Cắt chân giữa
Tôi cam đoan rằng rất nhiều người trong số chúng ta đã từng loay hoay ngắm nghía rồi dùng kìm bẻ đi chân giữa, bởi không bẻ đi thì không cắm vào được.
Đây là tôi đang nói đến cái phích cắm điện. Các bạn đừng nghĩ lung tung!
Thực ra các nhà sản xuất không ngu dốt chế ra cái chân giữa thừa thãi để các bạn phải cắt bỏ. Chân đó là chân nối đất hay còn gọi là tiếp địa (grounded)
Hàng loạt các thiết bị đện ngày nay luôn có chân tiếp địa thứ ba này, bình nước nóng, máy vi tính, lò vi song, máy sấy máy giặt, bếp điện, lò nướng. Sở dĩ các thiết bị này phải có chân tiếp địa vì chúng đều có vỏ kim loại và tiềm ẩn nguy cơ điện giật do tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng. Rất nhiều người bị điện giật tung người khi lôi mẻ quần áo ra khỏi máy hay chạm vào tay cầm lò vi sóng chính bởi chân tiếp địa đã bị vặn nghéo đi khi lắp đặt.
Giải thích tầm quan trọng của tiếp địa bằng tính toán chuyên ngành sẽ làm bạn nhức đầu. Nôm na tiếp địa là dây dẫn điện sự cố xuống đất và đưa dòng điện sự cố về ngưỡng an toàn. Trên mọi hướng dẫn lắp đặt của các thiết bị điện mà tôi kể trên đều lưu ý người sử dụng phải đảm bảo thiết bị đó phải được nối đất an toàn. Khi tai nạn xảy ra, lỗi luôn ở người sử dụng.
Nước Anh thần thánh là quốc gia ban hành tiêu chuẩn an toàn điện nghiêm ngặt nhất thế giới. Bộ tiêu chuẩn của họ được áp dụng cho hầu hết các nước trên toàn thế giới trong đó có Việt nam. Các công ty bán điện cho người sử dụng tại Anh quốc luôn cung cấp cả dây tiếp đất đến từng hộ sử dụng. Mặc dù vậy, tại chính Anh quốc hàng năm vẫn có khoảng 70 người bị chết và khoảng 1,2 triệu người bị thương do các tai nạn về điện giật tại nhà.
Tôi đã lục tung các loại tiêu chuẩn, thông tư nghị định hướng dẫn của Việt nam tuy nhiên không thấy bất cứ văn bản nào đề cập đến việc các công ty bán điện phải cung cấp tiếp địa cho dân. Tôi bốc điện thoại hỏi mấy đứa cháu đang công tác trong ngành điện thì chúng nó bảo tiếp địa thì dân phải tự làm.
Lứa 4X như chúng tôi thì có điện là tốt rồi. Chỉ cần EVN bán cho hai dây lửa mát là mọi thiết bị chạy ro ro, Thằng nào bị giật chết thì chôn. Nhưng thời nay lẽ nào ngành điện vẫn không đếm xỉa gì đến an toàn cho người dân.
Dân chúng tôi, những người trả tiền cho EVN vẫn ngậm ngùi cắt đi chân giữa.
Thằng dân nào chẳng may bị điện giật chết thì chôn và được hưởng tiếp địa từ công ty mai táng.
No comments:
Post a Comment