Chuyện tào lao.
1 – Tôi đã biên nhiều lần rồi nhỉ?
Khi khẩu vị của bạn hợp với món phở lừng danh của anh Năm Cao, bạn cứ đắm đuối với nó. Bạn đừng cố thuyết phục người mê món bánh đa cua Hải phòng rằng, phở Năm Cao mới ngon, bánh đa cua Hải Phòng không ngon.
Sự thuyết phục này, rất dễ dẫn đến việc bạn sẽ bị người Hải phòng cho một chầy giã cua vào thóp và bạn sẽ băng hà.
Khẩu vị của bạn hình thành từ cơ cấu vị giác của bạn, của riêng bạn, cộng với môi trường văn hóa trong đó bạn được định hình.
Chẳng hạn, bạn là trai hà thành phố cổ thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng văn hóa phở. Nhưng ngay cả khi bạn là trai hà thành phố cổ, thì lưỡi của bạn vẫn khác lưỡi của anh hàng xóm, nên vẫn cần có nhiều loại phở khác nhau để bạn chọn!
Chính là cái lưỡi – tự nhiên – cùng môi trường văn hóa, hay còn gọi là tự nhiên – văn hóa của cá nhân bạn đã chọn món phở Năm Cao.
Bởi vậy, tôi từng biên, dù bạn chọn gì, chính là chọn chính mình mà thôi.
" Bạn ăn gì, bạn chính là thứ đó" ( trích từ anh tây nào đó tôi quên mẹ)
2 – Nguyên lý chọn món gì thì chính bạn là thứ đó, đúng cả với việc chọn các học thuyết, các niềm tin, các tôn giáo, các khuynh hướng chính trị.
Có một anh tài năng trác tuyệt, giữa thủ đô Pari tráng lệ, khi đọc luận cương lê nin "vấn đề các thuộc địa", anh mừng rỡ reo lên "Hạnh phúc là đây cơm áo đây rồi"
Đó là niềm tin chân thành của anh, vì, cũng như chọn món ăn, luận cương đó hợp với cấu trúc tinh thần có sẵn của anh, cùng với môi trường văn hóa mà anh trưởng thành. Rất nhiều người đồng ý với anh, nhưng không phải tất cả.
Có thể, cũng thời điểm đó, nhiều người khác họ cũng đọc bản luận cương này, và họ… ném mẹ đi. Việc ấy là bình thường.
Bởi vậy, J.G. Fichte, triết gia vĩ đại của trào lưu duy tâm Đức – anh ấy là bạn tôi – đã từng nói câu nổi tiếng " Không có lý thuyết nào đánh đổ được lý thuyết nào, việc bạn chọn lý thuyết nào tùy thuộc bạn là người thế nào"
Nói cách khác, chọn lý thuyết cũng là chọn chính mình mà thôi!
3 – Vô thường và thường hằng.
Khi bạn phải chia tay một mối tình, bạn quá đau khổ, bạn tìm đến với lý thuyết "nhân duyên" của nhà phật. Lý thuyết ấy an ủi bạn rất tốt. Nó giúp bạn tin rằng, mọi thứ đều vô thường, và bạn với người ấy đến với nhau là do chữ "duyên", nhưng bản thân "duyên" cũng vô thường, khi hết duyên, bạn níu cũng chẳng được. Cứ chấp nhận để nó ra đi, duyên mới ắt sẽ đến.
Bạn tin lý thuyết trên là chân lý, vì nó hợp với cấu trúc tinh thần của bạn, hợp với môi trường văn hóa của bạn. Nhưng có chắc chắn đó là chân lý không?
Những người khác được tự nhiên cài đặt một cấu trúc tinh thần khác bạn, họ lại sống trong môi trường văn hóa khác bạn, họ không tin vào lý thuyết của bạn.
Và họ nỗ lực, bằng mọi giá, bằng mọi cách họ níu kéo, họ giữ bằng được bởi trong thâm tâm họ, trong trái tim họ, có lời thì thầm mách bảo rằng, có những cơ hội, những giá trị, những con người…. khi để mất, ta sẽ không bao giờ có lại được nữa!
Giảng cho họ về chữ " duyên" hay " buông bỏ", họ sẽ vả vỡ mõm. Tương tự như việc bạn cố giảng cho người Hải phòng bánh đa cua, rằng phở Sáu Cao mới là ngon vậy!
Có người từ bỏ sân si, tìm hạnh phúc trong thanh thản.
Có người dứt khoát không từ bỏ gì hết, họ cố gắng nỗ lực cả đời, dù phải trả giá bằng những đau khổ, thất vọng và nuối tiếc.
Tất cả những người đó cùng tồn tại và họ làm nên vẻ đẹp, sự phong phú của cuộc sống. Nếu cuộc sống chỉ duy nhất một kiểu, một hình thức, một dáng vẻ.v.v. thì nó đơn điệu và chán vãi ra. Nó chẳng đáng sống tí nào.
Vậy nên, khi bạn tìm ra món ăn của mình, lý thuyết của mình, chủ nghĩa của mình, niềm tin của mình … thì hãy giữ nó cho mình. Cuộc đời bạn hay ho vì bạn đã lựa chọn thế giới của mình. Nếu có nhiều người chọn giống bạn, tốt quá, bạn sẽ có nhiều người đồng cảm để chia sẻ với nhau những khoái lạc đó.
Nhưng lời khuyên là, bạn đừng cố thuyết phục, thậm chí buộc người khác cũng lựa chọn như bạn. Điều này chỉ dẫn đến xung đột và thảm họa mà thôi.
4 – Rất nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến già, đến đầu bạc răng long, khi được hỏi về cuộc đời hạnh phúc của họ, họ bảo tôi rằng, chúng tôi hân hoan bên nhau, tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ, nhưng chúng tôi chịu đựng nhau để vượt qua những khoảnh khắc… chỉ muốn giết nhau.
Chúng tôi có được ngày này, vì chúng tôi không chấp nhận " tùy duyên" hay "buông bỏ"
P/S: Bài này là chuyện tào lao, nhưng cũng có kiến thức hàn lâm và sự trải nghiệm, các anh chị đọc thì chỉ nên ngẫm nghĩ thôi. Nó có thể đúng với vài người, và sai với vài người. Tôi không thuyết phục ai phải công nhận, nên đừng tranh luận, đặc biệt là tranh luận khiêu khích. Tôi nhét… à mà thôi, tháng mới thiện lành!
Nhân tiện, tôi là kẻ 9 đời vợ, nhưng tôi vẫn ghét sự " buông bỏ" hay " tùy duyên", tôi ghét chính mình vì đã không nỗ lực, hoặc nỗ lực chưa đủ, nên tôi luôn hâm mộ những hình ảnh như thế này.
Ảnh minh họa chôm trên mạng
No comments:
Post a Comment