển chữ viết, nên có rất ít thông tin về họ ngoại trừ đôi ba lời bình của những tác gia Hy Lạp và La Mã, và những dấu tích được phát hiện bởi các nhà địa chất. Họ có văn hóa thời kỳ đồ sắt, sống trong những thị trấn kiên cố hoặc những ngôi làng nông nghiệp và được cai trị bởi tầng lớp quý tộc chiến binh. 
Xa về phương đông, vùng thảo nguyên phía bắc Biển Đen nằm dưới quyền cai trị của người Sarmatians (tiếng Iran cổ nghĩa là "người bắn cung), một liên minh các bộ lạc du mục với quyền lực trải dài từ cửa sông Danube tới sông Volga. Họ chăn ngựa, sống trong lều bạt và xe ngựa, và dùng giáo và tên làm từ xương, bởi họ không thể tiếp cận được với đồ sắt trừ khi đi cướp hoặc được cống nạp. Ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ Ấn-Âu, được gọi là tiếng "Đông Iran".
Phía Nam Dãy núi Caucasus (Cáp-ca) (Dãy núi này trải dài bốn quốc gia: Nga, Gruzia, Azerbaijan và Armenia) là Đế quốc Parthia (một số văn bản Phật giáo dịch là An Tức), quốc gia có chung đường biên và mạnh tới mức có thể đối đầu trực tiếp với Đế quốc La Mã. Tầng lớp thống trị của Parthia là con cháu của những kỵ xạ du mục, đã chinh phạt phần lớn diện tích Trung Á từ 150 năm trước. Họ coi bản thân là người kế nghiệp của cả Alexander Đại Đế và Đế chế Ba Tư cổ đại. Thủ đô của Đế quốc là Ctesiphon (hiện nay phần còn lại của thành phố nằm ở tỉnh Baghdad (Bát-đa), Iraq, khoảng 35 km về phía nam của thành phố Baghdad. Ctesiphon được xem là thành phố lớn nhất thế giới vào năm 570 cho đến khi bị quân Hồi chiếm năm 637), nằm phía Nam Baghdad hiện đại, sức mạnh của họ trải dài từ sông Euphrates (Ơ-phờ-rát) tại Syria tới sông Ấn, và từ biển Caspian (Caxpi hay Lý Hải) tới Vịnh Ba Tư.
Artabanus III bấy giờ đang là Vua của những vị Vua của Parthia – trên đồng tiền của ông có ghi chữ Hy Lạp là Basileus Basileon, dù đó là bản dịch trực tiếp từ tiếng Ba Tư Shahanshah (tất cả đều mang nghĩa Vua của những vị Vua). Đế chế của ông bị phân quyền, với những vị hoàng tử cai quản nhiều vùng đất rộng lớn, và vị vua của chúng ta đang dính vào một cuộc nội chiến với người họ hàng tên là Vonones, con trai của quốc vương tiền nhiệm. 
Phía Nam Parthia là bán đảo A-rập, vùng đất của những thương trấn nhỏ và những vương quốc bộ lạc trải dọc bờ biển và những người du mục Bedu lang thang mạn trong bán đảo. Vương quốc của người Saba mà ngày nay là Yemen và Vương quốc của người Hadhrami ở phía đông là hai cường quốc trong vùng đất.
Phía Đông Bắc đế quốc Parthia in vùng Trung Á là vùng đất Tokharistan của người Quý Sương (hay người Nguyệt Chi). Họ là một liên minh những bộ lạc du mục thảo nguyên – những người mới chinh phạt quốc gia Bactria của người Hy Lạp cổ đại một trăm năm trước, và đã chấp nhận nhiều thể chế Hy Lạp. Quyền lực của họ lúc bấy giờ tập trung tại vùng đất Afghanistan và Tajikistan ngày nay, nhưng chỉ vài năm sau họ sẽ khởi hành một cuộc chinh phạt lớn và bành trướng quyền lực của Đế quốc Quý Sương khắp vùng phía bắc Ấn Độ tới tận tận thủ đô Pataliputra cũ (nay là thành phố Patna) của Đế quốc Maurya (hay Đế quốc Khổng Tước – từng cai trị một vùng Ấn Độ rộng lớn từ 321 đến 185 TCN)  

No comments:

Post a Comment

CON NGƯỜI và TINH THẦN

CON NGƯỜI và TINH THẦN 1 –  " Nếu có một gã trọc phú hàng to súng lớn, có thể mua biệt thự alibaba cho em ở, xe lếch xù cho em đi, nạp ...