Search This Blog

Wednesday, April 21, 2021

Chiến tranh việt nam. Cuộc chiến giết chết niềm tin

CHIẾN TRANH VIỆT NAM: CUỘC CHIẾN GIẾT CHẾT NIỀM TIN
----------------------------
Dịch từ bài viết "Vietnam: The War That Killed Trust" đăng trên chuyên mục Vietnam '67 của New York Times ngày 07/01/2017, của tác giả Karl Marlantes. Bản quyền bài viết gốc thuộc về New York Times. Link bài viết gốc:
Link bải dịch đăng trên Quora, đầy đủ định dạng và dễ đọc hơn: https://qr.ae/pGIVuL
---------------------------
Vào một sáng mùa xuân năm 1967, tôi tham dự một buổi thảo luận với sinh viên Yale về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Oregon, lớn lên gia nhập Lực lượng Thủy quân Lục chiến Dự bị. Phần lớn bạn bè của tôi khi ấy đến từ những trường dự bị ở bờ Đông. Trong đám ấy, bỗng nhiên có người lớn tiếng rằng Lyndon B. Johnson đang nói dối về cuộc chiến. Tôi buột miệng như một lẽ tự nhiên:
"Sao thế được… một tổng thống Hoa Kỳ sẽ không lừa dối nhân dân!".
Đám đông bật cười một trận giòn giã.
Khi tôi kể cho đám con cháu về chuyện xảy ra, chúng cũng cười bể bụng không kém.
Tổng thống mà, ai chả nói dối, chính trị gia nào mà chả thế. Ôi bố ơi, bố từ hành tinh nào tới vậy?
Trước Chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ nghĩ như tôi. Sau Chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ nghĩ như con cháu tôi.

Nước Mỹ không chỉ thua cuộc chiến và hy sinh hơn 58,000 nhân mạng mà còn biến đổi theo chiều hướng tệ đi trên quy mô cả dân tộc. Chuyện xảy ra Việt Nam đã khiến chúng tôi hoài nghi hơn, bớt tin tưởng vào chính quyền hơn, và với nhiều người thì còn là sự tha hóa của một nếp nghĩ từng ăn sâu vào tiềm thức mỗi công dân Hoa Kỳ: là công dân thì phải phục vụ tổ quốc.

Tuy vậy, cũng có vài mặt của cuộc chiến không tệ lắm. Là một trung úy, tôi đã thấy được kết quả của việc ném một đống thanh niên với xuất thân và màu da khác nhau vào cùng một chiến trường, rồi khiến họ phải học cách tin tưởng nhau mà sống. Đây có lẽ là một bước tiến thúc đẩy hòa hợp chủng tộc ít được nhắc tới trong lịch sử Hoa Kỳ.

Mặc dù Việt Nam đã và đang thay đổi nước Mỹ, vị trí của đất nước này đang dần mờ nhạt đi trong tiềm thức người dân. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, can thiệp ở Syria, chủ nghĩa khủng bố,... v.v đang dần đẩy Việt Nam về sau bức màn.

Cùng với nhiều lý do khác, chúng tôi muốn một lần nữa bàn về Việt Nam, thông qua chuỗi bài trong mục "Vietnam '67", qua đó nhìn lại những sự kiện những năm 67-68 đã thay đổi Việt Nam, Hoa Kỳ và toàn thế giới như thế nào. [...]
--------------
SỰ NGỜ VỰC
Việt Nam đã làm thay đổi cách nhìn về chính trị. Chúng ta (*n/d: lời tác giả) đã làm quen với việc bị các nhà cầm quyền lừa dối: "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", số lượng "các tỉnh được bình định", so sánh thương vong.

Người ta cứ nói Johnson "thiếu tin cậy", thực chất là muốn nói tổng thống đang nói dối. Lúc ấy, "thiếu tin cậy" là một từ miêu tả xấu xí và kì lạ, còn sau cuộc chiến thì sự kì lạ đã không còn nữa rồi. Giờ đây, chính trị gia thì cứ nói khoác, truyền thông thì chỉ ra đâu mới là sự thật, mọi người biết nhưng rồi lại tặc lưỡi sống tiếp.

Chúng ta, từ sự cả tin và ngây thơ, đã tiến dần đến sự hoài nghi.[...] Hoài nghi tách rời chúng ta khỏi hệ thống "chính phủ" - một cụm từ ngày nay nêu bật lên những rắc rối quan liêu. Sự hoài nghi đe dọa tới cả nền dân chủ, bởi nó làm suy yếu sức mạnh của tập thể nhân dân, tới mức muốn thay đổi cái gì cũng khó. Chẳng thể cùng lúc xây nên hệ thống cao tốc lớn nhất thế giới, mở ra hàng loạt những trường học cho cộng đồng, thông qua đề xuất "Great Society", tham gia một cuộc chiến lớn, đưa người lên Mặt Trăng - tất cả đều đã diễn ra vào thập kỷ 60 - nếu nhân dân hoài nghi về chính phủ của họ.

Tôi sống ở Seattle, không hẳn là một nơi ủng hộ Donald J. Trump mạnh mẽ. Hầu hết bạn bè tôi đều vừa nghi ngờ vừa móc mỉa khẩu hiệu "Make America Great Again", bảo rằng ngày xưa đâu có tuyệt vời đến thế. Đúng là thời kỳ trước không phải thiên đường gì, đơn cử như việc các cộng đồng thiểu số khi ấy đã phải chịu rất nhiều bất công và thiệt thòi. Nhưng nói thế cũng không sai lắm, một phần nào đó, nhân dân Hoa Kỳ đã từng vĩ đại hơn bây giờ. Và chính cuộc chiến ở Việt Nam - không phải chủ nghĩa tự do, nhập cư hay toàn cầu hóa - đã thay đổi nước Mỹ.
--------------
SẮC TỘC
Tháng 12/1968, tôi trú quân ở một đỉnh đồi hoang vu, chỉ cách khu vực phi quân sự chừng 1 cây số. Một chiếc trực thăng thả xuống mấy bịch thư ướt sũng và mấy thùng đồ tiếp tế nhàu nát. Trong số đó có đồ gửi cho Ray Delgado, một cậu nhóc 18 tuổi gốc Mê-xi-cô sống ở Texas. Ray vừa cầm gói giấy bạc trong tay vừa khóc, giơ cho tôi xem món đồ cậu nhận được.
"Cái gì đây?" - tôi hỏi.
"Bánh tamale. Mẹ gửi"
"Tamale là cái gì?"
"Ăn thử một miếng không?"
Tôi xem đi xem lại thứ mình cầm, rồi cho vào mồm nhai thử, nghĩ bụng: "Nhai được cái thứ dai nhách này, bảo sao bọn Mê-xi-cô răng khỏe thế". Ray và đám bạn cùng quê nhìn tôi mà không nhịn được cười: "Trung úy ơi, phải bỏ cái vỏ ngô bên ngoài trước đã chứ".

Thế đấy, ở quê tôi cũng chỉ nghe qua chứ nào có biết tamale trông thế nào. Và cũng từ khi nhập ngũ và sang Việt Nam, tôi mới trò chuyện với mấy người gốc Mê-xi-cô. Người như tôi thời ấy sẽ gọi Ray là "Mexican", dù rằng cậu ta là người Mỹ ăn bánh Mỹ chính hiệu - và ăn bánh tamale nữa.[...]

Tổng thống Harry Truman đã ban hành chế độ quân dịch công bằng từ năm 1948. Trong cuộc chiến ở Việt Nam thì sắc tộc nào cũng phải chiến đấu cùng nhau. Dù vậy, tập hợp một toán lính khác hẳn việc tập hợp một đội quân hòa hợp.

Trong kí ức của mọi người, hòa hợp sắc tộc thường gắn với những phong trào đấu tranh. Bây giờ hãy thử tưởng tượng tất cả học sinh ở Birmingham, bang Alabama - da trắng và da đen - cầm trong tay vũ khí, sống ở một nơi mà chuyện nổ súng như cơm nữa, và ai nấy đều hừng hực hormone chảy trong người. Đấy, đấy mới là căng thẳng sắc tộc thực sự.

Trong cuộc chiến, đã có hơn 200 vụ sát hại binh lính trong quân ngũ Hoa Kỳ - hầu hết là bằng lựu đạn để tránh để lại dấu vết. Và khi kẻ thủ ác bị bắt, động cơ được xác định hầu hết là vì mâu thuẫn chủng tộc.

Tuy vậy, thái độ chủ yếu vẫn là hợp tác và tôn trọng. Nếu tôi bị địch áp đảo và cần M-79 yểm trợ, tôi sẽ gọi ngay Thompson gần đó vì cậu ta là binh sĩ tôi thấy giỏi nhất. Tôi còn chả kịp nghĩ Thompson là người da trắng hay da màu. Lính da trắng nghe nhạc soul, lính da đen nghe nhạc đồng quê (*country)

Lính da trắng nghe nhạc soul, lính da đen nghe nhạc đồng quê (*country). Chúng tôi cứ thế sống mà không sợ nhau. Sau cuộc chiến, cả trăm ngàn thanh niên về nước với những ý niệm khác nhau về màu da, có thể xấu hơn, nhưng phần lớn là tốt hơn. Phân biệt chủng tộc không thể hết chỉ vì cuộc chiến, nhưng ít nhất thì phần đông đất nước đã nhận ra chuyện sống chung với nhau là điều gì đó khả thi.
--------------
QUÂN DỊCH
Tôi đang tham gia một buổi gặp mặt ở Fayetteville thì thấy một cặp đôi trẻ đến bàn đăng ký. Chàng trai đứng nghiêm trong bộ quân phục, còn cô gái thì vừa dắt theo một đứa trẻ, tay vừa bế một đứa bé nữa. Cặp đôi trẻ măng này trông như chỉ vừa tốt nghiệp trung học. Bỗng cô gái bật khóc, tôi cũng chạy lại hỏi thăm.

"Chồng tôi lại sắp ra trận, ngày mai anh ấy lên đường" - cô gái nức nở.
"Cậu đăng ký đi lần thứ hai à?" - tôi quay sang hỏi chàng trai.
"Không thưa ngài, đây sẽ là lần thứ 7" - chàng lính trẻ đáp.
Cuộc chiến ở Việt Nam đi kèm với cái mà Lầu Năm Góc gọi là "quân đội tự nguyện". Tôi không nghĩ thế, coi đó là một hệ thống "quân đội tuyển mộ" thì đúng hơn. Tự nguyện phải giống như việc đi đăng ký nhập ngũ khi nghe tin Trân Châu Cảng hay Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công.

Khi tôi còn bé, tôi đã nghe nhiều về chuyện những ông bố ông bác tham gia Thế chiến II. Phụ nữ trong thị trấn ai cũng biết tàu tuần khu trục to hơn tàu tuần dương, trung đội thì nhỏ hơn đại đội, vì chồng họ đang chiến đấu theo những đơn vị như thế.

Ngày xưa, ta gọi nhập ngũ là "phục vụ đất nước". Ngày nay, ta chỉ đơn thuần gọi là "quân đội". Sự chuyển đổi về ngôn ngữ này cho thấy thái độ về các lực lượng vũ trang đã thay đổi thế nào. Chế độ quân dịch không hề công bằng. Chỉ có nam giới tham gia quân dịch, và ai đủ khả năng học đại học thì mãi về sau mới phải đi lính.

Tầng lớp tinh hoa ở Mỹ gần như đã bỏ qua hoàn toàn việc tham gia quân đội. Trên những bức tường tại Sảnh Woolsey, Yale là tên của hàng trăm sinh viên trường đã tử trận trong Thế Chiến II, sau đó là 35 người trong cuộc chiến ở Việt Nam. Và từ đó đến bây giờ không còn thêm cái tên nào nữa.

Tầng lớp lao động mới là đối tượng gánh chịu nhiều thương vong và thiệt hại nhất trong Thế chiến II. Kết luận từ khảo sát của Douglas Kriner và Francis Shen cho thấy, 3 nhóm cộng đồng có thu nhập thấp nhất phải chịu hơn 50% thiệt hại so với 3 nhóm thu nhập cao nhất.

Nếu sự bất bình đẳng cứ tiếp diễn, sự phản đối cũng sẽ ngày càng lớn dần. Dần dần, quân đội và nhân dân sẽ càng xa cách. Nền cộng hòa có thể vì thế mà sụp đổ, khi quân đội và bộ phận quần chúng tin vào các tướng lĩnh hơn là chính quốc gia của họ.

Chúng ta cần đem tinh thần của quân đội trở lại, và xây dựng lại cách nhìn nhận về việc phục vụ đất nước. Theo cách hiểu của nhiều người, tham gia quân dịch cũng như đóng thuế: tôi sẽ không đóng thuế nếu không có nguy cơ bị vào tù. Nhưng nếu là một công dân trách nhiệm, tôi sẽ coi việc đóng thuế là cách giúp chính phủ vận hành.
Mọi người sẽ vẫn càu nhàu về thuế, sẽ cố lách luật để sao cho mọi việc diễn ra nhẹ nhàng nhất. Nhưng đến cuối cùng, ai cũng phải nộp thuế. Mọi người có thể sẽ dần công nhận "chính phủ" là "chính phủ của nhân dân", và như thế thì sự hoài nghi cũng sẽ ít dần.

Cuối cùng, hãy làm sao để đi lính cũng chỉ là một trong vô vàn cách để phục vụ đất nước. Khi những công việc phụng sự đất nước đã được phổ cập, một chàng trai ở Seattle có thể ăn bánh tamale thoải mái với một cô gái gốc Mê-xi-cô nào đó ở El Paso. Bảo thủ hay cấp tiến cũng đều cần học cách thống nhất với nhau, bắt đầu từ những bài học về hòa hợp sắc tộc trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Cuộc chiến đã, đang và sẽ vẫn định hình nhân dân Hoa Kỳ, kể cả khi ta đã quên về nó. Không bao giờ là muộn để ghi nhớ, không bao giờ là muộn để hành động.
--------------------------
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài dịch.
#wednonquora

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...