BIẾNG ĂN DO LẠM DỤNG SỮA TƯƠI
Thỉnh thoảng có rất nhiều mẹ hỏi bác những câu như "con em 3 tháng bú 8 cử mỗi ngày có ít không?" hay "con em 18m biếng ăn quá bác" nhưng thực ra nhiều người hoàn toàn không biết tính toán rằng chế độ ăn hiện tại của con đã đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của con hay chưa!
Ví dụ cách đây vài ngày, mình tư vấn dinh dưỡng online cho bé gái 15 tháng nặng 12kg, mẹ nói bé uống 5 hộp sữa tươi 180ml mỗi ngày, ăn phômai, ăn sữa chua…rất tốt nhưng cơm thì ăn chỉ 1-2 muỗng cơm, ăn thêm là nhợn ói, còn lại không ăn. Vấn đề ở chỗ: nhu cầu năng lượng của trẻ khoảng 980-1000 kcal/ngày trong khi đó, 100ml sữa tươi bé uống chứa 80kcal. Vậy bé uống 900ml thì khoảng 720kcal, thêm các loại bánh ăn dặm khoảng 200-300kcal… tổng cộng 900-950 kcal thì chắc chắn sẽ không có cảm giác thèm ăn cơm. Thậm chí, mẹ này tới giờ vẫn lo sợ con nghẹn nên chỉ cho ăn cháo và tới giờ vẫn cháo (?!)
Bạn thấy điều gì trong câu chuyện này?
Thứ nhất, sau 12 tháng tuổi thì dù sữa mẹ, sữa công thức hay sữa tươi…thì tổng cộng không quá 500ml/ngày, thay vào đó, nguồn ăn lượng chính của trẻ sẽ từ chuyện ăn uống. Một số trẻ vừa bú khoẻ vừa ăn khoẻ thì không nói. Đứa bé này uống tới 900ml/ngày thì chắc chắn sẽ không thèm ăn, không hợp tác khi mẹ đút ăn. Đứa trẻ không thấy đói thì chắc chắn sẽ không cảm nhận được bữa ăn mẹ nó nấu ngon như thế nào thì làm sao nó hứng thú chuyện ăn uống. Chuyện ép bé sẽ càng khiến trẻ stress và áp lực rồi sinh ra sợ hãi và cứ đến bữa ăn sẽ tránh né. Người lớn uống 5 hộp sữa/ngày còn bỏ ăn chứ đừng nói đứa trẻ!
Thứ hai, từ 12 tháng tuổi thường thì trẻ con nên ngồi vào bàn ăn cùng người lớn, tập ăn những món thô để rèn luyện phản xạ cằm nắm, xử lý thức ăn thô, cũng như gắn kết cùng gia đình, không bị lan man vào thiết bị điện tử…nhưng trường hợp này chính vì tâm lý sợ không dám ăn thô nên hệ quả là giờ vẫn chưa ăn cơm được. Từ 6 tháng, nếu ăn theo chế độ Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) thì trẻ có thể cầm các món luộc, hấp…vừa lòng bàn tay và tập xử lý dần đồ ăn thô rồi, không phải tới 15 tháng mà không ăn cơm được như bé này. Rõ ràng, từ đầu cha mẹ phải hiểu rõ các mốc sinh lý của trẻ thì mới giúp con phát triển tốt được.
CÔNG THỨC TÍNH NĂNG LƯỢNG
Có nhiều công thức khác nhau nhưng sau đây mình xin lấy công thức ước lượng trong sách Harriet Lane vì nó đơn giản và dễ áp dụng (không phải công thức chính xác hoàn toàn)
- 0-2 tháng: 105 kcal/kg/ngày
- 3 tháng: 95kcal/kg/ngày
- 4 – 32 tháng: 85 kcal/kg/ngày
- Từ 3 tuổi thì 80kcal/kg/ngày
Ví dụ: Trẻ sơ sinh 2 tháng nặng 5kg bú mẹ hoàn toàn, cần 105*5kg=525kcal/ngày, trong khi đó, sữa mẹ khoảng 70kcal/100mL nên mỗi ngày bé bú dao động ~700ml/ngày. Nhiều mẹ cho bú trực tiếp sẽ không tính toán được thì cứ việc cho con bú mỗi 2-3 tiếng, khi con no con tự nhả vú và ngủ ngon, cân nặng con phát triển tốt theo đúng chuẩn sinh lý…thì có nghĩa con bú đủ.
Trẻ sơ sinh 2 tháng nặng 5kg cần 525kcal và ví dụ sữa công thức con đang uống chứa 100kcal/100ml sữa thì mỗi ngày bé uống 500-550ml, lúc đó, bố mẹ tự biết có đủ cho con hay không!
TỐC ĐỘ TĂNG CÂN
Một đứa trẻ khoẻ mạnh bú mẹ hoàn toàn thì sẽ tăng cân rất nhanh trong 3 tháng đầu, giảm dần 3 tháng sau và càng về sau tốc độ lên cân sẽ chậm lại.
- 0-3 tháng tuổi: tăng 30-40 gr/ngày, tương đương 0.9 – 1.2kg/tháng
- 3-6 tháng tuổi: tăng 18-25 gr/ngày, tương đương mỗi tháng tăng 0.5-0.7kg/tháng
- 6-12 tháng tuổi: tăng 0.2-0.3kg/tháng
- Sau 12 tháng bé tăng trung bình 1-2kg mỗi năm
Ví dụ như con 1 tháng tuổi đang bú mẹ mà mỗi tháng không tăng đạt 1kg thì hãy liên hệ bác sĩ Nhi để xem xét vấn đề ở đâu mà điều chỉnh!
Một đứa trẻ 12 tháng nặng 8.5-9.0kg là chuẩn lắm rồi, đừng ép nó phải nặng 11-12kg như những đứa khác vì tốc độ các bé khác nhau là khác nhau, miễn con mình vẫn trong chuẩn sinh lý thì cứ mặc kệ thiên hạ mà nuôi con.
Cuối cùng, chưa bao giờ lạm dụng một cái gì đó là tốt cả. Trẻ em hiện nay đang có hiện tượng lạm dụng sữa, lạm dụng thuốc hỗ trợ…quá nhiều, trong khi đó bố mẹ ít khi hướng tới việc phát triển cân nặng hay tâm sinh lý một cách tự nhiên và khoa học nhất.
Kết thúc buổi tư vấn, mình chỉ khuyên mẹ giảm sữa, chỉnh lại thực đơn nấu ăn cho con và kê đúng…một chai vitamin D3 xịt. Vậy thôi, nhưng sau 2 ngày cắt sữa dưới 500ml thì sức ăn đứa bé tăng rõ, từ ăn 1-2 thìa giờ ăn hết ½ chén cơm nát. Mẹ bé đồng ý chia sẻ câu chuyện của bé để các mẹ khác tránh sai lầm cho con. Nếu bố mẹ nào đang có con bị tình trạng tương tự, hy vọng bài viết này giúp ích được chút gì đó! Tự tính toán năng lượng và hành động cho con ngay bây giờ nhé
TÀI LIỆU THAM KHẢO
The Harriet Lane Handbook, 22nd Edition - April 22, 2020 - The Johns Hopkins Hospital, Keith Kleinman, Lauren McDaniel, Matthew Molloy
https://www.facebook.com/bacsiyeuconnit/posts/2092016177617669
No comments:
Post a Comment