ĐỂ CÓ MỘT THƯƠNG HIỆU MẠNH (Share tự do!)
Một thương hiệu phải có bản sắc, lập trường, tính cách nhất quán và khác biệt. Nó phải dám nói điều mà nó có thể mất một số khách hàng để chinh phục trái tim của số khách hàng khác.
Cũng như con người, một thương hiệu cũng có hệ giá trị (values), niềm tin (beliefs), tính cách (personality). Một thương hiệu không có bản sắc (nhạt nhòa), không có lập trường (ba phải), không có tính cách như một con người sẽ không để lại ấn tượng gì trong tâm trí khách hàng. Nó khó có thể trở thành một thương hiệu mạnh!
Khi thể hiện bản sắc, lập trường và tính cách của mình, thương hiệu đang cố tình nói với một số khách hàng rằng tôi không thuộc về bạn, tôi không phải thứ bạn cần, đừng nên mua tôi...
Đọc đến đây, nhiều người có thể nói ông Long Nguyen Huu này lại viết chuyện ngược đời vì có thương hiệu nào mà truyền thông theo kiểu "đuổi" khách hàng như thế. Vâng, đúng là tôi lại nói ngược đời, nhưng điều tôi nói, những người làm thương hiệu lâu năm và có trải nghiệm thực tế sẽ không hề thấy lạ.
Muốn xây dựng TH mạnh, bạn phải biết "đuổi" khách hàng, phải "gây sự" với họ để họ "tẩy chay", không mua dùng, thậm chí để cho họ lên tiếng và loan truyền (theo kiểu virus - viral marketing) là họ không thích TH của bạn...
Nhờ cách "chối bỏ" một số khách hàng và giúp họ "chối bỏ" bạn, bạn mới tạo nên một thương hiệu có bản sắc, có cá tính, có lập trường rõ ràng, nhất quán, kiên định và khác biệt (đọc lại bài "Đừng là thương hiệu ba phải" trong Group), để nhờ đó, nhóm khách hàng mục tiêu mà bạn muốn hướng đến mới tin yêu và tự hào về bạn. Họ cảm thấy chính họ, người mua dùng và gắn bó với thương hiệu của bạn không giống như những nhóm người kia. Họ cảm thấy họ có bản sắc, tính cách, lập trường riêng và khác biệt như chính thương hiệu mà họ tin dùng.
Ví dụ, nhóm người thích xài thương hiệu ô tô sang trọng, đẳng cấp thường sẽ chối bỏ, chê bai, mỉa mai các thương hiệu ô tô bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, và ngược lại.
Nhóm khách hàng thích cà phê Starb. thường không thích cà phê TN, và ngược lại.
Nhóm khách hàng tuổi teen yêu thích các thương hiệu thời trang tuổi teen sẽ "ghét cay, ghét đắng" các thương hiệu thời trang dành cho người đứng tuổi.
Và các thương hiệu phải truyền thông sao cho có nhóm khách hàng chối bỏ, thậm chí chê bai mình, để cho nhóm khách hàng mục tiêu (mà mình hướng đến) thêm yêu thương mình và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ mình. Ngay cả một ứng viên tổng thống cũng khó trở thành nổi tiếng (đến mức cả thế giới như lên đồng) nếu không có một ứng viên đối trọng đủ tầm và những cử tri phản đối ầm ĩ...
Group PTDNV thường xuyên tuyên bố những đặc điểm khác biệt của nó (như giải độc doanh nghiệp; không phải nhóm chuyên gia, không đào tạo chuyên gia mà đào tạo CEO và quản lý; không quảng cáo, chỉ chia sẻ và học hỏi; không nhận tài trợ, không có diễn giả, chỉ có "diễn thật"...), cũng là để loại bớt khách hàng không phù hợp, để thể hiện bản sắc, lập trường, tính cách riêng của nó. Và những thành viên là đối tượng phục vụ của Group, những "khách hàng" thấu hiểu và tin yêu nó, cũng cảm thấy như chính mình có bản sắc, lập trường và tính cách riêng giống nó!
Bạn có nghĩ vậy không?
No comments:
Post a Comment