Search This Blog

Sunday, October 22, 2023

Bàn về Tập khí công - Châu Hồng Lĩnh

Có ông cháu không quen trên mạng hỏi hai câu chắc nhiều người  mới tìm hiểu, muốn đi tập khí công cũng sẽ hỏi, nên em giải đáp ở đây luôn:
1. Bài tập 6 hơi thở của khí công Vĩnh Xuân có nhẹ quá không?
2. Tập bài tập 6 hơi thở này kèm theo các phương pháp tập khí công khác thì có ảnh hưởng gì không?
=====
Trả lời:
Khi nói về tập khí công (氣功), phải hiểu rằng chữ Khí (氣) ở đây là năng lượng, không phải là Không khí (空氣). Tập khí công là tập để cơ chế sinh ra và sử dụng năng lượng trong người mình hoạt động một cách tối ưu. Điều đó có nghĩa là tập cả Tinh thần và Thể xác để nâng cao khả năng sản xuất, tích lũy và sử dụng năng lượng của một người.
Tập khí công Không Phải là Tập thở. Tập thở chỉ là bước đầu tiên để tập khí công.
1. Bài tập 6 hơi thở của khí công Vĩnh Xuân có nhẹ quá không?
Đối với người trung bình, có sức khoẻ trung bình, thì đây là bài tập rất nặng rồi. Đây không phải là tập cho cơ bắp mệt mỏi như đá bóng, chạy hay bơi như thể thao, mà là tập nội tạng.
Con  người bình thường, đa số không có khả năng cảm nhận được nội tạng của mình, nên không biết nội tạng có mệt hay không, trừ khi nó đã bị đau và phát bệnh nặng, như lao phổi, nhồi máu cơ tim, loét dạ dày, viêm gan ...etc...
Vì thế, khi tập mà không cảm giác thấy nội tạng mình mệt, không có nghĩa là bài tập không nặng, và nội tạng mình không mệt.
Phải tập cho đến lúc mình cảm thấy được nội tạng, ít nhất là tim, phổi, gan, dạ dày, thận của mình như mình cảm thấy ngón tay, ngón chân thì mới biết là mình tập có mệt hay không.
Nếu tập quá mức, đến lúc hỏng nội tạng rồi mới cảm thấy đau thì đã quá muộn.
Người có bệnh mà tập bài sáu hơi thở này nhiều hơn hai lần một ngày là chắc chắn bị hỏng nội tạng. Trong thực tế, tôi đã biết trực tiếp một số khá nhiều người như thế rồi.
An toàn nhất là chỉ tập một lần một ngày, cho đến khi nào mình cảm nhận được nội tạng như mình cảm nhận ngón chân, ngón tay thì thôi.
Tuy nhiên, có những người bẩm sinh có nội tạng khoẻ mạnh, thì có thể tập nhiều. Đây là nói về nội tạng rất khoẻ. Còn thế nào là rất khoẻ, thì cứ tập nhiều mà không hỏng nội tạng là khoẻ, nhá.
2. Tập bài tập 6 hơi thở này kèm theo các phương pháp tập khí công khác thì có ảnh hưởng gì không?
Như đã nói ở trên, tập khí công là tập nội tạng. Tập bài 6 hơi thở này mà nội tạng chưa mệt, thì tập các môn khác cũng không sao. Còn chẳng may mà mệt rồi, tập thêm thì chết toi.
Làm thế nào để biết là nội tạng mệt hay chưa? Thế thì phải tập cho đến lúc mình cảm thấy được nội tạng, ít nhất là tim, phổi, gan, dạ dày, thận của mình như mình cảm thấy ngón tay, ngón chân.
Vì thế, tập khí công, nếu không chắc chắn thì không nên tham, chọn một bài nào mình thích mà tập trước cái đã. Lỡ có thích sai thì ít nhất là cũng chết vì đam mê chứ không chết vì tham, thế là tốt rồi.
Một cách khác để biết nội tạng có mệt không là phải thường xuyên đo nhịp tim, huyết áp, lượng bạch cầu, hồng cầu, huyết tương trong máu, hàm lượng oxygen trong máu, các chỉ số hoá học, pH của máu sau mỗi hai hoặc ba ngày tập. Đây là lối tập của ông Diêu Vĩnh Niên, một người Tàu tốt nghiệp ngành Tây Y tại Nhật, đệ tử nội đồ của sư tổ Ý quyền Vương Hương Trai.
Nhưng đây chỉ là đo gián tiếp, vì nhiều khi nội tạng mệt, nó vẫn có thể sinh ra chỉ số tốt trong một thời gian nhất định, cho đến khi hỏng hẳn.
Đại khái thời buổi bây giờ, ai tập cái gì thấy vui thì tập thôi, chứ thông thường ra, trẻ con đi học mẫu giáo lên lớp một, thì thường là học xong lớp một bằng một thứ tiếng nào đó, ví dụ tiếng Việt, rồi mới học tiếp lên lớp hai. Chứ đếch ai đi học lớp một ba hôm bằng tiếng Việt, đi học lớp một ba hôm bằng tiếng Anh, đi học lớp một ba hôm bằng tiếng Pháp, học ít lâu rồi không biết đọc biết viết gì thì đổ cho thầy không biết dạy. Có cả thầy không biết dạy, nhưng cứ học lộn xộn rồi không biết đọc thì lỗi là tại học trò.
Tất nhiên là có cả học trò thiên tài, học ba hôm một thứ tiếng, xong biết nói cả bốn, năm thứ tiếng, làm toán lớp một bằng bốn năm thứ tiếng. Nhưng như thế thì mình phải biết mình có phải là thiên tài không cái đã, chứ học lung tung thì ngu mẹ người.
Kết luận:
- Tập khí công không nên chủ quan nhận xét nặng, nhẹ khi mình chưa tập cái bài đấy và chưa có thành tựu gì. Bây giờ có người đi hỏi tôi bài khác tôi chưa tập bao giờ xem nặng hay nhẹ, thì tôi cũng không dám nói bừa.
- Tập khí công thì quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Lúc mới tập, phải chọn một bài mình tin rồi tập một thời gian lâu lâu, không ra kết quả gì thì hãy tập bài khác. Tất nhiên là lúc đầu mà chọn bài thì mình biết đếch gì, nên cũng như chọn xổ số thôi. Lúc đầu tôi cũng thế thôi, cũng như chơi xổ số. Ai may thì học được bài tốt. Còn đa số thì học phải bài phò.
- Mai mốt lên cao rồi, nhận biết được nội tạng của mình như mình nhận biết ngón chân, ngón tay, biết lúc nào nội tạng mệt, nội tạng khoẻ, thì tha hồ chọn bài tập lung tung cho phù hợp nhất với mình.
- Tóm lại là ai thích làm cái gì thì làm cái nấy thôi. Thân thể là của riêng mỗi người, tập tốt thì được cho mình, mà tập sai thì hại cho mình. Chỉ có mình tự biết, chứ người khác không biết thân thể mình thế nào, nếu không quan sát trực tiếp mình thì dạy mình thế nào được, bất kể là có người kia có giỏi thế nào.
=====


No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...