Search This Blog

Wednesday, September 15, 2021

PART 2: Sống tự lập – Hành trình độc lập tài chính

#quanlytaichinhcanhan
PART 2: Sống tự lập – Hành trình độc lập tài chính
Ây cha, nội dung topic mới của page lại xui rủi làm sao phù hợp để mình tiếp nối part 1 Mình viết về quá trình xin học bổng du học của mình ở Topic Champion SWITCH tháng trước. Thôi thì nếu ai vẫn còn hứng thú, mình xin đc kể tiếp câu chuyện sau khi đến đất nước mặt trời mọc Nhật Bản của mình.
Lên đường với chỉ trái tim không lo toan
Tháng 3-2016, mình sang Nhật với 28 man (tầm 50 tr vào thời điểm đó) trong túi. Đây là số tiền vay mượn gia đình cộng với bán con xe đang đi. Chị mình, như 1 thói quen lo lắng cho đứa em vốn hậu đậu, gói tiền trong 5-6 lớp, dặn dò kỹ lưỡng phải cất kỹ ra sao. Đấy là số tiền lớn nhất mà mình được cầm trên tay vào thời điểm đó. Số tiền này, mình sẽ đóng phí nhập học cho trường là 21 man, còn lại tầm 7 man, mình đã tính toán để số tiền này đủ cho 1 tháng ăn học. Sau đấy, mình sẽ tìm việc làm thêm, mọi chuyện sẽ ổn thôi vì mình đã dự toán tất cả rồi, mình tự nhủ.
Tuy nhiên, điều nằm ngoài dự tính của mình là mình ko được phép làm thêm trong học kì đầu tiên. Điều đó có nghĩa là mình phải sống 3 tháng với 7 man ít ỏi. Ngoài ra, mình còn phải mua thêm laptop mới để phục vụ việc học. Bài học đầu tiên về tài chính mà mình nhận được là "Không bao giờ để phần rủi ro nằm ngoài phép tính".
Đấy cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong những năm du học, mình phải vay tiền để sống.
Tự lập – Con đường kỉ luật và yêu thương
Sống một mình, đồng nghĩa với việc mình phải tự quản lý cuộc sống của bản thân mình. Không còn những bữa cơm được gia đình chuẩn bị sẵn, không còn ai dọn dẹp giúp phòng bừa bộn, không có ai phụ giúp những chi phí không tên. Mình sẽ phải lo từ cuộn giấy vệ sinh đến cái bao rác, hóa đơn cũng sẽ đều đặn cần phải thanh toán. Ngoài ra, mình còn có thể ốm đau bệnh tật, có thể xảy ra những tình huống phát sinh mà nước xa ko cứu được lửa gần. Mình nhận ra, việc có thể khiến cuộc sống mình dễ thở hơn đó là, độc lập và tự chủ tài chính.
- Độc lập : Ở đây mình hiểu là mình phải có được 1 nguồn thu nhập cố định, đủ để nuôi sống bản thân, không phụ thuộc vào trợ cấp từ gia đình, bạn bè. Trước đây, mình chọn 1 công việc tại 1 xưởng sản xuất cơm, lương có cao hơn công việc bình thường 1 chút. Nhưng lại là công việc mang tính thời vụ, tức là thu nhập của mình sẽ thất thường, cộng thêm việc làm đêm sẽ khiến sức khỏe mình bị ảnh hưởng. Sau 3 tháng làm thì mình quyết định nghỉ, chọn 1 công việc khác lương thấp hơn, bù lại mình đc sắp xếp làm thường xuyên, nguồn thu nhập ổn định. Khi công việc ổn định, mình cũng dễ dàng sắp xếp việc học ở trường và đi làm thêm. Bài học là "Đi nhanh chưa chắc đã đi xa, cân nhắc giữa tiền và các yếu tố khác"
- Tự chủ: Mình nghĩ tự chủ là việc trả lời cho câu hỏi "Bạn có làm chủ được với số tiền mình làm ra không?" Có nhiều bạn làm nhiều tiền thu được nhiều, nhưng tới cuối tháng vẫn trắng tay vì chi tiêu quá đà, thậm chí nợ nần. Có bạn không tiêu xài hoang phí thì lại gửi tiền về cho gia đình, cho bạn bè vay mượn,…. Có bạn lại sống cần kiệm quá mức, tiền thì không thiếu, chỉ thích trữ tiền, đến mức quên cả việc chăm sóc bản thân. Đây là những nhân vật có thật trong câu chuyện của mình. Với mình, tất cả những hình mẫu trên tựu chung đều là thất bại trong việc làm chủ đồng tiền. Để không rơi vào những trường hợp đó, mình tự thiết lập những quy tắc chi tiêu cho riêng mình
1. Luôn đề ra mức chi tiêu cho mỗi mục chi phí: Nguyên tắc này đơn giản và là kim chỉ nam để mình luôn kiểm soát được hạn mục chi phí tiêu xài mỗi tháng. Mình chia ra các mục: Chi phí cố định (các loại hóa đơn, ăn uống, đi lại), chi phí không cố định (mua sắm, du lịch, đi chơi,…), tiết kiệm (đây là khoản phí mình giữ để phòng thân và về nước mỗi khi có dịp). Để đảm bảo nguyên tắc này thành công, mình sử dụng tài khoản tiết kiệm của ngân hàng (tự động chuyển vào mỗi tháng và sẽ mất 1 vài ngày nếu muốn rút ra), nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để cố định mức chi tiêu (tài khoản này chi vào việc gì). Quan trọng nhất là: Kỷ luật thép để bản thân ko phạm phải quy tắc mình đề ra
2. Không sử dụng các loại thẻ credit, debit để chi tiêu: Mình chỉ sử dụng tiền mặt, tiêu tiền mặt cho mình cảm giác THỰC của việc tiền mình đang vơi đi. Việc sử dụng thẻ, tuy rằng tiện lợi, nhưng cũng vì tiện lợi mà mình sẽ khó kiểm soát được số dư, hay đơn giản là việc cà thẻ sẽ dễ dàng hơn việc chồng tiền rất nhiều về mặt cảm xúc.
3. Không mang quá nhiều tiền mặt trong người: nguyên tắc thứ 2 sẽ trở nên vô dụng nếu bạn thay vì tiêu tiền bằng thẻ chuyển qua tiêu bằng tiền mặt mà thôi. Mình luôn giữ rule không mang quá 1 man yên trong ví, điều này không chỉ giúp mình kiềm chế trước thói quen mua sắm mà còn hạn chế được rủi ro nếu mình đánh rơi ví.
4. Loại trừ các khoản chi phí không mang lại giá trị tương xứng: Mình làm việc tại siêu thị nên phải nói khá nhiều, vì vậy hầu như ngày nào mình cũng mua nước đóng chai. Làm 1 phép tính nho nhỏ, với 1 chai nước giá trị nhỏ nhất 100 yên, 1 tháng mình sẽ tốn khoảng 3000 yên chỉ cho việc uống nước, nó bằng 1/3 chi phí ăn uống 1 tuần của mình, không nhỏ đúng không? Mình cũng tự chuẩn bị cơm trưa mang đến trường, việc này cũng tiết kiệm giúp mình khoảng 1man/ tháng, ngoài ra chất lượng bữa ăn cũng đc cải thiện hơn hẳn.
5. Đề ra một khoản cố định cho việc cho vay và giúp đỡ: Sống nơi xứ người, mình ý thức được sự giúp đỡ nhau, tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, mình cũng luôn ý thức "Mình phải thực sự ổn nếu muốn giúp đỡ người khác". Và việc bị lừa lọc cũng không phải hiếm trong những năm mình sống xa nhà. Mình đề ra quy tắc: Không cho vay quá 5 man (khoảng 10 triệu đồng) và không cho vay 2 lần với người không giữ uy tín. Ông bà ta nói "Tiền mất tật mang", với mình, tiền có thể mất nhưng tật thì mình xin…miễn.
6. Chi tiêu là một phần của việc thu lại: Định kì, mình sẽ chọn mua những món đồ mình yêu thích. Đó có thể là chai nước hoa đắt đỏ, thỏi son thịnh hành,… Mỗi năm, mình cũng sẽ đi du lịch để mở mang đầu óc và refresh tinh thần. Cuối tuần, thỉnh thoảng, mình vẫn đi café, karaoke, tổ chức ăn uống với bạn bè. Những việc này, nhìn thì nghĩ là những khoản chi tiêu đắt đỏ, nhưng thực chất lại là nguồn thu với mình. Mình được yêu thương bản thân để thấy mình thật đáng quý. Mình được mở rộng tầm mắt, đi và học hỏi nhiều điều mới mẻ trong cuộc đời chỉ sống 1 lần này. Mình cũng nới rộng các mối quan hệ, những người bạn rất có thể sẽ là người chăm sóc khi mình ốm đau, tâm sự khi mình buồn bã, tìm kiếm giúp mình một công việc tốt,…
Lời kết
Hiện tại, cuộc sống với mình cũng không đến mức phải lo lắng và cân bằng giữa nhiều việc như trước. Tuy nhiên, mình vẫn giữ những quy tắc ấy, không phải để giúp mình giàu hơn. Mình nghĩ tiền không bao giờ là đủ bởi lòng tham là vô đáy. Những quy tắc này không phải giúp mình tích lũy tiền, nó lập ra để mình luôn biết "Mình là người làm chủ đồng tiền". Mình nghĩ mình sẽ không giàu tiền của, nhưng mình biết cách để không biến mình thành nô lệ đồng tiền mà biến tiền thành thứ làm cuộc sống mình vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Chúc mọi người an vui 🙂

No comments:

Post a Comment

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

PHÂN BIỆT QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ Hội đồng quản trị, tiếng Anh là BOD (Board Of Directors). Còn Ban giám đốc hay Ban quản lý tiếng Anh là BOM (B...