Search This Blog

Wednesday, December 2, 2020

Vinfast có làm được ô tô hay không

Vinfast có làm được ô tô hay không
   1. Mấy ngày hôm nay FB có lan truyền một bài của một người tự xưng là kỹ sư, không loại trừ là do các đối thủ của Vincom giật dây, nói chắc như đóng gạch là Vinfast sẽ không có sản phẩm gì hay ho, cùng lắm sẽ đưa một loại ô tô cổ lỗ, không hiệu quả, kém chất lượng vào lắp ráp tại Việt Nam.  
     Tôi vốn không quen biết ông Phạm Nhật Vượng, cũng chẳng thần tượng gì ông qua mấy clip phát biểu về chiến lược phát triển vì có rất nhiều điều phải trao đổi lại, thậm chí còn ác cảm với ông chẳng rõ nguyên nhân, không loại trừ khả năng ghen tỵ vì ông quá thành công, quá giàu. Tuy vậy, tôi rất mong cho công nghiệp nội địa phát triển, của ai cũng được, và thấy bài viết kia có nhiều lỗ hổng thô sơ, được nhiều người tán thưởng sai lầm mà không hiểu gì. Thiết nghĩ cũng nên giải độc, bèn nén lòng ghen tị và ác cảm mà cầm bút.
    2. Từ mấy chục năm nay, ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Việt Nam chầy chật mãi không ra đời được, chưa nói chuyện phát triển. Hết nhà nước tài trợ nghiên cứu để tự làm, rồi hy vọng ở các công ty đa quốc gia, rồi định làm giá rẻ, cuối cùng chẳng đến đầu đũa gì. Công nghiệp phụ trợ cũng không phát triển nổi, vì không có động lực. Không đơn giản là cứ làm đi, Honda, Mercedes, Ford sẽ mua. Các hãng đều có danh sách các nhà cung cấp của mình dễ dầu gì mà vào được từ kinh nghiệm, công nghệ đều 0. Việc tư nhân trong nước đầu tư vào thị trường này là cơ hội cuối cùng, và khẩn cấp trước khi thị trường ô tô mở cửa hoàn toàn và tăng trưởng bão hoà. Lúc đó thì có ba đầu sáu tay, công nghiệp nội địa sẽ vĩnh viễn không có ô tô.  Vì thế tôi phải ủng hộ Vinfast thành công, cho dù ghen ghét với ông Vượng.
    3. Nếu tôi là Phạm Nhật Vượng tôi sẽ làm thế nào
    Là doanh nhân, dĩ nhiên tôi không thể ném tiền qua cửa sổ. Nhất là khi đồng tiền của tôi đang quay vòng sinh lãi rất nhanh từ BĐS và các dịch vụ dân sinh. Đầu tư vào nghiên cứu phát triển, công nghiệp nặng, chắc chắn phải có tầm nhin xa và một chút tâm huyết với tương lai đất nước.
    Nhưng đã là doanh nhân, đầu tư phải hiệu quả, ít ra là bảo toàn vốn, rõ ràng phải có chính sách cam kết hỗ trợ của nhà nước. Thời ông Park làm tổng thống vì muốn có công nghiệp ô tô nội địa, cùng nắm tay thề với chủ tịch Hyundai, và hứa cho ông này trúng mọi gói thầu mà Hyundai muốn và có năng lực, để tạo điều kiện cho Hyundai làm ô tô Và họ đã thành công.
     4. Với dàn kỹ sư, có rất nhiều bằng giáo sư, tiến sĩ, nhưng thiếu kinh nghiệm, hiểu biết và động lực làm công nghiệp của Việt Nam, chắc chắn không thể dùng nội lực mà thiết kế được một chiếc xe hoàn chỉnh và hiệu quả. Thuê nhân lực nước ngoài để thiết kế một model mới nguyên, chắc chắn sẽ rất đắt, không bao giờ lấy lại được chi phí R&D. Tôi nghĩ Vinfast chọn giải pháp duy nhất đúng là mua lại thiết kế đã qua sản xuất. Tất nhiên không thể mua được thứ tốt nhất, vì các công ty xe hơi ngu gì mà bán cái máy kiếm tiền của họ. Vì vậy mua loại cũ một tý, nhưng từ BMW hay GM là phương án không tồi. Còn mua với giá bao nhiêu, có hỗ trợ đào tạo, tư vấn chi tiết hay không là  việc của ông Vượng. Tôi không quan tâm vì là túi tiền của ông Vượng, tôi không phải lo, và cũng chẳng có tư cách gì để lo cho một nhà kinh doanh lõi đời như ông Vượng. Tôi cũng yên tâm hơn khi thấy ông Vượng thuê một công ty nước ngoài nâng cấp thiết kế này. Tức là ông cũng biết là cần cập nhật công nghệ. Trong khi đó ông cũng tuyển dụng chuyên gia cơ hữu để nhận chuyển giao. Tôi nghĩ không có cách làm khác đúng và hiệu quả hơn.
     5. Như vậy, bằng cách đó Vinfast sẽ bỏ qua được khâu R&D ban đầu, tiết kiệm thời gian, hạn chế rủi ro, vừa đảm bảo chắc chắn có kết quả đúng tiến độ. Liên Xô cũ có một thành công thị trường về ô tô là xe Zsiguli, mua thiết kế cũ của Fiat và chỉnh sửa, sản xuất cho cả khối XHCN, tốt và hiệu quả kinh tế hơn so với ô tô của LX tự thiết kế. Đó là nói LX, có công nghiệp nặng và kinh nghiệm làm ô tô hơn VN hàng trăm ngàn lần.
     Trong manufacturing, thiết kế phải gắn liền với BOM list, danh sách cung cấp linh kiện, cấu kiện. Một BOM list tốt cũng là vô giá. Mua thiết kế cũ của BMW, dĩ nhiên là đã có BOM list. Việc đàm phán để có giá cho BOM list đó để có giá thành tốt hợp lý tôi cũng tin là ông Vượng và các chuyên gia không phải tay mơ.
     6. Sau đó là tổ chức thực hiện bao gồm a) lắp ráp, sản xuất, kho vận và b) phân phối, quảng cáo, xây dựng hình ảnh, dịch vụ hậu mãi. Đây không phải là khâu dễ dàng, nhưng chắc chắn với b) ông Vượng có ưu thế và kinh nghiệm so với nước ngoài. a)  là cái không đơn giản trước hết do bọn chuyên gia nội địa vốn ếch ngồi đáy giếng, rất coi thường nó, cho là không có gì, sau đó văn hoá VN rất không có truyền thống sản xuất lớn, thiếu kỷ luật và kinh nghiệm quản lý. Rất may, chính vào thời điểm này, ông Vượng được thừa hưởng kết quả đầu tư của thời kỳ trước, ông có thể dùng nhân lực do Ford, GMC, Toyotta, đã đào luyện, và kể cả quy trình quản lý người VN mà họ đã phải trả giá. Toyotta có downsize quy mô đầu tư, đó là tin tốt lành cho ông Vượng. Mà downsize cũng phải, nếu Vinfast thành công với dịch vụ hậu mãi tốt hơn, các công ty ô tô nước ngoài sẽ khó khăn và phải đầu tư lớn hơn.
    7. Tôi cho rằng ở lứa sản phẩm đầu tiên, Vinfast không cần lợi nhuận lớn. Tuy nhiên nắm được khâu phân phối và sản xuất, Vinfast sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ hỗ trợ, nguồn cung ứng, và từng bước nội địa hoá các linh kiện phụ kiện. Và kể cả R&D. Cải tiến trên cơ sở một thiết kế có sẵn bao giờ cũng dễ hơn làm từ đầu. Tôi nghĩ trước hết, Vinfast có thể đầu tư vào hệ thống điều khiển, hệ thống quản lý, các appliance add-on, các gói option. Sau đó là từng bước thay đổi những phần ngon ăn nhất, không loại trừ tương lai sẽ có một thiết kế tốt của các kỹ sư Việt Nam, cho dù bước ầầu vẫn phải có những khâu phải thuê chuyên gia để đảm bảo đồng bộ với chất lượng cao nhất.
    8. Tôi không có đủ thông tin và không có động lực để đảm bảo là Vinfast sẽ thành công. Tuy nhiên, đó là cách đi duy nhất có thể thành công, và có vẻ như ông Vượng chưa sai ở khâu nào. Trong việc xây dựng công nghiệp, tư duy chiến lược quan trọng hơn tư duy chuyên môn. Tôi nghĩ các nhà chuyên môn, mà tôi là một, không thể có vai trò dẫn đầu, mặc dù họ có thể đóng góp quan trọng nếu biết thay đổi tư duy. Tôi cũng cầu mong cho Vinfast thành công không phải vì ông Vượng mà vì tương lai của công nghiệp Việt Nam. Con đường Vinfast đang đi sẽ bổ ích cho nhiều sản phẩm khác, kể cả thất bại, nhưng để thành công cuối cùng.
    9. Vì vậy câu hỏi đúng là Vinfast có thực sự muốn làm ô tô hay không. Câu hỏi này rõ ràng chỉ ông Vượng mới biết, chúng ta chỉ  có thể đoán, có thể cãi nhau. Tôi cho rằng ông Vượng không rảnh để làm vờ, là việc khá rủi ro, mất thì giờ và tiền bạc. Còn phần chúng ta, có một việc chúng ta có thể  làm và nên làm là đặt câu hỏi Chúng ta có muốn Viinfast thành công hay không và có muốn tham gia vào thành công đó hay làm một cái gì đó tương tự hay không

Nguyen Ai Viet

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...