Search This Blog

Thursday, April 14, 2022

Câu hỏi: Bộ phim nào dựa trên một câu chuyện có thật thậm chí còn đen tối hơn cả chính bộ phim đó?

Câu hỏi: Bộ phim nào dựa trên một câu chuyện có thật thậm chí còn đen tối hơn cả chính bộ phim đó?
Trả lời: Sean Kernan, một nhà văn tầm trung.
Nguồn: https://qr.ae/pvsy3n
___________________
  Đầu tiên, để bạn đọc dễ dàng phân biệt, mình xin phép giới thiệu cho các bạn về những nhân vật được đề cập trong bài viết dưới đây:
  Cô bé 11 tuổi Sally Horner (Sally) và tên Frank La Salle (Frank) chính là 2 nhân vật có thật trong một câu chuyện đầy ám ảnh xảy ra vào năm 1948.
  Dựa trên câu chuyện có thật đó, tác giả Vladimir Nabokov đã phác hoạ 2 nhân vật là cô bé Dolores Haze (Lolita) 12 tuổi và người đàn ông tên Humbert trong tác phẩm Lolita của mình.
____________________
  Trong một cuộc thăm dò ý kiến của 125 tác giả nổi tiếng, Lolita của Vladimir Nabokov đã được xếp hạng là cuốn sách hay nhất của thế kỉ 20.
  Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc khi xem xét mức độ đen tối của câu chuyện này: Cốt chuyện xoay quanh nỗi ám ảnh của một người đàn ông với một cô bé 12 tuổi, Dolores Haze (hay còn gọi là Lolita), người mà ông ta đã có một mối quan hệ tình dục (ấu dâm). Ông ta đi khắp đất nước cùng với cô bé và họ sống cùng nhau trong suốt nhiều năm.
  Câu chuyện này đã là nguồn cảm hứng tạo nên hai bộ phim, cả hai tuy đều được đánh giá cao nhưng cũng gây nên không ít những tranh cãi.
  Câu chuyện được kể qua cái nhìn của thủ phạm, Humbert. Trong phê bình văn học, ông ta được gọi là "người dẫn chuyện không đáng tin cậy", có nghĩa là bạn nhìn thế giới thông qua con mắt chủ quan của một người hay một quan điểm đầy tính thiên vị.
  Ví dụ, Humbert mô tả Lolita chính là kẻ cám dỗ, là người tán tỉnh và yêu cầu hắn ta quan hệ tình dục với mình. Thế nhưng vài tháng trước đó, hắn đã giữ một cuốn nhật ký riêng tư, kể chi tiết việc hắn ta khao khát sự đụng chạm thể xác của cô bé như thế nào. Hắn thậm chí còn kết hôn với chính mẹ của Lolita chỉ để tiếp cận cô bé.
  Điều đáng chú ý về Lolita đó là sự dung tục đáng kinh ngạc và lối văn đầy gợi cảm được tuôn ra từ một nhân vật hoàn toàn không có chút thiện cảm nào.
  Tôi khinh thường Humbert. Tuy nhiên, tôi không thể ngừng đọc.
NGUỒN GỐC MÉO MÓ CỦA CÂU CHUYỆN NÀY
  Rất ít người nhận ra rằng có một trường hợp thực tế thậm chí còn đáng lo ngại hơn, đó chính là nguồn cảm hứng cho cuốn sách:
  Đó là câu chuyện của cô bé 11 tuổi, Sally Horner, người đã bước vào một cửa hàng tiện lợi ở Camden New Jersey vào năm 1948. Cô bé là một đứa trẻ tuyệt vời và là một người tuân theo quy tắc với những con điểm số tốt. Thế nhưng, cô bé đã dám ăn cắp một cuốn sổ tay vì một nhóm các cô gái mà cô hy vọng rằng mình sẽ được tham gia vào.
  Thật xui xẻo, một kẻ hiếp dâm bị kết án 50 năm tù, Frank La Salle, đã ở trong cửa hàng ngày hôm đó. Frank đã nắm lấy cánh tay của cô bé khi cô bé đang cố gắng bỏ chạy.
   Hắn ta nói rằng hắn chính là một thành viên của tổ chức FBI và được yêu cầu gửi cô đến trại cải tạo. Sally bắt đầu khóc và hoảng loạn. Gia đình của cô không khá giả và những rắc rối pháp lý sẽ huỷ hoại họ. Cô bé sợ rằng mình sẽ bị bỏ rơi.
   Frank đã làm dịu cô bé bằng một thoả thuận, nói rằng hắn ta sẽ không làm điều đó miễn là cô sẽ chịu làm theo những gì mà hắn yêu cầu trong tương lai.
  Vài tháng sau, Frank chặn Sally trên đường từ trường về nhà. Hắn ta bảo cô bé rằng chính phủ đã muốn hắn đưa cô bé đến thành phố Atlantic và cô sẽ được chăm sóc ngay khi ở đó.
  Frank đã nhờ Sally nói với mẹ cô bé rằng cô đang đi du lịch đến thành phố Atlantic với bạn bè. Khi đến đón, hắn bắt cô bé phải nói dối với mẹ mình rằng hắn chính là cha của bạn cô.
   Đêm hôm đó, Frank đã ép bé gái 11 tuổi quan hệ tình dục với mình. Và chẳng mấy chốc, họ đã sống cùng nhau và du lịch khắp đất nước. Tiếp đó, hắn ta thậm chí còn đăng ký cho cô bé vào học một trường tiểu học ở Texas trước khi họ chuyển đến California. Ở nơi công cộng, cô bé đã đóng giả làm con gái của hắn ta nhưng khi ở nơi riêng tư chỉ có hai người, Sally lại quay về trở thành bạn tình của hắn.
   Những người hàng xóm đã không hề mảy may bất cứ điều gì đáng ngờ về mối quan hệ giữa tên đàn ông kia và cô bé (Frank và Sally). Frank nói với họ rằng vợ của hắn đã qua đời trong một vụ tai nạn. Nhưng một người hàng xóm là Ruth đã cảm thấy kỳ lạ và có điều gì đó không ổn về hai người.  
   Nhiều lần, Ruth đã cố gắng để Sally mở lòng nhưng không thể moi được bất cứ điều gì từ cô bé. Cuối cùng, Sally đã nói với cô rằng cô bé đã bị bắt cóc khỏi gia đình. Trong cơn hoảng loạn, Ruth đã gọi cho FBI, hét vào điện thoại về những gì mà cô đã phát hiện ra.
   Frank đã bị bắt và bị kết án 35 năm tù. Sau hai năm kể từ khi cô bé bị bắt cóc, Sally được đưa về với mẹ của mình và được đăng ký để đi học trở lại.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CUỐN SÁCH TÌM THẤY SỰ KẾT NỐI CỦA NÓ?
  Khi câu chuyện này nổ ra và toàn những tin tức đưa tin.
  Tình cờ, Vladimir Nabokov đang phải vật lộn để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng về một mối quan hệ không phù hợp giữa một người đàn ông trung niên với một cô gái trẻ. Ông đã đọc mọi bài báo về trường hợp của Sally và nó đã trở thành xương sống của cuốn tiểu thuyết Lolita mà ông viết.
  Cả hai câu chuyện của Lolita và Sally Horner đều bắt đầu trong cùng một năm. Cả Horner và Lolita đều sống với những bà mẹ đơn thân. Trường hợp của Sally Horner thậm chí còn được đề cập trong phiên bản sách của Lolita nhưng không một ai nhận thấy mối liên hệ này.
  Trong chương 33, Humbert bắt đầu đặt câu hỏi về chính hành vi của mình và nói: "Có lẽ tôi đã làm gì với Dolly, những gì mà Frank Lasalle, một thợ cơ khí 50 tuổi, đã làm với cô bé Sally Horner 11 tuổi vào năm 1948?"
  Frank giả vờ như vợ của hắn đã chết trong một vụ tai nạn. Và vợ của Humbert thực sự đã chết trong một vụ tai nạn (mặc dù Humbert có thể liên quan đến vụ tai nạn ấy - cô ấy đã gặp tai nạn ngay sau khi phát hiện ra cuốn nhật ký của Humbert về Lolita và cãi nhau với hắn ta về nó.)
  Cả hai đều đi du lịch khắp đất nước với "nô lệ" của họ, những người giả vờ là con gái của họ. Cả hai người đàn ông đã vì chính mối quan hệ kia mà huỷ hoại đi cuộc sống của mình và rồi cả hai đều chết trong tù (Humbert đã bị bỏ tù vì giết chết người đàn ông đã đánh cắp Lolita từ tay hắn ta).
  Nakobov thậm chí còn có một ghi chú cũ từ kho lưu trữ của mình: "nô lệ xuyên quốc gia", "người trung niên vi phạm đạo đức", "bị thẩm phán tuyên án gọi là 'kẻ đạo đức cùi".
SỰ THẬT ĐÁNG BUỒN TRONG CÂU CHUYỆN CỦA SALLY
  Một điều vô cùng bi thảm: Nabokov đã lưu ý Sally là nạn nhân xấu hổ như thế nào, vì phụ nữ và các bé gái thường là nạn nhân trong các vụ hãm hiếp. Một số đài phát thanh đã xoay quanh câu chuyện lố bịch này "Chà, nếu cô bé không ăn cắp cuốn sổ tay thì bla bla bla".
  Tôi nghi ngờ Nabokov đã ngoại suy (suy diễn trên giả thuyết) sự ám chỉ đó vào Lolita. Cô bé được miêu tả là một nhân vật lẳng lơ và có tính cách nổi loạn, đây dường như là điều đã quyến rũ Humbert và dẫn dắt hắn ta, thách thức hắn đưa cô ra khỏi sự kiểm soát của mẹ mình.
  Tuy nhiên, đây là điều mà nhiều nhà phê bình nghĩ rằng cuốn sách này là sáng giá: sự thật đang bị bóp méo. Liệu cô bé có thực sự cầu xin lấy sự thân mật không? Hay một lần nữa  đây chính là tâm lý hiếp dâm của tên thủ phạm? Liệu Humbert có đang phóng chiếu hình ảnh của cô bé thông qua sự đồi truỵ của chính mình?
  Hắn ta biện minh cho sự ham muốn của mình với các cô gái trẻ rằng đó là vì một trải nghiệm ban đầu của mình. Nó là một tình yêu đích thực của hắn, một đứa trẻ 13 tuổi, đã chết vì sốt phát ban, để lại hắn ta gắn bó với các cô gái vị thành niên, những người mà hắn gọi là "nữ thần".
  Hai năm sau, Lolita viết thư về cho Humbert, nhưng chỉ vì cô đang mang thai và cần tiền. Humbert cầu xin cô ở lại với hắn ta nhưng cô đã lặng lẽ từ chối. Hắn đưa tiền cho cô và rồi cô ấy lại rời đi – chỉ để chết sau khi sinh con.
  Trong khi đó, Sally Horner lại là nạn nhân nhiều lần. Đầu tiên là bởi kẻ đã bắt cóc cô, và sau đó là cả xã hội. Và giống như Lolita, cô bé chết trẻ trong một vụ tai nạn xe hơi ở tuổi 15.
  Lolita của Nabokov đã tiếp tục truyền thống lâu đời của nền văn học đó là đưa độc giả đến những nơi tối tăm và buộc họ phải suy nghĩ về các chủ đề phức tạp.
  Cuốn sách chắc chắn không dành cho tất cả mọi người. Nhưng khi bạn đọc kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng Lolita chưa bao giờ yêu Humbert giống như cái cách mà hắn ta nói. Nếu không, cô sẽ không khóc sau khi quan hệ tình dục cùng với hắn hoặc buộc tội hắn ta sau này.
  Theo nhiều cách, Lolita là một bài học về việc nhận ra hành vi lạm dụng và ấu dâm. Những kẻ phạm tội thường được che đậy bởi một lớp vỏ bọc hoàn hảo. Những kẻ ấu dâm không chỉ tạo ra những câu chuyện phức tạp để bảo vệ bản thân, họ còn làm điều đó để biện minh cho hành vi của mình.
  Đáng buồn thay, không giống như Lolita, trường hợp của Sally Horner là phi hư cấu và quá phổ biến.
  Các cô gái trẻ bị bắt cóc và trở thành nạn nhân của những người đàn ông lớn tuổi, chuyện này xảy ra liên tục. Mọi người không bao giờ bận tâm về việc đặt những câu hỏi đúng và hợp lý. Những cô gái được trốn thoát thì thường lại chẳng có ai tin họ. Và nhiều người được tin tưởng thì vẫn bị đổ lỗi.
  Có lẽ thật tốt khi một Nabokov đã lấy cảm hứng từ thực tế. Sự thật vốn mang một sức mạnh biên tập cơ bản, sự thật được đưa vào câu chuyện sẽ dùng chính sức mạnh của mình để khiến câu chuyện càng trở nên thực tế và thu hút. Và nó buộc mọi người phải suy nghĩ về những điều xấu xa mà con người ta luôn muốn che dấu (SWEEP UNDER THE RUG).

QUẢN LÝ, DOANH NHÂN NÊN ĐỌC! LÃNG PHÍ VÌ KHÔNG HIỂU CHI PHÍ CƠ HỘI

QUẢN LÝ,  DOANH NHÂN NÊN ĐỌC! LÃNG PHÍ VÌ KHÔNG HIỂU CHI PHÍ CƠ HỘI
Tôi đã viết nhiều bài về chi phí chìm (sunk cost) trong Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt, và cũng có bài "Đừng chết chìm vì chi phí chìm!". Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc để đừng bị... chìm theo các loại chi phí chìm có vô vàn trong kinh doanh và trong cuộc sống hàng ngày. Bài này tôi sẽ viết về chi phí cơ hội (opportunity cost) và sẽ nhấn mạnh chi phí cơ hội của các chủ doanh nghiệp.
Chi phí cơ hội được hiểu nôm na là lợi ích bị bỏ lỡ khi chọn làm việc này mà không làm việc kia, hay chọn phương án này mà không chọn phương án khác. Ví dụ, bạn chọn nghỉ 3 ngày làm việc với mức thu nhập 1 triệu đồng/ngày để đi chơi thì chi phí cơ hội cho cuộc đi chơi đó là 3 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như bị mất điểm "chuyên cần", dẫn đến mất thưởng "chuyên cần" và mất cơ hội được đề bạt...
Nhiều chủ doanh nghiệp bị thiệt hại vì chi phí cơ hội mà không biết. Cùng là thời gian và công sức, lẽ ra họ dành cho những việc lớn để sinh ra lợi ích lớn thì họ lại dành cho những việc vụn vặt để tạo ra lợi ích rất nhỏ, thậm chí còn gây thiệt hại so với để cho người khác làm. Ví dụ, thay vì dành thời gian vào tìm hiểu, đánh giá, nhận định thị trường, ngành hàng, đối thủ, cơ hội, rủi ro, xu hướng mới... để tìm kiếm cơ hội làm ăn hoặc vạch ra những định hướng lớn, tạo giá trị lớn cho công ty, họ lại sa đà vào xử lý sự vụ, chỉ đạo mọi chuyện "thượng vàng hạ cám", và ký duyệt lặt vặt, cả về công việc lẫn chi phí, và tham gia quá sâu vào những việc nhỏ nhặt mà họ không có chuyên môn, không am hiểu bằng nhân viên cấp dưới. Những việc lặt vặt đó chẳng những không tạo giá trị dương đáng kể mà đôi khi, còn tạo giá trị âm vì không phải sở trường của chủ doanh nghiệp. Nếu lấy lợi ích từ những việc lớn mà lẽ ra chủ doanh nghiệp nên làm (nhưng đã không làm) trừ đi lợi ích quá nhỏ (hoặc lợi ích âm) từ những việc nhỏ mà chủ doanh nghiệp say mê làm mỗi ngày, sẽ thấy chủ doanh nghiệp thiệt hại rất lớn, và rất lãng phí! Hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp Việt.
Ngay cả việc chọn thầy để học và kiến thức để tiếp nhận cũng vậy. Thay vì chọn đúng thầy, đúng kiến thức để tiếp thu và đem về GIÁ TRỊ DƯƠNG cho doanh nghiệp thì lại chọn nhầm thầy, tiếp thu nhầm kiến thức rồi đem về GIÁ TRỊ ÂM là những thiệt hại do chọn sai đường và đi sai cách.
* Để cho dễ hiểu, khi bạn chọn cưới vợ sớm một năm, bạn mất cơ hội được tự do thêm một năm! Chi phí cơ hội cho việc ĐƯỢC vợ sớm hơn một năm chính là một năm MẤT tự do của bạn!

Wednesday, April 13, 2022

HIỂU CHIẾN LƯỢC THEO CÁCH "HAI LÚA"

HIỂU CHIẾN LƯỢC THEO CÁCH "HAI LÚA"
(Bài từ 7 năm trước, có thể nhiều thành viên Group chưa đọc)
Bạn bị lạc trong rừng và muốn thoát ra. Nếu bạn cứ thấy chỗ nào trống thì đi, chỗ nào tiện thì bước, có khi bạn sẽ đi sâu thêm vào rừng hoặc tiến gần về phía vực thẳm.
Trước khi bắt đầu đi, bạn phải xem lại thực lực của mình (sức mình còn không, lương thực, nước uống dự trữ được bao lâu, đôi giầy đang mang có chắc chắn, con dao bên mình có chặt được cành cây, bạn bị lạc một mình hay đi cùng với ai, cơ thể mình mạnh, yếu chỗ nào, có đau chân, đau tay, trẹo lưng...).
Kế đến, bạn phải biết xung quanh bạn có gì, đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn (núi cao, vực sâu, sông, suối, tuyết rơi, bão dữ, mưa gió hay nắng ráo, khu vực cây cối um tùm hay hay quang đãng, có hay không dấu vết thú dữ...).
Sau đó, bạn phải xác định phương hướng (Bắc, Nam, Đông, Tây...) bằng la bàn, nhìn mặt trời, các vì sao, leo lên cây cao... để quyết định sẽ đi đâu, về đâu (dựa vào thực lực, mong muốn của mình và những gì bạn biết được chung quanh).
Cuối cùng, bạn vạch con đường cụ thể (ra giấy, hoặc nếu không có giấy hay thứ gì đó để viết thì đành phải tưởng tượng), và tìm cách để đi (đi bộ, chạy bộ, bơi qua sông, trèo qua núi, cõng nhau...).
Tất cả những việc bạn làm để thoát ra khỏi cánh rừng và đến được một điểm đến nào đó theo các bước nêu trên chính là "làm" chiến lược. Chiến lược của một doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, chí ít cũng phải đi qua các bước như vậy, không nên bỏ sót bước nào. Nếu bạn không muốn đưa doanh nghiệp của bạn đi sâu vào rừng, hãy thực hiện các bước tương tự!
Để hiểu về chiến lược cũng không khó lắm, phải không?



Tuesday, April 12, 2022

Trải nghiệm khách hàng (CX) hay trải nghiệm nhân viên (EX)?

Trải nghiệm khách hàng (CX) hay trải nghiệm nhân viên (EX)?
Trong cộng đồng trải nghiệm khách hàng, có bạn hỏi ý kiến của tôi về quan điểm cho rằng EX=CX, tức là, có phải chúng ta tạo ra trải nghiệm nhân viên tốt thì sẽ có trải nghiệm khách hàng tốt? Và chúng ta không thể có trải nghiệm khách hàng tốt nếu trải nghiệm nhân viên không tốt?
Không hoàn toàn đúng!
Đầu tiên phải khẳng định, để xây dựng một doanh nghiệp có trải nghiệm khách hàng xuất sắc, nhân viên là một yếu tố sống còn, vì họ là người truyền tải trải nghiệm.
Nhưng điểm mấu chốt là gắn kết nhân viên (Employee Engagement - EE) chứ không phải trải nghiệm nhân viên một cách chung chung. Một số nhân viên có vẻ rất vui vẻ và hài lòng, thích thú chỗ làm việc vì có đội nhóm cùng sở thích, 9 giờ đến 5 giờ về phù hợp lịch đón đưa con, ngoài giờ không cần quan tâm việc, thu nhập tốt, vui. Song họ không hiểu công ty mình đang mang sứ mệnh gì, mục tiêu và định hướng ra sao, và việc của họ liên quan như thế nào. Một nhân viên vui vẻ và hài lòng tức có trải nghiệm nhân viên tốt nhưng không rõ, không đóng góp, không hào hứng hay không cam kết vào mục tiêu chung hướng đến khách hàng, thì không thể tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt được. Thái độ tốt dù là nguyên liệu chính của trải nghiệm khách hàng xuất sắc thì vẫn không phải tất cả. Ngoài thái độ, để tạo nên trải nghiệm hách hàng tốt cần quy trình, sản phẩm và hệ thống truyền tải trải nghiệm phù hợp với khách hàng. Còn nữa hệ thống quy trình đó lại có đồng thuận, đồng hướng, và hướng tới khách hàng không. Trong chương trình của tôi, đây gọi là hệ sinh thái CX. Gồm có con người, hệ thống, sản phẩm và quy trình đối ứng với hành trình khách hàng. Và vì vậy để có trải nghiệm khách hàng xuất sắc, gắn kết nhân sự quanh mục tiêu CX là yếu tố bắt buộc phải triển khai trong hệ sinh thái đó.
Câu hỏi tiếp theo, có bắt buộc phải có trải nghiệm nhân viên xuất sắc mới có trải nghiệm khách hàng xuất sắc không?
Amazon là trường hợp điển hình của việc tạo nên trải nghiệm khách hàng xuất sắc, nhưng trải nghiệm nhân viên khá xoàng. Steve Jobs không làm cho những người làm việc cùng ông vui vẻ và hài lòng nhưng ông là người làm cho họ gắn kết quanh một tầm nhìn chung trong việc tạo nên một sản phẩm và dịch vụ có trải nghiệm tuyệt vời.
Do đó, theo kinh nghiệm của tôi, bạn phải thực sự nhìn vào mô hình, đặc điểm công ty và khách hàng của bạn thì mới biết bắt đầu từ đâu và làm gì trước. Trải nghiệm nhân viên tốt thì trải nghiệm khách hàng tốt, sẽ khá đúng với những công ty mà tiếp xúc con người nhiều, như ngành dịch vụ, bán lẻ…  vì khi đó thái độ đóng vai trò tiên quyết, kiểu như bạn vui thì mới mang được niềm vui cho người khác. Nhưng ở nhiều mô hình và ngành nghề, việc tiếp xúc trực tiếp ít hơn thì lại khác. Do đó, nếu nói tổng quát thì mấu chốt vẫn là gắn kết. Hoặc CX = EX nói chơi chơi thì cũng được.
Một câu hỏi tôi cũng hay nhận được, làm EX trước hay CX trước?
Điều này thì tùy mục tiêu và bối cảnh. Nhưng nếu bạn muốn CX tốt mà đi làm EX là không đủ. Sai lầm này đến từ việc tư duy nhân - quả, tức tư duy EX là nhân và CX là quả, nên nhân phải có trước, vậy phải làm EX trước. Nhưng nếu bạn không biết bạn sẽ làm gì với khách hàng thì bạn sẽ gắn kết nhân viên của bạn quanh mục tiêu gì?
Amazon sẽ gắt kết nhân viên của mình quanh việc tạo nên thuận tiện cho khách hàng, Southwest Airline ghi nhận nhân viên mang lại trải nghiệm nhân văn…  Họ biết phải làm gì với khách hàng thì mới biết tuyển nhân viên như thế nào, đào tạo họ cái gì, ghi nhận họ cái gì… rất nhiều quyết định liên quan đến nhân viên thì bạn phải trả lời được khi có một la bàn CX rõ ràng, nếu đó là mục tiêu bạn hướng đến.
Do vậy, nếu muốn xác lập công thức, thì phải là CX + EX (EE) chứ không phải EX = CX.

Nguyễn Dương 

TƯỚNG CHINH PHẠT VÀ TƯỚNG GIỮ THÀNH

TƯỚNG CHINH PHẠT VÀ TƯỚNG GIỮ THÀNH
Môi trường nghề sales vốn ưa và tạo ra những cá tính mạnh. Do vậy sales manager thường được coi là võ tướng so với tương quan các vị trí quản lý khác trong cùng một công ty.
Một lần, một vị Tổng Giám đốc một công ty hỏi tôi xem đánh giá ra sao về anh X, hiện giờ đang làm Giám đốc quản lý vùng. Tôi đánh giá anh X đó là tướng giữ thành chứ không phải tướng đi chinh phạt và khuyên vị đó nên sớm tìm thêm một người khác hung hăng hơn, mạnh mẽ hơn và dám liều để hỗ trợ cho anh X.
Về bản chất, tướng giữ thành thì nhiệm vụ đơn giản nhưng phải được vạch rõ và cụ thể. Chức năng chính của họ là giữ cho an toàn những gì công ty đã có, và nếu có thể làm bền gốc rễ để có tiền đề chắc chắn hơn nữa. Không nên hy vọng họ sẽ mang lại chiến thắng ngoạn mục, vì có đánh nhau với ai đâu mà họ phải có chiến thắng đó? Chỉ mong sao cho họ giữ vững và phát triển doanh số chút một là may mắn lắm rồi.
Đặc trưng của mẫu người này thường là tính cẩn thận, cân nhắc kỹ lợi hại trước khi ra quyết định. Có làm thì cũng làm từng tí một, không muốn ra khỏi vòng an toàn của mình và của công ty quá xa. Sự ổn định, đều đặn là đặc tính nổi bật của họ. Từ khóa rõ nhất của họ là "nguyên tắc, quy trình".
Tướng chinh phạt thì do sức ép từ phía sau, do môi trường khắc nghiệt, một là sống, hai là chết, nên họ bản chất mạnh mẽ, muốn mục tiêu có nhiều thách thức và vào việc nhiệt tình không phải chỉ hướng gì nhiều. Họ sẵn sàng đặt cược cả tên tuổi và quyền lợi của mình để hướng tới các mục tiêu xa hơn ở phía trước. Từ khóa mà họ hay dùng là stretching – vượt ngưỡng!
Đặc tính chung của kiểu tướng này là cảm hứng mạnh, sáng tạo, luôn có sự ganh đua, sẵn sàng đối mặt khó khăn để vượt qua. Cùng với tính tình dữ dội như vậy, họ có tự trọng khá cao, nên đôi khi sẽ thành quá khích và sẵn sàng "hất đổ" hết mọi thứ đang hiện hữu nếu thấy mình bị coi thường.
Cá biệt, có trường hợp, họ sẵn sàng đứng ra hô hào đội ngũ của họ "làm phản" ông chủ mà họ thấy rằng cư xử với họ bất công. Có thể nói không ngoa, họ là dạng ngựa chiến "có tài và có tật". Phải biết cách và đủ mạnh tay thì mới có thể quản chế và hướng họ đi đúng hướng.
Dù là trường hợp nào, họ phải có minh chủ là người:
Làm cho họ nể phục cả về mặt cá tính lẫn tư tưởng.
Hiểu rõ cá tính của họ, tôn trọng họ và thể hiện điều đó thường xuyên
Biết đặt mục tiêu phù hợp dẫn dắt
Tạo môi trường phù hợp tối thiểu để họ có thể thể hiện bản lĩnh phù hợp với tính cách của mình
Nếu không thỏa mãn các điều kiện đó, thì cả hai đều sẽ thua!
Đỗ Xuân Tùng

CON NGƯỜI và TINH THẦN

CON NGƯỜI và TINH THẦN 1 –  " Nếu có một gã trọc phú hàng to súng lớn, có thể mua biệt thự alibaba cho em ở, xe lếch xù cho em đi, nạp ...