Search This Blog

Saturday, May 8, 2021

ĐỪNG HIỂU NHẦM VỀ LEADESHIP – Phần 3: Nên làm gì và như thế nào

ĐỪNG HIỂU NHẦM VỀ LEADESHIP – Phần 3: Nên làm gì và như thế nào
Không phải lãnh đạo nào cũng có thể là hình mẫu cho bạn về mọi mặt, họ cũng là con người sẽ có điểm yếu điểm mạnh. Không nên vì điểm mạnh của họ rất rõ mà bị lây cả điểm yếu, cũng như đừng nên thất vọng nếu sau điểm mạnh mà chúng ta thấy họ cũng chả khác gì chúng ta ở những điểm khác.
Sau cùng, một người lãnh đạo có tính lãnh đạo đã đành, anh ta còn phải tìm cách phát lộ nó theo cách hợp lý qua các công cụ hợp lý. Nói về công cụ, tôi đang nói về sự khác biệt trong hành vi ứng xử trong môi trường công việc.
Đó là khi tại Việt Nam, đã là sếp thì cái gì cũng được mặc định hơn hẳn nhân viên, sếp nhất định là không được có điểm yếu. Cái này dường như là di chứng của cả nền văn hoá thượng tôn quân chủ phong kiến của chúng ta xưa kia. Hễ nói tới vua ít khi thấy tả ông ấy đi vệ sinh cá nhân ra sao, ăn uống như thế nào. Nói về đức Phật cũng thế, bao nhiều cuốn phân tích về phật pháp của ngài, nhưng riêng về đoạn ăn uống hay sinh hoạt cá nhân thì tuyệt nhiên không thấy. Thế là lớp hậu sinh tha hồ thấy ngài không phải người thường, trong khi thực tế ngài tự nhận mình cũng chỉ là quả nho đã chín, hết nghiệp thì chín trước những quả nho còn xanh – là chúng sinh khác chưa dứt nghiệp quả, mà thôi! Sếp ở Việt Nam đối mặt với nỗi khổ đó, ông ta không được phép có những biểu hiện đơn giản mà lúc nào cũng phải uy phong lầm lẫm, như là một vị THẦN vậy! 🙂
Đã là sếp, khi áp với nhân viên vẫn phải nhớ có đường lùi, kiểu "một trăm cái lý không bằng một tý cái tình". Nhân viên ở Việt Nam dứt khoát không phải là những mẫu nhân viên sợ bị đuổi việc nhất! Nếu ở nước ngoài, không có công ăn việc làm là một trở ngại lớn, thậm chí có thể dẫn tới chuyện gia đình ly tán, thì ở Việt Nam, nghỉ việc vẫn về chăn gà ăn cơm với bố mẹ ở quê bình thường. Đó là chưa kể gần đây khi kinh tế khá lên tôi thấy hiện tượng nhà càng nghèo càng chiều con không bắt con phải làm gì ngày càng trở nên phổ biến. Các em sinh viên xuất phát từ gia đình nghèo khi mất tiền học lớp của tôi vẫn có những em không học được gì. Các em đủ thông minh để hiểu và áp dụng các kỹ năng và kiến thức mà tôi chia sẻ. Trở ngại duy nhất là trong khi người khác chăm chú xem và phản biện thì các em đang bận chụp ảnh và nghĩ caption cho cái status sắp đăng đầy băn khoăn lo lắng về việc đi học của mình!
Leadership còn cần phải rất linh hoạt, vì mỗi người follower có cách đi của riêng mình. Họ cần người leader hiểu, thông cảm và dẫn dắt họ từng chút một chứ không "đem con bỏ chợ". Nói riêng trong đội sales, có nhiều kiểu "nguyên liệu thô" khác nhau. Có bạn rất nhanh nhưng khó giữ bền được, có bạn lại chậm lúc đầu nhưng cái gì học được là không bao giờ ra khỏi đầu nữa. Có bạn thì tự tin lấn lướt người khác, có bạn thì hay thích thoả hiệp trước khi làm…
Các cuộc bàn thảo về leadership cho tôi thấy thêm một điểm mấu chốt nữa, người có tính lãnh đạo cao, ngày càng khiêm tốn! Không phải vì họ làm màu cho bản thân, mà tại vì như thế họ càng học được nhiều hơn. Dấu hiệu cho thấy một leader giỏi không phải họ đi đâu cũng nói về "Sơ yếu lý lịch" của mình, mà là chịu khó tìm hiểu về người khác. Như các đại ca trong group của chúng ta, họ cứ lặng lẽ tập trung vào chuyên môn thôi, đâu cần phải thể hiện mà ai cũng nể trọng!
Leadership không phải là nói về vị trí, mà là nói về năng lực và nó được đánh giá qua kết quả hành động, chứ không phải là cái huy chương mà chúng ta giành được một lần trong quá khứ rồi đi đâu cũng bêu ra để khoe! Vì chỉ khi tạo ra kết quả từ hành động, chúng ta mới làm người khác "tâm phục, khẩu phục". Bất kỳ ai làm tròn công việc của mình, nỗ lực làm nó tốt dần lên cũng là có tính lãnh đạo. Đó là lý do mà nơi tôi được ngấm về những khái niệm chuyên nghiệp đầu tiên họ áp dụng cùng một bài kiểm tra năng lực cho các cấp độ từ nhân viên tới Giám đốc, điểm khác chỉ là kết quả bài kiểm tra! Cụ Hồ có cách đánh giá leadership mà theo tôi là chuẩn nhất. Cách phong sĩ quan trong quân đội của cụ là đánh thắng đại tá thì đươc phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì được phong thiếu tướng. Thật dễ hiểu và rõ ràng!
Leadership đôi khi là lùi lại chứ không phải tiến lên: chúng ta thấy người quản lý mình giỏi hơn mình. Điều này khỏi phải bàn! Nhưng ông ấy còn già hơn chúng ta nữa! Suy luận logic tiếp theo là sẽ có lúc ông ấy phải dừng lại không khá hơn được nữa và mình nên vượt qua, chứ không phải vì kính nể mà đứng đó chờ ông ấy chỉ đạo. Về phía người quản lý dày dạn kinh nghiệm, khi thấy người trẻ giỏi và làm tốt hơn mình thì ông ta nên thấy đó làm mừng, vì nó hợp lý "con hơn cha là nhà có phúc" chứ không phải cố kiết giữ chặt lấy cái ghế hay cái danh của mình. Sư phụ của tôi là một người có dáng điệu mạnh mẽ, tới mức mà nhiều bạn tôi nhận xét là ông ấy cứ như "từ Thuỷ Hử bước ra". Tuy nhiên, ẩn sau vẻ oai hùng ngang tàng, ông là người trọng lý, luôn biết khơi gợi và thúc học trò tiến lên. Điều làm ông chán nhất là không có học trò giỏi và khá hơn mình. Tới lúc ông sắp mất, tôi có hỏi ông trong lớp ai là người ông đánh giá cao nhất. Ông trả lời là một anh không quá nổi trong lớp. Cái đó làm tôi hiểu, ông luôn biết và đánh giá được năng lực của học trò mình một cách rõ ràng nhất và mong họ vượt qua cả mình.

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...