Search This Blog

Monday, October 5, 2020

Bản thể và nhận thức

Bản thể và nhận thức
    1. Trong bài nói chuyện hôm qua tôi có luận điểm sau: suy tư triết học và sáng tạo công nghệ có mối tương quan. Điều này trước hết thể hiện bằng thống kê.
    2. Để lý giải và định hình mối tương quan này, tôi bắt đầu phân tích hai vấn đề lớn của Triết học là Nhận thức và Bản thể.
    3. Nhận thức là việc phóng chiếu thế giới vào hệ thống khái niệm có trong bộ não người. Con người suy diễn, giải thích, dự đoán dựa trên hệ thống khái niệm đó, bằng một tập luật gọi là logic. Dù rất muốn tránh, con người cũng phải sử dụng một số giả thiết kinh nghiệm giúp sức. Nếu gặp may các hệ luận sẽ phù hợp với mọi quan sát cho đến khi có những dị thường đòi hỏi điều chỉnh hệ thống khái niệm, phép phóng chiếu, tập logic và kinh nghiệm trực giác.
     4. Bản thể là việc cho rằng có những khái niệm là bản chất, bất biến, tồn tại độc lập với nhận thức. Các khái niệm khác được cho là hệ quả của bản thể. Vì thế bản thể được cho rằng thực sự tồn tại với khái niệm liên quan đến nó và được đồng nhất với hiện thực. Chẳng hạn, Hồng Phạm (Brahmas hay Ý thức Tối thượng) được nhiều thế hệ cho là bản thể của thế giới chi phối mọi hiện tượng dưới dạng Chúa-Phật-Thượng Đế trong các văn hoá khác nhau. Khái niệm này tỏ ra mạnh mẽ đến nỗi có thể coi là lời giải thích vạn năng cho mọi sự, kể cả những thứ chỉ có trong tưởng tượng. Đối với Kant còn có một số phạm trù khác như Không thời gian là các khái niệm tiên nghiệm thuộc về Bản thể.
   5. Chủ nghĩa thực chứng (positivism) phủ nhận sự tồn tại của Bản thể. Nó cho rằng chỉ tồn tại những lớp nhận thức nhất định tương ứng với năng lực công nghệ cho phép quan sát các hiện tượng. Thậm chí Thực chứng cho rằng giả thiết  và tranh luận về sự tồn tại của Bản thể là siêu hình và vô bổ. Stephen Hawking tự nhận mình là nhà thực chứng và tuyên bố "Triết học đã chết" hàm ý Triết học theo nghĩa cổ điển dù là Duy tâm với Bản thể là Hồng Phạm, hay Duy vật với Bản thể là Vật chất, đều đã lỗi thời. Nhiều nhà khoa học thế hệ ông còn đi xa hơn cho rằng Khoa học không có nhiệm vụ xác quyết câu hỏi "là cái gì?" mà chỉ có thể trả lời câu hỏi "nó hoạt động thế nào?". Thậm chí nhiều nhà khoa học tin vào khẩu hiệu "shut up and calculate" (ngậm miệng và tính toán đi).
    6. Đoạn tuyệt với tư duy truyền thống về Bản thể đã tạo cơ hội cho một số nhà Triết học Hậu hiện đại phủ nhận mọi giá trị, kể cả toàn bộ Khoa học. Dựa vào một số kiến giải hệ thức bất định Heisenberg và định lý bất toàn Godel đa phần là theo lối tưởng tượng nhảm nhí, họ tuyên bố là Tư duy đã chết. Lúc đầu còn có thể chấp nhận được như màn tấu hài, nhưng càng ngày họ càng quá đáng đến mức một giáo sư Vật lý hiền lành là Alan Sokal phải phẫn nộ vạch mặt họ trong vụ chơi khăm Sokal ( Sokal hoax) và cuốn sách "Sự bịp bợm mang tính học giả".
   7. Cuộc tranh luận về Hiện thực bắt đầu giữa các nhà vật lý lớn đầu thế kỷ một bên là Einstein và Schrodinger một bên là Bohr và Heisenberg. Cuộc tranh luận xung quanh một thí nghiệm giả tưởng về con mèo của Schrodinger mô tả bởi một trạng thái lượng tử với xác suất 50% sống 50% chết.  Bohr chủ trương trạng thái nửa sống nửa chết là Hiện thực lượng tử. Việc con mèo có trạng thái phân biệt sống hoặc chết là phụ thuộc vào nhà quan sát mở hộp. Einstein và Schrodinger bảo vệ Hiện thực cổ điển cho rằng chỉ có một hiện thực duy nhất là con mèo hoặc đã chết hoặc còn sống độc lập với chuyện nhà quan sát có mở hộp hay không. Hành động quan sát không phải là xác lập trạng thái sống chết của mèo mà chỉ đưa thông tin về hiện thực vào nhận thức của nhà quan sát. Do thành tựu của Cơ học lượng tử với việc tiên đoán chính xác phổ năng lượng của Hidro, mô tả các tính chất của hạt nhân, vật liệu,... và các công nghệ điện tử, bán dẫn, laser,... cộng đồng khoa học và truyền thông sẵn sàng chấp nhận quan điểm của Bohr, mặc dù 25 năm sau, năm 1952, Bohr, Heisenberg và Pauli có gặp lại thảo luận và vẫn còn băn khoăn về các lỗ hổng trong quan niệm của mình.
    8. Người làm sống lại quan niệm về Hiện thực lượng tử là David Bohm. Ông là một nhà vật lý thuộc thế hệ sau, nhưng không bao giờ cho rằng cuộc tranh luận về Hiện thực lượng tử đã an bài. Ông đã từng tuyên bố "Nhiều người tự cho mình đã hiểu mọi việc. Trong khi họ chỉ sắp xếp lại các định kiến của chính họ." Ông mở rộng một quan điểm của de Broglie về Hiện thực cổ điển, cho rằng Cơ lượng tử quả thật không hoàn thiện như Einstein và Schrodinger quan niệm và có những biến ẩn.
   9. John Bell đã chứng minh được là các biến ẩn (nếu có) không thể là các biến định xứ. Điều đó có nghĩa là có một ràng buộc không tường minh giữa các sự kiện lượng tử ở các điểm khác nhau trong không thời gian. Điều đó cho phép người ta hiểu được tương quan ma quái giữa hai sự kiện cách nhau ở khoảng cách tuỳ ý trong thí nghiệm giả tưởng của Einstein-Rosen-Podolski.  Thí nghiệm này xét một cặp electron-positron được tạo ra từ một photon. Do bảo toàn spin, việc biết trạng thái spin  của hạt này sẽ dẫn tới việc biết trạng thái spin của hạt kia. Giả sử hai hạt này đã cách nhau rất xa. Nếu Bohr đúng thì việc xác định spin của một hạt bằng cách quan sát nó sẽ kéo theo việc xác định trước kết quả của phép đo spin của hạt kia một cách tức thời. Như vậy việc truyền tin vượt qua vận tốc ánh sáng. Người ta cho rằng định lý Bell xác nhận tương tác phi định xứ như vậy và tin rằng đó là cơ sở cho viễn tải và máy tính lượng tử.
     10. Như vậy Hiện thực lượng tử hoặc Hiện thực cổ điển có thể tồn tại như một bản chất của thế giới vi mô. Thực chứng phủ nhận cả hai với tư cách Bản thể và cho rằng đó chỉ là hai nhận thức ở các lớp hiện tượng khác nhau.
    11. Sẽ là không công bằng nếu nói rằng Nhận thức là hoàn toàn chủ quan. Bởi lẽ đa số nhận thức độc lập có nhiều điểm giống nhau, trong khi đa số các điểm có vô số lựa chọn ngẫu nhiên. Việc may rủi trùng hợp là không thể. Như vậy các nhận thức đó phải được cấy sẵn trong mỗi người. Như vậy Bản Ngã (Atman) phải thông linh với nhau qua Hồng Phạm.  
    12. Cuối cùng chúng ta có thể xem xét một kịch bản giả tưởng về một thực thể có quy mô Chùm Thiên Hà Virgo, có hàng nghìn tỷ ngôi sao như Mặt Trời. Thực thể này xây dựng máy tính vũ trụ mà mỗi ngôi sao ghi 1 bit gọi là Sun bit. Thực thể này muốn xây dựng một máy tính hiện đại hơn, mỗi bit được xây dựng trên một đối tượng như Mặt Trăng gọi là Moon bit. Điều đó cũng giống như chúng ta đang xây dựng máy tính lượng tử với tất cả các khó khăn kỹ thuật tương tự. Câu hỏi tiếp theo sâu sắc hơn là thực thể Virgo sẽ mô tả đời sống của chúng ta bằng Cơ Cổ điển hay Cơ lượng tử. Nhiều khả năng là Cơ lượng tử, do không thể có sự tất định trong mỗi quan sát. Trong khi đó chúng ta mô tả các hiện tượng đó bằng Cơ Cổ điển.
   13. Như vậy Lượng tử chỉ là phương pháp nhận thức đối với lớp hiện tượng ở thang độ nhỏ hơn. Như vậy Hiện thực lượng tử không hề là Bản thể. Bản thể hoặc là không hề có hoặc là duy nhất, không hề phân biệt cổ điển hay lượng tử.

Nguyễn Ái Việt

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...