Search This Blog

Tuesday, January 19, 2021

Lớp chuyên và giáo dục tinh hoa

Lớp chuyên và giáo dục tinh hoa
    1. Lớp chuyên đã từng có công, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, thiếu thốn, việc dồn sức lực, tài nguyên để có được một đội ngũ, tuy kiến thức có phần lệch lạc, nhưng ít ra cũng biết một số thứ, là cần thiết.  Như vậy chúng ta không phải bản là chủ trương xây dựng các lớp chuyên có đúng không và thành tích quá khứ của các lớp chuyên là gì.
    2. Câu hỏi cần thảo luận là hiện nay (hoặc từ 20-30 năm nay) lớp chuyên còn có ích lợi gì thực sự không, hiệu quả của nó thế nào? Tôi vốn là học sinh chuyên, con cũng học chuyên nên có lẽ có ý kiến phản biện sẽ không bị cho là "ghen ăn tức ở". Những người dạy hay học trường chuyên hoặc có con cái dạy hay học trường chuyên mà khen trường chuyên thì không có giá trị lắm vì gắn quyền lợi vào đó.
   3. Giáo dục khi ổn định và lâu dài sẽ không có nhu cầu chạy theo thành tích, tập trung vào một số ít "đại biểu", mà cần hướng tới các chỉ tiêu thống kê theo số lớn. Như vậy, trường chuyên với tư các là "đại diện" hoặc "tủ kính trưng bày" của giáo dục Việt nam trở nên không cần thiết, thậm chí đánh giá nền giáo dục không nên nhắc tới các trường chuyên. Cần phải nói, những người bi quan với nền giáo dục Việt Nam cũng phải thấy rằng "tủ kính" của GD Việt Nam ngày càng nhiều mặt hàng sang trọng.
   4. Một quan điểm khác là trường chuyên đào tạo tinh hoa. Tinh hoa thì thời nào cũng cần, càng đời sống cao càng cần có tinh hoa để hướng dẫn tôn vinh giá trị trước áp lực của kim tiền. Tiền cố nhiên là quý, nhưng quý ở chỗ tiêu thế nào chứ không phải quý ở chỗ có bao nhiêu, kiếm thế nào hay chỉ vì là tiền. Chỉ khi xã hội có tinh hoa người ta mới biết tiêu tiền một cách thông thái, không thì chỉ là trọc phú. Xã hội trọc phú sẽ không thể tiến lên mãi được sau khi bụng hết đói và có đủ khăn áo che thân. Như vậy câu hỏi đặt ra là: Trường chuyên có đào tạo được tinh hoa hay không?
   5. Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta cần phân biệt Tinh hoa và Thành đạt. Trường chuyên được tập trung nhiều nguồn lực và cơ hội hơn, rõ ràng dễ thành đạt hơn. Nhưng có lẽ nên có một nghiên cứu, thống kê về thành đạt ngắn hạn và dài hạn của học sinh trường chuyên theo các tiêu chí khác nhau. Nếu coi thành đạt ngắn hạn là bằng cấp, có vị trí thơm ngon béo bở, có lẽ học sinh trường chuyên có ưu thế hơn chút đỉnh.  Tuy nhiên về dài hạn, tính đến tuổi 40 trở lên, tôi có cảm giác không có sự khác biệt.
   6. Tinh hoa là một chuyện khác. Đã là tinh hoa thì phải là số ít, có quan điểm hoặc tố chất khai phóng hoặc thức tỉnh. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu không thể nói là thành đạt so với nhiều người, nhưng đều là tinh hoa. Hay xa hơn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương cũng không thể so về sự thành đạt với đương thời nhưng đều là đỉnh cao tinh hoa một thời và vĩnh viễn. Tuy đánh giá về Tinh hoa khá là khó, nhưng tôi có một số lý do tin rằng trường chuyên khó đào tạo ra tinh hoa. Thứ nhất, cách suy nghĩ của dân trường chuyên khá là giống nhau đến mức rất dễ nhận ra (cũng có thể tại tiêu chí tuyển đầu vào, hoặc cách dạy). Nói chuyện với dân học chuyên, ít có sự bất ngờ, ý tưởng đột phá, thiên về logic, kỹ xảo, theo các template, sáo mòn,.... Đánh cờ với dân học chuyên cũng vậy, nói chung là gò ghè. cò cưa, thắng bại đều do lơ đễnh rủi ro, hoặc do kinh nghiệm chứ nước cờ không hơn kém nhau bao nhiêu. Học sinh chuyên thường thiếu tầm nhìn rộng hơn lĩnh vực chuyên môn, nên khó đột phá, khó phối hợp khó hoạt động thực tiễn. Nếu ai đó đi vào lĩnh vực khác thì lại sùng bái lĩnh vực mới của họ mà khinh rẻ các lĩnh vực họ đã học chuyên. Đó cũng là một kiểu ràng buộc chuyên môn khác. Có nhiều ví dụ học sinh chuyên Toán, đi làm kinh tế thành công không quan tâm đến khoa học, thậm chí coi thường khoa học, chỉ thích nói về kinh tế. Chưa nói tới việc nghĩ tới việc kết hợp kinh doanh với khoa học và trở thành nhà kinh doanh khoa học. Học sinh trường chuyên không có cá tính, thường dễ hài lòng với cuộc sống êm ấm, rất ngại mạo hiểm thách thức. Nhiều người nhân cách rất nhợt nhạt, dễ bị phỉnh nịnh bởi hư danh, thành quân cờ cho người khác mà không biết.
     7.  Hiệu quả của trường chuyên cần được đánh giá lại. Không phải chỉ dựa trên thành tích thi cử hay số GS làm việc ở nước ngoài học chuyên. Chúng ta cần phải đánh giá cả chi phí cơ hội của lớp chuyên, là những cơ hội đã bị mất đi. Nếu chúng ta gom những trẻ có năng lực tốt nhất theo cùng một tiêu chí vào trường chuyên, chúng ta sẽ tước đi cơ hội của chúng học những năng lực khác từ các trẻ có cách suy nghĩ khác, mặt khác tước đi cơ hội chúng được lan tỏa tác động của mình để hình thành sự khai phóng, tỉnh thức của mình tới trẻ khác.
     8. Tôi nghĩ rằng việc cãi cọ hoặc đề xuất giải tán trường chuyên cho dù chúng sẽ không tác động vào quá trình hình thành một nhóm Tinh hoa mà đất nước đang cần là không khả thi. Những người bảo thủ bây giờ không chỉ bao gồm các nhà tuyên huấn, bọn đề lại mà có thể có những trí thức có bằng cấp nhưng không khai phóng được trang bị bằng mọi lý thuyết và chữ nghĩa. Sa vào đó là mất toi cả cuộc đời tranh luận vô bổ. Cách tốt nhất là có các trường học đào tạo theo hướng chuyên nghiệp và tinh hoa phối hợp.  Bulldozer (máy ủi) cần được giao lưu với rocketer (tên lửa). Có thể đào tạo không cần chú trọng tới thi cử. Thành tích, và cơ hội học lên cố nhiên là vẫn được đương nhiên đảm bảo. Cách tốt nhất để phản biện là xây dựng các phản ví dụ chứ không phải là đấu khẩu vô bổ.
    9. Chỉ khi đó truyền thông và nhận thức chung mới dần chuyển động.  Lúc đó tác động mới có nghĩa và mới có hiệu quả thuyết phục. Tôi không tin là những cuộc tranh luận tay đôi trên phương tiện đại chúng ngay bây giờ có ý nghĩa.

Nguyen Ai Viet 

No comments:

Post a Comment

Phật giáo vs cúng sao

Nhiều người nói Phật giáo bây giờ biến tướng, cúng sao giải hạng mê tín dị đoan... Nhưng mất đi cái đó rồi, nhóm những con người có ít họ...