Search This Blog

Tuesday, October 27, 2020

KHI BẠN MUỐN BỎ CUỘC, ĐỪNG QUAN TÂM LÝ DO ĐÃ BẮT ĐẦU!

KHI BẠN MUỐN BỎ CUỘC, ĐỪNG QUAN TÂM LÝ DO ĐÃ BẮT ĐẦU!
(Quan điểm này của tôi có thể ngược đời. Các bạn hãy đọc kỹ, nghĩ sâu, và cho ý kiến Yes/No? Copy, share tự do!)
Người ta thường khuyên: "Mỗi khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lý do mà bạn đã bắt đầu!".
Câu nói có vẻ kinh điển này được thừa nhận và chia sẻ bởi rất nhiều người, bao gồm cả những người đào tạo ở các khóa học khởi nghiệp, và những khóa học tạo động lực, truyền cảm hứng rất đắt tiền… Và chưa có ai nói mình không đồng ý!
Ở góc độ nào đó, đây là lời khuyên hữu ích. Tuy vậy, nó cũng có thể là MỘT CÁI BẪY nếu người nghe không tỉnh táo và thiếu óc phân tích.
Nếu được phép khuyên ai khi họ có ý định từ bỏ, tôi sẽ khuyên họ nên suy nghĩ thật kỹ LÝ DO VÌ SAO PHẢI BỎ CUỘC, thay vì nghiền ngẫm LÝ DO VÌ SAO ĐÃ BẮT ĐẦU!
Lời khuyên của tôi nghe có vẻ ngược đời, nhưng sẽ giúp bạn tránh được cái bẫy của "những lý do bắt đầu" để rồi cứ thế lao đầu vào đá, vì mãi theo lời những lời khuyên kiểu "Never give up!" (Không bao giờ bỏ cuộc!).
Có quá nhiều những người khởi nghiệp, hay bắt đầu một công việc gì đó (đi học, đi làm, ra nước ngoài định cư, yêu đương, lập gia đình…) vì những lý do rất "trời ơi"! Đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp, rất nhiều bạn đưa ra những lý do khởi nghiệp rất nguy hiểm.
Có bạn khởi nghiệp vì lý do muốn thoải mái thời gian, muốn tự do làm điều mình thích, không phải làm việc dưới sự điều khiển của người khác, để không bao giờ bị ai sa thải, để được làm Founder, Chủ tịch, CEO cho nó oai…
Tôi cho rằng đó là lý do bắt đầu hết sức ngớ ngẩn, mà lại được chính không ít những thầy dạy khởi nghiệp nhồi nhét vào tâm trí các bạn trẻ… Nếu cho rằng khởi nghiệp làm riêng sẽ thoải mái thời gian hay tự do làm điều mình thích là không tưởng. Vì thời gian của một doanh chủ khởi nghiệp còn bận rộn hơn nhiều so với thời gian làm công 8 tiếng ở văn phòng (doanh chủ nhỏ có khi phải làm cả ngày, cả đêm..). Còn tự do làm điều mình thích cũng không hề. Khách hàng muốn mình làm thế nào, mình phải làm thế đó, chứ tự do làm điều mình thích sao được? Khách hàng gọi là phải chạy, khách hàng chửi là phải xin lỗi, khách hàng chê là phải tiếp thu, khách hàng từ chối mua hàng là phải năn nỉ; và khách hàng sa thải (vì tẩy chay hàng hóa) thì phải đi khởi nghiệp lại từ đầu…
Vì vậy, đừng nghĩ rằng cứ nhìn lại lý do mình đã bắt đầu là sẽ không bỏ cuộc, vì trong nhiều trường hợp cái lý do đó nó rất vớ vẩn, thậm chí không hề rõ ràng. Có khi, chỉ vì nghe ai đó xúi hoặc "tạo động lực" là đã ra khởi nghiệp; rồi sau đó, nghe ai đó "truyền cảm hứng" là bán nhà, vay nợ để chơi cuộc chơi lớn...
Do vậy, khi gặp trở ngại, đừng quá quan trọng lý do bạn bắt đầu, hãy nghiền ngẫm lý do bạn phải bỏ cuộc. Hãy phân tích mọi cơ hội, rủi ro, điểm mạnh, điểm yếu, hãy tìm hiểu thật kỹ khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh (hiện tại và tiềm ẩn)… Hãy tự hỏi vì sao phải bỏ cuộc? Nếu tiếp tục thì sao? Rủi ro nào, mối nguy nào? Liệu có thể làm gì để vượt qua các mối nguy và tận dụng các cơ hội đang có. Năng lực của mình liệu có đáp ứng nổi sự khắc nghiệt của môi trường cạnh tranh không? Liệu có con đường nào khác tốt hơn không?
Đừng vì lý do bắt đầu (cho dù lý do đó có hay ho thế nào) mà quyết định tiếp tục hay dừng lại! Thời thế đã thay đổi, môi trường đã thay đổi, nguồn lực của bạn đã thay đổi, cơ hội và các mối nguy cũng đã thay đổi... Lý do bắt đầu lúc này có thể không còn phù hợp nữa. Nhìn lại nó liệu có ích gì?
Hãy thận trọng phân tích lý do bạn muốn bỏ cuộc, và cả lý do bạn muốn tiếp tục. Và nếu buộc phải bỏ cuộc (vì đã hết cách), thì hãy bỏ cuộc! CÁNH CỬA NÀY KHÉP LẠI, CÁNH CỬA KHÁC SẼ MỞ RA. Đừng cố chấp, đừng mù quáng, hãy sáng suốt! Những con bạc khát nước một cách mù quáng và những tay chơi chứng khoán không biết cắt lỗ, hầu hết đều tán gia, bại sản!
Exit strategy (chiến lược rút lui) cũng là một chiến lược, và trong nhiều trường hợp, nó là một lựa chọn đúng! Kiên trì, kiên định, quyết tâm là rất cần thiết, nhưng trước hết phải chọn đúng con đường. Và con đường đó phải được xem xét lại TỪ BÂY GIỜ, NGAY LÚC BẠN CÓ Ý ĐỊNH BỎ CUỘC, và HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI, chứ không phải cứ ngoảnh nhìn và tiếc nuối con đường quá khứ mình đã đi qua!
Bạn đồng ý với quan điểm ngược đời này không?

Nguyễn Hữu Long 

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...