Search This Blog

Sunday, August 29, 2021

CUSTOMER INSIGHT - THẤU HIỂU HAY THẤU CẢM? (Share tự do!)

CUSTOMER INSIGHT - THẤU HIỂU HAY THẤU CẢM? (Share tự do!)
Tôi thường nói "Customer Insight" là THẤU HIỂU KHÁCH HÀNG. Cụm từ này đồng thời cũng có nghĩa là "tâm tư sâu xa của khách hàng".
"Sight" là nhìn thấy. "In" là bên trong. Insight là nhìn thấy tận bên trong tâm tư sâu xa của khách hàng. Và insight cũng đồng thời là thứ nằm tận bên trong sâu xa của khách hàng (tức "tâm tư ẩn chứa" của họ).
Insight là thấy tận bên trong và thấu hiểu "tâm tư" (khách hàng), tức hiểu một cách sâu sắc họ thực sự cần gì, muốn gì...
Có bạn bảo tôi nên dùng từ "thấu cảm khách hàng", tức "đồng cảm sâu sắc" với khách hàng, thì đúng hơn. Tôi không nghĩ vậy!
Việc của chúng ta là hiểu thật sâu sắc khách hàng (thấu hiểu), chứ không nhất thiết phải đồng cảm sâu sắc (thấu cảm) với nhu cầu hay mong muốn của họ. Họ có thể cần thứ chúng ta không cần, muốn thứ ta không muốn, thậm chí họ mê thứ ta rất ghét, thì làm sao ta đồng cảm với họ được. Ví dụ, họ thích rượu mạnh, ta thì không; họ thích mắm tôm, ta thì ghét; họ thích đi xe tiết kiệm, ta thì thích xe sang; họ thích nước ngọt, ta chỉ thích bia..
Chưa kể, có nhiều nhu cầu của khách hàng rất "quái", rất kỳ cục, rất khác thường, chúng ta không thể đồng cảm với họ, mà chỉ cần hiểu thật đúng nhu cầu ấy để đáp ứng cho trúng, là đủ!
Customer insight chứ không phải customer empathy. Empathy là đồng cảm, là một cảm xúc thực (real feeling) và tự nhiên, không phải cố ra vẻ hay cố ép buộc.
Sự đồng cảm chỉ có thể xảy ra khi ta ĐÃ TỪNG TRẢI QUA CÙNG CẢM XÚC THỰC NHƯ HỌ (experiencing the same real feelings), nghĩa là ta có cùng sở thích, đam mê, cùng mối quan tâm, cùng insight (tâm tư) với họ, và có cùng cảm xúc giống hệt như họ về một chuyện gì đó mà ta đã từng trải qua (experience) như họ đã trải qua.
Nhưng điều đó là không thể và ta không nên cưỡng bức cảm xúc theo hướng phải đồng cảm với người khác khi trong lòng ta không có và chưa hề trải qua cảm xúc đó.
Ví dụ, bạn đồng cảm với một người sở hữu siêu xe triệu đô vì chính bạn cũng đã từng trải qua cảm xúc thật khi sở hữu một chiếc siêu xe triệu đô thì OK. Khi đó, dùng từ "đồng cảm" mới là chính xác. Còn bạn chưa từng sở hữu siêu xe triệu đô mà bảo "đồng cảm" với họ thì là không thể, không thật, và nghe nó rất miễn cưỡng! Empathy là experiencing someone else's feelings mà!
Thấu hiểu thì khác. Ta cần thấu hiểu một cách sâu sắc tâm tư ẩn chứa, bao gồm cả động cơ, cảm xúc và nhu cầu đích thực của khách hàng (mặc dù tâm tư và nhu cầu ấy khác xa tâm tư và nhu cầu của ta).
Tôi mất công giải thích dông dài vậy để các bạn hiểu vì sao tôi luôn dùng cụm từ THẤU HIỂU mà không bao giờ dùng hai từ "THẤU CẢM". Thà không nói thì thôi, đã nói, phải hiểu thật rõ mình đang nói gì và vì sao mình nói thế! Cố gồng lên mà không hiểu đúng bản chất thì lợi bất cập hại.
=====
* Thấu hiểu là hiểu thấu tâm can, hiểu một cách sâu sắc cả động cơ, tình cảm, cảm xúc, tâm tư sâu xa của khách hàng để tạo và trao giá trị cho đúng, kể cả khi mình không hề đồng cảm với họ. Đồng cảm làm sao được với hàng triệu khách hàng khác nhau, khi mà mình chưa từng trải qua cảm xúc thật như họ? Khi cố đồng cảm với họ, ta sẽ thất vọng và đâm ra không ưa họ, vì trong lòng ta thực sự đâu có đồng cảm. Cái gì không có thật mà cố quá thì sẽ thành... quá cố!🙂
Thấu hiểu đã bao gồm cả thấu hiểu cảm xúc, trăn trở, tâm tư, động cơ, nhu cầu đích thực của họ, nhưng không nhất thiết phải đồng cảm sâu sắc với họ, vì ta đâu có trải qua những gì họ đang trải qua! Đừng cố "gồng" lên mà khổ cho mình và khổ cho cả khách!
* Chủ các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp đắt tiền đang ngày ngày móc túi bạn không phải vì họ "đồng cảm" với bạn mà vì họ thấu hiểu tâm tư sâu xa của bạn (vì sao bạn thích dùng hàng hiệu cao cấp, đắt tiền)!

Sunday, August 22, 2021

Marketing vs Branding

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA MARKETING VÀ BRANDING. BẠN SẼ BẤT NGỜ VỚI BÀI VIẾT NÀY!
* Hãy đọc thật kỹ, vì tôi viết có thể trái ngược với những gì bạn từng nghe, từng đọc và từng hiểu về marketing và xây dựng thương hiệu!
Tôi có ý tưởng dùng mạng xã hội để chia sẻ tri thức tích lũy cả đời của mình cho cộng đồng như một hình thức thiện nguyện từ tâm. Tôi làm một khảo sát nhỏ trên thị trường, tìm hiểu nỗi đau (pain) tức những thiếu thốn về kiến thức, kinh nghiệm của cộng đồng doanh nhân, quản lý, startups... và tâm tư ẩn chứa (insight) của họ. Tôi cũng khảo sát nhiều nhóm fb, nhiều diễn đàn dành cho giới doanh nghiệp. Đây là một dạng khảo sát thị trường (market research) để tìm hiểu nhu cầu hiện hữu và nhu cầu tiềm ẩn.
Tôi nhận ra một điều là các nhà quản lý và doanh nhân VN đang rất cần (customer need) những kiến thức, kinh nghiệm về quản lý kinh doanh mà có thể áp dụng ngay vào thực tế quản lý tại ngay doanh nghiệp của họ hay DN mà họ đang làm việc. Họ học nhiều, đọc nhiều, nhưng không áp dụng được bao nhiêu vì các nội dung thiếu tính thực tế, nặng về lý thuyết chung chung (customer insight)
Tôi cũng nhận thấy nhiều nhóm khác, diễn đàn khác mà tôi biết vào thời điểm đó (cách đây hơn 6 năm), đều ít nhiều có, hoặc lồng ghép yếu tố quảng cáo, hoặc kết nối để hợp tác kinh doanh, hay quảng cáo, PR cho spdv hay cho ngành nghề KD nào đó. Tôi chưa thấy nhóm nào hoạt động thuần chuyên môn, thuần CHIA SẺ VÀ HỌC HỎI mà không có yếu tố quảng cáo, tạo phễu, hay kết nối kinh doanh, hợp tác, tìm kiếm khách hàng, đối tác để mua bán thứ gì đó (competitive analysis).
Tôi quyết định sẽ tạo ra một sự khác biệt (differentiation) mang lại giá trị vượt trội (superior value) cho nhóm đối tượng mục tiêu là các nhà quản lý, doanh nhân và startup VN (target segment)
Thế là tôi lập một Group lấy tên là PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VIỆT, và gắn cho nó một sứ mệnh là NÂNG TẦM và PHÁT TRIỂN doanh nghiệp Việt, đúng như cái tên của nó, và đưa ra một tầm nhìn (hay hoài bão) cho nó. Tôi định vị cho nó là nhóm chia sẻ và học hỏi, và xem yếu tố THIẾT THỰC và HỮU ÍCH là lợi ích cốt lõi (core benefits) của Group dành cho thành viên. Và tôi cũng đưa các giá trị cốt lõi của chính tôi vào các GTCL của Group.
Sau khi Group PTDNV được thành lập theo một định vị RÕ RÀNG, NHẤT QUÁN và KHÁC BIỆT, tôi bắt đầu tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông để thu hút ngày càng nhiều thành viên; đồng thời cũng liên tục nhắc nhở về định vị của Group là một Group chia sẻ và học hỏi, không phải Group quảng cáo, tạo phễu, hay kết nối kinh doanh.
Chúng tôi vừa tìm cách quảng bá, phát triển Group, vừa làm cho thành viên nhận ra giá trị và gắn bó, trung thành với Group. Mọi hoạt động quảng bá, truyền thông, chia sẻ online, offline đều theo đúng định vị ban đầu của Group, theo đúng sứ mệnh (brand mission), tầm nhìn (brand vision), và dựa trên nền móng các GTCL của Group (brand core values).
Đọc đến đây, các bạn ắt hiểu, MARKETING PHẢI ĐI TRƯỚC để nghiên cứu thị trường, phát hiện nhu cầu, hình thành ý tưởng về sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Rồi sau đó mới định vị  (positioning) và đặt tên cho sản phẩm. Sau khi sản phẩm có brand ra đời, mọi hoạt động marketing và branding sau đó phải tương thích với chiến lược thương hiệu (trong đó có chiến lược định vị), phục vụ cho sứ mệnh, tầm nhìn của brand và không đi ngược các giá trị cốt lõi của brand. Brand đưa ra lời hứa (brand promise), marketing thực hiện lời hứa theo đó!
Hy vọng, thông qua cách làm marketing và branding của tôi đối với Group PTDNV, mà tôi đã nhiều lần giải thích, các bạn sẽ hiểu mối tương quan giữa marketing và branding. Và cũng thông qua cách làm này, các bạn tham khảo để làm marketing và branding cho sản phẩm dịch vụ của công ty mình. Chỉ cần thay chữ Group bằng chữ sản phẩm trong bài viết này là hiểu. OK không các bạn?
Long Nguyen Huu - Group PTDNV

Wednesday, August 18, 2021

AI CÓ CÔNG MỞ MANG BỜ CÕI

AI CÓ CÔNG MỞ MANG BỜ CÕI
#datnuoc_dcb
Lịch sử Việt Nam gắn chặt với quá trình bị quân xâm lược phương Bắc xâm chiếm và đô hộ đồng thời để bù đắp phần đất phía Bắc bị mất, các Vua, Chúa Việt Nam lại mở mang bờ cõi về phương Nam.
Vậy ai là những người có công mở mang bờ cõi, tạo nên dải đất hình chữ S ngày nay?
Đọc kỹ lịch sử, xem lại bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ chúng ta thấy rằng những triều đại sau đây có công lớn nhất mở mang bờ cõi:
[1] NGÔ QUYỀN:
Năm 938 Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán. Tuy nhiên lãnh thổ bị co lại chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn. 4 châu bị nhà Nam Hán chiếm là Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An (phía nam đến Thanh Hoá ngày nay).
[2] VUA LÝ THÁNH TÔNG:
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông nam tiến đánh nước Chiêm Thành và bắt được vua Chiêm Thành, chiếm được đất phía bắc của Chiêm Thành gồm ba châu là: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (ngày nay là các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị).
[3] VUA TRẦN ANH TÔNG:
Năm 1306 Vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành Chế Mân và nhận sính lễ cưới của Chế Mân là vùng đất mà ngày nay là phía nam Quảng Trị và Huế.
[4] VUA LÊ THÁNH TÔNG:
Năm 1471 vua Lê Thánh Tông nam tiến đánh vào kinh đô Vijaya của Chiêm Thành. Vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập vùng đất bắc Chiêm Thành vào Đại Việt (ngày nay bao gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Năm 1478, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man, vua Lê Thánh Tông đã sát nhập vùng Sơn La, các huyện phía tây của Thanh Hóa, phía tây Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay vào đất Đại Đại Việt.
[5] CÁC CHÚA NGUYỄN:
Năm 1611, Chúa Nguyễn Hoàng đã dẹp quân Chăm Pa quấy nhiễu biên giới phía Nam chiếm được vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân.
Cho đến khi chúa Nguyễn Hoàng mất giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến chiếm vùng Khánh Hòa của Chiêm Thành. Vùng phía Đông sông đến địa đầu Phú Yên.
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiến chiếm và chính thức sáp nhập phần còn lại của vương quốc Chiêm Thành lập trấn Thuận Thành nay là vùng đất Bình Thuận, Ninh Thuận.
Năm 1698, chúa Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình. Chính thức đưa khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ của Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1708, Mạc Cửu, thương nhân người Hoa, người khai phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang (của Chân Lạp) xin nội thuộc chúa Nguyễn.
Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú nhận đất dâng từ vua nước Chân Lạp hai vùng đất mới là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long).
Từ năm 1736-1739, Mạc Thiên Tứ (con trai của Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ.
Năm 1755, chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh bại Chân Lạp chiếm đất Tân An, Gò Công (Long An, Tiền Giang ngày nay).
Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chiếm vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng của Chân Lạp và Châu Đốc, Sa Đéc, Hà Tiên của Nặc Tôn.
Đến năm 1757 vùng đất mà vua Lê, chúa Trịnh chiến ở phía Bắc và chúa Nguyễn chiếm ở phía Nam đã gần giống như đất Việt Nam hình chữ S ngày nay (phía Bắc còn thêm một phần phía Tây của Lào).
[6] NHÀ NGUYỄN:
Sau khi Quang Trung đánh tan nhà Thanh, năm 1788 Quang Trung chiếm giữ từ Bắc đến hết Nam Trung Bộ và Cao Nguyên, chúa Nguyễn chỉ còn chiếm Sài Gòn Gia Định và Đông Nam Bộ.
Sau khi tiêu diệt Tây Sơn nhà Nguyễn mở mang bờ cõi Việt Nam cực đại nhất vào năm 1835 (thời Vua Minh Mạng), khi ấy lãnh Thổ Việt Nam vươn tới tận Ai Lao, Chân Lạp (2/3 Lào và 2/3 Căm Phu Chia ngày nay).
KẾT LUẬN:
Người có công lớn nhất mở mang bờ cõi là các chúa Nguyễn (chứ không phải nhà Nguyễn). Lãnh thổ Việt Nam rộng lớn nhất là thời nhà Nguyễn dưới triều vua Minh Mạng 1835.
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà việt nam.
(Tóm tắt từ Lịch sử Việt Nam lichsunuocvietnam.com)

Monday, August 16, 2021

NGUYÊN TẮC "FIRM BUT FAIR" TRONG QUẢN LÝ CON NGƯỜI

NGUYÊN TẮC "FIRM BUT FAIR" TRONG QUẢN LÝ CON NGƯỜI
Bạn nào làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, có thể đã nghe qua cụm từ mà các sếp rất hay dùng là "FIRM AND FAIR" hay "FIRM BUT FAIR".
"Firm but fair" là "Nguyên tắc nhưng công bằng" hay "Kỷ luật nhưng công tâm". Firm là cứng rắn, chắc chắn, kiên định. Fair là chơi đẹp (fair play), là công bằng, công tâm, là hành xử đàng hoàng, tử tế.  
Đó chính là NGUYÊN LÝ quan trọng trong quản lý tổ chức và con người mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần tuân thủ và thường xuyên duy trì. Kỷ luật là sức mạnh. Nguyên tắc là trật tự, hệ thống, quy tắc, luật lệ, nội quy là xương sống của tổ chức. Tuy vậy, song song với nguyên tắc hay kỷ luật, nhà quản lý cần hành xử công tâm, công bằng, thưởng phạt rõ ràng, minh bạch, không thiên kiến, định kiến.
Chưa cần gì nhiều, chỉ cần nhà quản lý ghi luôn câu khẩu hiệu này trong phòng làm việc, nơi hội họp, treo hay dán ở chỗ dễ nhìn để nhắc nhở chính mình và thông báo rõ cho nhân viên, và nghiêm túc hành xử theo đó, nhân viên sẽ tâm phục, khẩu phục!
=========
* Nguyên tắc "FIRM BUT FAIR" (and CONSISTENT - nhất quán) luôn được tôn trọng và duy trì ở Group PTDNV suốt hơn 6 năm qua. Chính nguyên tắc này là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên uy tín và thương hiệu của Group PTDNV!

CÓ HAY KHÔNG NGƯỜI TIÊU DÙNG TRUNG TÍNH?

CÓ HAY KHÔNG NGƯỜI TIÊU DÙNG TRUNG TÍNH? (Nếu đọc 2 hay 3 lần, sẽ rất tốt! Share tự do!)
Một quán cà phê mở ra, không có gì đặc biệt. Mọi thứ cứ bình bình, từ vị trí, cà phê, âm nhạc, thiết kế, phục vụ..., chẳng có thứ nào nổi trội, hay độc đáo. Nếu là dân marketing, vào một, hai lần sẽ thấy chán ngắt, không muốn vào nữa. Và cái máu nghề nghiệp sẽ nổi lên, sẽ chê bai cái quán này không biết định vị thương hiệu, không biết tạo sự khác biệt…. Nó sẽ chết chắc!
Nhưng không, quán cà phê vẫn sống, vẫn đông khách, và ngày càng đông khách. Nó đã tồn tại mấy năm nay và lúc nào cũng nườm nượp người. Sao kỳ vậy? Có gì sai sai trong các nguyên lý marketing chăng?
Các chuyên gia marketing sẽ cho rằng quán này vẫn đông khách là vì có những người tiêu dùng là "trung tính". Trung tính là "hi-fi" ư? Không, "trung tính" không phải là "giới tính thứ ba", mà là tính cách không quá quan trọng thứ gì khác biệt, không cần một lý do thật đặc biệt nào để mua hàng.
Vậy là sao? Vậy thì đâu cần phải khác biệt? Đâu cần phải phong cách hay định vị gì ghê gớm? Cứ bình bình, thường thường như mọi đối thủ khác, thậm chí cứ copy của họ về xài? Có thật vậy không? Và có thật là những khách hàng (được cho là ) "trung tính" này chẳng có lý do nào rõ ràng hay đặc biệt khi mua hàng của bạn hay không?
Không đâu, thưa các chuyên gia! Tôi cho là luôn CÓ MỘT LÝ DO rất rõ ràng và rất nhất quán ở những người tiêu dùng được cho là "trung tính" (neutral consumer) này. Và thực tế, họ không hề trung tình, không hề dễ dãi theo nghĩa thế nào cũng được. Ngược lại, họ là những người KHÓ TÍNH, không dễ chiều! Họ đòi hỏi NHIỀU HƠN những người tiêu dùng thông thường khác - những người chỉ cần MỘT lý do đặc biệt để mua hàng (ví dụ, chỉ cần cà phê thật ngon, hoặc âm nhạc thật hay, hoặc cô phục vụ thật xinh – chỉ cần MỘT trong những thứ đó là được, các thứ khác không quan trọng!).
Những người được cho là "trung tính" thực ra rất CÁ TÍNH. Họ rất KHÓ chấp nhận MỘT lý do đặc biệt duy nhất nào để mua hàng. Nói cách khác, KHÓ có một thứ đặc biệt (unique) hay khác biệt (differentiation) nào một mình nó đủ mạnh để thuyết phục được họ đến quán. Cho dù sự khác biệt đó là cà phê cực ngon, hoặc không gian cực thoáng, hoặc thiết kế quán cực phong cách… KHÔNG có thứ nào trong số các thứ ấy, một mình nó, có thể làm rung động trái tim và khiến họ luôn trung thành với quán. Vậy sao họ vẫn đến quán?
Họ đến quán là vì họ thấy được GIÁ TRỊ TỔNG THỂ (total value), mà ở đây là GIÁ TRỊ CẢM NHẬN (perceived value), của họ ở quán này cao hơn quán khác. Giá trị tổng thể này bao gồm LỢI ÍCH TỔNG THỂ (total benefit) từ nhiều thứ (cà phê, không gian, phục vụ, âm nhạc, thiết kế, ánh sáng…) trừ đi chi phí tổng thể (total cost, bao gồm tiền bạc, thời gian, năng lượng, tâm trạng…).
Nếu về tổng thể, giá trị cảm nhận mà họ có được là âm (tức tổng lợi ích thu về thấp hơn tổng chi phí bỏ ra), hay không đủ cao thì họ sẽ không đến quán. Quán cà phê nói trên đã làm được cái việc mà ít quán cà phê khác có thể làm, là đem lại giá trị cảm nhận tổng thể cho nhóm khách hàng khó tính này (dù họ được xem là "trung tính") CAO HƠN các đối thủ. Chính vì vậy mà nó vẫn có khách và có rất đông.
Kết luận là gì? Nếu bạn không thể tạo ra sự khác biệt, độc đáo, duy nhất (vì quá khó), bạn vẫn có thể tạo giá trị cảm nhận tổng thể thật cao ở khách hàng nhờ vào sự chăm chút, cải thiện TỪNG THỨ CHÚT CHÚT trong tất cả những thứ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Ví dụ, đối với quán cà phê này là chút cà phê, chút âm nhạc, chút không gian, chút bàn ghế, chút phục vụ, chút bảo vệ giữ xe bên ngoài, thậm chí cả chút... toilet…, tất cả cộng lại, làm nên tổng giá trị cảm nhận cao cho khách hàng.
Long Nguyen Huu -  Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt.

Saturday, August 14, 2021

Cuba xưa

Cuba thuở chưa có huynh đệ nhà Castro !
Cuba trước năm 1959 là đất nước phát triển nhất trong hệ thống các nước Tây Ban Nha – Mỹ. Sau Cuba, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico, Argentina...
1829 – quốc gia đầu tiên trong khối các nước Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), bắt đầu đưa tàu vận tải biển vào vận hành.
1837 – Quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Anh và Mỹ), xây dựng xong và đưa vào vận hành các tuyến đường sắt.
1847 – Quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ bắt đầu sử dụng chất gây mê ether trong phẫu thuật.
1877 – Quốc gia đầu tiên trên thế giới, trình diễn ứng dụng việc sử dụng điện trong công nghiệp.
1881 – Cuba giải quyết bệnh nhiệt đới khủng khiếp nhất vào thời điểm đó – cơn sốt vàng – và phát minh ra một loại thuốc sử dụng cho đến bây giờ. Bác sỹ Carlos Finlay người Cuba là tác giả của phát minh này.
1889 – Cuba là nước đầu tiên trong khối Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) và thứ hai ở châu Mỹ, sau Hoa Kỳ, lắp đặt đèn chiếu sáng đường phố.
Giữa năm 1825 và cho đến khi độc lập vào năm 1898, nguồn thu nhập từ Cuba chiếm đến 60-75% ngân khố của Tây Ban Nha. Trong chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1902, sau cuộc xâm lược của Tây Ban Nha vào Cuba, và theo yêu cầu của nhà cầm quyền của hòn đảo, gửi cho chính phủ Mỹ về việc bảo vệ đất nước, Tây Ban Nha đã thua trận. Hoa Kỳ theo các điều khoản của một hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha nhận được khoản bồi thường từ Tây Ban Nha hòn đảo Puerto Rico, đồng thời đền bù cho tất cả các doanh nhân Tây Ban Nha và các thương nhân, những người muốn dời bỏ Cuba và Puerto Rico (có rất ít số người có nhu cầu này), thông qua Chính phủ Tây Ban Nha, tổng cộng 3 triệu đô la Mỹ thời đó.
Năm 1900 – ở Cuba xuất hiện những chiếc xe hơi đầu tiên trên mảnh đất Mỹ Latinh. Rene Mendez Capote người Cuba trở thành nữ tài xế đầu tiên ở Châu Mỹ và Tây Ban Nha.
1900 – kiếm sĩ Ramon Fonts, người Cuba là người đầu tiên ở Mỹ Latin trở thành nhà vô địch Olympic.
1906 – Havana – thành phố đầu tiên trên thế giới đã thiết lập các trạm điện thoại quay số trực tiếp (áp dụng công nghệ mới nhất trong kỹ thuật điện thoại thời đó).
Năm 1907 - lần đầu tiên ở Mỹ Latinh (kể cả ở Tây Ban Nha) tại Havana đã khai trương bộ phận X-quang trong y học.
19 Tháng Năm 1913, chuyến bay đầu tiên ở Châu Mỹ Latin được thực hiện tại Cuba. Agustin Parla và Domingo Rosilo người Cuba đã trở thành những phi công đầu tiên của Châu Mỹ la tinh. Chuyến bay kéo dài 2 giờ và 40 phút, giữa Havana và Cayo Ueso (Cayo Hueso) ở Florida của Mỹ.
Từ năm 1915 tới 1959 – đồng peso Cuba (peso Cubano) – tiền tệ duy nhất trên thế giới, mà trong vòng 44 năm ổn định so với đồng đô la Mỹ, và chỉ chênh lệnh đúng 1 cent ($).
1918 – quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ, cũng như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cho phép ly hôn.
Nhà vô địch thứ ba môn cờ vua thế giới và giữ chức vô địch duy nhất từ năm 1921-1927 là Jose Raul Capablanca.
1922 – quốc gia thứ hai trên thế giới, mở đài phát thanh đầu tiên và phát sóng các buổi hòa nhạc và tin tức thường xuyên. Phát thanh viên đầu tiên trên thế giới là nữ công dân Cuba – Esther Perea de la Torre.
Năm 1928, Cuba đã có là 68 đài phát thanh, và 43 trong số đó – ở Havana. Theo chỉ số này, Cuba đang đứng thứ 4 trên thế giới sau Hoa Kỳ, Canada và Liên bang Xô Viết và đứng vị trí số một tiên trên thế giới về số lượng các đài phát thanh tính trên đầu người và trên một lãnh thổ nhỏ như vậy. Cuba – quốc gia đầu tiên trên thế giới, phát hành các chương trình phát thanh dài kỳ (kịch, đọc truyện… trên radio), mà sau này đã trở thành ông tổ của các chương trình nhiều tập trên radio và trong tương lai – các bộ phim truyền hình nhiều tập. Như vậy, Cuba được coi là cái nôi của series phim truyền hình. Tác giả của chương trình đầu tiên này – Felix Kaynet người Cuba (Félix Caignet) 1929 – Hãng hàng không Cubana de Aviación đã được thiết lập, một trong những hãng hàng không thương mại đầu tiên của thế giới.
1935 – Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ La tinh lớn nhất xuất khẩu các chương trình dài tập trên radio và vở kịch trên radio.
1937 – Cuba là nước ở Mỹ Latinh đầu tiên thông qua một đạo luật về ngày làm việc 8 tiếng và mức lương tối thiểu. 1940 – Tổng thống đầu tiên của thế giới – một người lai da đen và da trắng (mẹ là người da đen-và cha – người lai da đen và da trắng), được đại đa số người dân Cuba bầu chọn. Lúc đó, cũng như hiện tại – phần đông dân số là dân da trắng. Trớ trêu thay, chính ông ta đã trở thành nhà độc tài trong tương lai – Fulgencio Batista (Fulgencio Batista y Zaldívar).
1940 – Cuba đã thông qua hiến pháp tiên tiến nhất trong hệ thống Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), trong số những thành tựu của Cuba phải kể đến: lần đầu tiên ở châu Mỹ Latinh đã thiết lập quyền bình đẳng giữa nam và nữ giới, giữa các chủng tộc, vv. Còn tại Tây Ban Nha, người phụ nữ nhận được quyền bình đẳng với nam giới chỉ trong năm 1976.
1950 – quốc gia thứ hai trên thế giới, mở một đài truyền hình và hãng phim. Cuba đã trở thành một trung tâm truyền hình ở Mỹ Latinh, và Havana đã trở thành trung tâm của các chương trình kinh doanh giải trí của Mỹ Latin (nay trung tâm này ở Miami).
1952 – khu dân cư đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở thủ đô Havana (tòa nhà El Focsa) bằng công nghệ bê tông. 1954 – Cuba – đất nước có những đàn bò lớn với số lượng các con bò bình quân trên đầu người lớn nhất trên thế giới –1 con bò/ mỗi người dân. Đồng thời, Cuba – quốc gia thứ ba trên thế giới về tiêu thụ thịt tính theo bình quân đầu người (đứng sau Argentina và Uruguay).
1955 – quốc gia thứ hai ở Mỹ Latinh (bao gồm cả Tây Ban Nha), sau Uruguay, với tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất (33,4 phần nghìn/ ca sinh).
1956 – Liên Hiệp Quốc đã công nhận Cuba là nước Mỹ Latin với số lượng thấp nhất dân số mù chữ (23%, trong thời điểm đó là một con số thấp). Ở Haiti, 90% không biết chữ, Tây Ban Nha, El Salvador, Guatemala, Bolivia, Venezuela, Brazil, Peru, Cộng hòa Dominica – hơn 50%.
1957 – Liên Hiệp Quốc công nhận Cuba là đất nước có chỉ số sức khỏe tốt nhất trên thế giới và tốt nhất ở Mỹ Latinh và Tây Ban Nha. Ở Cuba tính trung bình cứ 957 người dân thì có một bác sỹ giỏi.
1957 – đất nước có tỷ lệ điện khí hóa cao nhất ở Mỹ Latinh với số lượng các nhà dân sử dụng điện dân dụng cao nhất (83%) và nhà ở với WC đầy đủ tiện nghi (80%). Các tỷ lệ này là cao nhất trong thế giới.
1957 – số lượng calo tiêu thụ hàng ngày của mỗi người Cuba – 2870 – tỷ lệ này ở Cuba đứng thứ hai ở LA, sau Uruguay.
1957 – Havana – thành phố thứ hai trên thế giới đã mở các rạp chiếp phim với ứng dụng 3D và rạp chiếu phim – Multisala. Havana là thành phố có số lượng lớn nhất của các rạp chiếu phim trên thế giới – 358 – vượt cả New York, Paris, London và các thành phố khác trên thế giới. 1958 – quốc gia thứ hai trên thế giới, bắt đầu phát sóng TV màu và kinh doanh TV màu (đến nay, nhiều ngôi nhà vẫn còn sử dụng những TV này)
1958 – Nước đứng thứ ba ở châu Mỹ Latinh về số lượng xe oto (160.000, tức cứ 38 người Cuba thì có một ô tô). Quốc gia đứng đầu ở LA về số lượng các thiết bị điện dân dụng dùng trong gia đình. Đứng số một trên thế giới về chiều dài của tuyến đường sắt trên một cây số vuông và số lượng các máy thu phát radio trên thế giới (1 radio/2 người).
Từ năm 1950 đến năm 1958, Cuba xếp thứ hai / thứ ba về thu nhập tính trên đầu người trong các nước thuộc hệ thống Ibero-Mỹ, cao hơn Ý và hơn 2 lần so với Tây Ban Nha. Mặc dù diện tích nhỏ và chỉ có 6,5 triệu dân, trong năm 1958, Cuba xếp hạng 29 trong số các nền kinh tế mạnh trên thế giới, vượt xa tất cả các nước Mỹ Latin, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.
1958 – Theo Tổ chức Lao động quốc tế, mức lương trung bình của công nhân của Cuba – ở vị trí thứ tám trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ, New Zealand, Đan Mạch và Na Uy), còn thu nhập của người nông dân – ở vị trí thứ bảy trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp – một trong những mức thấp nhất trên thế giới – 7,07%. Tổng dân số làm việc tại Cuba năm 1958-2.204.000 người.
Bên cạnh đó, vào năm 1958, Cuba là quốc gia có hệ thống đường quốc lộ chất lượng tốt nhất Mỹ Latinh, với số lượng lớn nhất các siêu thị ở châu Mỹ Latinh, với những sân bay hiện đại nhất (Havana), với vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất và với nguồn ngân sách lớn nhất trên toàn châu Mỹ dành cho việc bảo tồn các di tích lịch sử và di tích kiến trúc.

ko biết có giống sài gòn xưa không :D 

VIỆT NAM CÓ THỂ NGANG BẰNG THẾ GIỚI?

VIỆT NAM CÓ THỂ NGANG BẰNG THẾ GIỚI?
#datnuoc_dcb
Hầu hết người Việt Nam chúng ta đều nghĩ rằng Việt Nam là nước nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển nên bất cứ lĩnh vực nào của kinh tế, chúng ta cũng đi sau, lạc hậu hơn các nước Âu, Mỹ vài chục năm, tối thiểu là 10-15 năm.
Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, chúng ta đã có và tương lai sẽ có một số ngành kinh tế có thể ngang bằng thế giới, kể cả các nước Âu, Mỹ nếu...
CẬU CHUYỆN MOBILE PHONE Ở MỸ
Cách đây khoảng hơn 10 năm, chúng tôi có chuyến Business trip ở Mỹ 10 ngày. Đoàn có 10 người, để thuận tiện liên lạc và tiết kiệm chi phí, người hướng dẫn phát cho mỗi người 1 chiếc điện thoại đi động (ĐTDD) của một nhà mạng Mỹ.
Buổi sáng đầu tiên, để ăn sáng tập trung, trước khi vệ sinh cá nhân, tôi nhắn tin cho mấy anh bạn hẹn đúng 8h30 ở nhà ăn, nhưng có 3-4 anh bạn xuống muộn 15 phút, các anh giải thích "không nhận được tin nhắn". Mãi đến khi ngồi vào bàn ăn, chúng tôi mới nghe tiếng tít tít, như vậy phải 30 phút tin nhắn mới đến nơi. Bực mình tôi lấy điện thoại Việt Nam (roaming) ra nhắn thì chỉ 1 giây là đến, tôi chợt buột miệng: "hoá ra ĐTDD Việt Nam hơn Mỹ à?".
VIỄN THÔNG VIỆT NAM ĐÃ NGANG BẰNG THẾ GIỚI
Sau sự cố nhắn tin ở Mỹ tôi chợt phát hiện ra một điều NGÀNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM ĐÃ NGANG BẰNG VỚI THẾ GIỚI, KỂ CẢ CÁC NƯỚC ÂU MỸ.
Các bạn nào đi nước ngoài nhiều có thể kiểm chứng: Về chất lượng sóng, độ phủ sóng, tốc độ truyền của ĐTDD, Internet ở Việt Nam đã tương đương với các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore hay bất cứ nước nào trên thế giới; Về dịch vụ, Việt Nam có tất cả các dịch vụ ĐTDD, Internet mà các nước Âu, Mỹ có: từ gọi, nhắn tin, chặn cuộc gọi, báo nhỡ...; Về độ tiện dụng khi mua ĐTDD và phụ kiện, mua Sim thẻ, nạp tiền, thanh toan cước phí... tôi nghĩ Việt Nam còn thuận tiện hơn.
Riêng về các nhà cung cấp Viễn thông, Internet, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn thị trường Việt nam, làm chủ hoàn toàn công nghệ. Không một doanh nghiệp Viễn thông nước ngoài nào kiếm được tiền trực tiếp từ thị trường Việt Nam, ngược lại Viettel lại kiếm được nhiều tỷ USD từ thị trường quốc tế.
Như vậy ở lĩnh vực Viễn thông, không bị gánh nặng bởi hệ thống điện thoại cố định cổ lỗ, tồn tại hàng trăm năm, với hệ thống dây cáp nhằng nhịt như các nước phát triển, các nhà mạng Viễn thông Việt Nam đi thẳng vào công nghệ di động không dây (2G, 3G), vào Internet; Nói cách khác ngành ĐTDD, Internet Việt Nam đã "đi tắt, đón đầu" nên có xuất phát điểm cùng với ĐTDD, Internet các nước Âu, Mỹ.
MUỐN ĐI TẮT ĐÓN ĐẦU PHẢI HIỂU RÕ ĐỊA HÌNH
Từ câu chuyện anh hùng Cù Chính Lan với tình huống bị xe tăng Pháp bỏ lại phía sau đã chạy bộ băng rừng đón đầu để tiêu diệt xe tăng Pháp, đến câu chuyện ngành Viễn thông Việt Nam đi thẳng vào di động không dây, bỏ qua điện thoại cố định có dây để đưa ngành Viễn thông Việt Nam ngang bằng ngành Viễn thông thế giới, đã cho chúng ta bài học sâu sắc là: "muốn đuổi kịp và vượt thì hoặc phải đi với tốc độ cao hơn hoặc phải "đi tắt, đón đầu" và "muốn đi tắt đón đầu thì phải biết rõ đường đi, biết rõ địa hình", nếu không biết thì càng "đi tắt" càng bị bỏ lại xa hơn.
Hoá ra từ trước đến nay chúng ta hay dùng từ "đi tắt, đón đầu" mà quên mất một điều kiện là chúng ta "có biết rõ con đường đi không, có biết rõ địa hình, biết rõ khúc cua không", chỉ có biết rõ thì chúng ta mới biết đi đằng nào là "đi tắt", đi đằng nào mới có thể đón đầu.
Vậy đường đi, địa hình trong phát triển kinh tế là gì? Theo tôi nó chính là "XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ", là "MÔ HÌNH QUẢN TRỊ" và "MÔ HÌNH KINH DOANH"
NHỮNG NGÀNH NÀO CÓ THỂ NGANG BẰNG
Trên tinh thần nắm bắt chính xác xu hướng công nghệ, thành tựu mới nhất của khoa học trên thế giới, chúng ta đi thẳng vào công nghệ mới nhất, dưới góc độ của người làm Công nghệ Thông tin tôi cho rằng để đuổi kịp và vượt các nước khác, Việt Nam nên tập trung nỗ lực cuả toàn xã hội vào một số hướng sau đây:
[1] Nông nghiệp công nghệ cao
Chúng ta đã biết Israel đã đi đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, họ phát hiện ra một điểm đặc biệt quan trọng là "thực chất cây cối không cần có đất" mà "cây cối cần nước, dinh dưỡng và ánh sáng"; từ đó họ dùng hệ thống phần mềm tính toán, điều khiển hệ thống tưới thông qua những đường ống dẫn nước và dinh dưỡng trực tiếp đến tận rễ cây; hệ thống sẽ biết lúc nào cây hết nước, lúc nào cây cần bón loại phân gì và cần bao nhiêu, lúc nào thì cây cần ánh sáng, cần nhiều hay ít;
Với công nghệ chăm bón, tưới như vậy cây sẽ ra năng xuất rất cao, có thể gấp hàng chục lần, với chất lượng rất tốt.
Nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở Israel, ở Nhật Bản cũng bắt đầu được dăm năm, nếu Việt Nam đi thẳng vào thì với tiềm năng con người, đất đai, nguồn nước thì ngành Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội giống ngành Viễn thông.
[2] Thành phố thông minh, Giao thông thông minh, Lưới điện thông minh, IOT
Thế giới đang bước vào xu thế công nghệ SMAC (Social - Mobile - Analystics - Cloud) và IOT (Internet of Thing); từ những công nghệ này nó sẽ đưa ra những thiết bị thông minh, những giải pháp thông minh; các thiết bị, giải pháp này sẽ thay đổi hoàn toàn xã hội: từ sản xuất, tiêu dùng, đi lại, mua sắm, giải trí, y tế - chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và vận hành và quản lý xã hội.
Các bạn thử tưởng tượng hệ thống giao thông mà toàn bộ các trạm thu phí được dỡ bỏ, xe chạy không thay đổi tốc độ, hệ thống thu phí tự tính và tự trừ tiền trong tài khoản;
Các bạn thử tưởng tượng hệ thống giám sát giao thông sẽ không cần cảnh sát bắn tốc độ, đứng lề đường chặn xe để phạt mà hoàn toàn phạt nguội; toàn bộ các phương tiện công cộng như xe bus, tàu đường sắt đô thị, metro, đường sắt chỉ cần một vé, đi đoạn nào trừ tiền đoạn đó;
Các bạn thử tưởng tượng hệ thống giao thông đô thị mà mỗi khi bạn đi đâu đó bạn chỉ cần đưa tên điểm cần đến, hệ thống sẽ đưa ra lời khuyên bạn nên đi đường nào thì nhanh nhất, đến mỗi ngã tư sẽ có đèn hướng đi ba màu đỏ, vàng xanh (hướng đỏ là đường đi vào thì tắc, hướng vàng là đường đi vào thì ùn, hướng xanh là đi vào thì thoáng).
Các bạn thử tưởng tượng toàn bộ hệ thống tiêu dùng điện, nước không còn nhân viên đọc, ghi chỉ số đồng hồ đo, thu tiền tại nhà; hệ thống sẽ đo tự động, chính xác cao, tự báo cho bạn số kw, số m3 bạn dùng trong tháng, bạn có thể tự nạp tiền điện, tiền nước như nạp tiền điện thoại. Hệ thống cũng ghi được số kw, số m3 tiêu thụ tính theo giờ và trả tiền với giá khác nhau, khi đó bạn có thể chọn giặt quần áo, là quần áo, đun nước nóng với giá tiền điện gần bằng không nếu bạn làm vào lúc nửa đêm.
Các bạn thử tưởng tượng: Ở nhà, bạn sẽ không phải đau đầu với một đống các điều khiển từ xa, muốn bật, tắt Tivi, chuyển kênh bạn chỉ cần nói: "bật", "tắt", "thời sự", "bóng đá", "bóng chuyền", "phim Hàn Quốc", "phim hành động Mỹ"... Tivi nhà bạn sẽ tự chuyển kênh theo "mệnh lệnh" của bạn.
Tất cả những điều trên hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta không chỉ làm cho Việt Nam, mà còn có thể xuất khẩu sang các nước khác, kể cả những nước có kinh tế phát triển hơn Việt Nam.
Các ngành kinh tế khác: Tôi không nắm được xu thế công nghệ của ngành đó nên không dám đề xuất; Tôi mong các chuyên gia của mỗi ngành sẽ đề xuất lĩnh vực mà ngành mình "đi tắt đón đầu", chỉ có một điều là các bạn luôn nhớ "muốn đi tắt đón đầu thì phải biết rõ đường đi, biết rõ địa hình, biết rõ khúc cua".

TẠI SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO [2]

TẠI SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO [2]
#datnuoc_dcb
(2) TƯ DUY NHỎ - QUANH QUẨN XÓ NHÀ
Tư duy nhỏ bé của người Việt thể hiện rất rõ trong giao thông: thời trước khi Pháp xâm lược Việt Nam (1858) giao thông của nước Việt chỉ là những con đường nhỏ cho người đi bộ, ngựa, trâu, bò và xe 2 bánh người kéo (xe kéo chở người, xe chở hàng hoá). Không có con đường nào rộng đủ cho xe 4 bánh ngựa kéo hay ô tô có thể đi lại được (Các đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, đường xe điện, đường tàu hoả đều do người Pháp xây dựng sau khi vào Việt Nam).
Giao thông toàn đường nhỏ cho người và xe 2 bánh rất lợi hại cho phòng thủ đất nước, chống xâm lược. Chỉ cần rút lui, vườn không nhà trống rồi tuyệt đường tiếp vận là quân xâm lược tự thua và rút về nước. Đọc lịch sử Việt Nam thì thấy hầu hết các triều đại, khi ở thế yếu các tướng lĩnh, vua, chúa Việt Nam đều dùng chiến thuật vườn không nhà chống này để chống xâm lược phương Bắc và đều giành chiến thắng.
Thế nhưng để phát triển kinh tế, giao thương thì đường giao thông nhỏ bé là lực cản, là hạn chế lớn nhất. Con người và hàng hoá không được lưu thông, kinh tế không thể phát triển. Với đường giao thông nhỏ như vậy thì Việt nam không có công trình nào to cũng dễ hiểu.
Vì tư duy nhỏ bé nên biểu tượng của Hà Nội là chùa một cột, một ngôi chùa có lẽ bé nhất thế giới. Trong công viên "Thế giới thu nhỏ" ở Thâm Quyến, mỗi quốc gia người ta xây dựng một công trình biểu tượng (Pháp thì có tháp Epphen, Mỹ thì có tượng nữ thần tự do, Italia thì có đấu trường La Mã...). Mỗi công trình người ta thu nhỏ 1/25 so với kích thước thật, riêng chùa một cột vì quá bé nên người ta thu nhỏ tỷ lệ 1/8. Chúng tôi đi thăm thì tất cả các biểu tượng của các nước khác đều có thể đi vào bên trong, đi lại được, chỉ có chùa một cột là đứng bên cạnh và nóc chùa chỉ đến ngang vai. Vừa đứng bên cạnh biểu tượng chùa một cột vừa nhìn biểu tượng của các quốc gia khác mà sống mũi tôi cứ cay cay.
Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc ruộng đất được chia nhỏ theo từng thửa, thường là 1 sào 360 m2, với thuở ruộng bé như vậy thì chỉ có thể làm thủ công với hiệu xuất thấp, không thể tổ chức sản xuất lớn, không thể cơ giới hoá. Khoán 100 năm 1981 và khoán 10 năm 1988 đã thiết lập nên kinh tế hộ gia đình, người nông dân làm chủ mảnh đất của mình, đã tạo ra cú huých, đột phát đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Nhưng như cái lò so bị nén được giải phóng đã bung hết cỡ, những năm gần đây nông nghiệp không còn lực phát triển nữa, bởi bản chất kinh tế hộ gia đình vẫn là lối tư duy nhỏ bé. Phải làm lớn, tích tụ ruộng đất lớn để sản xuất với qui mô lớn, đưa máy móc, tự động hoá vào, đặc biệt phải đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Nhật Bản, Israel. Chỉ có như vậy Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam mới có bước phát triển mạnh mẽ, mới có năng xuất và hiệu suất cao.
Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc tổ chức buôn bán thông qua chợ cóc, buôn bán vỉa hè. Vì chợ cóc buôn bán vỉa hè nên xe máy là phương tiện giao thông thích hợp nhất vì có thể dừng bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Khi xe máy ít thì đúng là rất thuận tiện, nhưng bây giờ khi Hà Nội có 5 triệu xe và Hồ Chí Minh có 8 triệu xe, nạn kẹt xe thường xuyên xẩy ra thì hiệu quả của cả xã hội rất thấp, mỗi ngày người dân tốn thêm trung bình 45 phút - 75 phút cho việc đi đến công sở và trở về nhà. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến đường sắt đô thị, metro thì ít nhất phải 10-15 năm nữa Hà Nội, Hồ Chí Minh mới có hệ thống đường sắt đô thị, metro.
Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong các doanh nghiệp. Ai cũng biết doanh nghiệp nhỏ thì năng động hơn, nhưng doanh nghiệp lớn mới có tiềm lực, có thể đảm nhận những công trình lớn, mới có thể cạnh tranh quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp Việt nam sau một vài năm thành lập, phát triển thành công một tý, lớn một tý là tách làm hai, làm ba, kể cả những công ty do 2-3 người bạn thân cùng góp vốn.
Nếu chúng ta không có những công ty lớn thì không thể cạnh tranh quốc tế, không thể làm được những việc lớn. Nếu chúng ta không có tư duy lớn thì chúng ta chỉ làm những việc bé. Đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới đã 22 năm mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm thầu phụ ngay trên chính sân nhà của mình, nếu có làm tổng thầu thì cũng chỉ là những dự án vốn của nhà nước, của chính phủ, cứ dự án đấu thầu quốc tế sòng phẳng là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lại trở lại thân phận làm thuê, làm thầu phụ ngay.
Hội nhập kinh tế thế giới là tất yếu, nhưng sau 22 năm hội nhập, đáng buồn là chúng ta đã mất đi nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng một thời vào tay các hãng nước ngoài chỉ vì các doanh nhân Việt không dám nghĩ lớn, không dám đương đầu cạnh tranh sòng phẳng với các hãng nước ngoài, dù là trên sân nhà của mình. Các thương hiệu Việt bị các hãng nước ngoài nuốt chửng, mất luôn tên tuổi có thể kể đến kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate Palmolive nuốt, kem đánh răng PS về tay Unilever, bia Huế về tay Carlsberg Đan Mạch, Tribeco về tay Uni-President, Phở 24 và Highland Coffe về tay Jollibee Ford...
Một điểm yếu nữa của người Việt là không có máu chinh phục, không có máu kinh doanh quốc tế, không có khát vọng toàn cầu hoá, trong khi Tây vào tận nước mình, kinh doanh, thôn tính, kiếm tiền của mình, thì các Doanh nghiệp Việt chỉ quanh quẩn trong đất nước mình, thậm chí thành phố mình, tỉnh mình.
Năm 1998 FPT quyết định chiến lược Toàn cầu hoá Xuất khẩu phần mềm, anh Trương Gia Bình đã gặp rất nhiều lực cản cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Rất nhiều lãnh đạo FPT sợ thất bại, sợ mất tiền, để thể hiện quyết tâm anh Trương Gia Bình đã phải ra nghị quyết đầu tư 1 triệu USD cho xuất khẩu phần mềm (một con số gấp 2.5 lần toàn bộ Doanh thu phần mềm trong nước của FPT năm 1998). Chưa đủ, anh Trương Gia Bình còn thể hiện quyết tâm bằng khẩu hiệu "dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất cho được phần mềm". Nếu không có những quyết tâm cao độ đó thì hôm nay FPT không có 10.000 người làm xuất khẩu phần mềm với doanh thu 300 triệu USD năm 2016.
Đến giai đoạn xuất khẩu lần thứ 2 của FPT, kiếm được hợp đồng từ các nước đang phát triển đã khó nhưng để có chuyên gia sẵn sàng đi nước ngoài triển khai hợp đồng cũng khó không kém, chúng tôi đã phải xây dựng chính sách ưu đãi cho Toàn cầu hoá như tiêu chuẩn ăn, ở, đi lại, công tác phí, phụ cấp toàn cầu hoá, 3 tháng về thăm nhà một lần thế mà cũng không ít cán bộ tự nguyện đi Toàn cầu hoá. Chưa hết chúng tôi còn làm qui đổi doanh số Toàn cầu hoá được nhân hệ số 4, tức cứ 1 triệu USD doanh số Toàn cầu hoá bằng 4 triệu USD doanh số ở thị trường Việt Nam.
Hiện tại tuy Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ USD (năm 2015) nhưng hầu hết là xuất  khẩu tài nguyên, khoáng sản, thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm và hàng gia công chứ rất ít từ dịch vụ, từ công nghệ, tức giá trị chất xám của người Việt còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Về tinh thần thì số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (không tính Cambodia và Laos) chinh chiến, hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh tại các quốc gia khác chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu phải kể tên thì cũng chỉ có các tên sau Vietel, FPT, Hoàng Anh - Gia Lai...
Chúng ta không kiếm được tiền của các nước khác mà lại để doanh nghiệp các nước khác kiếm tiền của mình, trên sân nhà mình thì chúng ta nghèo hơn người ta là đúng thôi.
(3) ÁP ĐẶT SUY NGHĨ CỦA MÌNH CHO NGƯỜI KHÁC
Cuối năm 1990 tôi sang Pháp 8 tháng nên có gặp gỡ nhiều anh chị Việt Kiều Pháp và Đức. Tôi có được đọc một bài trả lời phỏng vấn của một đạo diễn nổi tiếng trên tạp chí Quê Hương, sau khi được các anh chị Việt Kiều mời anh sang Pháp, Đức, Mỹ 3 tháng làm phim về Việt kiều, vị đạo diễn đã trả lời đại ý như sau:
- Hỏi: Anh có cảm giác gì sau 3 tháng sang Pháp, Đức, Mỹ làm phim và tiếp xúc với nhiều Việt Kiều thành đạt?
- Trả lời: Tôi thất vọng về dân tộc Việt.
- Hỏi: Anh cũng là người Việt, sao anh lại nói vậy.
- Trả lời: Trước khi sang đây tôi tưởng Việt nam nghèo vì sai lầm về thể chế về chế độ chính trị, nhưng sau khi sang đây tiếp xúc với nhiều anh, chị, tôi thấy các anh chị tuy sống ở Mỹ, Pháp, Đức được coi là những nước tự do, dân chủ hàng đầu thế mà các anh chị vẫn có tật là áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, các anh chị không chấp nhận người không cùng chính kiến với mình, cùng là chống cộng, nhưng những người chủ trương bạo động và những người chủ trương bất bạo động cũng coi nhau như kẻ thù. Nếu chỉ là sai lầm về thể chế, chế độ chính trị thì chúng ta dễ sửa, còn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính của dân tộc Việt thì rất khó sửa.
Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn ấy, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ông đạo diễn nói có cơ sở. Hoá ra áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính xấu của người Việt. Ngay từ thói quen ăn uống, người Việt đã áp đặt nhau: Người Việt ăn món gì thấy ngon thì luôn nghĩ người khác phải ăn thế mới ngon, mình ăn hành, ăn tỏi, ăn mắm tôm, ăn thịt chó thì người khác cũng phải ăn, "không ăn phí nửa đời người", "ăn tốt cho sức khỏe", "ăn ngon lắm"... họ đâu có biết người không ăn được thì hoặc cơ thể họ không tiếp nhận hoặc với họ ăn như một cực hình.
Trong nhà hàng hay mời khách đến nhà ăn, người Việt không có thói quen hỏi người khác kiêng cái gì hoặc người Việt quan niệm "Nam vô tửu như cờ vô phong", trên bàn tiệc bắt tất cả đều phải uống rượu, đều phải 100%, nếu không 100% là không thật lòng, không cần biết người ta có uống được không, có đang điều trị bệnh gì không.
Trên Facebook chúng ta thường xuyên thấy những người tự nhận là đấu tranh cho dân chủ, thế nhưng bất cứ ai nói khác với họ là họ qui ngay là DLV, là ăn lương của nhà nước, là ngu... Đến cả những người đang giương cờ đấu tranh cho dân chủ mà cũng thế thì hết cách chữa.
Đất nước đã thống nhất 41 năm thế mà vẫn chưa thể hoà giải giữa những người hai bên chiến tuyến, một bên thì vẫn chưa bỏ được mối thù, cứ có dịp là biểu tình chống cộng, một bên thì vẫn chưa bỏ được định kiến. Một bên thì bảo anh thắng trận anh phải quảng đại, anh phải chìa tay ra chứ, một bên thì bảo tôi đã chìa tay ra rồi mà anh có bắt đâu.
Hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến cùa mình là vô cùng lớn:
[1] Đầu tiên là anh thiếu kiềm chế, anh hung hăng nên rất khó tìm lời giải tối ưu khi đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược, nguy cơ chiến tranh, dẫn đến việc chúng ta không giữ được hoà bình, xẩy ra chiến tranh nhiều. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử 4000 năm Việt Nam lại xẩy ra chiến tranh nhiều đến thế, có bạn nói tại ông bạn hàng xóm xấu tính, thế thì Sơn Tinh đánh nhau với Thủy Tinh, Đinh Bộ Lĩnh loạn 12 xứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh 200 năm là tại ai?. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử Thái Lan và các nước xung quanh ít chiến tranh hơn Việt Nam?
[2] Tiếp theo là chúng ta thiếu tính kế thừa, ai có quyền cũng muốn không giống người tiềm nhiệm, muốn ghi dấu ấn của mình thành ra các công trình cổ bị đập đi, làm lại. Trong khoa học, công nghệ chúng ta không có thói quen làm tiếp, tiếp quản thành quả của người khác mà thích làm lại từ đầu. Tất cả dẫn đến lãng phí của cải chung của cả xã hội và giá thành sản phẩm cao và chậm nhịp độ phát triển.
[3] Một hậu quả xấu nữa là hoặc là tổ chức sẽ thiếu tính sáng tạo vì không có người phản biện hoặc là tổ chức sẽ thiếu sự đoàn kết và không phát huy hết các tài năng cá nhân vì những người khác quan điểm hoặc sẽ phải dời bỏ hoặc ở lại thì thụ động, không dám thể hiện hết mình.
(4) NỀN TẢNG TRIẾT HỌC YẾU LẠI KHÔNG CHUẨN
(5) LỜI GIẢI NÀO ĐỂ VIỆT NAM VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO
bài sau viết tiếp

Thoát ra từ Vũ Hán – covid có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo?

"Covid có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo?". Câu trả lời cho câu hỏi này có ý nghĩa gì với thế giới? Điều tra của Yulia Latynina đăng trên Novaya Gazeta (tiếng Nga) ngày 5/6/2021. Dịch toàn văn. Ảnh và link của bài gốc.

Cảnh báo Trung Quốc

Vào cuối tháng 12/2019, dịch viêm phổi không điển hình bùng phát tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ 15 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhanh chóng, nó được xác định là coronavirus, hay chính xác hơn là beta coronavirus. Hay chính xác hơn nữa là sarbecovirus – loại beta coronavirus gây ra bệnh giống như SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng).

Hai loại beta coronavirus mà con người biết đến là OC43 và HKU1. Chúng gây ra (ngoài những bệnh khác) cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, SARS-CoV và MERS-CoV cũng là beta coronavirus, chúng đã lây sang con người cách đây không lâu, lần lượt vào năm 2002 và 2012.

Vào ngày 30/12, Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) đã nhận được mẫu vi rút mới. Thật là trùng hợp may mắn khi những mẫu thử này đã đến đúng nơi: WIV là trung tâm nghiên cứu coronavirus lớn nhất Trung Quốc, và cơ sở dữ liệu về coronavirus của nó là lớn nhất thế giới. Vào đúng ngày viện nhận được mẫu virus mới, cơ sở dữ liệu điện tử này đột ngột bị đổi tên, và sau đó (hoặc gần như ngay lập tức) bị xóa khỏi quyền truy cập. Khi cố gắng tải xuống, người ta chỉ nhận được một file trống.

WIV sở hữu những thiết bị hạng nhất, cho phép giải mã bộ gen coronavirus trong thời gian tối đa hai ngày. Tuy nhiên, viện đã không vội. Bộ gen của virus mới chỉ được công bố vào ngày 10/1, và không phải bởi Viện Vũ Hán, mà bởi Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải.

Hai ngày sau công bố này, ngày 12/1, Trung tâm Thượng Hải đã đóng cửa, và Vũ Hán cũng công bố giải mã bộ gen của virus và chính thức chuyển giao cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các nhà virus học thường đặt tên cho các loại virus mới theo nơi xuất xứ của chúng. Vì thế mà có virus Zika, sốt Tây sông Nile, virus Marburg, Ebola, v.v. Bằng cách tương tự, có thể dễ dàng cho rằng loại virus mới sẽ được gọi là Vũ hán. Tuy nhiên, vào giữa tháng 2/2020, WHO đã đặt tên cho loại virus này theo cách khác. Họ gọi nó là SARS-CoV2 – một cái tên phức tạp gợi ý mối quan hệ của nó với SARS-CoV1 trước đây, và bản thân căn bệnh được gọi là COVID-19. Những cái tên "virus Vũ Hán" hay thậm chí là "kung flu", gây bất bình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhanh chóng bị tuyên bố là phân biệt chủng tộc và bị rút không sử dụng. Trong một thời gian, Tổng thống Trump vẫn sử dụng chúng, và sau đó mọi người bắt đầu gọi là "covid", và ở Nga – còn là "corona".

Ngay từ đầu, Trung Quốc, WHO và các nhà virus học lớn nhất thế giới đã tuyên bố rằng dịch bệnh có nguồn gốc tự nhiên. Những lời giải thích của họ đề cập đến một loại virus trong con dơi. Sau đó, nó đã chuyển sang một loại động vật nào đó (người ta nói là tê tê), và từ động vật này sang người. Chuyện xảy ra tại một khu chợ tươi ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Người Trung Quốc mà – có Chúa mới biết họ ăn những thứ gì …

Giải thích này tỏ ra hoàn toàn hợp lý. Đây chính là cách mà, ví dụ, SARS-CoV nói trên đã được truyền sang người vào năm 2002, và điều này cũng đã xảy ra ở Trung Quốc. Khi đó, virus từ dơi nhảy sang cầy hương, cầy hương được bán ở chợ tươi, và mọi chuyện bắt đầu.

Điều tương tự cũng xảy ra với một loại coronavirus khác, MERS, vào năm 2012 ở Ả Rập Xê Út, chỉ khác là MERS chuyển từ dơi sang lạc đà.

Nhưng cả MERS và SARS đều không dẫn đến đại dịch toàn cầu – chúng lây truyền từ người sang người rất kém. Ví dụ, protein gai (spike protein) SARS1 liên kết với thụ thể (receptor) ACE2 ở người kém hơn 10–20 lần so với SARS2 "covid".

Tỷ lệ tử vong đối với cả hai loại virus đều rất cao. Ở MERS, tỷ lệ này lên tới 30%, ở SARS – khoảng 10%, và những người trên 60 tuổi bị nghiêm trọng hơn nhiều. Trong nhóm này, tỷ lệ tử vong là 50%. Người ta bắt đầu sản xuất vắc-xin chống MERS, bởi vì Ả Rập Xê-út là một quốc gia giàu có, người ta không tiêm vắc-xin chống SARS vì vi-rút đã biến mất: như đã đề cập, nó không được tối ưu hóa để gắn vào các thụ thể của con người.

SARS-CoV1 và SARS-CoV2, nguyên nhân gây bệnh covid, giống nhau đến 80%, không phải là nhiều đối với virus (chúng tiến hóa rất nhanh), nhưng các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm thấy một họ hàng gần hơn nhiều với SARS2. Vào ngày 3/2/2020, tiến sĩ Shi Zhenli (Thạch Chính Lệ – ND) thuộc WIV và các đồng nghiệp của bà đã đăng một bài báo trên tạp chí Nature, nói rằng một loại virus được tìm thấy trong tủ đông của Viện giống 96,2% với vi-rút SARS-CoV-2.

Loại virus này được tiến sĩ Thạch và các đồng nghiệp của bà chiết xuất cách Vũ Hán 1.500 km trong các hang động ở tỉnh Vân Nam, vào năm 2013. Đó là virus dơi móng ngựa Rhinolophus Affinis.

Hang động được gọi là Tongguan (Đồng Quán? – ND), và virus được đặt tên là RaTG13. Bộ gen của RaTG13 và SARS2 khác nhau 3,8%, đây là một sự khác biệt khá lớn. Trong thế giới tự nhiên, điều này có nghĩa là hai loại virus có tổ tiên chung cuối cùng cách đây 20-50 năm.

Tiến sĩ virus học Peter Daszak giải thích với nhà báo khoa học nổi tiếng Donald McNeill rằng không có gì ngạc nhiên khi Viện Vũ Hán tìm thấy RaTG13 nhanh như vậy. Hàng trăm loại virus được lưu trữ trong tủ đông của Viện, nhiều virus – bao gồm cả RaTG13 – thậm chí không được giải trình tự (sequence) đầy đủ. Thay vào đó, họ chỉ có một gen được giải trình tự, RdRP, hiếm khi thay đổi và đóng vai trò như một dấu trang (bookmark) trong các ngân hàng gen. Sau khi có dịch, các nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm dưới đáy thùng, thấy rằng RdRP RaTG13 tương tự như SARS-CoV-2, đã rã đông nó và giải trình tự cho đến cùng.

Tiến sĩ Daszak biết mình đang nói gì.

Nhà virus học, TS. Peter Daszak

Ngoài vô số danh hiệu của mình, ông còn là chủ tịch của EcoHealth Alliance – một tổ chức phi chính phủ, chủ yếu quan tâm đến các dịch bệnh mới tiềm tàng, đe dọa nhân loại do cuộc tấn công tàn phá của con người đối với tự nhiên và làm suy giảm môi trường sống tự nhiên. Theo Tiến sĩ Daszak, một trong những khu vực rủi ro chính là Trung Quốc, quốc gia đang phá hủy môi trường một cách nhanh chóng, và một trong những chủ đề nan giải nhất là coronavirus dơi.

Tiến sĩ Daszak đã nhiều lần cảnh báo về khả năng đại dịch bùng phát theo một kịch bản như vậy. Để ngăn chặn điều này, EcoHealth Alliance đã nhận được 3.748.715 đô la từ NIH (Viện Y tế Quốc gia, Mỹ) từ năm 2014 đến 2019.

Dự án của Tiến sĩ Daszak là để "tìm hiểu nguy cơ xảy ra đại dịch coronavirus dơi" ở Trung Quốc.

Một trong những tuyên bố của tổ chức này cho biết "CoVs mới có nguồn gốc từ động vật hoang dã, bắt nguồn từ dơi là một nguy cơ đáng kể … Chúng tôi đã phát hiện ra rằng loài dơi ở miền nam Trung Quốc có nhiều loại SARSr-CoV khác thường. Một số chúng sử dụng các thụ thể ACE2 của người để xâm nhập vào tế bào và lây nhiễm sang những con chuột đã được nhân hóa, gây ra một căn bệnh tương tự như SARS… Những người sống gần môi trường sống của dơi là nhóm nguy cơ chính ".

Một trong những đồng nghiệp của Tiến sĩ Dasek là Tiến sĩ Thạch, một nhà virus học cấp cao nhất, người đã lãnh đạo nghiên cứu về các coronavirus dơi tại WIV, và do đó được đặt biệt danh là "Người phụ nữ dơi". Chính WIV đã thực hiện phần lớn công việc thực địa. Chính là các nhà nghiên cứu của Viện đã chui luồn trong các hang động Vân Nam, lấy mẫu vi rút từ phân dơi ở đó.

Đó là một trường hợp đáng kinh ngạc về tiên đoán khoa học. Tiến sĩ Daszak đã cảnh báo. Đã nài nỉ. Đã chỉ ra. Ông đã thông báo rằng coronavirus từ những con dơi sống ở Trung Quốc có thể gây ra dịch bệnh chưa từng có do chúng có ái tính với các thụ thể ACE2 của con người.

Và chúng đã gây ra một trận dịch.

"Dự án này nhằm tìm hiểu những yếu tố nào cho phép coronavirus động vật tiến hóa và nhảy vào quần thể người bằng cách kiểm tra sự đa dạng của virus trong một nhóm động vật quan trọng (dơi) và các địa điểm có nguy cơ cao (chợ bán động vật hoang dã) tại một điểm nóng về dịch bệnh (Trung Quốc)." – Tiến sĩ Dasek đã viết.

Thật kinh ngạc. Tiến sĩ Daszak đã cảnh báo: coronavirus, dơi, chợ, Trung Quốc. Và xảy ra đúng như vậy – coronavirus, dơi, chợ, Trung Quốc.

"Thuyết âm mưu vớ vẩn"

Không ngạc nhiên khi trong điều kiện như vậy, giả thuyết về nguồn gốc nhân tạo của virus đã bị chế giễu một cách không thương tiếc.

Vào tháng 2/2020, một bài báo xuất hiện trên virological.org, có chữ ký của một số nhà virus học hàng đầu thế giới. Nó được gọi là "Nguồn gốc gần của SARS-CoV-2", và tác giả chính của nó là Christian Andersen của Viện Scripps. "Chúng tôi không tin vào tính hợp lý của bất kỳ kịch bản phòng thí nghiệm nào," các tác giả tuyên bố. Bài báo đã sớm được in lại trên tạp chí Nature.

Vài ngày sau, vào ngày 19/2/2020, một tuyên bố thậm chí còn quyết đoán hơn đã xuất hiện trên tờ Lancet. Các nhà khoa học viết: "Trong sự đoàn kết, chúng tôi cực lực lên án các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 xuất hiện một cách phi tự nhiên. Chúng tôi muốn các bạn, các chuyên gia khoa học và y tế ở Trung Quốc, biết rằng chúng tôi đồng hành cùng các bạn trong cuộc chiến chống lại virus"

Những người ký tên đã đoàn kết với các đồng nghiệp Trung Quốc đến mức một bản dịch tiếng Trung đã được đính kèm vào văn bản của bức thư. Nhìn chung, những bức thư tập thể theo kiểu lên án gay gắt, hay ủng hộ về mọi mặt và thể hiện sự đoàn kết sâu sắc không phải là cách làm khoa học tốt. Đặc biệt khi sự đoàn kết đó được thể hiện với chính Trung Quốc, là quốc gia mà các nhà chức trách vừa yêu cầu quyền xem xét tất cả các bài báo khoa học về virus trước khi nó được phép công bố.

Kết quả là, một "sự đồng thuận khoa học" nhanh chóng được hình thành, mạnh mẽ như trong trường hợp trái đất nóng lên. Cụ thể: virus ở Vũ Hán xuất hiện một cách tự nhiên, nó nhảy từ dơi sang vật mang mầm bệnh trung gian hoặc trực tiếp sang người, như Tiến sĩ Daszak đã cảnh báo về nó. Bất kỳ ai nghĩ khác đều là một kẻ theo thuyết âm mưu, Qanon hay thuyết cấy chip.

Khi đề cập đến nguồn gốc nhân tạo của virus, các tiêu đề trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ bắt đầu giống với các bài xã luận của báo Pravda khi đập tan luận điệu của những kẻ theo chủ nghĩa di truyền học Weismann-Morgan. "Những kẻ cực hữu tiếp tục nhấn mạnh vào những huyền thoại xuyên tạc về nguồn gốc COVID-19", tờ Washington Post viết. "Thượng nghị sĩ Tom Cotton nhắc lại một thuyết ngoài lề về nguồn gốc của coronavirus và thúc đẩy một thuyết âm mưu đã bị các nhà khoa học chân chính chế giễu", New York Times cho biết. "Đỉnh cao của sự vô trách nhiệm đối với một người của công chúng", CNN phẫn nộ. Những người kiểm tra sự thật (fact checker) gọi thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "bôi nhọ" và "vu khống", các tạp chí khoa học từ chối in các bài báo của những người nghi ngờ, Facebook hủy bỏ các post về nó, tự đảm nhận vai trò trọng tài tối cao trong một tranh chấp khoa học. Và một độc giả để ý có thể nhận thấy, có một sự trùng hợp kỳ lạ là tất cả những ai dám cho rằng virus đã trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm, vì một lý do nào đó, trong mô tả của các phương tiện truyền thông, đều biến thành một người tuyên bố rằng virus là vũ khí sinh học của Trung Quốc, mà điều này, như bạn thấy, là một sự khác biệt lớn. Chỉ thiếu nước là có người bị trách nhiệm hình sự vì phủ nhận nguồn gốc tự nhiên của covid.

Tóm lại: giả thuyết virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm chỉ được nêu bởi những kẻ ngu dốt, những người theo thuyết âm mưu và Tổng thống Trump.

Tất cả đã kết thúc vào tháng 11/2020 – người theo thuyết âm mưu Trump đã thất bại trong cuộc bầu cử một cách thảm hại. Một tổng thống mới đã đến Nhà Trắng. Ông ta nghe báo cáo của nhóm do Trump lập ra với mục đích chứng minh thuyết nhảm nhí phản khoa học của mình, và ngay lập tức giải thể nó.

Một phái bộ của WHO đã đến Trung Quốc – và trùng hợp một cách đáng mừng, gần như đồng thời với lễ nhậm chức của tân tổng thống Hoa Kỳ. Đoàn công tác đã đến các bệnh viện, chợ, Viện Virus Vũ Hán và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Vũ Hán gần đó, nơi các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu coronavirus, và nằm cách chợ tươi vài trăm mét.

Sau một tháng nghiên cứu, đoàn đã bác bỏ kịch bản rò rỉ, cho là không thể xảy ra. Thành viên người Mỹ duy nhất của ủy ban chính là Tiến sĩ Peter Daszak, chuyên gia về coronavirus, dơi, chợ, Trung Quốc và các dịch bệnh động vật phát sinh từ việc con người tàn phá môi trường sống tự nhiên.

Vật trung gian ở đâu?

Thật đáng ngạc nhiên, nhưng chính sau hoạt động của phái đoàn WHO, "sự đồng thuận khoa học" về giả thuyết về nguồn gốc tự nhiên của virus bắt đầu gặp vấn đề lớn.

Đầu tiên, hóa ra phái đoàn của WHO không tham gia vào bất kỳ nghiên cứu nào, ngồi cách ly trong hai tuần, và tất cả chỉ tập trung vào một chuyến tham quan PR dành cho khách với các câu trả lời thuộc lòng cho các câu hỏi. Viện đã không cho phép phái đoàn truy cập không chỉ các nhật ký trong phòng thí nghiệm của mình, mà ngay cả cơ sở dữ liệu đã từng mở cho truy cập công cộng, và đã đột ngột biến mất vào khoảng ngày 30/12. Thay vào đó, Viện đã đảm bảo với phái đoàn: Thề có mẹ chúng tôi, không hề có rò rỉ! Và các nhà khoa học nhân hậu của WHO đã quyết định rằng, đây là một lời giải thích khoa học thuyết phục.

Điều này đã gây ra một cú sốc. Nhà virus học nổi tiếng người Mỹ Konstantin Chumakov, con trai của Mikhail Chumakov, người đã tiêm chủng bại liệt cho toàn bộ Liên Xô nhận xét: "Ngay cả những người đến Trung Quốc cốt để bào chữa cho họ (mà phái đoàn đúng là định làm thế thật), họ cũng chẳng cho đi đâu hết"

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải thứ tệ nhất.

Rắc rối chính là, sau báo cáo của phái đoàn WHO, một điều đã trở nên rõ ràng: trong năm qua, cả các nhà động vật học Trung Quốc, các nhà virus học, an ninh quốc gia, và rốt cuộc là phái đoàn WHO, đã không thể tìm thấy động vật trung gian giả định mà virus đã nhảy sang từ dơi.

Phái bộ của WHO cũng phải tuyên bố rằng chợ Vũ Hán không phải là nơi bắt nguồn của virus. Nhiều bệnh nhân ban đầu không liên quan gì đến chợ này. Và tất cả các mẫu SARS2 thu thập trên thị trường đều là SARS2 của người, không có bất kỳ dấu vết nào của động vật.

Thật quái lạ.

Ví dụ, trong trận dịch SARS đầu tiên, người ta đã chứng minh được trong vòng bốn tháng rằng vật mang mầm bệnh trung gian là cầy hương, mặc dù Trung Quốc khi đó kém chuẩn bị hơn cho những vụ dịch như vậy (ví dụ, việc giải trình tự SARS đã mất nhiều thời gian). Thật ra, chính là sau khi dịch SARS đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc, họ mới phát triển nhanh chóng ngành virus học. Đảng Cộng sản không hài lòng với sự chậm chạp và bất lực của phản ứng với SARS, và quyết định sẽ đón tiếp dịch bệnh tiếp theo với vũ khí sẵn sàng. (Còn con lạc đà gây ra MERS thì được xác định ra sau 9 tháng).

Kịch bản mà Trung Quốc công bố vào tháng 1/2020 – coronavirus dơi nhảy sang một động vật trung gian nào đó (được cho là tê tê), và tê tê được bán ở chợ Vũ Hán – hóa ra là sai. Không tìm thấy động vật trung gian nào dù là tê tê hay lửng, và bản thân virus thì không khởi phát ở chợ.

Có thể bạn sẽ nói rằng, có gì to tát đâu. Có thể, virus đã ngay lập tức nhảy từ dơi sang người.

Chỉ có điều, giả thuyết này có một số nhược điểm, bắt đầu từ thực tế là dơi không bị nhiễm SARS2.

"Nếu SARS2 nhiễm từ dơi sang người chỉ trong một cú nhảy và không thay đổi nhiều kể từ đó, nó vẫn sẽ lây nhiễm cho dơi. Nhưng thực tế không phải, "- nhà báo khoa học Nicholas Wade đã viết trong bài báo của mình, mà sau khi nó được công bố, người ta rốt cuộc cũng bắt đầu nói về vụ rò rỉ phòng thí nghiệm. Bài báo này đã phá vỡ sự im lặng của các thiết chế (establishment), và chúng tôi sẽ dẫn các lập luận từ đó thường xuyên và nhiều trong bài này. Mặc dù thực tế là Wade đã làm việc cho Nature, Science và The New York Times, nhưng anh đã phải đăng bài báo của mình trên một ấn phẩm ít nổi tiếng hơn nhiều – Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (The Bulletin of the Atomic Scientists).

Bài báo của Wade, đến lượt mình, dựa trên một số công trình, đầu tiên là bài báo xuất sắc của Yuri Deigin, một doanh nhân Canada gốc Nga có công ty khởi nghiệp Youthereum Genetics về liệu pháp gen. Deigin sau đó đã được nhà vi sinh vật người Ý Rossana Segreto liên hệ, và họ cùng nhau viết một trong những bài báo đầu tiên để đăng trên các tạp chí được bình duyệt, về khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Chẳng bao lâu sau, Deigin và Segreto hợp tác với một nhóm rộng rãi những người cùng chí hướng, tạo ra một nhóm kín trên Internet tên là DRASTIC. Những người nhiệt thành của DRASTIC (trong số đó có Trung Quốc, Úc, Ấn Độ – các nhà sinh học phân tử, tin sinh học, v.v.) bắt đầu dần dần, từng chút một, tái hiện lại những gì đã xảy ra ở Vũ Hán (giống như Bellingcat đã dựng lại những gì đã xảy ra với chuyến bay MH17).

Kết quả thế này, quay lại với dơi và covid, các nhà khoa học đã thử nghiệm 37 loài dơi: S-protein của SARS2 liên kết rất kém với các thụ thể ACE2 ở 8 trong số chúng, và rất kém – ở 29 loài còn lại. Trong tất cả các loài động vật được thử nghiệm, S-protein của coronavirus tiếp xúc tốt nhất với ACE2 của con người. Nó đã được tối ưu hóa cho ACE2 của con người.

Ngoài nhược điểm không thể bác bỏ qua này, giả thuyết cho rằng virus đã nhảy từ dơi sang người còn có một số nhược điểm khác. Ví dụ, trận dịch bùng phát tại một khu chợ ở Vũ Hán, còn nơi phát hiện ra họ hàng gần nhất của SARS2 cách đó 1500 km – ở Vân Nam. Nếu ai đó mắc bệnh SARS2 trong một hang động ở Vân Nam, thì không rõ bằng cách nào mà anh ta đã đi được 1.500 km này mà không lây bệnh ra xung quanh. Và những con dơi vào thời điểm của lần lây nhiễm đầu tiên – vào tháng 9-10 – lẽ ra đã ngủ đông rồi.

Bạn có thể phản bác rằng không phải tất cả các loại virus của dơi đều đã được nghiên cứu, và có khả năng là một số loại virus sống gần hơn. Đây là một phản đối hợp lý. Tuy nhiên, Rhinolophus Affinis, loài dơi mà RaTG13 được phát hiện, hoàn toàn không được tìm thấy ở tỉnh Hồ Bắc. Các coronavirus của loài dơi sống ở Hồ Bắc đã được nghiên cứu trên diện rộng kể từ khi bắt đầu đại dịch, và chúng đều khác xa SARS2, hơn nhiều so với RaTG13. Trong mọi trường hợp, những con dơi này không được tìm thấy trong thành phố – phải di chuyển hàng chục km đến môi trường sống gần nhất.

Như vậy, một năm rưỡi đã trôi qua, và đã trở nên rõ ràng là giả thuyết đầu tiên của sự lây lan của virus không đúng với thực tế.

Động vật trung gian không có. Dơi không được bán ở chợ Vũ Hán. Bản thân chợ không phải là nơi phát sinh virus – chỉ là nơi mà nó nhân lên do những điều kiện lý tưởng. Và họ hàng gần nhất được mô tả của SARS2 nằm cách thành phố 1500 km trong những con dơi, mà vào thời điểm lây nhiễm lần đầu tiên đã rơi vào trạng thái ngủ đông.

Vậy có nơi nào khác mà virus có thể bắt nguồn ở Vũ Hán không?

Câu trả lời là có. Đó là Viện Virus Vũ Hán, có chuyên môn về thao túng gen của coronavirus và sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về chúng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

TS. Thạch (bên trái) trong phòng thí nghiệm của WIV

RaTG13 có trong bộ sưu tập này. Hơn nữa, DRASTIC đã chứng minh rằng virus hoàn toàn không nằm trong tủ đông của viện, như Tiến sĩ Daszak và Tiến sĩ Thạch đã tuyên bố. Nó được Tiến sĩ Thạch mô tả vào năm 2016, chỉ có trong bài báo này nó được gọi là RaBtCoV/4991. Một thành viên DRASTIC đã khai quật hai luận án của Trung Quốc nói rằng virus này được thu hoạch sau khi sáu thợ mỏ địa phương khai thác phân dơi trong hang động và mắc bệnh với các triệu chứng COVID-19 vào tháng 4/2012. Ba người trong số họ đã chết. Tổng cộng, Tiến sĩ Thạch và các đồng nghiệp đã thu thập được 8 loại virus trong các hang động này, trong đó chỉ có một loại được công bố cho đến nay.

Nếu hình dung rằng virus của chúng ta là hậu duệ của RaTG13, thì một số câu hỏi không thể trả lời trong khuôn khổ giả thuyết về nguồn gốc tự nhiên có thể được giải quyết một cách dễ dàng và đơn giản.

Phương tiện vận chuyển RaTG13 từ các hang động Vân Nam đến Vũ Hán là các nhà virus học đã tham gia lấy mẫu. Và những động vật trung gian để virus tiến hóa là tế bào người được nuôi cấy và chuột trong phòng thí nghiệm được nhân hóa, tức là những con chuột có đoạn DNA được chèn vào phổi, nhờ đó những con chuột này có được các thụ thể ACE2 của con người.

Tuyên bố của Tiến sĩ Daszak có lý khi chỉ ra rằng, những người đầu tiên bị bệnh do coronavirus mới phải là "những người sống gần nơi cư trú của dơi." Trong trường hợp này, như ta thấy, những người đầu tiên bị ốm không phải là những người sống gần hang động ở Vân Nam. Những người đầu tiên mắc bệnh là những người sống gần WIV. Hơn nữa, có sự trùng hợp đáng ngạc nhiên như Tiến sĩ Stephen Kay chỉ ra, rằng những trường hợp nhập viện đầu tiên chủ yếu là dọc theo tuyến tàu điện ngầm nối Viện Vũ Hán với sân bay quốc tế.

Tiến sĩ Daszak

Như đã nói trên, Viện Vũ Hán đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan có thể của coronavirus dơi trong quần thể người, do nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên vô độ và mất môi trường sống.

Vậy các nhà khoa học đã chiến đấu bằng những phương tiện nào?

Chúng tôi có câu trả lời cho câu hỏi này. Nó có trong rất nhiều đơn của Tiến sĩ Daszak, trên cơ sở đó ông ta nhận được khoảng 600 nghìn đô la hàng năm từ NIH. Một phần tiền đã được chuyển cho Viện Vũ Hán, trong trường hợp này là liên quan đến EcoAlliance với tư cách là một nhà gia công Trung Quốc giá rẻ trong mối quan hệ với khách hàng phương Tây. EcoAlliance đã nhận được tất cả tiền (chính xác là 90%), còn người Trung Quốc đã cày.

Một trong những đơn cho biết: "Các mô hình về khả năng gây dịch sẽ được thử nghiệm bằng cách sử dụng di truyền ngược, vi khuẩn giả, thí nghiệm liên kết thụ thể và thí nghiệm lây nhiễm virus cho các nuôi cấy tế bào khác nhau và chuột đã được nhân hóa". "Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu giải trình tự protein S, công nghệ nhân bản lây nhiễm [KC2], và các thí nghiệm lây nhiễm trong ống nghiệm và trong cơ thể (in vitro và in vivo)" – đơn thứ hai ghi rõ.

Nói cách khác, Tiến sĩ Daszak và Tiến sĩ Thạch đã tham gia vào loại nghiên cứu được gọi là tăng cường chức năng (gain in function) bằng tiền của những người đóng thuế Mỹ.

Nói một cách dễ hiểu, để chứng minh rằng virus có thể nguy hiểm, họ đã làm với chúng mọi thứ có thể để chúng trở nên nguy hiểm.

Ví dụ, họ đã gieo chúng vào môi trường nuôi cấy tế bào của con người, chọn lọc ra những virus nhân lên tốt, và gieo chúng lặp đi lặp lại, do đó đẩy nhanh quá trình tiến hóa tự nhiên lên gấp ngàn lần. Họ đã tạo ra virus chimera* bằng cách kết nối phần cơ bản (backbone) của một virus với các phần chèn, với mục đích tạo ra khả năng lây nhiễm tối đa. Sau đó, một lần nữa cho những virus chimera này đi qua tế bào người (in vitro) và chuột nhân bản (in vivo). Và cứ thế.

Chỉ riêng trong năm 2019, những người đóng thuế Mỹ đã phân bổ 661.980 đô la cho công trình khoa học đột phá này. Và từ năm 2014, Tiến sĩ Peter Daszak đã nhận được 3.748.715 đô la cho dự án. Nó được gọi là Understanding the Risk of Bat Coronavirus Emergence – Tìm hiểu nguy cơ bùng phát coronavirus của dơi.

Có thể nói, dự án đã thành công rực rỡ. Bây giờ, tất cả chúng ta đều đã hiểu nguy cơ này.

Thụ thể ACE2

Hình dung rằng SARS2 được tạo ra như một phần của gain of function, sẽ dễ dàng giải thích một số tính năng độc đáo về cấu trúc của nó.

Tính năng đầu tiên là SARS2 được tối ưu hóa cho ACE2 của con người.

Hãy nhớ rằng một loại virus – bất kỳ loại nào – xâm nhập vào tế bào thông qua một lối vào không được chỉ định. Giống như một tên trộm, nó trèo qua cửa sổ, hoặc cửa thông hơi, hoặc ống khói, mặc dù ống khói hoàn toàn không được tạo ra để vào nhà. Trong trường hợp coronavirus, đầu vào này là ACE2 (angiotensin-convert enzime 2), hay còn gọi là enzym chuyển đổi angiotensin 2. Nó là một protein màng nằm trên các tế bào phổi và có nhiệm vụ điều chỉnh huyết áp.

Protein S của coronavirus chui vào ACE2 giống như một chìa khóa chui vào lỗ khóa. Sau đó, một phần của protein này, vẫn còn ở bên ngoài (chúng ta sẽ nói về cái này), bị cắt bỏ, virus tiêm vật liệu gen của nó vào tế bào và bắt tất cả các cơ chế tế bào phức tạp nhất hoạt động cho mình, tạo ra ngày càng nhiều bản sao của virus.

Điểm chính ở đây là SARS2 đã được tối ưu hóa một cách đáng ngạc nhiên ngay từ đầu cho các thụ thể ACE2 của con người – tốt hơn gấp 10-20 lần so với SARS1!

Nó gắn kết tốt với ACE2 của con người đến nỗi đã không tiến hóa mấy kể từ khi ra đời: chỉ gần đây, các chủng virus mới mới bắt đầu xuất hiện, mà có khả năng lây nhiễm cao hơn đến mức đáng kể.

Điều này rất lạ! Một loại virus chuyển sang loài mới ban đầu thường không thích nghi lắm với vật mang mới và tiến hóa nhanh chóng. Ví dụ, dịch SARS đầu tiên, khi nó xâm nhập vào quần thể người, đã thay đổi khá nhiều. Còn SARS2, mặc dù phân bố rộng rãi và tiềm năng đột biến rất lớn, hầu như không thay đổi. Nó đâu cần thay đổi – nó đã hoàn hảo rồi.

Sự hoàn hảo ngoài ý muốn này, tất nhiên, có thể đã phát sinh một cách tự nhiên. Thiên nhiên đã khai hỏa, nhắm mắt lại và bắn trúng hồng tâm ngay lần đầu tiên. Nhưng đơn giản hơn nhiều khi cho rằng S-protein của SARS được tối ưu hóa cho ACE2 của con người vì nó đã trải qua một quá trình tối ưu hóa lâu dài trong phòng thí nghiệm trên tế bào người và chuột đã được nhân hóa.

Nicholas Wade cho biết: "Những người theo thuyết rỏ rỉ từ phòng thí nghiệm nói đùa rằng, tất nhiên, SARS2 đã lây nhiễm cho một loài trung gian trước khi nhảy sang người, và loài trung gian đó là những con chuột đã được nhân hóa ở Viện Virus học Vũ Hán".

Hơn nữa, đây chính xác là kiểu gain of function mà Tiến sĩ Thạch đã thực hiện. Cùng với Ralph Berick, bà đã "dạy" coronavirus cách tốt nhất để tấn công các thụ thể ACE2 ở chuột thí nghiệm được nhân hóa.

Furin site

Luận điểm về ACE2 có vẻ như bị nói dai – thiên nhiên có thể tạo ra bất ngờ. Konstantin Chumakov nói: "để thích ứng với protein gai chỉ cần thay đổi một số axit amin, điều này không khó". Vì vậy, sự tối ưu bất thường của SARS2 có thể xảy ra một cách tự nhiên.

Nhưng khó hơn nhiều để đưa ra lập luận tương tự về điểm phân tách furin (furin cleavage site).

Hãy cùng Yuri Deigin và Nicholas Wade xem xét nó, và trước tiên giải thích nó là thứ quái gì.

Phần nhọn trứ danh, protein S của coronavirus, bao gồm hai tiểu đơn vị. Một phần của protein S (S1) nhận ra protein ACE2 – protein mà virus liên kết vào. Còn phần thứ hai (S2) giúp virus, sau khi đã liên kết, hợp nhất với màng tế bào.

Sau khi điều này xảy ra, virus tiêm bộ gen của nó vào tế bào, và tế bào, thay vì phục vụ cơ thể, bắt đầu phục vụ vật chủ mới – virus. Để điều này xảy ra, S1 và S2 phải được tách biệt bởi một số cơ chế.

Virus không có cơ chế này, bởi vì nó hầu như không có gì của riêng mình, ngoại trừ một chuỗi nucleotide và protein vỏ. Virus sống bằng cách khiến các cơ chế của tế bào hoạt động cho nó. Mà trong tế bào thì có những cơ chế như vậy. Đặc biệt, nó có chứa enzyme furin, hoạt động như một con dao phân tử. Nó cắt protein ở những chỗ cần.

Chỗ nào cần? Có một hướng dẫn cho việc này. Ngay khi furin nhìn thấy chuỗi protein "proline – arginine – arginine – alanine", hay là PRRA, nó sẽ cắt.

Dịch từ ngôn ngữ protein sang tiếng người, chuỗi "proline – arginine – arginine – alanine"chính là dòng chữ "cắt ở đây".

Tiến sĩ Stephen Kay viết: "Các nhà virus học đã phát hiện ra rằng furin site khiến hầu hết mọi loại virus trở nên chết chóc hơn ngay từ năm 1992. Đã có ít nhất 11 bài báo mô tả thí nghiệm gain of function liên quan đến việc bổ sung furin site, và Thạch Chính Lệ (Shi Zhenli) là một trong những tác giả của các bài báo này."

Và thế thì sao? Furin site – dòng chữ "cắt ở đây" nằm ngay giữa S1 và S2, – không có trong RaTG13, nhưng lại có trong SARS2.

Làm thế nào mà SARS2 có thể có site này?

Tất nhiên, nó có thể phát sinh tự thân. Nhưng điều này khó tin. Bốn axit amin là 12 nucleotide xếp theo đúng thứ tự. Đây là một cụm từ khá phức tạp trong ngôn ngữ protein.

Tất nhiên, trong quá trình tiến hóa, Tự nhiên đã sáng tạo ra những cụm từ thậm chí còn phức tạp hơn. Và nếu chúng ta đang nói về một sự kết hợp mới, vô song nào đó, thì chúng ta có thể tự tin nói rằng đây là kết quả của quá trình tiến hóa.

Nhưng furin site thì có những thứ tương tự! Và các thí nghiệm về việc chèn furin site vào coronavirus, như chúng ta sẽ thấy, là một mốt phổ biến. Chưa có năm nào trôi qua mà nó không được đưa vào. Trong trường hợp này, hóa ra mẹ Tự nhiên, khi gõ mù trên máy đánh chữ, đã không chỉ gõ cụm cần thiết – mã gõ chính xác cụm từ được nhà thí nghiệm lưu giữ ở phòng bên.

Tất nhiên, SARS2 có thể có được furin site theo một cách khác, cụ thể là bằng cách tái tổ hợp. Nếu hai loại virus cùng họ cùng ở trong một tế bào, chúng có thể trao đổi thông tin di truyền, và sau đó một loại virus mới sẽ được lắp ráp từ các mảnh và "phụ tùng" của những virus trước. Sự tái tổ hợp đối với virus cũng giống với sinh sản hữu tính của động vật bậc cao. SARS2 là một loại beta coronavirus, và nó có thể mượn một furin site từ bất kỳ loại beta coronavirus nào khác.

Vấn đề là, không một họ hàng gần nào của SARS2 – nói chung không có coronavirus nào, với bộ gen giống từ 40% trở lên với SARS2 – mà có furin site. "Đơn giản là chúng không cần," Yuri Deigin giải thích, "không cần furin site để lây nhiễm cho dơi".

Vậy những gì đọng lại? Gain of function. Thạch Chính Lệ biết về furin site, đã làm việc furin site – và SARS2, không giống như RaTG13, có furin site.

Chỉ riêng điều này thôi cũng đáng báo động rồi.

Tuy nhiên, Yuri Deigin là người đầu tiên nhận thấy một điều kinh ngạc khác. DNA và RNA mang thông tin di truyền mà chúng mã hóa bằng cách sử dụng nucleotide. Nucleotide, được lắp ráp ba đơn vị trên mỗi codon **, mã hóa axit amin nào đó. Khi đó, mã nucleotide có độ dư thừa cao. Rốt cuộc, chỉ có 20 axit amin, còn số lượng các tổ hợp ba nucleotide có thể có là 64. Do đó, nhiều axit amin được mã hóa bởi các tổ hợp khác nhau.

Điều quan trọng ở đây là, các cơ thể khác nhau có những sở thích khác nhau đối với những kết hợp này. Có thể nói, chúng sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, trong cơ thể người, arginine thường được mã hóa bởi sự kết hợp của CGT, CGC hoặc CGG. Còn coronavirus hầu như không bao giờ sử dụng kết hợp CGG.

Ấy vậy mà – trình tự axit amin tạo nên furin site của SARS2, proline-arginine-arginine-alanine, được mã hóa là trình tự nucleotide CCT-CGG-CGG-GCA.

Nói cách khác, SARS2 không chỉ có furin site, là điểm khác với RaRG13. Nó có furin site mà trong đó arginine được mã hóa bằng codon chỉ được sử dụng bởi coronavirus trong 5% trường hợp, còn sự kết hợp CGG-CGG kép thì không được tìm thấy ở bất kỳ coronavirus nào.

Thật khó để giải thích điều này bằng quá trình tiến hóa tự nhiên. "Tuy nhiên, nếu nói đến việc thoát khỏi phòng thí nghiệm, thì codon CGG kép không phải là một điều bất ngờ. Các codon được tế bào người ưa thích thường xuyên được sử dụng trong các phòng thí nghiệm. Vì vậy, một nhà thí nghiệm muốn chèn một furin site vào bộ gen của virus và tổng hợp trình tự nucleotide tạo ra PRRA trong phòng thí nghiệm rất có thể sẽ sử dụng các codon CGG cho việc này" – Wade viết.

Konstantin Chumakov nói: "Furin site chính là smoking gun – một khẩu súng còn bốc khói, đặc biệt là hai codon CGG. – Nếu quá trình chèn diễn ra tự nhiên, thì phải là sự tái tổ hợp từ các virus đã có sẵn furin site, nhưng nếu thế thì CGG kép ở đâu ra, nếu đây cũng là virus dơi? Điều này khá phù hợp với ý tưởng rằng nó đã được thực hiện một cách nhân tạo. "

RBM và tê tê

Yuri Deigin lưu ý thêm một tình huống – kỳ lạ đến mức tôi thậm chí còn do dự không biết có nên đưa nó vào bài viết này không. Không giống như câu chuyện về CGG codon kép, về mặt lý thuyết, nó có thể là kết quả của quá trình tiến hóa hội tụ, và hơn nữa, nó có thể là do mẫu bị nhiễm bẩn. Nhưng tôi cứ bị day dứt bởi nghi ngờ mơ hồ, rằng chính câu chuyện kỳ lạ này có thể là chìa khóa của mọi thứ.

Chuyện là thế này.

Vào thời kỳ đầu của dịch, như ta còn nhớ, có nhiều ý kiến cho rằng vật chủ trung gian của virus có thể là tê tê – họ hàng đẹp đẽ và vụng về của thú ăn kiến, được bao phủ hoàn toàn bằng vảy.

Sau đó, giả thuyết này đã bị loại bỏ. Không ai khác, chính là Tiến sĩ Daszak đã lượn khắp Malaysia và kết luận rằng những con tê tê địa phương không có bất kỳ loại virus nào giống covid.

Vậy câu chuyện tê tê là từ đâu ra?

Nó không ở trên trời rơi xuống. Thực tế là từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2019, cách Vũ Hán 1000km, ở tỉnh Quảng Đông, hải quan Trung Quốc đã bắt được một số lô hàng tê tê lậu.

Những con vật đáng thương bị bọn buôn lậu vận chuyển trong những chiếc lồng chật chội, đã nhiễm lẫn nhau và không thể hồi phục – chúng ngất, hắt hơi và chết, bất chấp mọi sự chăm sóc của những người bảo vệ động vật. Tổng cộng 4 con tê tê Trung Quốc và 25 con Malay đã chết.

Số là – một phần của con virus gây bệnh cho tê tê Malaysia (chính xác là loại này) bị bắt giữ vào tháng 3 (chính xác là vào tháng 3), có sự giống nhau thực tế là 100%, giống đến không thể tin được, nhưng không phải với tất cả SARS2, mà chỉ với một phần nhỏ của nó. Cụ thể là, với một nhóm 77 axit amin được gọi là RBM – receptor binding motif – mô-típ liên kết thụ thể.

Nếu như protein S có thể được so sánh với một chùm chìa khóa phù hợp với thụ thể ACE2 của con người, thì chính chiếc chìa khóa, nghĩa là, chính thứ giúp virus bám vào, được gọi là receptor binding domain, hay RBD – miền liên kết thụ thể. Còn RBM, có thể nói, là các rãnh của chìa khóa.

Và rãnh chìa khóa này, bao gồm 77 axit amin, trùng hợp trong virus tê tê Malaysia bị bắt giữ ở Quảng Đông, và SARS2. Hay, chính xác hơn, nó chỉ khác với SARS2 bởi 1 axit amin.

Trong khi đó, tất cả các phần còn lại của virus tê tê đều khác xa với SARS2!

Tất nhiên, điều này một lần nữa có thể được giải thích bởi quá trình tiến hóa tự nhiên. Nhưng làm thế nào để tôi tả cho bạn? Kiểu như, nếu bạn thấy một người có chân bằng gỗ, thì tất nhiên, bạn có quyền cho rằng đó là do quá trình tiến hóa diễn ra theo những cách khó hiểu, và trong thời cổ đại, người và cây đã có một tổ tiên chung nào đó, tổ tiên đó có một chân bình thường và chân kia bằng gỗ. Nhưng cũng có thể cho rằng chân gỗ có nguồn gốc nhân tạo. Các dữ kiện quan sát được tương ứng với giả thuyết này.

Hãy để tôi nhắc bạn rằng, những con tê tê là từ Malaysia. Còn virus RaTG13 mà người ta đã lai với chúng, là từ Vân Nam. Thật logic khi giả định rằng, nơi có nhiều khả năng nhất để beta coronavirus tê tê Mã Lai và beta coronavirus dơi Vân Nam có thể gặp nhau và trao đổi vật chất di truyền là một cái bàn thí nghiệm ở Vũ Hán.

May mắn là, trong các bài báo của mình, Tiến sĩ Thạch đã mô tả các thao tác can thiệp rất giống thế. Gay từ 2007, bà đã thay thế RBD của một trong những coronavirus dơi bằng RBD SARS1 như một phần của gain of function.

Tại sao tôi lại cứ phải rào trước đón sau khi nói chuyện này? Vì hai lý do. Thứ nhất, RBM của tê tê được giải trình tự một cách không chất lượng. Deigin giải thích: "Virus này chỉ được lấy ra từ ba mẫu và chỉ có hai lần đọc (read) trong RBM này". Thứ hai, câu chuyện về việc vay mượn RBM hoàn toàn từ tê tê về mặt trực giác mâu thuẫn với khẳng định rằng protein SARS2 S được tối ưu hóa để nhắm mục tiêu ACE2 của người. Nếu RBM được lấy từ một loại virus tê tê, tại sao sau đó nó không thay đổi khi được "chuyển hóa" trên những con chuột được nhân hóa?

Một trong những câu trả lời là, thật ra nó đã thay đổi một chút. Yuri Deigin nhắc: "Nó bị thay đổi bởi một axit amin, và ngoài ra, đã có khá nhiều sự thay thế nucleotide diễn ra, tức là các chữ cái biểu thị một axit amin. Bản thân các axit amin thì không thay đổi". Sự thay thế như vậy là trung tính về mặt di truyền, và có thể dễ dàng xảy ra khi truyền qua những con chuột đã được nhân hóa. Hiện nay, S-protein của SARS2 tấn công tốt nhất vào ACE2 của người. Ở vị trí thứ hai, với mức chênh lệch nhỏ, là tê tê.

Gain of function

Không phải tất cả mọi người đều biết gain of function là gì, và các nhà khoa học biết làm những gì với virus, làm như thế nào, trong điều kiện nào và để làm gì. Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu dành một vài đoạn cho vấn đề này, đặc biệt là vì nó sẽ hữu ích cho ta ở đoạn sau.

Trong nhiều thập kỷ, quá trình tiến hóa trong phòng thí nghiệm của virus đã diễn ra trong quá trình nuôi cấy tế bào. Nếu người ta muốn virus thích nghi với một số vật mang mới, họ chỉ cần mạ nó lên các tế bào của vật mang đó (ví dụ, trên dòng tế bào HeLa của con người), theo dõi cách nó thích nghi, thu thập các nhà vô địch thích ứng, chọn và gieo lại.

Sau đó, vào những năm 1960, đến thời của các enzym giới hạn (restrictase). Restrictase là một loại enzyme phân cắt DNA ở một vị trí cụ thể. Thông thường, một enzym giới hạn nhận biết bốn hoặc sáu nucleotide liên tiếp. Các enzym giới hạn tồn tại trong vi khuẩn và vi khuẩn cổ, và chúng cắt vi rút. Trên thực tế, enzym giới hạn là cách vi khuẩn tự bảo vệ chống lại vi rút. Chúng nhận ra trình tự DNA của kẻ lạ và vung enzyme giới hạn như vung một thanh kiếm. Tại sao trong lúc đó nó không cắt phải DNA của chính mình? Ở đây có sự khôn ngoan: hoặc vi khuẩn không có trình tự như vậy, hoặc nó methyl hóa nó trước khi chiến đấu.

Với sự ra đời của các enzym giới hạn, công nghệ gene bắt đầu – các nhà sinh học có cơ hội cắt DNA ở một nơi được xác định nghiêm ngặt. Ví dụ, chính các enzym giới hạn đã tạo ra sự xuất hiện của insulin người với công nghệ gen. Hiện nay, số lượng enzym giới hạn được bán trên thị trường là khoảng 800. Bạn có thể cắt bất cứ thứ gì với chúng. Virus chimera, được tạo ra bằng các enzym giới hạn, mang dấu vết rõ ràng của quá trình lắp ráp liên kết chéo.

Tuy nhiên, vào những năm 2000, quy trình trở nên đơn giản hơn. Các enzym giới hạn đã được thay thế bằng các máy tổng hợp (synthesizers). Không cần phải cắt bất cứ thứ gì. Chỉ cần một nhà virus học gõ một chuỗi nucleotide trên bàn phím, giống như gõ một văn bản, và máy tự tổng hợp nó là đủ. Sau đó, DNA của virus có thể được đưa vào tế bào, và theo cách tương tự, nó làm cho tất cả các cơ chế của tế bào hoạt động cho nó, và tạo ra các bản sao mới của virus.

Chúng ta chưa biết cách tạo ra sự sống. Nhưng chúng ta đã biết làm thế nào để tạo ra tiền sự sống – virus. Chúng ta biết cách gõ chúng trên máy chữ.

Nhân tiện, chính việc gõ trên máy chữ có thể dễ dàng giải thích 2 codon CGG mà SARS2 mã hóa cho arginine. Konstantin Chumakov nói: "Nếu nó được thực hiện trên một máy tổng hợp, nó đã được thực hiện bởi các nhà khoa học máy tính không hiểu sinh học. Họ lấy bảng sử dụng codon tiêu chuẩn, chèn những codon được sử dụng ở người, và họ không quan tâm liệu coronavirus có ưa thích các codon khác hay không."

Vấn đề chính của máy tổng hợp là máy đánh chữ gõ các cụm từ khá ngắn, và chúng phải được nối với nhau bằng cách nào đó. Điều này cũng được thực hiện bằng cách sử dụng các enzym giới hạn, và để lại dấu vết.

Tuy nhiên, sau đó các phương pháp đã được phát minh cho phép kết nối liền mạch. Một phương pháp như vậy đã được demo vào năm 2002 bởi Giáo sư Ralph Berick, huyền thoại về virus học tổng hợp và là thầy của Tiến sĩ Thạch. (Nhân tiện, ông ấy đã làm điều đó trên coronavirus.)

Sau khi loài người học cách in DNA, các nhà khoa học bắt đầu tách virus thành nhiều mảnh và tạo ra virus mới từ những mảnh này. Đó là một trải nghiệm rất thú vị và chúng có thể hiểu được. "Thứ nhất, nó rất thú vị, "- đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao điều này nên được thực hiện, bởi Giáo sư Đại học Rutgers và Skoltech, nhà sinh học phân tử nổi tiếng Konstantin Severinov.

Vào năm 2011, Tiến sĩ Ron Fouchier đã chứng minh rằng cúm gia cầm độc lực cao (A/H5N1) có thể lây lan sang người qua các giọt nhỏ trong không khí, nếu chỉ thay đổi 5 axit amin. Tiến sĩ Fouchier viết: "Để kiểm tra nỗi lo sợ rằng virus có thể thực hiện điều này trong điều kiện tự nhiên, chúng tôi đã biến đổi gen của vi-rút A/H5N1 bằng cách sử dụng cách gây đột biến hướng vào vị trí (site-directed mutagenesis) và truyền nối tiếp tiếp theo (serial passage) trong chồn."

Từ "chồn" trong trường hợp này không nên làm chúng ta lúng túng: cơ chế lây truyền virus trong không khí giữa các đại diện của họ chồn là gần nhất với con người. Nếu virus của bác sĩ Fouchier thoát ra ngoài, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 sẽ giống như trường mẫu giáo. Tiến sĩ Paul Keim nói: "Tôi không thể tưởng tượng ra một thứ gây bệnh tệ hơn thế. Bệnh than không đáng xách dép cho nó."

Đầu tiên, tiến sĩ Fouchier cố gắng đạt được sự lây truyền trong không khí của virus tổng hợp của mình bằng cách sử dụng phương pháp di truyền ngược, nhưng đã thất bại. Sau đó, ông ta chỉ đơn giản là bắt đầu chạy virus qua phổi của những con chồn hương sống. Ông ấy chỉ mất 10 (mười!) thế hệ để đạt được điều mình muốn.

Điều mà tiến sĩ Fouchier không thành công, thì tiến sĩ Yoshihiro Kawaoka của Đại học Tokyo lại thành công, cùng một thời gian.

Ông đã lấy loại virus cúm lợn H1N1 tốt nhất, kết hợp nó với virus cúm gia cầm H5N1, và tạo ra virus chimera.

Tất cả chỉ với mục đích cao cả là thuyết phục chúng ta rằng bệnh cúm có thể nguy hiểm.

Sau năm 2002, bên cạnh các thí nghiệm với virus cúm, đã có thêm các thí nghiệm với coronavirus. Trò giải trí yêu thích của các nhà khoa học là nhét vào coronavirus một furin site.

Tiến sĩ Nunberg đã đưa nó vào SARS năm 2006, tiến sĩ Fumihiro Taguchi cũng làm như vậy vào năm 2008, và một thí nghiệm tương tự cũng được tiến sĩ Rotier thực hiện cùng năm. Năm 2009, tiến sĩ Whittaker đã trồng những hai furin site vào SARS1. Các đồng chí Trung Quốc cũng không tụt lại phía sau, và vào tháng 10/2019, họ đã chèn một furin site vào coronavirus lây nhiễm cho gà.

Nhưng, miễn bàn, nhà vô địch trong việc thao túng coronavirus là Viện Vũ Hán hoàn toàn mới, và ngôi sao của nó, Tiến sĩ Thạch Chính Lệ, người đã học với các nhà virus học phương Tây giỏi nhất và sớm vượt các thầy.

Năm 2007, Tiến sĩ Thạch đã tạo ra một loạt virus chimera dựa trên coronavirus dơi, chèn các chuỗi khác nhau từ SARS1 và từ pseudovirus (tức là một loại virus tổng hợp nhân tạo) gây suy giảm miễn dịch ở người.

Vào năm 2015, tiến sĩ Thạch và Ralph Berick nói trên, một huyền thoại sống về virus học, đã lấy con SARS1 quen thuộc (một protein S, như chúng ta nhớ, không tối ưu cho sự lây nhiễm của con người) làm cơ sở, và đưa ra một loại S protein trên virus SHC014-CoV vào nó. Kết quả là – ai mà ngờ được! – dễ lây lan và theo các tác giả của bài báo, đã chứng minh khả năng xuất hiện dịch bệnh mới từ coronavirus của dơi móng ngựa.

Vào năm 2017, tiến sĩ Thạch và tiến sĩ Daszak báo cáo rằng họ đã tìm thấy bốn coronavirus dơi mới trong hang động Vân Nam, chúng liên kết hiệu quả với các thụ thể ACE2 của con người trong ống nghiệm và họ đã tạo ra từ một trong những coronavirus này, mà họ gọi là WIV1, tận 8 chimeras. "Tất cả các virus đã sao chép thành công trong các tế bào biểu hiện ACE2 của con người."

Yuri Deigin lưu ý: "càng đắm mình vào nghiên cứu của các nhà coronavirus học trong vòng 15–20 năm qua, bạn càng nhận ra rằng việc tạo ra các chimera như CoV2 đối với họ là một hoạt động thường xuyên trong phòng thí nghiệm".

Tại sao họ làm thế, bạn hỏi?

Có hai câu trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau cho điều này (ngoài câu trả lời trung thực của Severinov rằng nó đơn giản là rất thú vị).

Gain of function chính là cách để hiểu cơ chế hoạt động của sự sống.

Bạn có muốn có insulin được biến đổi gen không? Một phương pháp chữa trị bệnh máu khó đông? Ung thư? Bệnh Alzheimer? Bạn có muốn sống mãi không? Điều này nghĩa là bạn phải nghiên cứu gain of function.

Konstantin Chumakov nói: "Gain of function cần thiết để hiểu cách Tự nhiên hoạt động, và học cách điều khiển nó. Tìm hiểu cấu tạo của đồng hồ như thế nào? Lấy bánh răng ra và xem đồng hồ chạy tốt hơn hay tệ hơn. Đây là một cách tìm hiểu Tự nhiên. Không có cách nào khác. " Gain of function cần thiết để hiểu cơ chế hoạt động của chiếc đồng hồ của Thượng đế.

Konstantin Severinov nói: "Tất cả sự tiến hóa liên tục, sự xuất hiện của phức hợp từ đơn giản, là gain of function. Ví dụ, loài mới có thể phát sinh khi tập hợp đột biến được tích lũy mang lại lợi thế cho vật mang so với dạng ban đầu. Đó chính là việc kiếm thêm chức năng. Nghiên cứu gain of function chính là nghiên cứu về sự sống theo nghĩa rộng. "

Yuri Deigin có một cái nhìn đen tối hơn nhiều về những gì đang xảy ra. "Gain of function," ông nói, "cần thiết cho những người làm công việc đó, để được tiếp tục làm việc đó, tạo dựng sự nghiệp và nhận được tài trợ. Nó là một cỗ máy ăn tiền tự hành. Câu trả lời mà họ bán cho những nhà tài trợ là, gain of function giúp họ hiểu được những nguy hiểm mà họ sẽ ngăn ngừa. Điều này rất hợp với các nhà tài trợ, những người không hiểu gì về sinh học, nhưng lại sợ dịch bệnh và khủng bố sinh học".

Nghe có vẻ nghịch lý, hai quan điểm này cũng không đối lập nhau lắm. Sự sống là sự sống, ở mọi nơi và trong tất cả. Và nếu một người học cách trở thành Thượng đế và tạo ra sự sống, thì anh ta sẽ tạo ra sự sống trong tất cả các biểu hiện của nó: cả những chú mèo lông xù lẫn bệnh dịch.

Một cỗ máy đồng hóa tài trợ khổng lồ tồn tại, nhưng vấn đề là phần ký sinh của khoa học rất khó tách rời khỏi phần thực. Tự do khoa học cũng giống như tự do ngôn luận. Nó không thể là về việc chỉ nghiên cứu những điều đúng đắn.

Tuy nhiên, khoa học có một trách nhiệm to lớn – đó là cố gắng xác lập các sự kiện. Mô tả những gì đã xảy ra, mặc dù nó có thể dẫn đến việc mất các khoản tài trợ và địa vị.

Ví dụ, Tiến sĩ Ralph Berik nêu trên – mentor của Thạch Chính Lệ và là người tiên phong trong việc lắp ráp liền mạch các virus được tạo ra nhân tạo – đã ký một bức thư đăng trên tạp chí Science vào ngày 14/ 5, yêu cầu một sự tìm hiểu khách quan về nguồn gốc của virus. Ông đặt chữ ký của mình bên cạnh chữ ký của nhà sinh học phân tử bất đồng chính kiến về virus Alina Chan, bất chấp việc tiến sĩ Berik có thể là người đầu tiên bị tấn công nếu virus rốt cuộc là đào thoát từ phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Daszak, một người chiến đấu cho thiên nhiên, tiêu diệt loài săn mồi đang đe dọa nhân loại bằng những trận dịch khủng khiếp, đã chọn một con đường khác. Cho đến trước dịch bệnh, ông ta tự hào nói về việc mình đã thu thập và tháo rời các coronavirus tuyệt vời như thế nào. Ông ta đã thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng kiểu này của mình vào ngày 9/12/2019. Tiến sĩ Daszak nói: "Coronavirus có thể dễ dàng thao túng trong phòng thí nghiệm. Phần lớn những gì xảy ra với coronavirus về nguy cơ lây truyền từ động vật phụ thuộc vào S-protein. Vì vậy, bạn có thể thực hiện trình tự, bạn có thể xây dựng protein, và tôi và Ralph Berick tại UNC đang làm điều đó. Tiêm nó vào cơ sở của một loại virus khác (chữ nghiêng của tác giả bài viết Yu. Latynina) và thực hiện một số việc."

Thế nhưng, ngay sau khi bệnh dịch được biết đến, Tiến sĩ Daszak, từng giải thích việc thao túng coronavirus trong phòng thí nghiệm dễ dàng thế nào, đã bắt đầu ra sức phủ nhận việc virus Vũ Hán có thể thoát ra từ ống nghiệm, và vào tháng 4/2020 đã lên án nghiêm khắc "chính trị hóa đại dịch" và "các thuyết âm mưu".

Chính Tiến sĩ Daszak là người khởi xướng bức thư của nhóm khoa học kiểu đảng ủy, lên án nghiêm khắc những bịa đặt phản động của những kẻ bảo thủ về khả năng có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của virus.

Rốt cuộc, nếu hóa ra virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm và hàng triệu USD chi cho Tiến sĩ Daszak không cứu được ai, mà hoàn toàn ngược lại – lại chính là tác nhân gây ra đại dịch, thì ông ta không có cửa để có những khoản tài trợ.

Làm sao tiến sĩ Daszak có thể cho phép kẻ thù của mình cướp đi kinh nghiệm vô giá của nhân loại trong việc ngăn chặn các thảm họa trong tương lai?

Vào tháng 4/2020, ai đó đã mách về tiến sĩ Daszak cho Tổng thống Trump, và khoản tài trợ đã bị hủy bỏ một cách đầy tai tiếng. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ của cộng đồng khoa học tiến bộ. Tiến sĩ Angela Rasmussen đã đăng một bài báo trên tạp chí Nature, trong đó bà gọi việc hủy bỏ tài trợ là "một tiền lệ lạnh người" dựa trên "thông tin sai lệch" và "tuyên truyền chính trị", và cuộc đấu tranh quên mình chống lại điều đó đã khiến bà tổn thương tinh thần. "Tôi đã bị đe dọa bạo lực và tấn công tình dục – than ôi, đây là một rủi ro nghề nghiệp cho những người vạch trần tin thất thiệt, và thật không may là tôi đã quen với việc này," Tiến sĩ Rasmussen viết trong một bài báo mà, xin nhắc lại, không phải được xuất bản trong một tạp chí nữ quyền nói về những khó khăn trong cuộc sống giữa những con đực trắng lông lá, mà là trên tạp chí Nature.

Nhưng tiến sĩ Rasmussen đã là gì! Chẳng bao lâu sau, 77 người đoạt giải Nobel đã ký một lá thư lên án việc hủy bỏ tài trợ, tước đi "một nền khoa học đáng kính của thế giới, có thể giúp đối phó với một trong những cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại, cũng như những cuộc khủng hoảng có thể phát sinh trong tương lai. "

77 người đoạt giải Nobel, lại thêm quấy rối tình dục, như bạn biết, là vũ khí cỡ lớn, và sau một cuộc pháo kích như vậy, số tiền lại được trao cho Daszak, và hơn nữa, được tăng gấp đôi. Vào tháng 8 năm 2020, NIAID, do Tiến sĩ Anthony Fauci đứng đầu, đã phân bổ 7,5 triệu đô la cho Tiến sĩ Daszak để nghiên cứu các loại virus hoang dã mới.

These are very well-run labs

Như chúng ta thấy, Tiến sĩ Daszak có ảnh hưởng đáng kể, cộng với niềm tin sắt đá kiểu Lysenko, ông ta dùng nó để chống lại những lời bịa đặt phản động và thuyết âm mưu ảo tưởng của những kẻ độc ác xâm phạm địa vị và phúc lợi của ông. Tiến sĩ Daszak nói: "Ý tưởng cho rằng virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm là hoàn toàn bịa đặt. Nó không đúng … Đó là những phòng thí nghiệm được vận hành rất tốt".

Cái gì có thể khiến tiến sĩ Daszak tự tin được thế?

Ngắn gọn mà nói, chẳng có gì. Virus thoát ra khỏi ngay cả những phòng thí nghiệm an toàn nhất, bởi vì con người là con người, và shit happens.

Ví dụ ở Nga, trong phòng thí nghiệm Vektor ở Novosibirsk, người ta đã bị nhiễm Ebola và Marburg nhiều lần. Năm 1990, Sergey Vizunov bị nhiễm Marburg (lấy ngón tay dụi mắt) và trưởng phòng thí nghiệm Nikolai Ustinov (chích quai bị nhưng trượt và chọc thủng hai lớp găng tay bảo vệ). Năm 2004, một trợ lý phòng thí nghiệm, Antonina Presnyakova, đã bị nhiễm virus Ebola với một ống tiêm bị ném vào một thùng chứa. Presnyakova và Ustinov đã chết. Vizunov sống sót. Tổng cộng, trong "Vektor", ngoài Presnyakova, ba người khác bị nhiễm Ebola. Tại Sverdlovsk năm 1979, thị trấn quân sự số 19 đã khéo lây nhiễm bệnh than cho cả một khu vực.

Trái ngược với lo ngại của dân thường, cả Ebola và Marburg đều không có khả năng gây ra dịch lớn. Chúng chỉ được truyền từ người này sang người khác qua máu và các chất tiết khác của cơ thể. Rửa tay sau khi đi vệ sinh và bạn sẽ không bị ốm. Nó nguy hiểm cho các nước châu Phi, nhưng không nguy hiểm cho châu Âu và thậm chí cho cả Nga.

Một vấn đề hoàn toàn khác là virus được truyền từ người sang người bằng các giọt nhỏ trong không khí.

Ví dụ, dịch cúm nghiêm trọng năm 1977 khả năng cao là đã thoát khỏi phòng thí nghiệm của Liên Xô, nơi họ cố gắng tạo ra một loại vắc-xin tốt, hoặc khôi phục lại "bệnh cúm Tây Ban Nha". Bệnh đậu mùa đã trốn thoát khỏi các phòng thí nghiệm của Anh ba lần, và SARS đầu tiên là nhà vô địch trong việc trốn thoát nhanh chóng từ một ống nghiệm: trong lịch sử ngắn ngủi của mình, kẻ tái phạm này đã trốn thoát khỏi các phòng thí nghiệm ở Singapore, Đài Loan và ít nhất hai lần từ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc, được xây dựng rất nhanh theo nhịp độ xung kích kiểu cộng sản và thường được phục vụ bởi đội ngũ nhân viên không được đào tạo bài bản, lương thấp và thờ ơ.

Viện Virus Vũ Hán là thế nào trong bối cảnh này?

Năm 2017, nó đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm có độ bảo mật cao nhất đầu tiên ở Trung Quốc – BSL4. Viện đã trả 44 triệu đô la cho nó, và kể từ đó hầu như mọi bức ảnh đều mô tả tiến sĩ Thạch trong một bộ đồ được bơm căng với áp suất dương: như trong vũ trụ vậy.

Phòng thí nghiệm được mở cửa vào năm 2017, nhưng các thanh tra Mỹ đến thăm nó vào năm 2018 đã bị sốc bởi sự bất cẩn của nhân viên và trình độ đào tạo thấp. Sự bất cẩn và thiếu chuyên nghiệp như vậy của cấp dưới là điều hoàn toàn tự nhiên đối với một quốc gia đang tiếp thu ngành virus học hiện đại theo mệnh lệnh và nhịp độ nhanh. Hơn nữa, Vũ Hán, như đã nói, chỉ nhận được 10% số tiền được phân bổ cho Tiến sĩ Daszak để phòng chống dịch bệnh coronavirus bằng cách biến coronavirus vô hại thành mầm bệnh nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, đó thậm chí không phải là vấn đề của sự thiếu chuyên nghiệp. BSL4 hoàn toàn không hoạt động với coronavirus. Họ đã làm việc với coronavirus ở cấp độ BSL3 và BSL2, như chính tiến sĩ Thạch đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Science. Đồng thời, ở cấp độ BSL3, họ đã làm việc với SARS1. Các coronavirus dơi đã được nghiên cứu ở cấp độ BSL2. BSL2, nói một cách đơn giản, là găng tay và áo choàng.

Không thể tin được, nhưng đó là sự thật. Trên khắp thế giới, BSL4 đã được sử dụng để chống lại các loại virus như Marburg hoặc Ebola, những virus không thể gây ra dịch bệnh ở một quốc gia văn minh, nhưng để làm việc với coronavirus lây lan qua không khí, lại chỉ cần các biện pháp phòng ngừa như cho một phòng khám răng.

Yuri Deigin nói: "Đấy là sau này bạn mới nhận ra rằng họ là những kẻ ngốc, nhưng họ đã nghiên cứu virus dơi, và trước khi furin site được đưa vào, nó lây truyền rất kém. Vâng, đã có sáu thợ mỏ hít thở đủ lâu trong mỏ, nhưng họ không lây cho bất cứ ai. Họ nghĩ, coronavirus, thì sao. Cảm lạnh cũng là một loại coronavirus. Nó không giết ai cả. Xin lưu ý rằng SARS1 lây truyền kém. Virus dơi không bám dính tốt vào con người, vì vậy họ nghĩ rằng nó vô hại"

Những năm 2010 là thời điểm các phòng thí nghiệm virus học bắt đầu mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Nếu trước đây một phòng thí nghiệm như vậy là nơi sáng tạo của những giáo sư đáng kính, thì giờ đây, khi khoa học đã trở nên phổ biến, như iPhone, chúng bắt đầu được xây dựng như những tiệm bánh. Trung Quốc, nước không có một BSL4 nào đến năm 2016, đang xây dựng, ngoài Vũ Hán, ba cái nữa – ở Bắc Kinh, Cáp Nhĩ Tân và thành phố sáu triệu dân Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam.

Nếu mọi thứ diễn ra với tốc độ như vậy, thì chẳng bao lâu nữa người ta sẽ chế virus chimera ở trong bếp nhà mình.

Trong điều kiện mở rộng bùng nổ như vậy, câu hỏi liệu một chimera khác có thoát ra được hay không không nên đặt ra. Câu hỏi cần đặt ra là, khi nào nó sẽ thoát ra.

Trong những điều kiện này, tuyên bố của Tiến sĩ Daszak về "các phòng thí nghiệm được quản lý tốt" nghe rất kỳ quặc. Chúng tôi xin nhắc lại, đây không phải là về một sự kiện ngẫu nhiên, không phải về một ngoại lệ quái dị như vụ nổ Chernobyl. Vấn đề là các phương pháp thao tác di truyền của virus ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, và số lượng các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang tăng lên theo cấp số nhân. Đồng thời, trình độ của những người làm việc trong các phòng thí nghiệm này, và đặc biệt là các nhân viên kỹ thuật cơ sở, còn nhiều điều phải cải thiện.

Điều này đặc biệt đúng đối với Trung Quốc, quốc gia đang tạo ra virus của mình bằng các phương pháp cưỡng bức ngay từ đầu. Chúng ta ở Liên Xô cũ đã quen thuộc với thực tiễn của các dự án xây dựng xung kích xã hội chủ nghĩa. Đúng vậy, mối đe dọa của dịch bệnh truyền từ động vật vẫn tồn tại, nhưng cuộc chiến chống lại nó bằng cách tạo ra những con virus chết người của một trợ lý phòng thí nghiệm với găng tay và áo choàng không làm giảm nó, mà còn làm tăng đáng kể.

Tôi có thể thành thật nói rằng thuyết thoát khỏi phòng thí nghiệm luôn có vẻ rất hợp lý đối với tôi – xét cho cùng, nó dễ dàng giải thích sự thật rằng dịch bệnh không bắt đầu từ nơi loài dơi được tìm thấy, mà là nơi đặt viện nghiên cứu chúng.

Nhưng cùng lúc đó, tôi tin rằng một loại virus tự nhiên hoặc virus được "truyền" vào chuột trong phòng thí nghiệm đã thoát ra khỏi viện nghiên cứu, và do đó không thể phân biệt được với virus tự nhiên. Trong quá trình chuẩn bị bài viết này, tôi rất ngạc nhiên khi hiểu rằng, một sinh viên năm cuối có thể lắp ghép một loại virus trên một máy tổng hợp.

Trong những điều kiện như vậy, việc cố gắng thay đổi virus chỉ bằng cách tự nhiên đơn giản là không hợp thời. Nó giống như một bác sĩ phẫu thuật đang cố gắng thực hiện một ca phẫu thuật, kiên quyết từ chối dao mổ laser và thay vào đó sử dụng rìu của người bán thịt. Điều này đã lỗi thời. Sẽ không có tài trợ nào được cấp cho việc này.

Dao cạo Ockham

Những người ủng hộ thuyết nguồn gốc tự nhiên của virus đã bảo vệ nó với một sự nhiệt thành dành cho tín điều hơn là khoa học. Câu hỏi được tuyên bố là đã giải quyết xong trước khi nó được nêu ra. Và tất cả những ai tiếp tục đặt câu hỏi đều bị tuyên bố là phân biệt chủng tộc, quái đản và âm mưu. Ngay cả bây giờ, khi diễn ngôn "chuyện vớ vẩn" đã dần hết mốt và được thay thế bằng một câu nói hợp lý hơn "chưa được chứng minh", những người phản đối thuyết này vẫn bị cười nhạo.

Konstantin Severinov nói: "Ở bất kỳ cơ thể nào, kể cả virus tự nhiên, nếu bạn quan sát kỹ bộ gen, bạn sẽ thấy nhiều điểm bất hợp lý đáng kinh ngạc. Theo quan điểm của những người này, thực tế là loại virus này rất phức tạp là bằng chứng cho thấy ai đó đã tạo ra chúng. Gần như những lập luận tương tự đã được nhà thờ đưa ra vào thế kỷ thứ 10 chống lại ý tưởng về sự tiến hóa, nhưng những lập luận đó không thuyết phục". "Tôi không cho là bất hợp lý (out of reasonable) sự xuất hiện của bất kỳ loại vi rút nào ở bất kỳ đâu vào đúng thời điểm (theo quan điểm của virus). Sự tiến hóa là ngẫu nhiên". Severinov nói.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuyết về nguồn gốc nhân tạo của virus giải thích nhiều tính năng của nó thuyết phục hơn so với thuyết về nguồn gốc tự nhiên.

Thuyết về nguồn gốc tự nhiên không thể giải thích bằng cách nào mà virus, có tổ tiên là coronavirus Rhinolopus affinis, lại đi 1.5 nghìn km từ môi trường sống của nó đến Vũ Hán. Thuyết thoát khỏi phòng thí nghiệm thì có giải thích đơn giản: nó được mang đến bởi các nhà khoa học từ Viện Vũ Hán.

Thuyết nguồn gốc tự nhiên không thể tìm ra động vật trung gian. Thuyết trốn thoát trong phòng thí nghiệm giải thích rằng động vật trung gian là một con chuột đã được nhân hóa. Đó là lý do tại sao virus đã được tối ưu hóa cho ACE2 của con người ngay từ đầu.

Thuyết trốn thoát trong phòng thí nghiệm tuyên bố rằng SARS2 có được furin site của nó vì nó được đưa vào phòng thí nghiệm như một phần của gain of function, như được mô tả trong công trình trước đây của chính tiến sĩ Thạch. Đó là lý do tại sao đoạn chèn này sử dụng hai codon CGG xấu số kia, rất giống với dòng chữ "Tuấn đã ở đây".

Thuyết nguồn gốc tự nhiên cho rằng furin site tự hình thành. Thiên nhiên thực sự là một nhà thiết kế độc đáo, và sự ngẫu nhiên là kỹ sư giỏi nhất. Richard Feynman đã từng bật cười trước sự tuyệt đối hóa của xác suất. "Một sự kiện phi thường đã xảy ra với tôi ngày hôm nay," anh nói. – "Hãy tưởng tượng, trên đường đến phòng thí nghiệm tôi đã nhìn thấy chiếc ô tô biển số AF194. Bạn có thể tưởng tượng, xác suất để tôi nhìn thấy chiếc xe có đúng biển số đó nhỏ như thế nào không? "

Vấn đề trong trường hợp này chính là lý thuyết xác suất chống lại thuyết "tự nhiên". Nếu SARS2 của chúng ta có được khả năng gây bệnh bất thường thông qua một cơ chế mới, hoàn toàn chưa được biết đến, thì tất nhiên, chúng ta sẽ đồng ý rằng nó là tự nhiên. Nhưng vấn đề là ở chỗ, cơ chế không phải là chưa được biết! Cơ chế này đã được mô tả một cách hoàn hảo, và nó đã được mô tả bởi các nhân viên của viện nằm trong thành phố nơi dịch bệnh bùng phát.

Việc Feynman gặp một chiếc xe mang số hiệu AF194 thực sự là một sự tình cờ. Nhưng nếu anh ta gặp chiếc xe này hai lần – lần đầu ở nhà, rồi ở đầu kia của thành phố, và ngày hôm sau anh ta gặp chiếc xe thứ hai, số AD478, lần đầu ở nhà, rồi ở đầu kia của thành phố, và sau đó là chiếc thứ ba, thứ tư, thì khó có thể được gọi là tình cờ. Sẽ có lý hơn nhiều nếu giải thích là Feynman đang bị theo dõi.

Tôi được dạy rằng nên sử dụng dao cạo Ockham*** trong khoa học. Dao cạo Ockham trong trường hợp này không đứng về thuyết nguồn gốc tự nhiên. Tất nhiên, chúng ta có thể nói rằng tất cả những điều này chỉ là bằng chứng gián tiếp, và cơ sở dữ liệu của Viện Vũ Hán vào ngày 30/12 đã sập tình cờ. Nhưng nếu vậy thì, thuyết của Copernicus, so với thuyết của Ptolemey, cũng chỉ dựa trên bằng chứng gián tiếp cho đến khi Yuri Gagarin bay vào vũ trụ.

Phản bác

Thế còn những bài báo và những bức thư tập thể, ngay khi mới bắt đầu đại dịch, đã vạch trần những kẻ theo thuyết mưu, bị mê muội bởi các thuyết phân biệt chủng tộc về nguồn gốc của virus thì sao?

Chúng ta hãy xem xét chúng.

Bài báo Nguồn gốc gần giống của SARS-CoV-2 đã được ký bởi một số nhà virus học hàng đầu thế giới, bao gồm Christian Andersen của Viện Scripps. Bởi một sự trùng hợp may mắn, chính tiến sĩ Andersen, cùng với tiến sĩ Daszak, đã trở thành một trong những người may mắn nhận được gói tài trợ 87 triệu từ tiến sĩ Fauci vào tháng 8/2020 để nghiên cứu mầm bệnh từ động vật truyền sang người. Tiến sĩ Andersen và tiến sĩ Dasek lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách.

Bài báo đưa ra hai luận điểm.

Nó lưu ý rằng vi rút mới được tối ưu hóa để liên kết với thụ thể ACE2, nhưng theo một cách hoàn toàn khác với SARS1. – Tiến sĩ Andersen viết, – nếu ai đó quyết định tạo ra loại virus này trong phòng thí nghiệm, người đó sẽ lấy SARS1 làm cơ sở, nhưng virus của chúng ta làm điều đó theo một cách hoàn toàn khác, vậy thì nó có nguồn gốc tự nhiên.

Nhưng lập luận này là phi lý. Chỉ cần đọc các bài báo của tiến sĩ Thạch, bài này và bài này, để thấy rằng tiến sĩ Thạch thường sử dụng các coronavirus khác ngoài SARS làm cơ sở (backbone) trong các thí nghiệm của mình.

Và điều này là dễ hiểu. Không ai cấp cho bác sĩ Thạch bất kỳ khoản tài trợ nào của người Mỹ cho gain of function với SARS, do đó mục đích nghiên cứu của bà là chỉ ra rằng các coronavirus khác trong điều kiện thay đổi nhất định, có thể nguy hiểm không kém SARS. SARS đã là một loại virus nguy hiểm. Không cần chứng minh thêm.

Luận điểm thứ hai của bức thư còn lạ lùng hơn. Các tác giả của nó ghi nhận một đặc điểm độc đáo của SARS2 là furin site, và báo cáo rằng "các hậu quả chức năng của vị trí cắt polibasic trong SARS-CoV-2 là chưa rõ". Và một site như vậy "có thể xuất hiện như là kết quả của một quá trình tiến hóa tự nhiên."

Làm thế nào để từ những tuyên bố này đi đến kết luận về nguồn gốc tự nhiên của furin site? Câu trả lời là không có cách nào.

Các tác giả của bức thư cho rằng mục đích của site là không xác định, và trong các sarbecovirus khác không có nó. Và đó là tất cả. Đồng thời, họ quên đề cập rằng mục đích của site này đã được biết rõ (nó làm tăng hiệu quả của virus), rằng các site tương tự đã được mô tả trong nhiều bài báo, bao gồm cả công trình của tiến sĩ Thạch, rằng sự tiến họa tự thân của 12 nucleotide thành đoạn text thường xuyên được sử dụng để chèn nhân tạo vào coronavirus dường như không thể xảy ra, và hai trong số bốn protein của site không được mã hóa bởi codon mà coronavirus thích, mà là codon mà nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thích.

Nói thẳng ra, mặc dù bài này đã được đăng trên tạp chí Nature và có chữ ký của các nhà virus học hàng đầu của Mỹ, nhưng rất khó để coi nó là một công trình khoa học. Nó chỉ là một loạt các từ khoa học nghe đẹp đẽ: "thụ thể ACE2", "glycan liên kết O", "địa điểm cắt polybasic" …

Bộ từ này được sử dụng để gây ác mộng cho người đọc bình thường và khiến anh ta cảm thấy rằng anh ta đang đối mặt với những người chuyên nghiệp với trình độ mà anh ta không thể với tới, trong khi các tác giả không có luận điểm nào. Các tác giả của bức thư này cư xử như những nhà giả kim thời Trung cổ, những người sử dụng tất cả kiến thức đáng kể của họ trong lĩnh vực hóa học không phải để giải thích các phản ứng hóa học, mà để làm phiền nhà tài trợ và rút tiền của anh ta để tài trợ cho việc tìm kiếm viên đá triết học.

Nhưng điều nổi bật nhất của bài báo này là riêng tiến sĩ Christian Andersen lại có một ý kiến khác. "Eddie, Chúa ơi, Mike, và bản thân tôi thấy rằng bộ gen của virus không phù hợp với kỳ vọng của thuyết tiến hóa," tiến sĩ Andersen viết vào ngày 1/2/2020 trong một bức thư riêng gửi cho người đứng đầu NIAID, Tiến sĩ Anthony Fauci. "Một số chi tiết (có thể) trông nhân tạo." Ngay sau khi nhận được bức thư này, Tiến sĩ Fauci đã gọi một cuộc họp bí mật. Bức thư này đã gây sốc.

Có lẽ, các luận điểm trong bức thư đăng trên Lancet nặng ký hơn?

Than ôi, không.

Bức thư gửi cho Lancet hoàn toàn không phải là một tài liệu khoa học. Nó trông giống như một nghị quyết ủng hộ việc giải trừ quân bị hoặc lên án quân đội Israel, được thông qua ở một nơi nào đó trong cuộc họp của đảng ủy tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất, hơn là một lá thư của các nhà virus học hàng đầu thế giới.

Bức thư này ca ngợi "những nỗ lực phi thường" của các nhà khoa học và bác sĩ Trung Quốc đã "làm việc siêng năng và hiệu quả để xác định mầm bệnh đằng sau đợt bùng phát, thực hiện các bước quan trọng để giảm tác động của nó và chia sẻ kết quả một cách minh bạch với cộng đồng nhiên cứu khoa học và y tế trên toàn thế giới".

Bức thư tuyên bố đoàn kết với các đồng nghiệp Trung Quốc, kêu gọi "lên án nghiêm khắc" các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch, "thúc đẩy sự thật khoa học và đoàn kết chống lại thông tin sai lệch và suy đoán." "Chúng tôi muốn các bạn – các nhân viên khoa học và y tế Trung Quốc biết rằng chúng tôi sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến chống lại loại virus này", bức thư kết thúc.

Còn gì nữa? Chả còn gì. Ngoại trừ tuyên bố được lặp đi lặp lại rằng nếu SARS2 được lắp ghép trong phòng thí nghiệm, thì dấu vết sẽ vẫn còn trong virus. Thật khó để tưởng tượng rằng các nhà virus học đưa ra ý kiến phản đối này lại không biết rằng các phương pháp lắp ráp hiện đại hoàn toàn có thể tránh được điều này.

Làm thế nào mà các tài liệu với một đống biệt ngữ khoa học cố gắng che đậy sự thiếu vắng hoàn toàn của lập luận logic, và những bức thư tập thể được viết theo mẫu của công nông Xô viết, lại trở thành một "sự đồng thuận khoa học", mà chỉ những kẻ kỳ quặc và những người theo thuyết âm mưu mới có thể chống lại? Chả lẽ không có nhà khoa học nào bày tỏ nghi ngờ sao?

Đã có. Nhóm DRASTIC – ví như Bellingcat sinh học – chủ yếu bao gồm các nhà khoa học: nhà di truyền học, nhà sinh học phân tử, tin sinh học – những người trẻ tuổi, táo bạo và không công nhận các cây đa cây đề. Nikolai Petrovsky người Úc và Alina Chan người Mỹ đã xuất bản một bài báo về khả năng tối ưu hóa tuyệt vời của virus đối với ACE2 ở người. Rossana Segreto và tiến sĩ Stephen Kay đã viết về nguồn gốc nhân tạo của virus từ quan điểm cấu trúc của nó.

Và những người khổng lồ cũng không hề im lặng! Các nhà virus học nổi tiếng David Relman và Richard Albright, cựu giám đốc CDC Robert Redfield, và người đoạt giải Nobel David Baltimore đều không loại trừ khả năng trốn thoát, thậm chí tin rằng đây là lời giải thích "hợp lý nhất". Để nghi ngờ mối liên hệ giữa dịch bệnh và viện nghiên cứu, một trong những nhà sinh học phân tử lỗi lạc nhất thời đại chúng ta, Richard Albright, giáo sư tại Đại học Rutgers, chỉ cần "một nano giây hoặc pico giây".

Vậy thì "sự đồng thuận khoa học" ra đời như thế nào?

Ở đây chúng ta vượt ra ngoài khuôn khổ của khoa học và bắt đầu nói về những gì đối lập với khoa học trên góc độ cấu trúc – về hệ tư tưởng và tôn giáo. Nếu khoa học tìm kiếm các sự kiện và thảo luận về chúng, thì hệ tư tưởng ngăn cấm các tranh luận. Nó cố gắng áp đặt cho mọi người một quan điểm phù hợp duy nhất, có lợi cho nhóm lợi ích này khác, và thực hiện điều này bằng cách bác bỏ các sự thật, tiêu diệt đối thủ và áp lực không thể chịu nổi từ một nhóm người, gần như buộc người bất đồng chính kiến phải tham gia vào đa số tuân phục. Chống đối lại đòi hỏi nhiều sức mạnh tinh thần và thể chất, và bị đe dọa bằng sự tẩy chay, mất tài trợ và sụp đổ sự nghiệp.

Tôi không phải là chuyên gia về virus học, nhưng ký hiệu học, từ ngữ và nhận dạng fake là nghề của tôi. Ngay từ đầu câu chuyện này, tôi đã ngạc nhiên về cách thiết chế kiên định chống lại lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, và cách mà các chiến thuật được sử dụng để chống lại những người ủng hộ nó, giống với những chiến thuật tuyên truyền của độc tài.

Thuyết đó bị coi là di truyền học giả hiệu, thông qua các bức thư tập thể. Họ luôn "chiến đấu" chống lại nó, "đi đầu ở mặt trận". Cuộc chiến này diễn ra trong khuôn khổ "bày tỏ sự đoàn kết" và sự cần thiết phải "đáp trả". Bất kỳ người nào ủng hộ thuyết này cũng ngay lập tức bị tuyên bố là người ngoài lề, theo thuyết âm mưu, phát xít và thậm chí là phân biệt giới tính, như bạn đã thấy trong trường hợp của tiến sĩ Rasmussen bị đe dọa tình dục. Lập luận của họ luôn bị bóp méo.

Sau khi Thượng nghị sĩ Tom Cotton thông báo rằng virus có thể đã thoát khỏi phòng thí nghiệm, Cotton ngay lập tức bị tuyên bố là người ủng hộ "thuyết vũ khí sinh học".

Đây là một trong những dấu hiệu đáng lo ngại nhất của diễn ngôn được tư tưởng hóa. Các nhà khoa học tranh luận về những tuyên bố thực tế. Các kẻ tuyên truyền thì gán các tuyên bố cho bạn, để sau đó "vạch trần" và "bác bỏ". Các nhà khoa học tranh cãi về thực chất. Những kẻ tuyên truyền thì đánh vào uy tín của kẻ thù. Các nhà khoa học có phản biện. Những kẻ tuyên truyền chỉ có "tiền tuyến", "kẻ thù" và "chiến tranh".

Làm sao mà điều này có thể xảy ra?

Cộng đồng khoa học nghiên cứu coronavirus nói chung không lớn. Đây là một nhóm nhỏ, biết lẫn nhau, liên kết chặt chẽ với nhau bởi những lợi ích chung. Nicholas Wade lưu ý: "Họ viết trên cùng một tạp chí, đi dự các hội nghị giống nhau và họ có lợi ích chung là nhận được tiền từ các chính phủ và không bị quy định quá mức". Xảy ra như vậy là vì các coronavirus trước SARS2 chỉ đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nhân loại (trái ngược với, chẳng hạn như cúm hoặc Ebola), một số lượng lớn các khoản tài trợ đã được nhận chính xác là để nghiên cứu nguy cơ tiềm tàng của chúng, tức là, về gain of function.

Tất cả đều đoàn kết chống lại vụ "rò rỉ phòng thí nghiệm": Trung Quốc, nước có ảnh hưởng to lớn, thiết chế tự do của Mỹ vốn ghét Trump, và quan trọng nhất, là cộng đồng các nhà virus học với mối liên hệ chặt chẽ với nhau, biết rõ nhau, review nhau và cấp tài trợ cho nhau, mà trong trường hợp thuyết này được xác nhận, có nguy cơ bị thất sủng, mất các khoản tài trợ và địa vị. Tiến sĩ Redfield nói với Vanity Fair: "Tôi bị tuyên bố là một kẻ hạ đẳng (pariah) vì tôi đã đề xuất một giả thuyết khác. – Tôi chờ đợi điều này từ các chính trị gia. Tôi không chờ đợi nó từ các nhà khoa học".

Nói chung, câu hỏi không phức tạp. Chỉ cần phải giải thích: làm sao mà coronavirus mới lại bắt nguồn từ chính nơi có trung tâm lớn nhất, nếu không phải là trên thế giới, thì ở Trung Quốc, nơi thao túng các coronavirus dơi, và điều này có thể xảy ra như thế nào ở một cái chợ nơi chúng không được bán, trong thành phố mà chúng không sinh sống, và vào lúc những con dơi đã ngủ đông?

Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này đe dọa không chỉ tiến sĩ Daszak và không chỉ người cấp tiền cho ông, tiến sĩ Fauci, người đã ở đỉnh cao hành chính của virus học Hoa Kỳ trong bốn thập kỷ qua. Ông ta đã có thể chôn vùi toàn bộ ngành công nghiệp béo bở: tạo ra virus nguy hiểm để chứng minh rằng chúng có thể nguy hiểm.

Chuyện xảy ra là, những chuyên gia đầu tiên được hỏi liệu virus này có nguồn gốc nhân tạo hay không chính là những người, nếu đưa ra câu trả lời khẳng định, sẽ trở thành kẻ tạo ra đại dịch một cách ngoài ý muốn, mà tính đến ngày nay, đã giết chết 3 triệu người và đã phá hủy nền kinh tế của toàn thế giới.

Có gì ngạc nhiên khi những người này tuyên bố rằng nguồn gốc tự nhiên của virus là không thể phủ nhận như giáo điều không thể sai lầm của giáo hoàng, và rằng có một "sự đồng thuận khoa học" về điều này? Michael Crichton đã từng viết: "Sự đồng thuận khoa học là nơi ẩn náu đầu tiên của những kẻ vô lại. Đây là nỗ lực để tránh thảo luận về một vấn đề, nói rằng nó đã được hoàn thành"

Tin buồn là các quan chức từ khoa học, những người đã tự kiêu ngạo cho mình quyền phát biểu nhân danh cộng đồng khoa học, đã hành xử không giống như các nhà khoa học, mà giống như các giám mục, những người đã xử lý tàn bạo những người hoài nghi và dị giáo. Điều đáng mừng là, bên cạnh "quan điểm của quần chúng tiến bộ", luôn có những người ương ngạnh đi tìm sự thật. Toàn bộ bộ máy tuyên truyền của Nga đã không thể đối phó với sáng kiến riêng của Bellingcat. Có vẻ như tất cả các tuyên truyền bây giờ đang bắt đầu trượt dài trước sáng kiến DRASTIC.

Dịch bệnh cũng giống như xác chết. Nếu một xác chết nằm bên vệ đường, thì rất có thể đây là một cái chết tự nhiên: đột quỵ, chết rét, uống rượu quá mức,… Nhưng cũng có thể là người đó đã bị giết. Đây là câu hỏi cho cơ quan điều tra. Trong mọi trường hợp, nếu một người thay vì cố gắng tìm xem xác chết có nguồn gốc thế nào, lại cười thiếu tự nhiên và ngay từ đầu đã tuyên bố rằng cái chết đến từ những nguyên nhân tự nhiên, và bất cứ ai không đồng ý với điều này đều là kẻ âm mưu và kẻ ngoài lề, những kẻ không biết rằng con người là người phàm có thể chết – thì kẻ tỏ ra mất bình tĩnh và hung hăng này trông rất đáng ngờ.

Chúng ta có thể nghi ngờ, liệu vi rút có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo. Nếu vẫn có con vật trung chuyển thì sao? Biết đâu, furin site đã xuất hiện trong quá trình truyền từ người sang người. Đột nhiên, hóa ra sự xuất hiện của một trận dịch ở thành phố nơi đặt trung tâm thao túng gen lớn nhất của coronavirus là một sự trùng hợp viễn tưởng, cũng như việc toàn bộ cơ sở dữ liệu của viện bị phá hủy vào ngày 30/12, và vị trí của những bệnh viện đầu tiên mà người bệnh đến nằm dọc tuyến tàu điện ngầm nối viện Vũ Hán với sân bay quốc tế …

Nhưng, thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm không mâu thuẫn với dữ liệu quan sát được.

Do đó, thật khó để nghi ngờ rằng những nhà khoa học, như tiến sĩ Daszak, đã chiến đấu chống lại nó bằng những phương pháp đặc trưng cho tòa án dị giáo hơn là các nhà khoa học, đã vi phạm điều răn chính của khoa học, rằng sự thật có giá trị tự thân, và Trái đất luôn quay bất chấp việc vì thế mà bạn mất tiền tài trợ hay bị lên giàn thiêu.

Các bác sĩ thực hiện lời thề Hippocrate. Các nhà khoa học thì không tuyên thệ lời thề của Archimedes hay Newton. Thật uổng.

Kết luận

Từ đây, theo tôi, có ba kết luận chính, cái sau khủng khiếp hơn cái trước.

Đầu tiên, họ đã nói dối chúng ta. Các quan chức khoa học không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở Hoa Kỳ đã hành xử không giống như các nhà khoa học, mà giống như Ủy ban Trung ương của đảng CS Liên xô sau Chernobyl.

Vấn đề không phải là về nguồn gốc nhân tạo của virus. Shit happens. Điều đặc trưng cho một hệ thống không phải là lỗi, mà là phản ứng đối với lỗi. Vấn đề không phải ở chỗ virus đã thoát hoặc có thể thoát. Mà ở chỗ là, những người chắc chắn hiểu rằng khả năng này là hoàn toàn có thật, đã sử dụng tư cách khoa học của họ không phải để xác lập sự thật, mà để cấm đoán thảo luận. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã giải thích điều này bằng nhiều động cơ cao cả khác nhau – ví dụ, "nếu không thì công chúng ngu ngốc sẽ đến đập phá các phòng thí nghiệm". Than ôi, họ chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Một trong những người đối thoại của tôi, người theo thuyết về nguồn gốc tự nhiên của virus, nói: "Chà, ngay cả nếu là virus trốn thoát, thì có khác gì nhau? Có thay đổi điều gì?"

Thật là lạ khi nghe những lời như vậy từ một nhà khoa học. Sự khác biệt là sự thật tự nó có giá trị. Một nhà khoa học thực sự – cũng giống như một thẩm phán liêm khiết – nên quan tâm đến việc thiết lập sự thật, bất kể xung quanh là ai. Hãy tưởng tượng, một người nào đó sẽ đến gặp thẩm phán và nói: "Nghe này, tôi có một xác chết trong căn hộ, kẻ thù của tôi nói rằng người đàn ông đã bị giết, nhưng xin hãy nói rằng anh ta chết một cái chết tự nhiên. Đối với người chết thì có khác gì"

Quan sát khó chịu thứ hai là Tổng thống Trump và chính quyền của ông nhiều lần nói rằng virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm. Những từ này đã không được xác nhận bởi các nhà khoa học hay tình báo. Và bây giờ, hóa ra virus hoàn toàn có thể đã thoát ra. Điều này có nghĩa là tình báo – một cộng đồng khác, giống như các nhà khoa học, phải thiết lập sự thật thay vì tham gia vào chính trị – đã tham gia vào một trò chơi chính trị phức tạp. Có vẻ như tình báo Mỹ đang che chắn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc để bòn rút vị tổng thống được bầu hợp pháp của Mỹ.

Và cuối cùng, tình trạng thứ ba, lấn át cả hai cái trên.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng rằng COVID-19 chỉ là dấu hiệu đầu tiên. Thậm chí mới 20 năm trước, việc thiết kế virus là không thể. Bây giờ chúng có thể được tạo bởi một sinh viên năm cuối. Một thời gian nữa – và học sinh sẽ có thể nấu virus ở nhà bằng chảo. Nó có thể được nấu bởi bất kỳ kẻ cực đoan ít học nào, với tưởng tượng rằng mình là Chúa trời. Bất kỳ người đàn ông Hamas lắp tên lửa phát nổ ở sân sau nào cũng sẽ đi pha chế một loại virus mà anh ta cho là sẽ chỉ tấn công người Do Thái – nhưng rồi hóa ra anh ta đã sai một chút về "chỉ người Do Thái", và lãnh tụ Hồi giáo sẽ giải thích trong buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu, rằng chính người Do Thái đã chế ra nó.

Bom hạt nhân không thể được lắp ráp trong nhà kho, nhưng virus thì có thể. Một phòng thí nghiệm để thực sự tạo ra virus có giá một triệu đô la. Rẻ hơn du thuyền.

Không, đây không phải là lý do để ngừng nghiên cứu. Gain of function theo nghĩa rộng của từ này không chỉ là ăn tiền tài trợ. Đó cũng là chiến thắng ung thư, chiến thắng bệnh Alzheimer, chiến thắng các bệnh di truyền, kéo dài tuổi thọ. Cuộc sống vĩnh cửu ở một bên bàn cân, bên kia là covid.

Không thể dừng quá trình này.

Tất nhiên, bạn sẽ nói rằng quá trình này cần được quản lý, nhưng câu hỏi ngược lại là – với sự trợ giúp của ai?

Với sự giúp đỡ của thiết chế khoa học, mà trong toàn bộ câu chuyện này đã cư xử giống như một Lysenko tập thể? Các chính quyền? LHQ? Với sự giúp đỡ của người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus? Bộ trưởng của chính phủ Mác-xit Ethiopia, người đã gọi bệnh dịch tả là "tiêu chảy cấp tính" và được bổ nhiệm nhờ Trung Quốc? Trên thực tế, viễn cảnh này còn đáng sợ hơn bất kỳ sự thiếu quản lý nào.

Rất có thể, đơn giản là chúng ta phải trải qua quá trình này. Giống như loài người đã sống sót sau quá trình công nghiệp hóa ban đầu – với khói từ ống khói, với 16 giờ làm việc trong các nhà máy, với bệnh phổi do bụi than và ung thư phổi do amiăng – thì cũng sẽ phải sống sót qua quá trình tin sinh hóa sơ khai. Trong quá trình đó, mỗi sinh viên sẽ có thể lấy RBM S-protein của tê tê, lấy một furin site, trồng nó trên cơ sở một loại virus khác, đưa nó qua những con chuột được nhân hóa – và nhận được SARS2. Hoặc gì đó tệ hơn.

Ồ vâng. Nhân tiện. Bạn có nhớ khoản tài trợ mới mà Fauci đã trao cho Daszak, trị giá 7,5 triệu đô la không? Đây là khoản tài trợ dành cho việc nghiên cứu các loại virus có thể lây truyền sang người ở Nam Á. "Chúng tôi sẽ làm việc ở những nơi xa xôi ở Malaysia và Thái Lan để đi đầu, nơi một dịch bệnh mới sẽ bắt đầu," Tiến sĩ Daszak xúc động nói sau khi nhận được nó.

Tôi tin tưởng tiến sĩ Daszak. Tương lai của chúng ta đang ở trong những bàn tay đáng tin cậy.

*Chimera – thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật hoặc một mô hay một cơ quan mang nhiều bộ NST khác nhau (gồm nhiều bộ ADN khác nhau), thường được tạo thành qua sự hợp nhất của nhiều hợp tử khác nhau hoặc sự dung hợp các bộ gen khác nguồnChimera là quái vật trong thần thoại Hy lạp(wikipedia tiếng Việt)

** Một codon (một trinucleotide được mã hóa) là một đơn vị của mã di truyền, một bộ ba của các gốc nucleotide (triplet) trong DNA hoặc RNA, thường mã hóa sự tham gia của một axit amin. Trình tự các codon trong một gen xác định trình tự của các axit amin trong chuỗi polypeptide của một protein được mã hóa bởi gen đó.

*** Dao cạo Ockham là lý thuyết triết học cho rằng, nếu một vấn đề khoa học được giải thích bằng ít giả thuyết nhất thì sẽ đúng đắn nhất.

CON NGƯỜI và TINH THẦN

CON NGƯỜI và TINH THẦN 1 –  " Nếu có một gã trọc phú hàng to súng lớn, có thể mua biệt thự alibaba cho em ở, xe lếch xù cho em đi, nạp ...