Search This Blog

Tuesday, October 27, 2020

Tinh tế

"Siêu Xạ thủ" thường là danh hiệu cánh đàn ông được nhận từ các bạn nữ. Không phải vì cứ là đàn ông thì auto chơi game gánh team giỏi đâu. Mà, các ông thường bắn phát nào cũng trúng vào tâm. Hay nói cách khác, đàn ông thường bị chị em phụ nữ chê trách là vô tâm.

Để giải quyết vấn đề "vô tâm" thì anh em phải tinh tế lên. Như vậy, thế nào là tinh tế? Mình dự định dành chút thời gian để tìm hiểu và biên tập (copy mỗi chỗ 1 tí) về chủ đề này trước ngày 20/10 cơ nhưng bận quá nên giờ mới đăng được. Hy vọng các anh em có tài liệu để xài vào năm tới :P 

Ok, vào việc luôn
----

Tinh tế là từ Hán Việt. Tinh nghĩa là đã lọc hết tạp chất để chỉ còn lại phần tinh túy nhất. Tế nghĩa là nhỏ, mịn, kỹ, cặn kẽ. Tinh tế nghĩa là tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cặn kẽ, nhỏ, tinh vi. 

Một từ khác có ‎ nghĩa thực dụng gần như từ tinh tế là nhạy cảm. Người nhạy cảm luôn thấy được các điều li ti trong người khác.Người tinh tế là người nhạy cảm, tế nhị, có khả năng đi sâu vào những chi tiết rất nhỏ, rất sâu sắc và vì vậy họ thường làm vui lòng người khác bởi nắm bắt và thấu hiểu được tâm lý người đối diện.

Tinh tế không có nghĩa là tìm các lỗi lầm yếu kém của người đối diện kiểu bới lá tìm sâu. Đó rất là tiêu cực và bệnh hoạn.

Do định nghĩa trên, nên tinh tế thường được người ta mặc định đó là bản năng của phụ nữ. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi cho rằng nó là quá trình học hỏi, quan sát, để ý, trải nghiệm và quan trọng hơn tất cả là có tình yêu thương trong tâm hồn.

Muốn tinh tế bạn phải có hai điều: yêu người, và tập trung khi nói chuyện. Người tích cực và nhân ái luôn tinh tế với người đối diện.

1. Yêu người:

Nếu bạn không có lòng yêu người thì không thể nào bạn có thể tinh tế. Nếu bạn nhìn người đối diện không hơn gì chiếc xe đang chạy qua, thì làm sao mà tinh tế được. Chỉ khi ta có lòng yêu người tự nhiên, nhìn ai ta cũng nhìn kỹ càng chăm chú, tìm cái hay cái đẹp của người đó để mà ngưỡng mộ. Ai có người yêu rồi đều có kinh nghiệm này, tối ngày nhìn chàng/nàng không biết mệt, và không một chi tiết đẹp nào của chàng/nàng mà không thấy, và chẳng thấy điều gì xấu, chỉ vì ta chỉ tập trung vào cái đẹp. Tình yêu trong lòng cho ta một cái nhìn chăm chú và ngưỡng mộ.

Cách đây vài năm, tôi đọc cuốn truyện "Biên niên ký chim vặn dây cót" của tác giả Haruki Murakami. Tôi nhớ mãi một chi tiết nhỏ xíu, anh chồng thất nghiệp mỗi khi có chuyện buồn hoặc suy nghĩ là đem áo ra ủi và ủi rất kỹ lưỡng. Cô vợ đi làm, gọi điện về, hỏi anh đang làm gì đó, anh chồng bảo anh đang ủi áo, cô vợ hỏi ngay, có chuyện gì à anh? Chỉ bấy nhiêu đó thôi, tôi có thể hình dung ra một người vợ thấu hiểu chồng và tinh tế.

Chính sự tinh tế đó làm tôi nhớ mãi cái chi tiết nhỏ trong một quyển sách dày mấy trăm trang mà tôi không nhớ tên nhân vật. Cô vợ tinh tế được viết lên bởi người đàn ông – nhà văn tinh tế vô cùng tận, chỉ một chi tiết đã khắc họa được cả một nhân vật giấu mặt.

2. Tập trung khi nói chuyện:

Nói chuyện với ai thì chú tâm vào nói chuyện. Đừng vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ, vừa nói chuyện vừa tính toán ngày mai đi chợ mua gì…

Chú tâm vào nghe. Nghe là 80% của nói chuyện. Nghe với trái tim, nghe với ước muốn được chia sẻ và đồng cảm, nghe với tư cách của một người hỗ trợ.

Nhìn người đối diện. Nhìn là cách để giúp nghe rõ hơn và đúng hơn. Nhìn chính là nghe ngôn ngữ thân thể. Đừng nói chuyện mà mắt cứ nhìn ra đường, hay liếc lên màn ảnh tivi. Nhìn để ta có thể nhận ra các ngôn ngữ tế nhị của cơ thể.

Và nói thì chú tâm vào nói lời tích cực, đồng cảm, dịu dàng, chia sẻ, tạ ơn, khen tặng, nâng tinh thần người lên… (dĩ nhiên là ngoại trừ thầy dạy trò. Thầy đôi khi phải dùng biện pháp sốc thì trò mới nhập tâm).

Chỉ hai việc giản dị thế, yêu người và tập trung khi nói chuyện, bạn sẽ thành người tinh tế.

--
Nguồn:

Trần Đình Hoành

Nguyễn Thị Bích Ngà

//Mình phát hiện ra là ông Tony Buồi sáng copy y nguyên bài của Trần Đình Hoành mà không thèm ghi nguồn. Hóa ra bây giờ muốn thành danh nhân cũng dễ.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...