Search This Blog

Friday, November 26, 2021

S&OP - CÓ CÔNG CỤ, SAO KHÔNG CHỊU XÀI?

S&OP - CÓ CÔNG CỤ, SAO KHÔNG CHỊU XÀI?

(Post lại, có thể nhiều người chưa đọc, hoặc đã đọc nhưng không nhớ. Tôi được biết món này không có trong các chương trình MBA!)

S&OP là Sales & Operations Planning, tạm dịch là "hoạch định sản xuất & bán hàng", là quá trình phối hợp giữa các bộ phận trong công ty, đặc biệt là các bộ phận marketing, bán hàng, sản xuất, tài chính-kế toán, cung ứng, kho vận… để hoạch định việc sản xuất kinh doanh sao cho nhịp nhàng, tránh tình trạng lúc thì thiếu hụt, lúc thì dư thừa hàng hóa, vật tư, nguyên liệu…. Một CEO chuyên nghiệp của một công ty sản xuất kinh doanh thường phải chủ trì những cuộc họp S&OP (S&OP Meeting) kéo dài, có khi một buổi, có khi mấy ngày trời để hợp nhất số liệu dự báo nhu cầu (demand forecast), dự báo bán hàng (sales forecast) trong mối tương quan với hàng tồn kho, năng lực sản xuất, năng lực cung ứng, tình hình tài chính, nhân sự…. 

Những cuộc họp này thường được tiến hành hàng tháng với sự tham dự của giám đốc các bộ phận liên quan như marketing, bán hàng, sản xuất, cung ứng, tài chính, hậu cần… nhằm mục đích đưa ra những kế hoạch bán hàng phù hợp với dự báo, với năng lực sản xuất, cung ứng, tài chính, nhân sự, các chương trình marketing…. Và những kế hoạch này thường là "rolling", tức "lăn" dài theo thời gian 12 tháng hoặc lâu hơn; trong đó, 2 hay 3 tháng đầu thường là cố định về số liệu, 9 - 10 tháng sau sẽ được cập nhật liên tục hàng tháng. Có khi một rolling sales plan (kế hoạch bán hàng cập nhật theo kiểu lăn dài) trải dài cho 24 tháng hoặc 36 tháng nhằm giúp cho việc hoạch định được xa hơn để chủ động hơn…

Doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các công ty, tập đoàn lớn ít khi sử dụng công cụ S&OP mà chỉ tập trung lập kế hoạch bán hàng hàng năm, mỗi năm một lần, để đưa ra các con số bán hàng cho từng tháng. Kế hoạch bán hàng hàng năm (mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam NHẦM LẪN gọi là kế hoạch kinh doanh), sau khi được duyệt, sẽ trở thành mục tiêu, chỉ tiêu, và là "ý chí của lãnh đạo", được dùng làm cơ sở để các bộ phận khác như sản xuất, vật tư, tài chính, nhân sự… triển khai công việc nhằm phục vụ cho kế hoạch này, bất chấp môi trường kinh doanh thay đổi và những con số đã trở thành lỗi thời chỉ sau một tháng. 

Cách thức lập "kế hoạch kinh doanh" kiểu như trên là rất phổ biến ở các doanh nghiệp Việt Nam và nó gây ra những bất cập, khó khăn, tổn thất cho doanh nghiệp rất nhiều. Những bất cập phổ biến nhất là hàng hóa, vật tư lúc thừa, lúc thiếu dẫn đến tiền bạc, nhân sự cũng lúc thiếu, lúc thừa. Lúc cần hàng thì nhà máy không sản xuất kịp để bán; lúc mức tiêu thụ thấp, thì hàng hóa dồn ứ, tồn kho cao, dẫn đến hàng hết hạn, hư hỏng, phải đổ bỏ…

S&OP là công cụ giúp khắc phục tình trạng này. S&OP đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó những lợi ích phổ biến nhất là đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, giao hàng đúng hạn, giảm mức tồn kho (cả thành phẩm lẫn nguyên liệu) đến mức tối thiểu, tối ưu hóa dòng tiền, tránh tổn thất do hàng hóa hết hạn, quá "đát", tối ưu hóa hệ số sử dụng máy móc, thiết bị, nhân công, tối ưu hóa việc sử dụng kho bãi, phương tiện vận chuyển, tăng chất lượng hàng hóa và giảm giá thành, tăng sự hài lòng của khách hàng…

Điều đáng tiếc là trên 90% doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết và chưa sử dụng công cụ này trong sản xuất, kinh doanh. Tại sao?

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...