Search This Blog

Tuesday, March 30, 2021

Mô hình kinh doanh

CHIẾN LƯỢC - là rất quan trong không chỉ phát triển 1 tạp đoàn, 1 công ty mà nó cần thiết cho các các bộ phận và cá nhân. Nhiều lần anh Long Nguyen Huu cũng đã nhắc nhở vấn đề này. 
Ngày hôm nay, em xin phép chia sẻ về 1 hoạt động cũng là 1 phần Chiến lược đó là XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH.
Đây là bài viết cung cấp cho các nhà quản lý trẻ, các bạn dự định khởi nghiệp, hoặc nó cũng có thể hữu ích với các Công ty đang cần xem xét lại tổng thể các hoạt động của mình và F5 
Bài viết thực sự rất dài, hi vọng mọi người có thể đọc hết để Thảo luận và đóng góp ý kiến ạ. Cám ơn mọi người, lần đầu tiên lên bài vì nhận được nhiều quá giá trị từ đây, hi vọng bài viết này sẽ có ích ạ.
Bài viết có 10 phần a
 MỘT KẾ HOẠCH KINH DOANH TUYỆT VỜI
LỜI MỞ ĐẦU
Có thể bạn nghĩ rằng không cần từng bước để viết 1 kế hoạch kinh doanh tuyệt vời. Có thể bạn nghĩ rằng không cần mẫu để viết kế hoạch kinh doanh. Thực tế là, có những doanh nhân thành công mà không cần viết một kế hoạch kinh doanh. Họ nắm bắt thời điểm tuyệt vời, kỹ năng kinh doanh vững chắc, khả năng kinh doanh thiên phú cộng với chút may mắn, một số người sáng lập doanh nghiệp phát triển mà không cần lập ngay cả kế hoạch kinh doanh không chính thức.
Nhưng, con số các doanh nhân thất bại vì không có một kế hoạch kinh doanh bài bản lại chiếm đa số!
Một kế hoạch kinh doanh có làm nên thành công của 1 Startup ko? Chắc chắn không.
Sự thực là có nhiều kế hoạch kinh doanh viển vông, không thực tế. Đó là vì nhiều doanh nhân tham vọng coi kế hoạch kinh doanh chỉ đơn giản là một công cụ – chứa đầy các chiến lược và dự báo mang tính cường điệu – thiếu thực tế và không thuyết phục.
Đó là một sai lầm lớn!
Một kế hoạch kinh doanh vững chắc phải là một kế hoạch chi tiết để doanh nghiệp thành công. Nó nên xác định các kế hoạch chiến lược, phát triển các kế hoạch tiếp thị và bán hàng, tạo nền tảng trơn tru.
Đối với nhiều doanh nhân, xây dựng kế hoạch kinh doanh là bước đầu tiên trong quá trình quyết định có thực sự khởi nghiệp hay không, xác định xem ý tưởng kinh doanh đó có thất bại trên giấy hay không. Điều này có thể giúp chính họ – một nhà sáng lập tương lai – tránh lãng phí thời gian, tiền bạc vào một công việc kinh doanh không có hy vọng thành công thực tế.
Vì vậy, tối thiểu kế hoạch kinh doanh của bạn nên:
· Hãy khách quan và logic nhất có thể. Có đôi khi, một ý tưởng được cho là tốt với doanh nghiệp. Nhưng sau khi được mọi người suy nghĩ, phân tích, ý tưởng đó lại không khả thi vì có sự cạnh tranh gay gắt, không đủ kinh phí, không tiềm năng, hoặc thị trường không tồn tại. (Cũng có đôi khi, ngay cả những ý tưởng hay nhất cũng chỉ là đi trước thời đại).
· Đóng vai trò hướng dẫn hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng đầu tiên và đôi khi là nhiều năm. Tạo ra một kế hoạch chi tiết cho các nhà lãnh đạo, quản lý của công ty tuân theo.
· Truyền đạt mục tiêu và tầm nhìn của công ty. Mô tả trách nhiệm quản lý, yêu cầu chi tiết về nhân sự, cung cấp tổng quan về kế hoạch tiếp thị, đánh giá sự cạnh tranh hiện tại và tương lai trên thị trường.
· Tạo nền tảng cho một 1 đề xuất tài trợ với các nhà đầu tư, cho vay sử dụng để đánh giá công ty.
Một kế hoạch kinh doanh tốt đi sâu vào từng hạng mục trên và hoàn thành các mục tiêu khác. Hơn hết, một kế hoạch kinh doanh tốt là phải THUYẾT PHỤC. Nó chứng minh, nó cung cấp bằng chứng thực tế, cụ thể cho thấy ý tưởng kinh doanh của bạn trên thực tế là đúng đắn, hợp lý và có nhiều cơ hội để thành công.
Vậy AI là người cần được thuyết phục từ kế hoạch kinh doanh?
1. Là bạn! Chắc chắn là như vậy.
Đầu tiên và quan trọng nhất, kế hoạch kinh doanh của bạn phải thuyết phục được bạn rằng ý tưởng của nó có ý nghĩa – bởi vì thời gian, tiền bạc và công sức của bạn đang ở trong đó. Kế hoạch này phải thuyết phục được bạn rằng: ý tưởng kinh doanh của bạn không chỉ là giấc mơ, mà có thể trở thành hiện thực vì tính khả thi cao của nó.
Doanh nhân, về bản chất là những người tự tin, tích cực, sẵn sàng chiến đấu. Vậy sau khi bạn đánh giá khách quan về nhu cầu vốn, sản phẩm hoặc dịch vụ, cạnh tranh, kế hoạch tiếp thị, và tiềm năng tạo ra lợi nhuận, bạn sẽ nắm bắt những cơ hội thành công của mình tốt hơn.
Và nếu bạn không bị thuyết phục – đơn giản thôi – hãy lùi lại một bước và tình chỉnh ý tưởng, các kế hoạch của bạn
2. Các nguồn tài chính tiềm năng: Nếu bạn cần tiền đầu tư từ ngân hàng, bạn bè, người thân, thì kế hoạch kinh doanh của bạn là công cụ tốt nhất để làm điều đó. Báo cáo tài chính cho thấy bạn đang ở đâu, dự báo tài chính mô tả nơi bạn dự định đi.
Kế hoạch kinh doanh của bạn cho thấy bạn sẽ đạt được điều đó như thế nào. Cho vay đương nhiên sẽ có rủi ro vậy nên một kế hoạch kinh doanh tuyệt vời sẽ giúp người cho vay hiểu và định lượng được rủi ro, quản trị được nó, điều đó làm tăng cơ hội được chấp thuận của bạn.
3. Các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng: Khi các nguồn tài chính tiềm năng lo ngại, hay đơn giản là bạn không muốn ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì việc chia sẻ kế hoạch kinh doanh với họ là không cần thiết, dù bạn có tự tin chắc chắn vào nó.
Hãy tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng khác, và kế hoạch kinh doanh giúp họ đánh giá được công ty của bạn rất nhanh và có thể đưa ra quyết định sớm hơn.
4. Nhân sự chủ chốt, chất lượng:Khi bạn cần thu hút nhân tài, bạn cần một thứ gì đó để thể hiện rằng hợp tác với bạn sẽ có triển vọng, tiềm năng lớn trong tương lai, mặc dù bạn đang khởi nghiệp. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp của bạn chỉ là một ý tưởng, chưa phải là hiện thực. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của bạn sẽ giúp các nhân sự tiềm năng hiểu được mục tiêu của bạn, và quan trọng hơn là vị trí của họ trong kế hoạch đó: họ phải làm gì trong việc góp phần đạt được mục tiêu, và cái mà họ sẽ nhận được khi cùng bạn đi đến mục tiêu đó.
5. Liên doanh, đối tác tiềm năng: Các mối quan hệ đối tác trong việc cùng phát triển dịch vụ, sản phẩm sẽ dựa trên các thỏa thuận chính thức để chia sẻ công việc, chia sẻ doanh thu và lợi nhuận. Là một công ty mới, bạn có thể là một ẩn số X trên thị trường, việc thiết lập liên doanh, đối tác với các đối tác lâu đời, thương hiệu tốt có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong viêc đưa doanh nghiệp của bạn thành công.
Trên hết, vẫn như quan điểm đầu tiên, kế hoạch kinh doanh của bạn phải thuyết phục bạn rằng việc tiến lên phía trước là hợp lý.
Khi vạch ra kế hoạch kinh doanh, bạn phát hiện ra những vấn đề thách thức mà bạn không lường trước được. Có thể thị trường không lớn như bạn nghĩ. Có thể sau khi đánh giá đối thủ, bạn nhận ra rằng kế hoạch trở thành nhà cung cấp với chi phí thấp của mình là không khả thi vì tỉ suất lợi nhuận quá thấp không bù đắp được chi phí… Hoặc cũng có thể bạn nhận ra ý tưởng cơ bản cho doanh nghiệp của mình là đúng đắn, nhưng cách bạn thực hiện sẽ thay đổi….
Nghĩ theo cách này, các doanh nghiệp thành công không đứng yên. Họ học hỏi từ sai lầm, thích ứng và phản ứng với những thay đổi của thị trường, nền kinh tế, khách hàng, sản phẩm và dịch vụ của họ. Các doanh nghiệp thành công xác định được cơ hội và thách thức song hành, và có phản ứng phù hợp với nó.
Kế hoạch kinh doanh như một mũi khoan thăm dò vào thị trường, hay như một ngón chân bạn chạm vào "nước thị trường", đó là một biện pháp tốt để bạn xem xét, sửa đổi các ý tưởng, khái niệm của bạn trước khi bạn đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Hãy xem kế hoạch kinh doanh như là một cách không tốn kém và rất hiệu quả để khám phá khả năng tồn tại của doanh nghiệp và tránh các sai lầm, tổn thất.
Sự khác biệt giữa thành công và thất bại sẽ nằm ở kế hoạch kinh doanh này. Một kế hoạch chứa đựng ước mơ kinh doanh của bạn, bạn làm mọi thứ ở trong đó để có thể tạo nên tiền đề thành công.
Và đó là lí do một kế hoạch kinh doanh tuyệt vời là công cụ giúp bạn thành công và quản trị các vấn đề kinh doanh. Dưới đây là từng phần của một kế hoạch kinh doanh điển hình:
1. Tóm tắt dự án.
2. Tổng quan và mục tiêu.
3. Sản phẩm và dịch vụ.
4. Cơ hội thị trường.
5. Bán hàng và maketing.
6. Phân tích cạnh tranh.
7. Hoạt động.
8. Nhóm quản lý.
9. Phân tích tài chính.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từng phần chi tiết.
PHẦN 1: TÓM TẮT DỰ ÁN
Ở phần này, bạn hãy tóm tắt, phác thảo ngắn gọn về mục đích và mục tiêu của doanh nghiệp.
Điều này có thể khó trong 1 hay 2 trang giấy những hãy tóm tắt các ý chính sau:
· Mô tả ngắn gọn về sản phẩm dịch vụ.
· Tóm tắt các mục tiêu.
· Mô tả chính xác về thị trường.
· Lí do mà doanh nghiệp bạn có thể tồn tại (bao gồm cả việc thông tin nhanh về đối thủ và lợi thế cạnh tranh).
· Biều đồ về tiềm năng tăng trưởng.
· Tổng quan về các yêu cầu đầu tư.
Hãy coi phần này như một bức tranh khái quát kế hoạch của bạn. Đừng cố gắng thổi phồng doanh nghiệp của bạn, hãy hình dung bạn đang viết cho 1 người rất bận rộn đọc phần này, vậy nên hãy tập trung vào việc giúp họ có được cảm nhận tổng thể tuyệt vời về những gì bạn dự định làm và cách mà bạn sẽ thành công.
Phần tóm tắt dự án sẽ giúp bạn những điều sau:
· Tinh chỉnh và tinh chuẩn khái niệm của bạn,
· Xác định ưu tiên của bạn,
· Làm cho các phần còn lại dễ dàng hơn.
Hãy để sự hào hứng của bạn đối với ý tưởng và doanh nghiệp của bạn được tỏa sáng. Hãy để người đọc muốn tiếp tục lật các trang sau với 1 sự hứng khởi, hứng thú!
VÍ DỤ KHUNG:
1. Giới thiệu.
2. Công ty và Quản lý.
3. Cơ hội thị trường.
4. Lợi thế cạnh tranh
5. Dự toán tài chính
Note: Cung cấp các điểm chính một cách tóm tắt.
PHẦN 2: TỔNG QUAN VÀ MỤC TIÊU
Cung cấp một cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp của bạn trong việc lập kế hoạch này thực sự khó khăn. Nếu bạn có sẵn 1 doanh nghiệp đang vận hành, thì điều đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nếu không thì sẽ khó hơn khi bạn miêu tả doanh nghiệp mình sẽ trở thành gì với ai đó.
Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách lùi lại 1 bước để nhìn bức tranh tổng thể hơn.
Hãy suy nghĩ về sản phẩm và dịch vụ bạn cung cấp, cách bạn cung cấp sản phẩm dịch vụ (SPDV) đó, bạn phải cần có gì để cung cấp SPDV đó, chính xác ai sẽ cung cấp SPDV đó và cung cấp SPDV đó cho ai?
Hãy xem lại phần ví dụ về Labhouse. Nó phục vụ khách hàng cá nhân, gia đình, khách hàng lẻ là chủ yếu. Cốt lõi của hoạt động kinh doanh là dựa trên giao tiếp trực tiếp với khách hàng để lấy mẫu và tư vấn. Phần lớn các hoạt động chăm sóc khách hàng (CSKH) dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Vì vậy nó cần 1 vị trí địa lý phù hợp, hạ tầng cơ sở phòng Lab, các thiết bị y tế, nhân sự chuyên môn, các công cụ chuyên nghiệp, các công nghệ 4.0 hỗ trợ…
Tóm lại:
- Bạn sẽ cung cấp những gì?
- Bạn cần gì để vận hành doanh nghiệp của mình?
- Ai sẽ phục vụ khách hàng của bạn?
- Khách hàng của bạn là ai?
Trong ví dụ về Labhouse, khách hàng có phải phần lớn là những người có ý thức và quan tâm đến việc quản lý sức khỏe trước khi xảy ra các vấn đề bệnh lý?
Trong các doanh nghiệp khác, trả lời các câu hỏi trên có thể khó hơn. Nếu bạn mở một nhà hàng, những gì bạn dự định phục vụ ở phân khúc khách hàng nào đó sẽ quyết định nhu cầu lao động của bạn, địa điểm bạn chọn, thiết bị bạn cần mua. Và, quan trọng nhất, nó sẽ giúp xác định khách hàng của bạn. Thay đổi bất kỳ một yếu tố nào có thể thay đổi các yếu tố khác; nếu bạn không có khả năng mua thiết bị nhà bếp đắt tiền, bạn có thể cần điều chỉnh thực đơn của mình cho phù hợp. Nếu bạn hy vọng thu hút được lượng khách hàng cao cấp, bạn có thể cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc mua một vị trí đắc địa và tạo ra một bầu không khí hấp dẫn.
Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu? Tập trung vào những điều cơ bản trước:
- Xác định ngành của bạn: Bán lẻ, bán buôn, dịch vụ, sản xuất…
- Xác định rõ loại hình kinh doanh của bạn.
- Xác định khách hàng của bạn. Bạn không thể tiếp thị và bán cho khách hàng cho đến khi bạn biết họ là ai.
- Giải thích vấn đề bạn giải quyết. Các doanh nghiệp thành công tạo ra giá trị khách hàng bằng cách giải quyết vấn đề.
- Chỉ ra cách bạn sẽ giải quyết vấn đề đó.
Nếu bạn vẫn còn vướng mắc, hãy thử trả lời những câu hỏi này:
- Khách hàng đa số của tôi là ai? Tôi đang nhắm mục tiêu vào ai? (Trừ khi bạn dự định mở một cửa hàng bách hóa, nếu không, bạn sẽ không thể trả lời: "Mọi người!").
- Tôi giải quyết được điểm đau nào cho khách hàng của mình?
- Tôi giải quyết được điểm đó như thế nào?
- Tôi sẽ không giải quyết được vấn đề của khách hàng ở đâu và tôi có thể làm gì để khắc phục vấn đề đó?
- Tôi sẽ đặt doanh nghiệp của mình ở đâu?
- Tôi cần những sản phẩm, dịch vụ và thiết bị nào để vận hành doanh nghiệp của mình?
- Nhân viên của tôi cần những kỹ năng gì và tôi cần bao nhiêu kỹ năng?
- Tôi sẽ đánh bại đối thủ của mình như thế nào?
- Làm cách nào tôi có thể phân biệt bản thân với đối thủ cạnh tranh trong mắt khách hàng? (Bạn có thể có một kế hoạch tuyệt vời để đánh bại đối thủ của mình, nhưng bạn cũng phải giành chiến thắng trong cuộc chiến nhận thức giữa các khách hàng. Nếu khách hàng không cảm thấy bạn khác biệt, thì bạn không thực sự khác biệt. Nhận thức là rất quan trọng.)
Một khi bạn bắt đầu làm việc với những câu hỏi như thế này, tức là bạn đang phân giải các vấn đề rất cốt lõi cần thiết.
VÍ DỤ KHUNG:
1. Tầm nhìn:
2. Mục tiêu:
3. Chìa khóa thành công:
PHẦN 3: SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
Trong phần Sản phẩm và Dịch vụ của kế hoạch kinh doanh, bạn sẽ mô tả rõ ràng – đúng các sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn sẽ cung cấp.
Hãy nhớ rằng mô tả kỹ thuật hoặc chi tiết là không cần thiết. Sử dụng các thuật ngữ đơn giản và tránh các từ chuyên ngành.
Mặt khác, việc mô tả sản phẩm và dịch vụ của công ty sẽ khác với đối thủ cạnh tranh như thế nào là rất quan trọng. Vì vậy, hãy mô tả lý do tại sao sản phẩm và dịch vụ của bạn là cần thiết với thị trường hiện tại.
Tùy thuộc vào tính chất kinh doanh của bạn, phần Sản phẩm và Dịch vụ của bạn có thể rất dài hoặc tương đối ngắn. Nếu doanh nghiệp của bạn tập trung vào sản phẩm, bạn sẽ muốn dành nhiều thời gian hơn để mô tả các sản phẩm đó.
Nếu bạn định bán một mặt hàng và chìa khóa thành công của bạn nằm ở giá cả cạnh tranh, bạn có thể không cần cung cấp chi tiết sản phẩm quan trọng. Hoặc nếu bạn dự định bán một loại hàng hóa có sẵn ở nhiều cửa hàng khác nhau, thì chìa khóa cho doanh nghiệp của bạn có thể không phải là bản thân hàng hóa, mà là khả năng tiếp thị theo cách tiết kiệm chi phí hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Còn trong trường hợp ví dụ về Labhouse, việc bán hàng chủ yếu dựa trên vấn đề thay đổi nhận thức của khách hàng về dịch vụ và hoạt động liên kết trong việc bán hàng, thì sẽ cần mô tả kĩ về phần này.
Nhưng nếu bạn đang tạo ra 1 sản phẩm hoặc dịch vụ mới, hãy giải thích cặn kẽ bản chất của SPDV, công dụng giá trị của nó… nếu ko người đọc (nghe) không có đủ thông tin để đánh giá doanh nghiệp của bạn.
Các câu hỏi chính cần bạn trả lời đó là:
- SPDV của bạn đang phát triển hiện có, đã có, ko có trên thị trường?
- Lộ trình để bạn đưa SPDV mới ra thị trường là gì?
- SPDV của bạn có gì khác biệt? Có lợi thế cạnh tranh so với các SPDV từ đối thủ khác hay ko? Có nhược điểm cạnh tranh nào cần khắc phục? (khắc phục nó thế nào?)
- Giá cả của SPDV này có phải là vấn đề?
- Chi phí hoạt động của bạn có cân đối để cho phép tỉ suất lợi nhuận hợp lý hay không?
- Bạn sẽ mua SPDV của mình như thế nào?
VÍ DỤ KHUNG:
- Mô tả sản phẩm:
- Lưu ý về SP:
- Lợi thế:
- Sản phẩm tương lai:
PHẦN 4: CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG
Nghiên cứu thị trường là rất quan trọng để thành công trong kinh doanh. Một kế hoạch kinh doanh tốt là phân tích và đánh giá nhân khẩu học của khách hàng, thói quen mua hàng, chu kỳ mua hàng và mức độ sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ mới.
Quá trình bắt đầu với việc hiểu thị trường của bạn và các cơ hội vốn có trên thị trường đó. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần phải nghiên cứu một chút. Trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn phải chắc chắn rằng có một thị trường khả thi cho những gì bạn định cung cấp.
Hãy bắt đầu bằng cách đánh giá thị trường ở cấp độ tương đối sâu, trả lời một số câu hỏi chi tiết về thị trường và ngành của bạn:
- Quy mô của thị trường bao nhêu? Nó đang phát triển, ổn định hay đang suy giảm?
- Nền kinh tế và xã hội tổng thể đang phát triển, ổn định hay đang suy giảm?
- Tôi định nhắm vào phân khúc thị trường nào? Nhân khẩu học và hành vi nào tạo nên thị trường mà tôi định nhắm mục tiêu?
- Nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ cụ thể của tôi đang tăng hay giảm?
- Tôi có thể phân biệt bản thân với đối thủ theo cách mà khách hàng sẽ thấy có ý nghĩa không? Nếu vậy, tôi có thể làm được điều một cách tiết kiệm chi phí không?
- Những gì khách hàng mong đợi để trả cho các sản phẩm và dịch vụ của tôi? Chúng được coi là hàng hóa, giải pháp, công cụ hay được tùy chỉnh và cá nhân hóa?
Hãy vào sâu hơn các căn cứ về các số liệu, dữ liệu liên quan đến khách hàng tiềm năng:
- Vị trí địa lý
- Tổng số dân cư
- Thu nhập trung bình
- Thu nhập theo nhân khẩu học
- Độ tuổi, giới tính
Luôn nhớ rằng phục vụ một thị trường mà bạn có thể xác định và định lượng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Báo động dành cho bạn:Sau khi hoàn thành nghiên cứu, bạn có thể cảm thấy hơi choáng ngợp. Mặc dù dữ liệu tốt và nhiều dữ liệu hơn là điều tuyệt vời, nhưng việc sàng lọc và hiểu quá nhiều dữ liệu có thể khiến bạn nản lòng.
Vì mục đích của kế hoạch kinh doanh của bạn, hãy thu hẹp trọng tâm và tập trung vào việc trả lời những câu hỏi chính sau:
- Thị trường của bạn là gì? Bao gồm mô tả địa lý, nhân khẩu học mục tiêu và hồ sơ công ty (nếu bạn là B2B). Tóm lại: Khách hàng của bạn là ai?
- Bạn sẽ tập trung vào phân khúc thị trường nào? Bạn sẽ cố gắng tìm ra thị trường ngách nào? Bạn hy vọng sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm thị trường đó?
- Quy mô thị trường dự định thời điểm đầu của bạn là bao nhiêu? Dân số và thói quen, mức chi tiêu là gì?
- Tại sao khách hàng cần và tại sao họ sẽ sẵn sàng mua sản phẩm và dịch vụ của bạn?
- Bạn sẽ định giá sản phẩm và dịch vụ của mình như thế nào? Bạn sẽ là nhà cung cấp chi phí thấp hay cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng với giá cao hơn?
- Thị trường của bạn có khả năng phát triển không? Bao nhiêu? Tại sao?
- Bạn có các phương án tăng thị phần như thế nào?
VÍ DỤ KHUNG:
- Tóm tắt thị trường
- Xu hướng thị trường
- Tăng trưởng thị trường
- Nhu cầu thị trường
PHẦN 5: BÁN HÀNG VÀ MAKETING
Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời là điều tuyệt vời, nhưng khách hàng phải thực sự biết những sản phẩm và dịch vụ đó tồn tại. Đó là lý do tại sao các kế hoạch và chiến lược tiếp thị rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp.
Nhưng hãy nhớ rằng tiếp thị không chỉ là quảng cáo, quan hệ công chúng, hình ảnh quảng cáo, thông điệp… mà còn là hoạt động đầu tư vào sự phát triển doanh nghiệp của bạn. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một chút, nếu bạn coi hoạt động tiếp thị có thêm ý nghĩa là đầu tư vào sự phát triển của doanh nghiệp thì bạn hoàn toàn có thể cân nhắc mức đầu tư phù hợp, tạo ra các chiến dịch thông minh, và lợi nhuận thu lại ko chỉ là mỗi doanh thu thời điểm đó mà còn lợi các vấn đê khác.
Đây là 1 số các câu hỏi, vấn đề bạn quan tâm khi tạo kế hoạch tiếp thị:
- Tập trung vào thị trường mục tiêu của bạn. Khách hàng của bạn là ai? Bạn sẽ nhắm đến ai? Ai đưa ra quyết định? Xác định cách bạn có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng tốt nhất.
- Đánh giá sự cạnh tranh của bạn. Kế hoạch tiếp thị của bạn phải đặt bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh, và bạn không thể nổi bật trừ khi bạn biết đối thủ của mình. (Thật khó để nổi bật giữa đám đông nếu bạn không biết đám đông đứng ở đâu.). Biết đối thủ cạnh tranh của bạn bằng cách thu thập thông tin về sản phẩm, dịch vụ, chất lượng, giá cả và các chiến dịch quảng cáo của họ. Về mặt tiếp thị, đối thủ cạnh tranh của bạn làm gì mà hoạt động tốt? Điểm yếu của họ là gì? Làm thế nào bạn có thể tạo một kế hoạch tiếp thị làm nổi bật những lợi thế bạn cung cấp cho khách hàng?
- Xem xét thương hiệu của bạn. Cách khách hàng cảm nhận về doanh nghiệp của bạn sẽ tác động đáng kể đến doanh số bán hàng. Chương trình tiếp thị của bạn phải liên tục củng cố và mở rộng thương hiệu của bạn. Trước khi bạn bắt đầu tiếp thị doanh nghiệp của mình, hãy nghĩ về cách bạn muốn hoạt động tiếp thị phản ánh về doanh nghiệp cũng như các sản phẩm và dịch vụ của bạn. Tiếp thị là bộ mặt của bạn đối với khách hàng tiềm năng – hãy đảm bảo rằng bạn thể hiện tốt nhất bộ mặt của mình.
- Tập trung vào lợi ích. Bạn giải quyết những vấn đề gì? Bạn mang lại lợi ích gì? Khách hàng không nghĩ về sản phẩm – họ nghĩ về lợi ích và giải pháp. Kế hoạch tiếp thị của bạn nên xác định rõ ràng những lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được. Tập trung vào những gì khách hàng nhận được thay vì những gì bạn cung cấp.
- Tập trung vào sự khác biệt. Sản phẩm và dịch vụ của bạn phải nổi bật so với đối thủ theo một cách nào đó. Bạn sẽ cạnh tranh như thế nào về giá cả, sản phẩm hoặc dịch vụ?
Sau đó hãy tập trung vào việc cung cấp chi tiết và kế hoạch dự phòng nếu bạn thất bại.
Các câu hỏi chính bạn cần trả lời:
- Ngân sách cho các hoạt động bán hàng và tiếp thị là bao nhiêu?
- Bạn sẽ cần đánh giá xem những nỗ lực tiếp thị ban đầu của bạn có khả năng thành công như thế nào. Bạn sẽ giải quyết, hay thích ứng như thế nào nếu những nỗ lực ban đầu không thành công?
- Bạn sẽ cần đại diện bán hàng (bên trong hoặc bên ngoài) để quảng bá sản phẩm của mình.
- Bạn có thể thiết lập các hoạt động công chúng, hoạt động cộng đồng để giúp tiếp thị doanh nghiệp của mình không?
VÍ DỤ KHUNG:
- Thị trường mục tiêu
- Chiến lược tiếp thị
- Chiến lược định giá
PHẦN 6: PHÂN TÍCH CẠNH TRANH
Phần này được dành để phân tích sự cạnh tranh của bạn – cả đối thủ cạnh tranh hiện tại và những đối thủ tiềm năng có thể tham gia thị trường của bạn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ có thể đặc biệt dễ bị cạnh tranh, đặc biệt là khi mới tham gia thị trường.
Phân tích cạnh tranh có thể vô cùng phức tạp và tốn thời gian, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Dưới đây là một quy trình đơn giản mà bạn có thể làm theo để xác định, phân tích và xác định điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh.
1. HỒ SƠ ĐỐI THỦ CẠNH TRẠNH HIỆN TẠI
Đầu tiên, hãy liệt kê các đối thủ cạnh tranh hiện tại và các vấn đề sau:
- Điểm mạnh của họ là gì? Giá cả, dịch vụ, sự tiện lợi…
- Điểm yếu của họ là gì? Điểm yếu là cơ hội bạn nên lên kế hoạch để tận dụng.
- Mục tiêu cơ bản của dịch vụ của họ là gì? Họ có tìm cách giành thị phần không ?Họ có cố gắng thu hút khách hàng cao cấp không? Họ đang cố gắng đạt được điều gì và đang làm nó như thế nào?
- Họ sử dụng những chiến lược tiếp thị nào? Nhìn vào quảng cáo, quan hệ công chúng…
- Làm thế nào bạn có thể lấy thị phần khỏi doanh nghiệp của họ?
- Họ có thể phản ứng như thế nào khi bạn tham gia thị trường?
(*Có cơ hội nào để biến đối thủ thành đối tác ko?)
Để thu thập thông tin bạn cũng có thể:
- Kiểm tra các trang web và tài liệu tiếp thị của họ. Hầu hết thông tin bạn cần về sản phẩm, dịch vụ, giá cả và mục tiêu của công ty phải luôn sẵn sàng. Nếu họ ko có thông tin đó, có thể bạn đã xác định được điểm yếu.
- Ghé thăm địa điểm của họ. Nhìn xung quanh. Kiểm tra các tài liệu bán hàng và tài liệu quảng cáo. Nhờ bạn bè ghé vào hoặc gọi điện để hỏi thông tin.Dùng thử dịch vụ, sản phẩm của họ.
- Đánh giá các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo của họ. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng xác định vị trí của công ty, đối tượng tiếp thị và những chiến lược mà công ty họ sử dụng để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
- Tìm kiếm trên Internet để biết tin tức, quan hệ công chúng và các đề cập liên quan về đối thủ cạnh tranh của bạn. Tìm kiếm các blog và nguồn cấp dữ liệu như mạng xã hội cũng như các trang web đánh giá và đề xuất. Mặc dù hầu hết thông tin bạn tìm thấy chỉ là giai thoại (PR) và chỉ dựa trên ý kiến ​​của một vài người, nhưng ít nhất bạn có thể hiểu được cách một số người tiêu dùng cảm nhận về sự cạnh tranh của bạn.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận được thông tintrước về kế hoạch mở rộng, thị trường mới mà họ dự định gia nhập hoặc những thay đổi trong quản lý của họ.
- Hoặc tìm hiểu thêm thông tin từ đối thủ thông qua hoạt động tuyển dụng.
Hãy nhớ rằng phân tích cạnh tranh không chỉ giúp bạn hiểu được sức cạnh tranh của mình. Phân tích cạnh tranh cũng có thể giúp bạn xác định những thay đổi bạn nên thực hiện đối với chiến lược kinh doanh của mình . Học hỏi từ điểm mạnh của đối thủ cạnh tranh, tận dụng điểm yếu của đối thủ cạnh tranh và áp dụng phân tích tương tự vào kế hoạch kinh doanh của riêng bạn. Bạn có thể ngạc nhiên, bất ngờ bởi những gì bạn có thể tìm hiểu về doanh nghiệp của mình bằng cách đánh giá các doanh nghiệp khác.
2. XÁC ĐỊNH CÁC ĐỐI THỦ CẠNH TRANH TIỀM NĂNG
Có thể khó dự đoán khi nào và ở đâu các đối thủ mới có thể xuất hiện. Hãy thường xuyên tìm kiếm tin tức về ngành, sản phẩm, dịch vụ của bạn và thị trường mục tiêu của bạn.
Có thể bạn xác định ngành mà bạn theo đuổi có tiềm năng cạnh tranh cao hay không bằng các dữ liệu sau:
- Ngành này có tỷ suất lợi nhuận tương đối cao;
- Tham gia thị trường tương đối dễ dàng và không tốn kém;
- Thị trường đang phát triển – nó phát triển càng nhanh thì nguy cơ cạnh tranh càng lớn;
- Cung và cầu đang tắt – cung thấp và cầu cao;
- Rất ít cạnh tranh tồn tại, vì vậy có rất nhiều "dư địa" cho những người khác tham gia thị trường.
Bây giờ, hãy đúc kết lại bằng cách trả lời các câu hỏi sau cho phần này:
- Đối thủ cạnh tranh hiện tại của tôi là ai? Thị phần của họ là gì? Họ thành công như thế nào?
- Các đối thủ cạnh tranh hiện tại nhắm đến thị trường nào? Họ tập trung vào một loại khách hàng cụ thể, vào việc phục vụ thị trường đại chúng hay vào một thị trường ngách cụ thể?
- Các doanh nghiệp cạnh tranh đang phát triển hay thu hẹp quy mô hoạt động của họ? Tại sao? Điều đó có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp của bạn?
- Làm thế nào công ty của bạn sẽ khác với đối thủ cạnh tranh? Bạn có thể khai thác những điểm yếu nào của đối thủ cạnh tranh? Bạn sẽ cần phải vượt qua những điểm mạnh nào của đối thủ để thành công?
- Bạn sẽ làm gì nếu đối thủ cạnh tranh bỏ thị trường? Bạn sẽ làm gì để tận dụng cơ hội?
- Bạn sẽ làm gì nếu các đối thủ mới tham gia vào thị trường? Bạn sẽ phản ứng và vượt qua những thử thách mới như thế nào?
VÍ DỤKHUNG:
- Đối thủ cạnh tranh chính
- Đối thủ cạnh tranh thứ cấp, tiềm năng
- Cơ hội
- Rủi ro
Ngay cả khi bạn không bao giờ có kế hoạch tìm kiếm tài chính hoặc thu hút các nhà đầu tư, bạn cũng phải biết rõ sự cạnh tranh của mình. Phân tích cạnh tranh giúp bạn trả lời câu hỏi "Chống lại ai?"
PHẦN 7: HOẠT ĐỘNG
Bước tiếp theo trong việc tạo kế hoạch kinh doanh của bạn là phát triển một Kế hoạch hoạt động sẽ phục vụ khách hàng của bạn, giữ cho chi phí hoạt động phù hợp và đảm bảo lợi nhuận. Kế hoạch hoạt động của bạn phải trình bày chi tiết các chiến lược quản lý, nhân sự, sản xuất, thực hiện, hàng tồn kho – tất cả những thứ liên quan đến việc vận hành doanh nghiệp của bạn hàng ngày.
Mục tiêu là trả lời các câu hỏi chính sau:
- Bạn cần những phương tiện, thiết bị và vật dụng nào?
- Cơ cấu tổ chức của bạn là gì? Ai chịu trách nhiệm về những khía cạnh nào của doanh nghiệp?
- Nghiên cứu và phát triển có được yêu cầu trong quá trình khởi động hay hoạt động liên tục không? Nếu có, bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này như thế nào?
- Nhu cầu nhân sự ban đầu của bạn là gì? Bạn sẽ bổ sung nhân viên khi nào và như thế nào?
- Bạn sẽ thiết lập mối quan hệ kinh doanh với các nhà cung cấp và đối tác như thế nào? Những mối quan hệ đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hàng ngày của bạn?
- Hoạt động của bạn sẽ thay đổi như thế nào khi công ty phát triển? Bạn sẽ thực hiện những bước nào để cắt giảm chi phí nếu ban đầu công ty không hoạt động như mong đợi?
Các gợi ý cho phần này, không phải tất cả đều được thể hiện trong kế hoạch kinh doanh, nhưng nó là các dữ liệu bạn cần phân tích, đánh giá.
1. Quản lý vị trí và cơ sở ban đầu
- Yêu cầu phân vùng
- Loại tòa nhà bạn cần
- Không gian bạn cần
- Yêu cầu về nguồn điện và tiện ích
- Tiếp cận: Khách hàng, nhà cung cấp, vận chuyển, v.v.
- Đậu xe
- Xây dựng chuyên dụng hoặc cải tạo
- Sửa chữa nội ngoại thất, sửa chữa khác.
2. Các hoạt động hàng ngày
- Phương pháp sản xuất
- Phương thức dịch vụ
- Kiểm soát tồn kho
- Bán hàng và dịch vụ khách hàng
- Nhận và giao hàng
- Bảo trì thiết bị, nhập kho.
3. Pháp lý
- Giấy phép và các điền kiện, hay tiêu chuẩn cần có
- Các quy định về môi trường, sức khỏe hay quy định khác theo ngành
- Bảo hộ thương hiệu
- Bảo hiểm
4. Yêu cầu về nhân sự
- Nhân sự đặc thù
- Phân tích các kỹ năng cần thiết
- Tuyển dụng và giữ chân
- Đào tạo
- Chính sách và thủ tục
- Cơ chế, chế độ
5. Hàng tồn kho
- Mức tồn kho dự kiến
- Sự biến động theo mùa bán về nhu cầu
6. Các nhà cung cấp
- Các nhà cung cấp chính
- Các nhà cung cấp dự phòng
- Chính sách thanh toán và công nợ
PHẦN 8: NHÓM QUẢN LÝ
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và quyết định nhanh hơn nếu họ cảm nhận được chất lượng và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý. Vì đây cũng là 1 yếu tố quan trọng để đánh giá tiềm năng phát triển của 1 doanh nghiệp mới.
Tại sao nên có phần này trong kế hoạch kinh doanh, ngay cả khi bạn không có dự định gọi vốn? Vì nó sẽ giúp bạn đánh giá các kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực mà nhóm quản lý mạnh đã có hay sẽ cần bổ sung.
Các câu hỏi chính cần trả lời:
- Những người lãnh đạo chủ chốt là ai? (Nếu người thực tế chưa được xác định, hãy mô tả loại người cần thiết). Kinh nghiệm, nền tảng giáo dục và kỹ năng của họ là gì?
- Các nhà lãnh đạo chủ chốt của bạn có kinh nghiệm trong ngành không? Nếu không, họ mang lại kinh nghiệm gì cho doanh nghiệp mà có thể áp dụng được?
- Mỗi vị trí sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì? (Tạo một sơ đồ tổ chức thực tế). Quyền hạn nào được cấp và những trách nhiệm nào được mong đợi ở mỗi vị trí?
- Mức lương nào sẽ được yêu cầu để thu hút các ứng viên có năng lực cho từng vị trí? Cơ cấu lương cho công ty, theo vị trí như thế nào?
Một lưu ý nếu bạn gọi vốn: Đừng cố thêm tên KOL vào đội ngũ quản lý với hy vọng thu hút đầu tư. Vì nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn người đó có vai trò thực tế gì trong việc điều hành doanh nghiệp – và trong hầu hết các trường hợp thì những cá nhân đó khôngđóng vai trò nào có ý nghĩa thực tế, những nhà đầu tư họ sẽ dễ phát hiện và phản biện điều này.
PHẦN 9: PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH
Các dự báo và ước tính tài chính giúp các doanh nhân, nhà đầu tư hoặc người cho vay đánh giá một cách khách quan về tiềm năng thành công của công ty. Nếu một doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài, việc cung cấp các báo cáo và phân tích tài chính toàn diện là rất quan trọng.
Đa số các kế hoạch kinh doanh bao gồm ít nhất các báo cáo cơ bản sau:
- Bảng cân đối kế toán: Mô tả tình trạng tiền mặt của công ty bao gồm tài sản, nợ phải trả, cổ đông và thu nhập được giữ lại đầu tư cho các hoạt động trong tương lai, hoặc để đầu tư cho việc mở rộng và tăng trưởng. Nó chỉ ra sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.
- Báo cáo thu nhập: Còn được gọi là báo cáo lãi lỗ, báo cáo này liệt kê doanh thu và chi phí dự kiến. Nó cho thấy liệu một công ty sẽ có lãi trong một khoảng thời gian nhất định hay không.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Dự báo các khoản thu và chi tiền mặt. Nó cho thấy tiền mặt sẽ chảy qua doanh nghiệp như thế nào và khi nào; không có tiền mặt thì không thể thực hiện thanh toán (kể cả tiền lương).
- Ngân sách hoạt động: Bảng phân tích chi tiết về thu nhập và chi phí; cung cấp hướng dẫn về cách công ty sẽ hoạt động theo quan điểm gia tăng lợi nhuận.
- Phân tích hòa vốn: Dự báo doanh thu cần thiết để trang trải tất cả các chi phí cố định và biến đổi. Cho biết khi nào, trong những điều kiện cụ thể, một doanh nghiệp có thể mong đợi có lãi.
Nếu bạn đã có 1 kế toán, nên làm việc với họ để ra các dự báo và tài liệu tài chính cần thiết.
PHỤ LỤC
Một số kế hoạch kinh doanh sẽ bao gồm thông tin ít quan trọng hơn nhưng có khả năng cần thiết trong phần Phụ lục.
Bạn có thể quyết định bao gồm, dưới dạng thông tin dự phòng hoặc bổ sung:
- Lý lịch của các lãnh đạo chủ chốt;
- Mô tả bổ sung về sản phẩm và dịch vụ;
- Thỏa thuận pháp lý;
- Sơ đồ tổ chức;
- Ví dụ về tài sản thế chấp tiếp thị và quảng cáo;
- Ảnh chụp các cơ sở, sản phẩm tiềm năng...;
- Sao lưu để nghiên cứu thị trường hoặc phân tích cạnh tranh;
- Các tài liệu hoặc dự báo tài chính bổ sung.
Việc tạo Phụ lục thường chỉ cần thiết nếu bạn đang tìm kiếm tài chính hoặc hy vọng thu hút được đối tác hoặc nhà đầu tư.
ĐỪNG BAO GIỜ QUÊN RẰNG MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH KINH DOANH LÀ THUYẾT PHỤC BẠN RẰNG Ý TƯỞNG CỦA BẠN CÓ Ý NGHĨA.
BỞI VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN, TIỀN BẠC CỦA BẠN, TÌNH YÊU, SỰ NGHIÊP VÀ MỌI NỖ LỰC CỦA BẠN ĐỀU ĐANG NẰM Ở ĐÂY!

No comments:

Post a Comment

Phật giáo vs cúng sao

Nhiều người nói Phật giáo bây giờ biến tướng, cúng sao giải hạng mê tín dị đoan... Nhưng mất đi cái đó rồi, nhóm những con người có ít họ...