Về Đức Phật đản sanh và câu nói "duy ngã độc tôn"
Đức Phật chúng ta hay nói vốn là một người có tên là Siddhattha Gotama (chúng mình phiên âm là Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm), dòng tộc của Phật là Sakya (Thích Ca) nên ông được giang hồ biết với tên thường gọi là Thích Ca Mâu Ni (Mâu Ni nghĩa là "hiền nhân"). Kiểu như một cô người Việt Nam có tên là Trần Hoàng - Mâu Ni thì dịch ra là hiền nhân của dòng họ Trần Hoàng...
Cồ Đàm lấy vợ năm 16 tuổi và có 1 cậu con trai, ngài bỏ nhà đi năm 29 tuổi, giác ngộ năm 35 tuổi và toàn bộ 45 năm sau đó ngài dùng để truyền "đạo" cho đến năm 80 tuổi thì sang bên kia bầu trời.
Ngày Lễ Phật đản, chúng ta đến chùa thường sẽ thấy các sư phục dựng hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất, nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn", đa số Phật tử ai cũng thuộc câu này, chỉ có cách hiểu là khác nhau.
Nhiều người thuộc và đọc theo cho có phong trào, cái này vô hại. Sợ nhất là bọn học chưa tới nơi tới chốn, đọc được vài ba quyển sách thì hay bắt bẻ. Chúng nó bảo Phật kiêu ngạo, tự coi cái "tôi" (ngã) to quá to, vừa mới sinh ra mà đòi cân hết vũ trụ và cho mình là vô đối và chính Phật đã đi ngược với giáo lý của mình là "vô ngã".
Nay nhân ngày Phật Đản, mình thông nhẹ chỗ này cho anh chị đi chùa có cái chém gió, chứ thắp nhang xong về thì buồn lắm.
Nguyên văn câu này trong kinh A-Hàm (Thánh điển của Phật giáo Nguyên thủy) đầy đủ câu kệ này là:
"Thiên thượng thiên hạ,
duy ngã độc tôn,
Nhất thiết thế gian,
Sinh Lão Bệnh Tử"
Nghĩa là trên trời, dưới trời chỉ có "ta" (ngã) là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, "ta" đã vượt khỏi sanh già bệnh chết chứ sao.
Đọc đến đây, nhiều anh chị thắc mắc: Ơ kìa, thế thì các ông đọc thì đọc luôn 4 câu chứ đọc 2 câu đầu úp mở chi cho tụi tui hiểu lầm?
Con người ta tồn tại có nhiều tư cách, với chính quyền thì mình là "công dân", với sếp thì mình là "nhân viên", với cha mẹ thì mình là "con cái", với cái hủy hoại của sinh lão bệnh tử vô thường thì ta chỉ là "nhục thân", còn với chân lý của Phật giáo thì ta là "pháp thân".
2 câu kệ này đánh thức "Pháp thân" chứ không phải "nhục thân", tức đi thẳng vào tinh thần tu học chứ không lòng vòng, thân này là cái sẽ chết đi còn pháp thân trường tồn. "Duy ngã độc tôn" có nghĩa là ai hiểu được chân lý cao quý của Cồ Đàm hướng dẫn sẽ giải thoát được phiền não khổ đau và sanh tử luân hồi.
Cái chữ "Ngã" ở đây không có nghĩa là chỉ một mình Cồ Đàm, mà đó là chỉ muôn triệu "pháp thân" khắp nhân gian này nếu tin theo chân lý giải thoát của Người, theo con đường (đạo) mà Phật sẽ giác ngộ. Đó là lý do có câu "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".
Hiểu rồi nha, Phật không kiêu ngạo nha.
Phật hơn người ở chỗ Người chẳng có gì ngoài cái chân lý của ngài tìm ra, ngài còn phải đi xin ăn để truyền đạo, không có tiền, không có phép đi mây về gió, không có quyền năng gì cao siêu. Phật là một leader, một leader vĩ đại. Phật thấy được "quy luật" để diệt cái Khổ (bài này mà các anh chị đón nhận rôm rả, tôi nói kỹ hơn về chữ Khổ), muốn đừng đau khổ thì phải chấp nhận quy luật.
Thằng tù muốn không khổ thì hãy xác định "tự do" của mình chỉ gói gọn trong xà lim, chúng ta đều mất tự do, chỉ khác nhau cái giới hạn.
Đứa bé 1 tuổi đụng phải nước sôi sẽ khóc ầm lên vì nó không hiểu tự nhiên bị đau, còn chúng ta đụng phải nước sôi cũng sẽ đau nhưng không khóc – đó là vì ta hiểu được quy luật chứ muôn đời này nước thì vẫn sôi, tay vẫn bỏng thôi. Phật dạy ông chấp nhận nó chứ đừng cố tập cái phép thuật cho tay vào nước sôi làm gì.
Chấp nhận quy luật là hết khổ - hãy nhớ điều đó.
Chúc mừng Vesak 2018!
No comments:
Post a Comment