Search This Blog

Saturday, July 10, 2021

Những phát minh nổi bật của các nhà khoa học Hồi Giáo

Những phát minh nổi bật của các nhà khoa học Hồi Giáo
Trả lời bởi Fatima Raza Khan
Link: https://qr.ae/pGkrce
-------------------------------------
1 Tương truyền rằng một người Ả Rập tên là Khalid đang chăm sóc những con dê của mình ở vùng Kaffa, miền nam Ethiopia thì nhận thấy chúng hoạt bát hơn sau khi ăn một loại quả mọng. Anh đun sôi loại quả này và tạo ra ly cà phê đầu tiên. Ghi chép đầu tiên về thức uống tạo ra từ loại này như sau: nó được xuất khẩu từ Ethiopia tới Yemen, và được tín đồ Sufi Giáo (hay Hồi Giáo Sufi) uống vào những dịp đặc biệt để thức cầu nguyện cả đêm. Thức uống này đã tới Mecca và Thổ Nhĩ Kỳ vào nửa sau thế 15, rồi tiếp tục du nhập vào Venice năm 1645. Pasqua Rosee người Thổ Nhĩ Kỳ đã mang nó tới Anh năm 1650 và mở quán cà phê đầu tiên ở Lombard Street, London. Từ "qahwa" trong tiếng Ả Rập trở thành "kahve" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, rồi "caffé" trong tiếng Ý trước khi thành "coffee" trong tiếng Anh ngày nay.
2 Người Hy Lạp cổ cho rằng mắt người phát ra một tia (kiểu như laser vậy) để giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật. Người đầu tiên nhận ra sự thật rằng ánh sáng đi từ bên ngoài vào trong mắt người (thay vì từ trong đi ra) là nhà toán học, vật lý kiêm thiên văn học người Hồi Giáo Ibn al-Haitham sống vào thế kỷ 10. Ông đã phát minh ra kỹ thuật chụp ảnh qua lỗ kim (pin-hole camera) đầu tiên sau khi phát hiện ra cách ánh sáng đi qua một lỗ nhỏ trên cửa sổ. Ông kết luận rằng lỗ càng nhỏ thì ảnh càng rõ và thiết lập Camera Obscura (T/N: từ này nghĩa là "phòng tối" trong tiếng Latin và chính là nguồn gốc của từ "camera" sau này [1]) đầu tiên. Ibn al-Haitham cũng được ghi nhận là người đầu tiên giúp vật lý chuyển từ triết học thành thực nghiệm.
3 Người Ấn Độ cổ đã từng chơi một dạng của cờ vua, nhưng người Ba Tư đã phát triển nó thành hình thái như hiện tại mà ta biết. Nó từ Ba Tư đi về phía tây và du nhập vào châu Âu (được những người Moor giới thiệu ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 10) và Nhật Bản ở phía đông. Từ "rook" (chỉ quân xe) xuất phát từ "rukh" trong tiếng Ba Tư, nghĩa là xe ngựa chariot.
4 Cả ngàn năm trước khi anh em nhà Wright chào đời, nhà thơ, nhạc công, nhà thiên văn học kiêm kỹ sư Abbas ibn Firnas người Hồi Giáo đã cố gắng chế tạo ra những cỗ máy có thể bay. Năm 852, ông đã nhảy từ đỉnh tháp ở giáo đường Grand Mosque, Cordoba bằng một khung gỗ được phủ áo choàng tạo thành dạng cánh chim. Ông hy vọng nó có thể giúp mình bay như chim. Tuy không được như ý muốn nhưng dụng cụ này đã giúp ông rơi chậm lại rất nhiều và chỉ bị thương nhẹ (đây được coi là chiếc dù đầu tiên). Năm 875, khi đã hơn 70 tuổi, ông đã thử lần nữa bằng cách nhảy từ đỉnh núi với một cỗ máy được làm từ lụa và lông vũ đại bàng. Ông đã đạt đến một độ cao đáng kể và ở trên không trong mười phút, sau đó hạ cánh cứng. Ông rút ra kết luận chính xác rằng điều này là do thiết bị của mình không có đuôi. Sân bay quốc tế Baghdad và một miệng hố va chạm trên Mặt Trăng được đặt theo tên ông.
5 Tắm rửa là một yêu cầu mang tính tôn giáo của người theo đạo Hồi, có lẽ vì thế mà họ phát minh ra công thức chế tạo xà phòng mà chúng ta dùng ngày nay. Người Ai Cập cổ đã dùng một dạng của xà phòng, người La Mã thì sử dụng phổ biến hơn dưới dạng pomade, nhưng người Ả Rập đã tạo ra xà phòng thơm từ dầu thực vật, NaOH và chất tạo mùi (ví dụ dầu thyme). Đặc điểm ấn tượng nhất mà người Ả Rập nhớ về quân Thập Tự Chinh là họ không tắm. Dầu gội đầu được một người Hồi Giáo đem tới Anh; người này đã mở một nhà tắm hơi tại bãi biển Brighton năm 1759 và được bổ nhiệm làm ngự y chuyên gội đầu cho Vua George IV và William IV.
6 Kỹ thuật chưng cất để tách các chất lỏng khỏi hỗn hợp dựa vào nhiệt độ sôi khác nhau được phát minh vào khoảng năm 800 bởi nhà khoa học tiên phong người Hồi Giáo: Jabir ibn Hayyan. Ông đã giúp giả kim thuật trở thành hóa học chính thống, phát minh ra nhiều quy trình và dụng cụ thí nghiệm cơ bản ngày nay: hóa lỏng, kết tinh, chưng cất, tinh chế, oxy hóa, bay hơi và lọc. Jabir ibn Hayyan khám phá ra H2SO4 và HNO3, phát minh ra nồi chưng cất Alembic, đem tới cho thế giới tinh dầu hoa hồng đậm đặc, các loại nước hoa khác và rượu mạnh (dù người theo đạo Hồi bị cấm uống rượu). Ibn Hayyan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực nghiệm có hệ thống và là cha đẻ của hóa học hiện đại.
7 Trục khuỷu là một thiết bị dùng để biến đổi chuyển động tịnh tiến của piston thành chuyển động quay, trái tim của vô số máy móc trong thế giới hiện đại mà tiêu biểu là động cơ đốt trong. Đây là một trong số những phát minh quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại, và được kỹ sư Hồi Giáo tài năng al-Jazari sáng chế để phục vụ việc lấy nước tưới. Cuốn sách Book of Knowledge of Ingenious Mechanical Devices năm 1206 của al-Jazari cho thấy ông còn phát minh hoặc cải tiến cách sử dụng van và piston, chế tạo những đồng hồ cơ đầu tiên chạy bằng nước và vật nặng, kiêm cha đẻ của ngành chế tạo người máy. Khóa tổ hợp là một trong 50 phát minh khác của ông.
8 Quilting là phương pháp may hoặc buộc hai lớp vải với một lớp vật liệu cách nhiệt ở giữa. Không rõ nó được phát minh bởi người Hồi Giáo hay du nhập từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc, nhưng chắc chắn nó đã đến phương Tây qua các cuộc Thập Tự Chinh. Những người lính Thập Tự Chinh thấy các chiến binh Saracen mặc áo vải nhồi đầy rơm thay cho áo giáp. Nó đã chứng tỏ là một biện pháp bảo vệ hiệu quả chống lại sự mài mòn của áo giáp kim loại từ quân Thập Tự Chinh và là một hình thức cách nhiệt hiệu quả - đến mức nó trở thành một ngành tiểu thủ công nghiệp ở những vùng khí hậu lạnh như Anh và Hà Lan.
9 Vòm nhọn đặc trưng của các nhà thờ Cơ Đốc Giáo ở châu Âu là vay mượn từ kiến trúc Hồi Giáo. Nó chịu lực tốt hơn vòm tròn được sử dụng bởi người La Mã và Norman nhiều, cho phép xây dựng các tòa nhà lớn hơn, cao hơn, phức tạp và hoành tráng hơn. Những sự vay mượn khác gồm mái vòm có gân (ribbed vaulting), cửa sổ hoa hồng (rose windows) và kỹ thuật xây dựng mái vòm. Các lâu đài châu Âu cũng mô phỏng Hồi Giáo với các rãnh bắn tên, chiến lũy,  barbican và parapet. Tháp vuông cũng nhường chỗ cho tháp tròn dễ bảo vệ hơn. Kiến trúc sư của lâu đài Vua Henry V là một người Hồi Giáo.
10 Nhiều dụng cụ phẫu thuật hiện đại có thiết kế hệt như những dụng cụ được bác sĩ phẫu thuật người Hồi Giáo al-Zahrawi sáng chế vào thế kỷ thứ 10. Dao mổ, cưa xương, kẹp, kéo tốt để phẫu thuật mắt và nhiều thứ khác trong số 200 dụng cụ do ông sáng tạo không có gì xa lạ với một bác sĩ phẫu thuật hiện đại. Ông cũng phát hiện ra rằng chỉ catgut dùng để khâu nội tạng sẽ biến mất một cách tự nhiên (ông tình cờ phát hiện ra điều này khi con khỉ mình nuôi ăn mất dây đàn lute) và nó cũng có thể được dùng làm vỏ nang thuốc. Vào thế kỷ 13, một bác sĩ Hồi Giáo khác là Ibn Nafis đã mô tả sự lưu thông máu, trước khi William Harvey phát hiện ra nó 300 năm. Các bác sĩ theo đạo Hồi cũng phát minh ra thuốc gây mê từ hỗn hợp thuốc phiện và rượu, đồng thời phát triển kim rỗng để hút dịch khỏi mắt những người bị đục thủy tinh thể bằng một kỹ thuật vẫn được sử dụng đến ngày nay.
11 Cối xay gió được phát minh năm 634 cho một vị caliph của Ba Tư và được sử dụng để xay ngô và lấy nước tưới tiêu. Trong môi trường sa mạc rộng lớn của Ả Rập, khi các dòng nước khô cạn vì khí hậu của từng mùa, nguồn năng lượng duy nhất là gió thổi đều đặn từ một hướng trong nhiều tháng. Các cối xay gió có 6 hoặc 12 cánh được bọc bằng vải hoặc lá cọ. Phải gần 500 năm sau, cối xay gió mới xuất hiện ở châu Âu.
12 Ý tưởng tiêm chủng để phòng bệnh không phải do Jenner và Pasteur phát minh mà được phát minh trong thế giới Hồi Giáo và du nhập vào châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ nhờ vợ của đại sứ Anh tại Istanbul năm 1724. Trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm chủng để chống lại đại dịch đậu mùa chết chóc ít nhất 50 năm trước khi châu  Âu phát hiện ra phương pháp này.
13 Bút máy được phát minh cho Sultan của Ai Cập năm 953 sau khi ông yêu cầu một cây bút không làm bẩn tay hoặc quần áo. Nó chứa mực trong một bình và cũng đưa mực xuống ngòi bằng lực hấp dẫn và tác động của mao dẫn như các loại bút hiện đại.
14 Hệ thống số Ả Rập được sử dụng trên toàn thế giới ngày nay bắt nguồn từ Ấn Độ và được phổ biến rộng khắp bởi các học giả Hồi Giáo. (T/N: Cụm từ "chữ số Ả Rập" là tên sai vì hệ chữ số này không được người Ả Rập sáng chế hay dùng rộng rãi mà được phát triển tại Ấn Độ bởi người Hindu vào khoảng năm 400 TCN. Hệ số đếm này có tên như vậy vì người Ả Rập đã đem nó vào các nước phương Tây sau khi được truyền đến Ba Tư. Người Ả Rập gọi hệ chữ số này "chữ số Ấn Độ": arqam hindiyyah [2]). Nó lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm của các nhà toán học Hồi Giáo al-Khwarizmi và al-Kindi khoảng năm 825. Môn đại số (algebra) được đặt tên theo cuốn sách Al-Jabr wa-al-Muqabilah của al-Khwarizmi mà phần lớn nội dung vẫn còn được sử dụng ngày nay. Công trình của các nhà toán học Hồi Giáo này được nhà toán học người Ý Fibonacci du nhập vào châu Âu 300 năm sau đó. Các phép tính và phần lớn lý thuyết lượng giác đến từ thế giới Hồi Giáo. Phát hiện của Al-Kindi về phân tích tần suất đã khiến tất cả mật mã của thế giới cổ đại bị giải và tạo ra nền tảng của mật mã học hiện đại.
15 Ali ibn Nafi, biệt danh Ziryab (Hắc Điểu), từ Iraq đến Cordoba vào thế kỷ thứ 9 và mang theo khái niệm về bữa ăn ba món: súp rồi đến cá hoặc thịt, sau đó là trái cây và các loại hạt. Ông cũng giới thiệu kính pha lê được phát minh sau các thí nghiệm với đá pha lê của Abbas ibn Firnas (xem mục 4).
16 Người Hồi giáo thời Trung Cổ coi thảm là một phần của thiên đường. Nhờ kỹ thuật dệt tiên tiến và chất liệu vải mới từ kiến thức hóa học, hoa văn và arabesque phát triển nhanh chóng, trở thành cơ sở của nghệ thuật Hồi Giáo. Ngược lại, sàn nhà ở châu Âu hoàn toàn không có gì để lót cho đến khi thảm Ả Rập và Ba Tư được giới thiệu. Như Erasmus ghi lại, sàn nhà ở Anh "được bao phủ trong nước cói, thỉnh thoảng được thay mới, nhưng rất bất tiện vì lớp dưới cùng không được làm sạch - có khi tới 20 năm - chứa những bãi đờm, nôn mửa, nước tiểu của chó, bia thừa, vảy cá và những điều ghê tởm khác." Không có gì đáng ngạc nhiên khi thảm nhanh chóng được được sử dụng rộng rãi.
17 Séc hiện đại xuất phát từ "saqq" của tiếng Ả Rập, một văn bản ghi lời thề sẽ thanh toán tiền hàng khi chúng được giao để tránh việc phải vận chuyển tiền qua những địa hình nguy hiểm. Vào thế kỷ thứ 9, một doanh nhân Hồi Giáo đã giao tiền mặt cho người Trung Quốc khi người này tới rút tiền ở ngân hàng của ông tại Baghdad.
18  Vào thế kỷ thứ 9, nhiều học giả Hồi Giáo đã coi Trái Đất là một hình cầu. Nhà thiên văn học Ibn Hazm nói: "Bằng chứng là Mặt Trời luôn luôn thẳng đứng với một điểm cụ thể trên Trái đất". Phát hiện của họ xuất hiện trước Galileo 500 năm. Các nhà thiên văn Hồi Giáo thế kỷ thứ 9 còn tính chính xác rằng chu vi Trái đất là 40.253,4 km (sai số chưa đầy 200 km so với ngày nay). Học giả al-Idrisi đã mang một quả địa cầu đến triều đình của Vua Roger xứ Sicily vào năm 1139.
19 Mặc dù người Trung Quốc đã phát minh ra thuốc súng Saltpetre và sử dụng trong pháo hoa, nhưng người Ả Rập đã phát hiện ra rằng hiệu suất của phản ứng cháy có thể được nâng cao bằng KNO3 và sử dụng trong quân sự. Các loại vũ khí gây cháy của người Hồi Giáo đã khiến quân Thập Tự Chinh khiếp sợ. Vào thế kỷ 15, người Hồi Giáo đã phát minh ra tên lửa mà họ gọi là "quả trứng tự di chuyển và tự cháy", và ngư lôi - quả bom tự hành hình quả lê với một ngọn giáo ở phía trước, có thể tự đâm vào tàu địch và nổ tung.
20 Châu Âu thời Trung Cổ đã có nhà bếp và vườn thảo mộc, nhưng chính người Ả Rập đã phát triển ý tưởng về khu vườn như một nơi làm đẹp và thiền định. Những khu vườn hoàng gia đầu tiên ở châu  u xuất hiện tại Tây Ban Nha Hồi Giáo thế kỷ 11. Các loài hoa có nguồn gốc từ các khu vườn Hồi Giáo gồm cẩm chướng và tulip.
Chú thích:
[1]https://www.britannica.com/tec.../camera-obscura-photography
[2]https://vi.wikipedia.org/.../Ch%E1%BB%AF_s%E1%BB%91_%E1...

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...