Search This Blog

Monday, June 29, 2020

về giáo dục, sự tự do, và những đứa trẻ im lặng.

TL; DR: Rất dài, về giáo dục, sự tự do, và những đứa trẻ im lặng.
Nói chung tôi thấy, nhiều bậc phụ huynh Việt Nam giỏi nhất là công phu chỉ rau gắp thịt.
Nếu sợ học nhiều hoàn toàn có thể đả thông tư tưởng để con vào học trường thường lớp thường thôi. Đã có các bậc phụ huynh làm thế và đạt kết quả tốt. Số này lại chẳng mấy khi đắng lòng với chả thảng thốt về bất kể trường chuyên hay trường thường. Ồn ào nhất chính là nhóm không đủ dũng cảm chọn trường làng, phải quyết nhồi con vào chỗ cũng ra gì và này nọ, cùng lúc đòi mọi đứa trẻ ở chốn đầm rồng hang hổ ấy đạt kết quả hệt như nhau. Họ thật ra không sợ con học nhiều, mà sợ con mình chẳng bằng con nhà người ta. Aka, nói không quan tâm thứ hạng là bởi quan tâm bằng chết.
Cũng nhân nói về cái gọi là "giáo dục tự do" với đại diện phương Tây thường được đem ra so sánh dè bỉu nước nhà, thì tin không vui cho các bậc phụ huynh cấp tiến là Mỹ đang tụt lại đáng kể sau Tàu, điển hình của giáo dục truyền thống châu Á, trên một tiêu chí đã được nhiều nước công nhận, đó là bảng xếp hạng năng lực học sinh quốc tế của PISA. Đáng nói là Mỹ tụt sau nhiều ở các môn cơ bản phục vụ nhiều nghề nghiệp công nghệ tương lai như Toán và kỹ năng đọc hiểu khoa học. Đánh giá quốc tế đã thế, còn theo báo cáo quốc gia của chính Mỹ, trẻ em Huê Kỳ trong 10 năm qua không hề tiến triển thêm tý gì về Toán lẫn khả năng đọc hiểu, một kết quả mà Betsy Devos, bộ trưởng bộ giáo dục Mỹ phải dùng đến từ là "Khủng khiếp", và chính Trump đã xác định cần thiết cải cách vấn đề này.
Đến đây sẽ có vài phụ huynh phản bác : Dưng học đâu chỉ để biết kiến thức hay để đi làm, học còn để biết làm người, biết cảm thông và chia sẻ, biết sống sao cho hạnh phúc , vân vân và mi vân. Khoan bàn mấy lí luận này nghe hơi gớm ghiếc, hãy cứ thử xem kể cả về tâm hồn, giáo dục Tây Âu cũng có làm tốt không?
Như từng nói, thế hệ trẻ Mỹ giờ là một bản sao của thế hệ Boomers, và đang ruồng bỏ thế hệ trước với cùng lý do năm xưa Boomers ruồng bỏ các thế hệ cha anh:
"Ông bà kém đạo đức hơn chúng tôi. Lý tưởng của ông bà đã lỗi thời đáng vứt bỏ. Mọi vấn đề chúng tôi gặp hôm nay đều từ lỗi các ông bà."
Song chẳng cứ Boomers, đến cả các Tổ phụ lập quốc như Thomas Jefferson, George Washington và Abraham Lincoln mới đây cũng bị bị đám biểu tình giật tượng phá hoại bôi bẩn và chửi bới. Sao Lincoln, vị tổng thống Cộng hoà được người da đen góp tiền tạc tượng vì xoá bỏ chế độ nô lệ, giờ lại là phân biệt chủng tộc? Đó là bí ẩn chỉ các chuyên gia ngành Race Studies Mỹ có thể giải thích.
Thế hệ hiện tại ở Hoa Kỳ do đó không chỉ thiếu hiểu biết lịch sử, còn bị tẩy não để trở thành những kẻ ideologue, bị ám ảnh bởi ý thức hệ đến nỗi trống rỗng lòng tôn trọng với bất kỳ điều gì khác, kể cả các di sản tồn tại qua thử thách trăm năm. Hệt thế hệ Hippi, họ không đức hạnh, cũng không phải lãnh đạo trẻ của thế giới. Họ chỉ là đám rối bộ tịch.
Song khác thời hippi, thanh niên Mỹ ngày nay còn không có được các bố mẹ tốt với tài chính vững chắc đủ để buôn đạo đức lâu dài. Theo Peter Thiel, hình mẫu cho nhân vật bộ phim Sillicon Valley lẫn đồng sáng lập Facebook, Millennial là thế hệ đầu tiên ở Mỹ sẽ bắt đầu nghèo hơn cha mẹ của họ, cũng là thế hệ dần từ bỏ vĩnh viễn ước mơ sở hữu xe và nhà. Millennial cũng được cho là gặp nhiều khó khăn tâm lý hơn khi phải tự lập và đối mặt với các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Một tỷ lệ cao hơn ở Millennial cũng bị vỡ mộng khi bắt đầu đi làm.
Và tất cả đều quay về giáo dục. Biết sao đây, trường học thì hô khẩu hiệu "mọi đứa trẻ đều như nhau", dạy trẻ con rằng trong mọi cuộc thi dù năng lực thế nào bạn vẫn được nhận cái gọi là participation trophy aka chẳng có thắng thua gì tất cả sẽ đều vui hết. Vầy mà kỳ lạ cuộc đời sao không hề vận hành giống thế?
Như vậy thì giáo dục tự do Âu Mỹ có thực dạy cách sống hạnh phúc ý nghĩa hơn không, hay chỉ nhấn dìm người trẻ trong các đặc quyền và sự mơn trớn, rèn luyện nên duy nhất thói ngạo mạn, tính ích kỷ, và không đếm xuể ảo vọng về tương lai?
Sau chót, lập luận từ các bậc phụ huynh tân thời mà gây dị ứng nhất với tôi là: Họ luôn nhân danh quyền lợi của trẻ con.
Và tôi nghĩ:  
Này, tất cả trẻ con bầu các người làm phát ngôn viên từ lúc nào vậy? Các người liệu có hiểu rõ mọi trẻ con để nhân danh chúng hay không?
Tôi chẳng có nhu cầu làm phát ngôn viên cho tất cả. Song tôi có tư cách khẳng định cho một số bạn bè, bản thân, và không ít đứa trẻ tôi từng đủ gần gũi là :  
Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích sự hưởng thụ hay những thành công chóng vánh hoặc dễ dàng. Cũng không phải đứa trẻ nào cũng hối hận về những lựa chọn đầy vật lộn của nó. Có những thứ sau này nhìn lại mới hiểu rõ ý nghĩa, và chẳng điện thờ nguy nga nào của tuổi trưởng thành chưa từng đòi hiến tế một hai đau đớn. Nếu chưa từng trải qua để biết nhăn trán căng não giải một điều gì đó cũng là một cảm giác rất kích thích, những người lớn kia sẽ không hiểu nhiều đứa trẻ vẫn vui mà không như kiểu vui họ hay nghĩ.
Với nhiều người,nghĩa vụ là mệt mỏi và nguyên tắc là gò bó. Nhưng người ta chẳng biết, nghĩa vụ có lúc chính là một quyền lợi và nguyên tắc chính là một sự dẫn đường. Sống mà không ai buồn đặt nghĩa vụ lẫn nguyên tắc lên mình, thì như đứng trước đêm đen vô tận hét to một tiếng mong được kết nối, song cả vũ trụ dửng dưng không ai buồn phản bác. Đó không phải tự do. Đó là nỗi bơ vơ khủng khiếp.
Rất thường xuyên, những người lớn ưu thời mẫn thế khá thích thuật lại các truyền thuyết trẻ con thốt lên những lời than thảm thiết kiểu:
Bố mẹ ơi hãy cứu lấy chúng con
Thầy cô ơi hãy thương lấy chúng con
Làm ơn hãy cho chúng con được sống một tuổi thơ đúng nghĩa.
Nhưng thế nào là đúng nghĩa? Chẳng mấy vị ưu thời mẫn thế này buồn hỏi ý kiến những đứa trẻ khác kia. Vì chúng chỉ là số ít? Vì chúng không đáng gọi là trẻ con? Hay vì các niềm vui khi nhăn trán của chúng là thứ họ không thể lẫn không muốn hiểu?
Dù tôi thấy, những đứa trẻ này sẽ chẳng mấy khi có nhu cầu gào khóc gì đâu, cả lúc thầy cô, trường lớp, và chính chúng, bị đem ra đấu tố.
Điều chúng nghĩ duy nhất, có lẽ là:  
Làm ơn hãy để chúng tôi yên.
Chúng tôi không cần lòng thương xót của các người!

Chau Thi Huyen Nguyen 

Sunday, June 28, 2020

Phản anh hùng

[Nhân Vật Chính Trong Truyện Mạng Đều Là Phản Anh Hùng]

Phản anh hùng, antihero (nam) hay antiheroine (nữ) là nhân vật chính trong câu chuyện nhưng lại thiếu những phẩm chất và thuộc tính của một anh hùng thông thường như về chủ nghĩa lý tưởng, lòng can đảm, hay về đạo đức. Mặc dù những antihero đôi khi có thể thực hiện những hành động đúng về mặt đạo đức, nhưng không phải lúc nào cũng vì những lý do chính đáng. Thông thường những hành động của họ chủ yếu vì lợi ích cá nhân hoặc theo cách bất chấp đạo đức, miễn là hành động của họ cuối cùng sẽ đưa họ trở thành một người tốt.

Được rồi, cái định nghĩa dài ngoằng trên chỉ để các bạn có hình dung tương đối về cái gọi là Phản Anh Hùng. Để cụ thể hơn, ad gầy sẽ liệt kê các loại phản anh hùng và ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn.

1/ Phản Anh Hùng Cổ Điển: Nếu các anh hùng thường sẽ là một nhân vật hoàn hảo về sức mạnh thể chất, tinh thần và cả trí tuệ thì phản anh hùng cổ điển hoàn toàn ngược lại. Họ không có sức mạnh thể chất vượt trội, tinh yếu có khi yếu đuối, tự ti và thỉnh thoảng có thể hơi ngớ ngẩn. Tựu chung lại thì họ là một người tầm thường với những điểm yếu giống chúng ta. Nhưng, trong họ vẫn là lý tưởng tốt đẹp, thế giới quan không lệch lạc ra khỏi luân thường đạo lý, tinh thần quật cường giúp họ theo thời gian dần vượt qua chính mình để trở thành người tốt hơn, thậm chí là trở thành anh hùng. 

Điển hình cho loại phản anh hùng này có thể kể tới như Quách Tĩnh - một nhân vật ngốc nghếch, cả tin, đầu óc kém nhanh nhạy và đôi khi hoài nghi chính bản thân mình để rồi mém mất mạng. Theo thời gian, nhờ vào cơ duyên lẫn sự kiên trì cố gắng, Quách Tĩnh dần mạnh hơn, kiên định hơn và sáng suốt hơn để trở thành một anh hùng thực sự.

Trong truyện mạng, không khó để tìm thấy loại phản anh hùng này ở các thể loại như Phàm nhân lưu, phế vật lưu, tuy rằng vì tác giả buff mạnh nên đôi khi chúng ta không cảm nhận được hết sự nỗ lực của nhân vật chính nhưng không thể phủ nhận, họ đã cố gắng để vượt qua chính yếu điểm của mình để mạnh mẽ hơn, tốt hơn.

2/ Phản anh hùng trong lớp giáp tồi hay Phản anh hùng cưỡng ép:
Loại phản anh hùng (PAH) này là những người có ưu điểm nào đó về thể chất, trí tuệ và họ vẫn tuân theo những chuẩn mực đạo đức và không làm quá nó. Tuy nhiên họ mang tư tưởng có phần cay nghiệt, ích kỷ và hành động chủ yếu vì bản thân. Họ sẽ không nhảy vào một cuộc chiến vì người khác nếu cuộc chiến đó không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ hoặc đem lại lợi ích nào đó cho bản thân.

Điển hình của PAH dạng này không ai khác chính là Hàn Lập trong PNTT. Hàn Lập là một kẻ tu tiên kiểu khắc khổ, ít giao tiếp bạn bè, ngại lo chuyện thiên hạ và chỉ làm vì lợi ích bản thân. Dù hành động của Hàn Lập ở nhiều trường hợp vẫn đậm chất anh hùng nhưng nó dường như luôn có cái bóng lợi ích đi kèm.

3/ PAH thực dụng: Loại PAH này đen tối hơn 2 kiểu trước ở chỗ, họ có tố chất anh hùng như thể chất trí tuệ cao, mục tiêu hành động tốt nhưng tư tưởng lại di biệt với một quy chuẩn đạo đức của riêng họ, sẵn sàng vượt chuẩn đạo đức thông thường để đạt được mục đích sau cùng (đa số là mục đích tốt). 

Nhắc tới thể loại này, ad gầy nhớ ngay tới Vân Trung Hạc trong bộ Sử Thượng Đệ Nhất Mật Thám. Hắn vốn mang máu điên trong người lại thông minh vượt trội nên hắn chẳng ngại dùng thủ đoạn như lợi dụng bạn bè, lừa tình cảm con gái để đạt mục đích. Nhưng Vân Trung Hạc vẫn có tiêu chuẩn, giới hạn đạo đức của riêng hắn như việc không bỏ bạn, không lợi dụng tình cảm xong quất ngựa truy phong không chút trách nhiệm, thậm chí hắn rất sòng phẳng và rõ ràng.

4/ PAH Ngang Tàng: Giống loại 3 nhưng họ không mang theo bất kỳ quy chuẩn, giới hạn nào dù cơ bản họ vẫn là người tốt.
Họ sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích, ranh giới tốt - xấu ở họ là vô cùng mong manh bất chấp họ phần lớn là nghiêng về cái tốt.
Không khó để tìm được loại PAH này ở thể loại Hắc Ám Lưu và tiêu biểu là Tô Tín trong Tối Cường Phản Phái Hệ Thống. Tô Tín sẵn sàng ra tay triệt hạ bất cứ kẻ nào dù tốt, dù xấu trên con đường của hắn.

5/ PAH hư danh: Sở dĩ họ được gọi là PAH đơn giản vì họ là nhân vật chính chứ họ không hề có điểm tốt, lý tưởng hành động đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức. 
Ví dụ tiêu biểu là Phương Nguyên trong Cổ Chân Nhân. 

Vậy tại sao ad gầy lại nói truyện mạng toàn PAH? Có 2 điểm hấp dẫn ở PAH khiến độc giả bị thu hút:
1/ Họ rất gần gũi với bản thân chúng ta, họ cũng có những yếu điểm như chúng ta nhưng họ lại dám nỗ lực, dám vượt qua và dám làm những thứ chúng ta chỉ dám nghĩ.
2/ PAH không như anh hùng, họ không gò bó nên họ vô cùng khó đoán. Bạn sẽ không thể biết họ sẽ làm gì, đơn cử như thấy cảnh bất bình, anh hùng chắc chắn sẽ giúp đỡ nhưng PAH thì sao? Có trời mới biết họ sẽ làm gì và làm thế nào.

Bài viết có tham khảo Wikipedia + Kênh Phê Phim và nhiều nguồn tư liệu khác.

#bachngocsach

Wednesday, June 24, 2020

KINH TẾ CHIA SẺ: LIỆU LỢI ÍCH TRƯỚC MẮT CÓ ĐI CÙNG ĐỊNH HƯỚNG BỀN VỮNG?

KINH TẾ CHIA SẺ: LIỆU LỢI ÍCH TRƯỚC MẮT CÓ ĐI CÙNG ĐỊNH HƯỚNG BỀN VỮNG?
Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) được định nghĩa là mô hình kinh doanh peer to peer (P2P), hiểu đơn giản là hoạt động hợp tác giữa những người đồng cấp dựa trên một nền tảng trực tuyến. Hoạt động kinh tế này được lấy ý tưởng từ việc tin rằng luôn có người dư dịch vụ/hàng hóa nào đó và luôn có người khác đang cần nó, thường trong ngắn hạn.
Chẳng hạn, nếu bạn dư một căn phòng, có thể đăng lên Airbnb cho ai đó đang du lịch/công tác đến khu vực bạn thuê; nếu bạn dư chỗ trên một chuyến đi, có thể dùng Lyft/Uber/Grab để tìm ai đó đi cùng; nếu bạn dư tiền, có thể cho người khác vay thông qua mạng lưới tín dụng ngang hàng; hay nếu bạn dư thời gian để làm việc, có thể tìm kiếm những người thuê mình trên Upwork.
1. Từ kinh tế chia sẻ...
Theo dữ liệu của Viện Brookings [1], phương tiện giao thông cá nhân thường nhàn rỗi trong 95% cuộc đời của chính nó, và những nhà có dư phòng ngủ thường được để trống. Yếu tố lớn về nguồn cung này khiến giá cả hàng hóa trong phạm vi kinh tế chia sẻ thường thấp hơn nhiều so với ngoài thị trường. Chẳng hạn ở trường hợp Airbnb (một ứng dụng cho thuê nơi lưu trú), dữ liệu từ Statista cho thấy giá phòng thuê ở Airbnb thấp hơn nhiều so với giá phòng khách sạn ở tất cả những thành phố lớn trên thế giới [2].
Sở dĩ có điều này vì kinh tế chia sẻ hoạt động nhờ nguồn lực từ cộng đồng mà ở đó, mỗi người tự lo tốt cho việc kinh doanh của chính mình - và khối lượng thường không quá lớn. Chẳng hạn ở ví dụ của Airbnb, việc xây dựng phòng ốc, đón trả khách, vệ sinh phòng, chụp ảnh chất lượng cao để đăng lên nền tảng… đều được thực hiện bởi người cho thuê. Ở phía ngược lại, người đi thuê (và cộng đồng nói chung) sẽ giữ vai trò giám sát, thông qua việc đánh giá sao, viết nhận xét hay báo cáo lên Airbnb để đảm bảo những phòng kém chất lượng luôn bị đào thải ra khỏi nền tảng. Airbnb chủ yếu lo những vấn đề kỹ thuật, công nghệ, kiểm soát rủi ro hay marketing - nhìn đi nhìn lại vẫn là lo cho chính họ [3].
Điều tương tự cũng đúng với Grab, khi tài xế sẽ là người chịu trách nhiệm đổ xăng, bảo trì xe, duy trì thái độ đúng đắn với khách hàng… Những người tạo lập nền tảng tất nhiên vẫn có những hoạt động đào tạo tài xế trong ngắn hạn nhưng trong phần lớn thời gian, tài xế là người chịu trách nhiệm chính cho công việc của họ.
Ở phía ngược lại, các công ty vận tải và tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới phải lo dường như tất cả mọi thứ (ở mức độ phức tạp hơn rất nhiều) chỉ để cung cấp được dịch vụ tương tự. Họ phải có lượng vốn lớn để đầu tư xây dựng khách sạn, mua phương tiện (riêng chuyện liên quan đến địa thế, đất đai và thi công công trình lớn đã là vấn đề không phải ai cũng giải quyết được); họ phải duy trì lượng lớn nhân lực, ở nhiều bộ phận và đảm bảo mọi bộ phận luôn trơn tru; phải chịu trách nhiệm cho mọi rủi ro, là pháp nhân trực tiếp đối diện với pháp luật và những việc tương tự thế [4].
Vì thế, khi bạn ở trong một phòng khách sạn 5 sao, số tiền bạn bỏ ra còn bao gồm chi phí duy trì những phòng trống và rất nhiều người khác trong khách sạn, từ nhân viên đứng quầy, cô lao công đến các cổ đông. Mô hình phức tạp này khiến chi phí và quy trình khuyến mãi diễn ra một cách thận trọng và phức tạp hơn, trong khi ở phía ngược lại Grab/Uber/Airbnb dùng phần lớn tiền đầu tư của họ để đổ vào các chương trình khuyến mãi (vì thực ra cũng không còn nhiều chỗ để họ đổ tiền vào lắm) [5].
Mâu thuẫn trên là nguồn cơn của nhiều vụ kiện trên thế giới (bao gồm cả ở Việt Nam) trong đó các tập đoàn truyền thống đánh vào công ty công nghệ kinh doanh nền tảng (platform) trong kinh tế chia sẻ. Những tập đoàn truyền thống được pháp luật ràng buộc trong những khuôn khổ nhất định và chịu thuế trong khuôn khổ ấy trong khi những startup kinh doanh platform vẫn chưa được xếp nhóm rõ ràng và không chịu nhiều thuế vì họ không sở hữu bất kỳ bất động sản hay phương tiện sản xuất nào cả [6].
Tập đoàn truyền thống còn phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt giấy tờ pháp lý liên quan đến hợp đồng, bảo hiểm và cứ mỗi nhân viên tăng thêm, là mỗi trách nhiệm tăng thêm. Trong khi đó, Grab/Uber/Airbnb và những nền tảng kinh tế chia sẻ tương tự chỉ làm việc với các "đối tác" với trách nhiệm rất hạn chế.
Vậy, tuy cả hai cùng cung cấp một loại hình dịch vụ đến người tiêu dùng cuối, nhưng quá trình phía sau đó có khá nhiều sự khác biệt.
2. … cho đến sẻ chia chi phí và rủi ro.
Trong hầu hết những vụ kiện tụng liên quan, công chúng thường đứng về phía những công ty công nghệ. Điều này tương đối dễ hiểu, vì Airbnb vừa đem lại những căn phòng đẹp, chủ nhà thân thiện, không gian riêng tư lại vừa có mức phí thấp hơn nhiều so với khách sạn; còn Grab/Uber/Lyft đem đến hình thức di chuyển có mức phí thấp, lại có tài xế thân thiện dễ chịu hơn. Đó là chưa kể đến hàng loạt những ưu đãi dường như không bao giờ kết thúc.
Kinh tế chia sẻ có mọi lợi thế để cạnh tranh với những loại hình truyền thống, như đã phân tích ở phần 1 và tất nhiên người tiêu dùng không cần quan tâm quá nhiều đến cách vận hành của mỗi loại. Điều đáng quan tâm là ai cũng thấy rằng kinh tế chia sẻ đang giúp chất lượng dịch vụ được cải thiện tốt hơn.
Tuy vậy, ta nên bắt đầu lo lắng thì hơn.
Quy trình chặt chẽ của những công ty truyền thống, với hàng loạt luật lệ từ nhà nước đến hiệp hội giúp đảm bảo rủi ro được hạn chế thấp nhất có thể. Ngược lại, ở những nền kinh tế chia sẻ, sức mạnh cộng đồng tuy mạnh nhưng không đủ để chống lại những tiêu cực nguy hiểm. Ý tôi là, đánh giá sao hay để lại lời than phiền chỉ có tác dụng khi bạn… còn khả năng làm thế.
Airbnb nhiều lần gặp bê bối khi các phòng cho thuê gắn camera giấu kín, hay Uber và Grab liên tục dính đến những vụ việc như tài xế/khách bị cướp, đe dọa tính mạng, xâm hại tình dục… [7].
Một báo cáo đã dẫn nghiên cứu cho thấy sự phát triển của kinh tế chia sẻ cũng tạo ra dòng chuyển dịch nhân sự từ những tập đoàn truyền thống - nghĩa là sau một khoảng thời gian ngắn, tài xế công nghệ sẽ đông hơn, chất lượng tài xế giảm đi, số tiền tài xế kiếm được ít hơn kết hợp cùng quỹ khuyến mãi dần cạn sẽ dẫn đến phí dịch vụ tăng [8].
Thực tế đây là điều đang diễn ra và bạn có thể cảm nhận được ở thị trường Việt Nam. Các hãng xe công nghệ đã bắt đầu nhiều đợt cắt thưởng tài xế, tăng phí dịch vụ, hạn chế khuyến mãi cũng như thường xuyên xuất hiện những lời than phiền về tài xế trên mạng xã hội.
3. Những thứ chúng ta có thể, và không thể thay đổi.
Lợi ích của kinh tế chia sẻ nhìn chung có hai điểm lớn nhất. Một là, dưới góc độ người tiêu dùng, loại hình mới này đang cho thấy sự cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ và chi phí - vừa rẻ vừa tiện lợi. Và hai, ở góc độ vĩ mô, kinh tế chia sẻ đang giải quyết được công việc cho lượng lớn nhân công nhàn rỗi, người thất nghiệp trong xã hội, cũng như tạo ra cú hích bắt buộc những tập đoàn truyền thống phải thay đổi, chủ động áp dụng công nghệ cũng như quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ cho người dùng cuối thay vì chỉ quy trình nội bộ.
Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, vẫn còn khá nhiều tiêu cực trong tương lai. Tất nhiên bất kể thứ gì trên thế giới này đều có mặt tiêu cực, và việc chúng ta nhắc đến những hạn chế ấy không nhằm hạ bệ hay loại bỏ nó, mà để tìm xem có thể sửa chữa trong tương lai hay không.
Như đã nhắc đến ở đầu bài, cũng như trong một bài đăng mới đây [9], kinh tế chia sẻ đang tạo ra một lượng lớn precariat và gig worker (người lao động bấp bênh) ở hiện tại và tương lai.
Trái với ý tưởng về việc "chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi", sự phát triển của kinh tế chia sẻ về bản chất là sử dụng công nghệ và loại hình kinh doanh mới để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động. Hoạt động trong kinh tế chia sẻ yêu cầu ít giấy phép hơn, ít quy định hơn, thời gian chờ xét duyệt nhanh hơn (điều này đúng trong trường hợp của Uber và taxi truyền thống, chủ nhà trên Airbnb so với chủ khách sạn), nhiều khách hàng hơn và thậm chí thu nhập cao hơn [10], khiến chúng thu hút lượng lớn lực lượng lao động.
Theo lý thuyết, những người tham gia Airbnb hay chạy Uber "lẽ ra" chỉ tham gia nền tảng này trong ngắn hạn, chẳng hạn tạm thời dư phòng để cho thuê, hay tạm thời rỗi nên muốn chạy xe kiếm thêm thu nhập, nhưng thực tế đang cho thấy mọi người thực sự nghiêm túc xem việc kiếm tiền trên Airbnb hay Uber/Grab là nghề chính.
Điều này chứa đựng khá nhiều rủi ro. Vì nền tảng này không được thiết kế ra để bảo vệ những người lao động toàn thời gian. Đại đa số các nền tảng hiện nay không đóng bảo hiểm, không có chế độ nghỉ phép, không giới hạn thời gian làm việc cho "đối tác" và không đáp ứng những yêu cầu cơ bản khác trong sở hữu lao động. Bên cạnh đó, các "đối tác" cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp hay các phúc lợi xã hội khác. Họ đã và đang bị đẩy ra khỏi xã hội, theo đúng nghĩa đen.
Những "đối tác" đang bị đồng tiền trong ngắn hạn làm mờ mắt và không biết rằng tương lai họ đầy bấp bênh. Khi xảy ra tai nạn, đau ốm, hay thành phố lớn cấm xe máy, hay nền tảng gặp vấn đề, họ sẽ nhận ra họ không thực sự sở hữu bất kỳ khả năng cạnh tranh nào, mà dường như chỉ là mắt xích cho những nền tảng kiếm tiền bằng thuật toán. Những tài xế Grab ngày nay đang mải mê chạy 12h/ngày ngoài đường, sau 10 năm nữa sẽ dùng kỹ năng lái xe ấy để làm gì?
Theo một thống kê, gần 50% số tài xế Uber có bằng đại học, nghĩa là thực sự có người chạy Uber như một công việc kiếm thêm thu nhập, hoặc nhiều người đã gác bằng đại học của mình để làm tài xế, hoặc cả hai [11]. Đây là một đặc điểm khác của precariat/gig workers - những người phải làm công việc dưới trình độ của mình.
Một hạn chế khác, nhiều quan điểm cho rằng kinh tế chia sẻ rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền [12]. Lợi thế của những startup công nghệ trong lĩnh vực này là thuật toán và tiền để tung các chương trình khuyến mãi. Khi một công ty thành công vươn lên, rất dễ để công ty ấy nhanh chóng trở thành người đứng đầu và tạo ra khoảng cách lớn với đối thủ. Hầu hết những startup đứng đầu về kinh tế chia sẻ hiện nay đều cho thấy quan điểm này đúng gần như 100%. Và khi tình trạng độc quyền xảy ra, quyền lợi của người tiêu dùng có lẽ không còn được đảm bảo nữa. Hãy nhớ lại câu chuyện về Grab sau khi đánh bại Uber ở thị trường Việt Nam.
Một điều khác, vì là nền tảng kết nối những người ngang hàng, cùng với sự can thiệp sâu của thuật toán, những ứng dụng kinh tế chia sẻ đang chịu nhiều cáo buộc liên quan đến phân biệt đối xử. Theo nhiều nghiên cứu, người da đen, Hồi giáo và châu Á ở những ứng dụng như Uber hay Airbnb thường có tỷ lệ bị từ chối phục vụ cao hơn người da trắng [13].
Những hạn chế trên đều có thể giải quyết được. Các ứng dụng có thể thay đổi thuật toán sao cho hiển thị ít hơn thông tin của người sử dụng dịch vụ để hạn chế tình trạng phân biệt chủng tộc (và họ đã làm vậy); các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các quy định về sở hữu lao động áp lên những công ty này để bảo vệ người lao động (khi ấy kinh tế chia sẻ có còn hấp dẫn như hiện tại hay không lại là bài toán mới).
Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ tuy mới xuất hiện gần đây nhưng đang tạo ra nhiều tác động sâu sắc hơn thế.
Airbnb đang bị nhiều thành phố ở EU kêu gọi tẩy chay, vì ứng dụng này tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong bộ mặt cộng đồng đô thị [14]. Sự hấp dẫn của Airbnb đã khiến giá nhà thuê dài hạn tăng, vì nhiều bất động sản đã được chuyển đổi để phục vụ cho thuê ngắn hạn. Đất thì không thể nở ra được, đặc biệt đất ở các thành phố châu Âu, do đó, khi ngày càng nhiều căn hộ gia nhập Airbnb, nghĩa là ngày càng ít căn hộ phục vụ cư dân địa phương. Hay nói cách khác, ngày càng ít nhà ở và ngày càng nhiều nhà trọ.
Một điều nữa, sự phát triển của Airbnb đang phá vỡ lối sống cộng đồng. Lối sống đến và đi trong ngắn hạn của khách thuê, chỉ ở từ vài ngày đến vài tháng đang khiến những cộng đồng cư dân đô thị đã khó gắn bó nay càng rời rạc hơn - và có phần phức tạp. Điều này cũng khiến công tác quản lý trở nên khó khăn, tạo ra những rủi ro về dân cư. Và một điều khá kỳ lạ, nghiên cứu chỉ ra Airbnb thực tế đã làm giảm chất lượng khách sạn địa phương [15].
Một báo cáo dẫn nhiều nghiên cứu [16] cho thấy phần lớn những người tìm đến dịch vụ kinh tế chia sẻ quan tâm đến yếu tố kinh tế (người bán cảm thấy dễ dàng kiếm tiền hơn trong khi người mua cảm thấy có thể mua dịch vụ với mức thấp hơn), điều này dẫn đến việc những yếu tố về giao tiếp và tương tác xã hội dần bị xem nhẹ. Nghĩa là, mọi người đang dùng tiền nhiều hơn để giải quyết các vấn đề của họ, và dần xem nhẹ những mối quan hệ người - người với những người như tài xế hay shipper (tôi nghĩ khi đọc đến câu này bạn cũng tự cảm nhận được điều tôi vừa đề cập).
Bên cạnh đó, trái với kỳ vọng rằng sự tương tác giữa những người lạ sẽ khiến niềm tin xã hội tăng, khảo sát từ báo cáo trên cũng chỉ ra rằng nhiều người cảm thấy bất an khi phải đón tiếp và phục vụ người lạ. Cùng với đó, mọi chuyện còn thậm chí tệ hơn vì lợi ích kinh tế của kinh tế chia sẻ đã làm xói mòn nhiều giá trị xã hội, chẳng hạn nhiều chủ nhà cho biết họ cảm thấy bực bội khi họ hàng ghé thăm và ở lại vì điều đó ảnh hưởng đến công việc kiếm tiền của họ.
Tóm lại, đặc điểm nổi bật nhất khiến kinh tế chia sẻ thu hút vì chúng giải quyết được nhu cầu kinh tế của đại đa số người dân (kể cả người cung cấp lẫn sử dụng dịch vụ). Tuy nhiên, có vẻ chúng ta chưa có cái nhìn khách quan, đầy đủ và sâu sắc về ảnh hưởng của chúng, mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ nhặt là vài đồng bạc lẻ trong từng giao dịch.
Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ là cú hích định hình lại xã hội, nhưng theo hướng nào, chúng ta chưa thể biết được. Sẽ có gì đó biến mất, sẽ có gì đó xuất hiện, nhưng thật khó để biết được rằng đó có phải thứ ta truy cầu và kỳ vọng hay không.
Nhưng đây cũng không phải điều mới mẻ, chúng ta lúc nào chẳng bị đặt vào trạng thái "phải bước tiếp", dù rằng chẳng biết bước đi ấy sẽ dẫn đến đâu, đúng không?
Nguồn: Monster Box

Quỳnh kiên

HỘI NẠN NHÂN KT.

Tác giả: Trương Quang Huy.

Hồi 1:

"Ô kê ô kê, các anh chị pha bình trà, bắt cái ghế, rít một ngao thuốc thật sâu cho tinh thần thanh tịnh mà chuẩn bị hít cái drama trung tâm tiếng Anh còn li kỳ hấp dẫn hơn cả phim diễm tình Hàn Quốc. 

A há há a há há, mỗ thật chỉ muốn ngồi trước mặt các anh chị mà kể cho nó sướng mồm nhưng thôi kệ, kể qua phây cũng được. 

Phốt này mỗ hóng chơi cho vui nên không nhớ chính xác toàn bộ timeline nhưng kệ, nội dung mới quan trọng.

Mọi chuyện bắt đầu từ một cô pé tên là Quỳnh. Cô này tự nhận mình ai-eo 8 chấm. Mở lớp dạy tiếng Anh, thu hút học viên mèn ơi ngàn người, ngàn người cũng đã vài năm nay. Quỳnh trở thành là một người tương đối nổi tiếng trong giới ôn luyện Ai-eo. Mọi chuyện thật là êm đẹp quá đến một ngày đẹp trời, cô bị bót phốt là về trình tiếng Anh cũng mình. Thật ra mà nói, ngôn ngữ mà, người Việt nói tiếng Việt cũng có trúng 100% đâu. Sai tí nhằm nhò gì nhưng ác một cái là người bốt phót là một bạn, tên là Hana, cũng nổi nổi, bạn ấy bắt luôn lỗi ngữ pháp của Quỳnh mà lỗi này lại cực kỳ cơ bản. Vì sao mỗ biết nó cơ bản? Vì đến như mỗ mà còn biết nó sai thì ai mà biết tí tiếng Anh lại chả biết. Kết quả: trang phây của Hana sập cmnl.

Tất nhiên là chẳng có chứng cứ gì là Quỳnh cho giựt sấp trang của Hana nhưng quan trọng mẹ gì. Sự vụ tương rằng nhỏ nhoi, ai dè làm fan của Hana phẫn nộ, đã thế chúng tao bốt từng lỗi của mày luôn. Bắt lỗi bình thường thì thôi đã sml còn đằng này chúng nó kéo vào bắt lỗi hội đồng thì kết quả hiển nhiên là bạn Quỳnh đéo ngóc đầu lên nổi. Người ta phát hiện bạn Quỳnh sai ôi thôi dkm từ phát âm, ngữ pháp, ác-sèn, từ vựng, thậm chí cả dấu câu cũng sai. Nói chung là nghe nói đọc viết Quỳnh tạch toàn bộ từ vòng gửi xe thi Ai-eo thì lấy cl gì mà 8 chấm nổi. Dân tình truy tiếp chứ, phát hiện á há há Quỳnh thi 5 lần Ai-eo in a row đéo có nổi con 7 nào.

Cả một cơn địa chấn lan rộng đùng đùng khắp cõi phây của dân ôn luyện Ai-eo. Đếu thể ngờ là một trung tâm dạy Ai-eo được nhiều người biết đến như vậy thì người đứng đầu phách điểm từ 6 chấm lên tới 8 chấm.

VTV24 đã chỉ mặt đặt tên và tung cả gương mặt Quỳnh lên tivi rồi. Chuyện trung tâm của Quỳnh tạm ngừng ở đây nhưng chuyện của Quỳnh thì chưa xong đâu. Khúc sau còn ghê hơn. Dkm nghĩ tới lại nổi da gà."

Hồi 2:

"Tiếp chuyện bạn Quỳnh. 

Thói đời đen bạc, lúc mình đúng thì nhìn đâu cũng đúng, lúc sai một cái nó gỡ như gỡ ghẻ hết chuyện này tới chuyện khác. Sau khi gỡ ra được miếng ghẻ 6 chấm, người ta gỡ tiếp miếng khác, thứ mà vô cùng quen thuộc trong giới tiếng Anh ở Việt Nam, đạo văn. 

Người ta phát hiện, trong giáo trình của QUỳnh, cô pé đã đạo từ sách học ai-eo của một nhân vật lừng lẫy khác. Kiên Trần, sau này gọi là KT tại thằng này quá mất dại để ghi đủ tên. KT là ai? 

T là một người tự xưng thi ai-eo 8 chấm, đm lại 8 chấm, (nghe nói) đã định cư ở Canada. Trước nay luôn nổi tiếng vì những lời lẽ hoa mỹ, về đời, về người, về cách tư duy, về lối sông nên có của giới trẻ các thứ, đại khái là một nhân vật hay nói đạo lý nhưng là đạo lý đi ngược đám đông. Tuy không mở trung tâm nhưng T còn nổi tiếng hơn Quỳnh trong giới ai-eo VN, đã ra 3 4 cuốn sách gì đó dạy về cách học tiếng Anh. Nhà xuất bản là Saigonbook, tại sao mỗ phải nhắc tên nhà xuất bản? Vì phốt này cũng có phần của nxb này luôn chứ sao hehehe, để sau nói.

T nổi tiếng nên đông fan. Dựa vào thông tin mỗ nắm được khi nằm vùng thì fan T thần tượng T như là fan tony bủi sáng. Nghĩa là rất cực đoan, T nói cái đéo gì cũng đúng, thở ra thôi đã thấy chói lòa, hít vào thôi đã nghe sấm sét. Ngay cả những người đông fan khác cũng khen KT tới tấp. Và, tất nhiên, fan KT chủ yếu là các bạn chẻ.

Khi nghe được tin Quỳnh đạo văn KT, fan KT ùa vào như thác lũ, đúng là chó cắn áo rách, fan Hana thôi đã hành ngập mồm rồi, giờ thêm fan KT nữa. Và chính KT cũng phóng ngay vài tút trên phây chửi Quỳnh. Tưởng đâu sấm rung sét động, cơn gió to trút sạch lá khô, ổ kiến hỏng sụt toang đê vỡ, kỳ này Quỳnh chỉ còn nước ngậm nhang mà ba quỳ chín lạy từ hồ con rùa ra tới cầu SG rồi nhảy xuống. Nhưng không!!! Bản lĩnh của một người 6 chấm dám vỗ ngực dạy người khác lên 8 chấm bao năm qua nhẽ nào lại để cho chúng mày múa lưỡi cú diều mà cấu váy phá bĩnh. Và Quỳnh, không làm dân hóng phốt như mỗ thất vọng, tung một chiêu hồi mã thương cực hiểm làm cho chính KT cũng im mồm không dám nhắc nhớ gì đến vụ đạo văn nữa. 

Chiêu đó là gì? Để hồi sau bốc tiếp hê hê hê.

Thật là
Chúng ta cứ muốn học tiếng Anh,
Không cần cày cuốc, chỉ cần nhanh,
Tiền ngu cứ đóng không phải nghĩ,
Bể ra mất cả, tiếng Anh (vẫn) như l."

Hồi 3:

"Hồi 3: Kháng chiến quân

Lại nói về trận công thành ghi tạc sử sách, quân Hana một bên, quân KT một bên, khí giới sẵn sàng, mắt từng người hằn lên phẫn nộ, tay chực sẵn nút rì-pọt, kỳ này chúng tao cho mày đi sâu luôn Quỳnh ạ. Quỳnh binh bại như núi lở, biết mình đường cùng nên cử một nick từ trong thành chạy xộc vào đội hình quân KT la lớn bố thằng mặt chuột, bà đây tiếp mày, rồi quát thẳng vào fan KT "về nhà nói KT hộ tao là thách 100 KT đăng bài nói chị Q ăn cắp."

"Tag thằng Kiên vào đây, cho nó lên tiếng xem chị Q có nhại sách nó không. Tao chưa bóc tội bán giả bột alma Ấn cho người Việt, rồi đạo sách nước ngoài bị tác giả Canada gửi thư yêu cầu gỡ xuống nha."

Ô ô ô ô ô ô ô!!!!!!!!!

Thoáng nghe chữ bột alma KT liền hiệu lệnh ba quân, quay đít đi thẳng. Cả quần hùng ngỡ ngàng bẻ bàng, miệng há mồm đơ, rớt hộp bắp rang bơ, đánh rơi chai nước ngọt. Cả chiến trường ai náy đều ngơ ngác, thật là tự cổ chí kim chưa từng có. Thành còn đứng đó, chưa kịp công, tướng soái bỏ chạy, quân tan nát. Xác nick của các chiến hữu bay màu còn nằm đầy trên chiến trường mà Kien quay ngựa đi vậy, coi sao được. Vả lại cả dấu chấm hỏi bự chảng lơ lửng trong đầu mọi người, cái gì bột alma, cái gì đạo sách nước ngoài?

Dân VN nếu có giỏi gì đó thì chắc chắn phải là nhiều chuyện, tầm phải gọi là cơ quan tình báo Sê-Ai-ây cũng phải quỳ lạy. Thà không biết gì, chứ mà chỉ cần hé một chút thôi thì nó móc từ thời 18 năm trước đến 20 năm sau. 

Cả đám kéo vào nhà KT hỏi cho ra nhẽ, ai dè đứa nào vừa mở miệng về bột, về sách anh KT shoot cho nát gáo, trắng màu nick. Đã phẫn uất vì cô Quỳnh mất nết, lại ngỡ ngàng vì KT chơi dơ, tàn quân tụ họp chốn rừng sâu, bàn đại sự. Dù KT nổi tiếng hơn Quỳnh nhưng Quỳnh nó mở trung tâm, muốn đánh còn có chỗ đánh, chứ mà thằng mặt chuột này nó ngồi trên núi cao, núp trong hang sâu thủ râm viết sách, tung lưới cắm cọc lùa bắt gà con kiếm tiền ức vạn chẳng nhẽ giờ kéo lên núi thì thất sách. Thế là ba quân tụ họp, cắt máo ăn thề, dựng cờ khởi nghĩa. Từ đấy, lá cờ thiêu 5 chữ đỏ "Hội Nạn Nhân Kien Tran" được kéo cao, quét qua toàn cõi phây bút, nhân sự chỉ vài ngàn nhưng nhân sĩ trí thức nao nức đăng ký ghi danh đứng bên hàng ngũ, mèn ơi sao mà hùng dũng quá. Đây cũng sẽ là nơi mà Kien Tran từ một lãnh tụ vạn người kính ngưỡng bị vạch mặt chỉ tên, thì ra chỉ là phường giá áo túi cơm, lừa thầy phản bạn, qua cầu rút ván. A há há, a há há. 

Thật tình thì
Mở trung tâm, Quỳnh thu tiền tỷ,
Bán sách xạo, Kiên kiếm đô la,
Người ta bị dụ như gà,
Kien-Quỳn hai đứa thật là xứng đôi.

Hắt Xì, phóng dziên chiền tin chực típ từ lìu chỉ quy khán chiến."

Đón xem hồi sau....

Regards, LongNX

giao tiếp

Bí quyết giao tiếp của tôi.
(Nếu chỉ biết lặng im khi đang ngồi trò chuyện. Đừng lo lắng, trong bài này.Tôi sẽ giúp bạn gợi và duy trì cuộc nói chuyện)
Tôi băn khoăn nhiều về việc có nên viết bài này hay không? Rồi tôi quyết định. Nếu bạn có ý định tự tử vì khả năng giao tiếp kém. Xin đừng vội, hãy đọc hết bài này rồi quyết định sau. Tôi có phải người giao tiếp khéo hay không? Tùy bạn đánh giá.
Bạn nghĩ thế nào là người giao tiếp khéo?
Ngày bé, tôi nghĩ: người giao tiếp khéo phải là người nói nhiều, thao thao bất tuyệt. Không để cuộc trò chuyện có thời gian chết. Mỗi bữa cỗ ăn cơm với họ hàng. Ai nói hết phần mọi người thì tôi ngưỡng mộ lắm. Lớn rồi mới biết. Người như vậy thật đau đầu.
Đến khi tìm hiểu, luyện tập về kỹ năng giao tiếp. Và rồi cả đi làm. Tôi mới biết. Người giao tiếp giỏi là người giỏi xây dựng các mối quan hệ bền chặt và chất lượng. Và họ được người khác giúp đỡ hết lòng khi cần thiết.
Tin tôi đi. Chẳng có giá trị gì trong mắt người khác nếu bạn hót hay như khướu rồi đến khi người ấy cần giúp đỡ. Bạn lại lặn mất tăm. Họ đủ thông minh để biết bạn là người thế nào nếu chỉ nói mồm không. Tất nhiên, bạn không chỉ ăn nói khéo mà còn làm giỏi thì quá tuyệt vời rồi !
Phương cách của tôi.
Tôi không quan hệ dàn trải. Tôi thích tập trung cho công việc nhiều hơn và luôn duy trì vài mối quan hệ thân thiết. Những mối quan hệ của tôi thực sự chất lượng. Hãy cân nhắc về điều này và dành thời gian đối xử tốt với những người thực sự tốt với bạn. Vì khi khó khăn, bạn sẽ thấy: Bạn không có nhiều bạn tốt đến thế đâu.
Tôi sinh ngày 15/12/1995. Đến nay tôi được 24 tuổi. Tôi có một vài người bạn thân giúp đỡ tôi vô điều kiện khi tôi cần. Khi gặp khó khăn, một bạn đồng nghiệp quen 4 tháng chủ động đề nghị giúp đỡ tôi số tiền gần 20 triệu đồng(17,5 triệu). Bây giờ chúng tôi là bạn tốt và là cộng sự của nhau. Trong công việc, tôi được manager bắn khách để chăm. Chốt được khách, anh không lấy tiền. Anh thực sự là người tốt bụng. Tất cả đồng nghiệp trong nhóm tin tưởng và đề nghị tôi đứng doanh số hộ mà không sợ tôi bùng tiền. Bạn lên nhớ. Hoa hồng của căn liền kề lên tới cả trăm triệu đồng. Trong đợt tuyển dụng phỏng vấn của Đất Xanh. Trước gần 20 người, tôi là người duy nhất được giám đốc nhân sự tuyên bố: "Em không cần phải đợi kết quả như người khác. Chị chắc chắn sẽ tuyển em." Trong nhóm, tôi đứng trọng trách mặc cả với giám đốc để lấy lại tiền thưởng căn hộ chúng tôi bán(Bên họ không trả). Và tôi thành công. Hãy nhớ rằng: Tôi mới 24 và tôi làm tất cả điều đó ở tuổi 23. Xuất phát điểm của tôi thậm chí còn tệ hơn bạn. Bạn còn nhớ tôi từng kể: Tôi lãnh nguyên cú đấm vào giữa mặt không? Vậy tại sao tôi được tín nhiệm đến thế? Tôi sẽ chia sẻ bên dưới.
Hành trình luyện giao tiếp của tôi.
Tôi biết ơn Grab và giờ vẫn vậy. Bài viết từng chia sẻ, tôi có đề cập đến chuyện này. Có thời gian tôi chạy grab để kiếm tiền làm phẫu thuật. Và giờ tôi rất khỏe mạnh. Khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Nếu ai hỏi trước kia làm gì? Tôi không xấu hổ nói rằng mình đã từng chạy Grab. Bản CV công việc cũng điền đầy đủ mục đó. Grab cho tôi rất nhiều thứ. Nó giúp tôi kiếm tiền làm phẫu thuật. Nhờ chạy xe, tôi tự tin đến gặp khách hàng ở bất cứ đâu mà không phải dùng map hay hỏi đường. Đây thực sự là lợi thế trong nghề. Khi khách hẹn gặp bất chợt là phải xách balo đi ngay. Nếu chậm trễ là sale khác cướp mất. Tôi hứa với những bạn nhờ tôi chia sẻ về nghề sale BĐS. Tôi sẽ viết ở bài khác. Ngoài biết đường ra. Nó cho tôi thời gian rảnh để làm những việc khác. Từ số 0 mà tôi có thể giao tiếp được tiếng Anh. Và tất thảy nó là môi trường lý tưởng để luyện giao tiếp. Tôi giúp khách hàng chút bỏ được hết chuyện đời tư. Tôi gợi chuyện khiến họ chia sẻ không ngớt trong suốt quãng đường chạy xe. Và chỉ nghỉ chạy khi thấy mình đã thành thục kỹ năng này rồi. Hãy nghĩ mà xem. Hằng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều người như vậy. Vừa được tiền vừa được thực hành và còn được lượn phố. Còn gì tuyệt vời hơn!
Nhưng nó cũng rất nguy hiểm. Chẳng ai nói mạnh được điều gì khi mà suốt ngày lượn lách đánh võng ngoài đường.
Lời khuyên dành cho bạn nếu bạn còn yếu kỹ năng này là hãy đọc sách về giao tiếp. Tôi không tin bạn đang gặp trở ngại về giao tiếp mà lại đọc sách về lĩnh vực này nhiều hơn tôi. Hành trình tìm kiếm chỉ dừng lại khi tôi đọc cuốn "Kẻ thành công phải biết lắng nghe." Với tôi, nó là cuốn bổ trợ cho cuốn Đắc Nhân Tâm nổi tiếng mà bạn biết. Cuốn sách giúp bạn hiểu tường minh hơn những nguyên tắc của Đắc Nhân Tâm. Hiểu về bản chất con người và đưa ra những kỹ thuật gợi chuyện.(Tôi tin bạn cần điều này lắm).
Đừng hiểu nhầm, tôi không nói bạn chỉ đọc 2 cuốn đó là có thể giao tiếp giỏi. Chỉ là tôi muốn bạn tập trung vào 2 cuốn đó hơn thôi. Hãy chắc rằng: bạn đã bỏ ra từ 700- 1 triệu cho lĩnh vực này nếu mua sách giảm giá. Hãy đọc đủ trên dưới 15 cuốn về giao tiếp. Bạn sẽ thấy mẫu số chung của kỹ năng này.
Ngoài ra, bạn còn nhận được những ví dụ về cách ứng xử trong sách để từ đó áp dụng vào thực tế cuộc sống. Mỗi khi tôi đọc được lời khuyên hay. Tôi sẽ nhớ lại tình huống ứng xử chưa tốt và lên kế hoạch sửa nó. Đôi lúc là tưởng tượng ra một tình huống và lên kịch bản để giải quyết. Nếu công việc của bạn liên quan nhiều đến đàm phán như tôi. Bạn sẽ không ngợp nếu gặp những tình huống ngoài ý muốn. Cứ thực hành như vậy. Bạn sẽ thấy càng ngày bạn càng ít lỗi đi. Điều khó với tôi nhất là tránh tranh luận. Bây giờ tôi đã làm được. Nếu không động đến lợi ích bản thân. Tôi sẽ hạn chế những cuộc tranh luận vô thưởng vô phạt.
Bạn cũng cần hiểu về tâm lý con người. Hãy nhớ: Hầu hết chúng ta giống nhau vì cùng 1 loài mà. Vậy nên nắm bắt được những yếu tố chung trong tâm lý sẽ giúp bạn hiểu được tại sao người ấy lại phản ứng như thế. Cách tiếp cận cũng dễ dàng hơn. Ngoài đặc biệt chú ý 2 cuốn trên. Hãy đọc thêm cuốn "Những đòn tâm lý trong thuyết phục" Nếu áp dụng được nó, bạn sẽ là người rất nguy hiểm nếu có tâm địa xấu xa. Và tránh bị lợi dụng nếu bạn không phải người vụ lợi. Hành trình của tôi như thế ấy.
Những điều bạn cần tránh trong giao tiếp.
Mùi cơ thể và cách ăn mặc.
Hãy chắc rằng cơ thể và miệng của bạn không phát ra mùi làm người khác khó chịu. Đừng nói chuyện với người lạ khi răng bạn đang dính rau. Tôi may mắn không bị bệnh mùi cơ thể nhưng có kinh nghiệm đau thương thuở đi học là tôi từng vệ sinh răng miệng không tốt. Chẳng ai muốn nói chuyện với bạn trong tình trạng như vậy đâu. Đặc biệt khi bạn đang tán tỉnh ai đó. Nếu nghi ngại, hãy đi khám nha sĩ và thực sự dùng chỉ nha khoa.(Kinh nghiệm xương máu đấy, chỉ khoảng 20- 25k một túi thôi. Mua ngoài tiệm thuốc tây nhé.)
Gì ruột tôi, sở hữu hơn 2 căn nhà ở quận trung tâm Hà nội. Bà luôn dạy chúng tôi rằng "Nhất Ăn Nhì Mặc. Chúng mày nghèo nhưng chúng mày ra đường mà ăn mặc đẹp thì cũng chẳng ai khinh chúng mày được" Bạn hãy nhớ lấy nhé. Đừng ăn mặc tuềnh toàng nếu muốn tạo dựng mối quan hệ với ai.
Tránh bày tỏ quan điểm cá nhân khi không cần thiết.
Khi trò chuyện trong nhóm hay cá nhân. Nếu ai đó bày tỏ quan điểm của họ về một chuyện gì đó. Tôi sẽ không tham gia mặc dù có thể họ sai. Tôi chỉ bày tỏ ý kiến khi chuyện đó xung đột tới lợi ích cá nhân của mình. Vì sao ư. ? Đó là ý kiến của họ. Không dễ thay đổi được ý kiến của họ đâu. Nếu không đụng chạm tới túi tiền của bạn thì bạn tham gia vào làm gì? Nếu quan điểm của bạn giống họ thì không sao. Nếu bất đồng quan điểm thì rất dễ xảy ra tranh luận. Đáng tiếc hơn là xảy ra to tiếng và tranh cãi. Bạn nhớ nguyên tắc "Không tranh cãi" chứ ?.
Trường hợp họ hỏi ý kiến mà bạn biết có thể xảy ra tranh luận. Hãy trả lời theo 2 cách sau. Cách một để qua chuyện. Bạn hãy đồng tình rằng: "Em cũng nghĩ thế." Cách hai, nếu muốn bảo vệ quan điểm hãy trả lời rằng: "Chuyện đấy đúng trong trường hợp của anh, còn em thì nghĩ hơi khác." Bây giờ bạn bày tỏ quan điểm của bạn. "Em lại nghĩ thế này …."Hãy nói một cách nghiêm túc nếu không bị bắt bẻ nhé!
Nếu họ còn muốn tranh luận thì hãy nói thêm: "Vì thế giới quan của em hơi khác của anh nên em quan điểm cũng hơi khác. Cả hai anh em mình không ai sai cả. Chỉ là nhìn nhận hơi khác mà thôi." Bạn sẽ ngạc nhiên rằng người ấy sẽ rất nể bạn và không nói thêm gì nữa.
Đừng nói xấu người khác.
Trong cuộc sống, cả tôi và bạn sẽ phải tiếp xúc với những người mà mình không thích. Nếu muốn gây dựng quan hệ với người lạ. Có thể là thành viên mới trong công ty hay bạn cùng lớp vv.... Bạn đừng nói xấu ai trước mặt họ.
Đầu tiên là vì mới quen. Bạn chưa biết họ là người thế nào. Đôi khi bạn nói xấu về ai đó. Tai bay vạ gió lại đến tai người bạn nói xấu. Không hay chút nào.
Thứ hai: Với người tử tế và thành công. Họ không thích nghe những chuyện đó. Ngược lại, họ còn thầm đánh giá. Tôi hiểu giấu giếm bực tức trong lòng rất khó chịu. Hãy thổ lộ vào nhật ký hay chia sẻ với người mà bạn tin tưởng.
Những điều bạn nên làm để được lòng người khác.
Cười
Tôi từng tập cười trước gương rất nhiều. Bây giờ nó thành thói quen. Trước kia tôi cười bị hở lợi. Trông rất xấu. Bây giờ chỉ hở đúng răng hàm trên. Bạn phải cười để người khác biết bạn đang vui hay đang tán đồng với họ. Tất nhiên, chẳng ai thích gây dựng mối quan hệ với người chỉ có mỗi nụ cười đẹp. Nhưng nếu không cười. Người khác sẽ cảm thấy khó chịu đấy. Đôi lúc công việc không như ý muốn. Tôi vẫn phải cười vì bị bồ bắt.
Cho đi trước rồi nhận lại sau.
Có phải bạn nghe quá nhiều rồi phải không? Nó là sự thật ! Đây là tâm lý học con người. Nguyên tắc đáp trả trong cuốn "Những đòn tâm lý trong thuyết phục" nói rất rõ về điều này. Đây là cách tôi gây dựng mối quan hệ với người khác. Nếu muốn làm thân với ai. Tôi thường sẽ cho đi trước. Và tôi sẽ nói rõ hơn điều này ở bên dưới. Nhưng nếu bạn nắm rõ được nguyên tắc này. Bạn vay tiền sẽ rất dễ dàng 🙂
Giữ lời hứa.
Đừng bao giờ là kẻ nuốt lời nếu muốn chiếm được lòng tin của người khác. Khi hứa hẹn. Tôi luôn cố gắng thực hiện nó. Nhất là chuyện tiền nong. Vay thì phải trả. Và phải trả đúng hẹn. Đừng để người khác phải nhắc. Chỉ 1 lần thất hứa thôi. Bạn sẽ không thấy hầu bao và sự tốt bụng của họ mở ra thêm một lần nào nữa. Không ngẫu nhiên mà những người bạn mới quen chủ động đề nghị giúp đỡ tôi số tiền lớn đến vậy.
Cách vay tiền người khác.
Nghe thật ma mãnh. Nhưng nó là kỹ năng cần thiết giúp bạn trong cuộc sống. Bạn không dùng nó để lợi dụng lòng tốt của người khác là được. Vay mà không trả là lừa đảo. Sớm muộn gì mọi người cũng biết tiếng xấu của bạn. Bí quyết của kỹ năng này là: Khi ai đó giúp bạn một lần, họ sẽ sẵn sàng giúp bạn những chuyện khác lớn hơn.
Hãy bắt đầu vay từ những khoản tiền bé trước. Hãy trả những khoản đó đúng hạn để đạt được lòng tin của mọi người. Sau dần, hãy nâng số tiền vay đó lên từ từ. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng nếu có tiền. Họ chắc chắn sẽ giúp bạn. Nhớ nhé đừng bao giờ để mất lòng tin.
Khen ngợi.
Bạn phải biết kỹ năng này. Tất cả mọi người đều thích được khen ngợi và công nhận. Nếu chưa có bạn gái thì hãy học cách khen nhé. Nguyên tắc là khen đúng sự thật. Nếu khen những điều không có thật là khen đểu. Tôi từng ăn đấm vì khen đểu. Mới đầu bạn sẽ nói rất gượng gạo. Tôi cũng từng như thế. Tôi luyện tập bằng cách viết những lời khen ra giấy. Khi ở một mình, tôi sẽ đọc nó đến khi nhuần nhuyễn. Tôi hứa, bạn sẽ không còn cảm thấy gượng gạo nữa đâu. Tin tôi đi. Tôi là người bán hàng mà. Nếu để luyện kỹ năng ăn nói thì bạn không khổ hơn tôi đâu.
Hãy là người biết từ chối.
Một người có thể nhờ bạn giúp đỡ từ 1- 2 lần cho cùng 1 việc. Nhưng đến lần thứ 3 thì bạn nên cân nhắc. Họ thuộc làu câu "nhờ vả". Với tôi, đó là lợi dụng. Từ chối rất quan trọng. Đừng để công việc của họ lấy hết thời gian của bạn. Hãy chuẩn bị cho điều này và làm nó thật tự nhiên. Hãy thuộc lòng và nói trơn tru những câu: "Cháu có bạn vừa mới hẹn gặp chiều nay rồi.", "Hôm ý cháu đi ăn đám cưới bạn cháu." Một vài lần họ sẽ biết bạn đang cố tình. Nhưng họ chẳng làm gì được bạn vì bạn có lý do chính đáng. Tôi không giữ mối quan hệ với ai đang cố lợi dụng lòng tốt của mình.
Thậm chí tôi còn nói không một cách rất thoải mái: "Cháu không có thời gian, cháu cũng có công việc mà"
Bí quyết tạo dựng mối quan hệ.
Bây giờ tôi sẽ chia sẻ, vì sao tôi có những mối quan hệ chất lượng như vậy? Mấu chốt là: Tôi luôn là người cho đi trước. Nếu đã đọc tác phẩm kinh điển Bố Già. Bạn sẽ thấy ông là người xây dựng mối quan hệ tuyệt vời đến thế nào. Bỏ qua những chi tiết chém giết bạo lực hay con điếm nọ, con điếm kia của chuyện. Bố Già luôn cho đi trước và khi ông đề nghị giúp đỡ. Chẳng ai từ chối ông cả. Bạn cũng nên như vậy. Khi bạn tôi có việc. Tôi thuộc lòng câu nói "Có cần giúp gì không." Tôi không ngại bất cứ việc gì miễn trong khả năng của mình. Câu nói "Cho đi để nhận lại" thực chất là xuất phát từ tâm lý học của con người. Hãy nghĩ lại mà xem.
Đã bao giờ bạn được ai đó mời một bữa ăn chưa? Có phải bạn luôn nghĩ mình đang mắc nợ và phải trả lại người ấy thì mới thoải mái đúng không? .Nguyên tắc này dựa trên điều đó. Hãy mở cuốn "Những đòn tâm lý trong thuyết phục" và bạn sẽ hiểu cặn kẽ điều này. Bạn có biết vì sao cậu đồng nghiệp sẵn sàng cho tôi vay số tiền gần 20 triệu chỉ trong vòng 4 tháng quen không? Cũng chỉ bí quyết đó thôi. Tôi là người cho đi trước. Đó là câu chuyện tôi bán căn hộ.
Tôi là người làm từ A-Z từ tư vấn, dành khách hàng lại từ một sale khác, chốt khách và cả làm mọi thủ tục liên quan. Nếu hôm đó đánh nhau là một mình tôi đánh. Nhưng sau cùng, tôi là người chia tiền cho tất cả. Hôm đó là lịch trực của nhóm tôi. Khách xem video của tôi trên youtube nhưng không gọi cho tôi mà đến thẳng dự án. Khi đến dự án, tôi là người tiếp khách. Luật là: nhóm nào trực dự án thì khi khách đến. Sale khác không có số sẽ không được tiếp khách. Một sale ở chi nhánh khác chơi sai luật. Ngang nhiên đi vào tranh khách và xin số điện thoại khách của tôi. Tất cả nhóm bỏ rơi tôi đấu tranh giành khách với hắn. Tôi lấy số chồng và hắn xin số vợ. Tôi lớn tiếng nghiêm giọng trước cả 4 người: "Anh nên tôn trọng em. Hôm nay là lịch trực của em, anh không biết luật à." Chính câu nói đó giúp khách hiểu rằng ai là người đúng sai. Tiếp khách xong, tôi và hắn chuẩn bị lao vào đánh nhau. Bạn biết thế nào không? Cả team tôi đứng để chuẩn bị cổ vũ xem ai là người thắng. Ngoại trừ bồ tôi can. Nếu đổ máu sẽ là mình tôi đổ.
Chiều hôm đó, khách gọi lại và tôi là người chiến thắng. Hoa hồng về, tôi chia đều cho tất cả team trực mặc dù tôi có thể ăn hết. Vì quan trọng là khách theo ai? Bạn có thể nghĩ tôi ngu- Tùy bạn. Nhưng vì nó nên tôi mới được mọi người trong nhóm nể và tin tưởng đến thế.
Nếu muốn xây dựng mối quan hệ với ai. Hãy là người cho đi trước. Hãy ngỏ lời giúp họ khi có thể. Đây là cách tốt nhất để họ cảm nhận được tình cảm của bạn. Chắc chắn họ không bạc với bạn đâu.
Cách gợi chuyện và duy trì cuộc nói chuyện.
Đây là trở ngại lớn nhất trong giao tiếp.Tôi sẽ gỡ bỏ nó giúp bạn. Xuyên suốt bài viết. Tôi đã nói rất nhiều về tâm lý con người. Bạn cần nắm những điều căn bản đó. Bạn cần nhớ điều này.
Thứ nhất: Muốn để người khác nói nhiều thì trung tâm cuộc nói chuyện phải là người ấy.
Thứ hai: Nhiệm vụ của bạn là lắng nghe một cách hào hứng và gợi chuyện. Hãy gợi chuyện theo sở thích và những thông tin mà đối phương cung cấp.
Thứ ba: Bạn chỉ nói về bản thân mình khi được đối phương hỏi đến.
Hãy bám sát kỹ 3 điều trên nhé. Tôi sẽ lấy ví dụ để bạn dễ hiểu.
Ngày tôi còn chạy Grab. Nếu đèo phụ nữ. Để bầu không khí không còn tĩnh mịch. Tôi sẽ gợi chuyện như sau: "Tình hình là em đang thích một bạn gái, nhưng không biết phải tiếp cận thế nào. Chị là phụ nữ, chị có thể nói giúp em xem phụ nữ thích gì được không?"
Bạn không thể ngờ họ chia sẻ nhiều đến mức nào được đâu.(Mấu chốt là hãy biến họ thành chuyên gia, vì ai cũng muốn lời nói của mình có trọng lượng)
Tôi nhận được những lời chia sẻ giống nhau: Rằng phụ nữ muốn được tâm sự, thích được quan tâm. Ai quan tâm là sướng lắm. Thích được khen ngợi.
Để họ nói tiếp, tôi có thể bám theo những ý mà họ đã chia sẻ để hỏi tiếp: quan tâm à, chị nói rõ hơn được không? Ví dụ em có thể quan tâm bạn đấy bằng cách nào?
Họ tiếp tục nói đại khái như là: "thích được đưa đón, nhắn tin hỏi thăm."vv... (Tôi nghĩ ngay trong đầu. Rằng đây là hành động mà người yêu hay chồng của chị này từng thể hiện với chị ấy. Bạn sẽ có cớ để tiếp tục gợi chuyện.)
Tôi sẽ tiếp tục: "Vậy à, chồng chị thường quan tâm chị như thế nào?. Chia sẻ thêm cho em được không, biết đâu em có thể áp dụng được với bạn kia". hoặc thỉnh thoảng tôi có hỏi: "Chị thấy lấy chồng sướng hơn hay yêu sướng hơn".
Bạn sẽ có cả mớ thông tin để khai thác thêm. Nếu chồng họ tốt, họ sẽ khen rất nhiều về người đó. Nếu người đó tệ, hay đánh đập vợ, bạn sẽ có cảm giác đồng cảm với họ. Nhưng dù bị đánh như vậy, đa phần họ vẫn chịu đựng mà không bỏ- họ nghĩ về đứa con nhiều hơn, họ luôn nghĩ chồng họ sẽ thay đổi. Với tôi nó rất hoang đường. Không phải tôi không tin mà vì con người rất khó thay đổi bản tính. Tôi không tán đồng cách chịu đựng này.
Quay lại vấn đề.
Bí quyết của chiêu thức gợi chuyện: "Hãy gợi chuyện bám theo những thông tin mà đối phương chia sẻ." Bạn sẽ ngạc nhiên vì người ấy nói rất nhiều. Nhớ phải gật gù và ậm ừ lia lịa để họ biết bạn đang chú ý lắng nghe nhé. Sau khi họ chia sẻ hết thông tin. Bây giờ họ sẽ hỏi về bạn. Lúc này, hãy lên sân khấu và diễn 1 tiết mục thật hoành tráng.(Tất nhiên bạn cần chuẩn bị từ trước rồi nhé)
Tôi chỉ nghỉ chạy xe khi đã thành thục kỹ năng này. Nhờ nó mà tôi biết rất nhiều câu chuyện về đời tư của người khác. Bật mí với các bạn nam. Nếu được quan tâm. Phụ nữ thực sự rất yêu chồng đấy.
Một lưu ý nữa: Khi ai đó chia sẻ chuyện đời tư với bạn có nghĩa là người ấy đang rất tin bạn. Hãy chắc rằng: Bạn không mang nó đi bô bô với mọi người. Nếu biết, họ sẽ rất căm ghét bạn. Không bao giờ có cơ hội sửa sai và chuộc lỗi cho bạn nữa đâu. Kinh nghiệm đau thương ngày cấp 3 của tôi đấy. Lớp 10, một bạn nữ trong lớp nhắn tin tán tỉnh tôi. Không những từ chối. Tôi còn loan tin này cho cả lớp. Bạn đó rất xấu hổ. Đến bây giờ, gần 10 năm kể từ ngày đó. Dù nhiều lần xin lỗi, tôi vẫn không được tha thứ thực sự. Bạn không tiếp chuyện với tôi quá 3 câu. Bạn vẫn ghét và nghĩ tôi là đồ hớt lẻo.
Có một thời điểm khi bạn gợi chuyện và hỏi quá nhiều. Đối phương sẽ hỏi lại bạn đại khái thế này: "Sao em lại hỏi thế?" Tôi thường trả lời như sau: "Thực sự tuổi đời của em còn rất trẻ. Em phải học rất nhiều. Việc tìm hiểu về đời tư của người khác đôi khi em có thể rút ra được bài học cho bản thân." Khi đó, Bạn đã là người chiến thắng rồi đấy !
Những lời cuối của tôi.
Giao tiếp là kỹ năng. Bạn không thể thành thục trong một vài ngày. Hãy tạo ra môi trường để rèn luyện và tích lũy. Với tôi là chạy xe. Hãy đọc kỹ 3 cuốn tôi giới thiệu và áp dụng nguyên tắc tôi bám đuổi khi tạo dựng mối quan hệ với ai đó. Trong mọi chuyện, tôi luôn cố gắng cho đi trước và mong muốn được nhận lại sau. Tôi hy vọng bài viết của tôi hữu ích với bạn. Bây giờ tôi muốn nhờ bạn 1 chuyện. Tôi đang Seo Website. Seo website có nghĩa là đưa website lên trang 1 của google. Để làm được điều đó. Bài viết sản phẩm trên web của tôi phải thực sự chất lượng. Dưới cùng bài viết này, tôi có để 3 link website. Tôi nhờ bạn vào web và đọc giúp tôi 3 bài đó xem tôi nên sửa ở điểm nào. Xin Hãy vào và đọc hết cả 3 bài. Đừng vào giữa chừng rồi lại thoát ra. Google sẽ phạt tôi mất. Có thể bạn không biết nhiều về bất động sản. Có thể bạn không đưa ra cho tôi được góp ý. Không sao cả. Chỉ cần một lần bạn ghé thăm trang web và đọc bài của tôi trên đó cũng góp phần làm google chấm điểm tôi cao hơn rồi. Nhờ đó mà khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận tôi dễ dàng hơn. Tôi biết và luôn trân trọng từng lượt ghé thăm web của bạn. Nó là tiền đề và động lực để tôi có thể viết những bài tiếp theo. Cảm ơn bạn.
The park home:
https://www.datxanhgroup.net/chung-cu-the-park-home-cau-giay-c22-bo-cong-an-c145.html
PCC1 Vĩnh Hưng:
https://www.datxanhgroup.net/chung-cu-pcc1-vinh-hung-c140.html
Phương Đông:
https://www.datxanhgroup.net/chung-cu-phuong-dong-green-park-c146.html

Wednesday, June 17, 2020

til : column edit trong vscode

Ctrl - Alt - mũi_tên 

Chia thịt trâu

Về nguyên tắc, cứ đến mùa chia thịt trâu thì các anh đầu lãnh họ tộc oánh nhau giành phần ăn càng ác, cái này là rất đỗi bình thường và thân thương.

Các anh càng oánh nhau, thì trưởng làng càng rung đùi phấn khởi. Phàm đã trị làng, thì dân loạn mới sợ, chứ bọn trưởng họ loạn thì càng tốt. Làng càng loạn thì càng dễ khống chế, điều tiết, vậy nên thậm chí đôi khi đang thanh bình, cụ trưởng cũng thả hoặc thậm chí xúi đểu cho loạn, cái này là rất đỗi bình thường và thân thương.

Các anh uýnh nhau thường theo mấy kịch bản, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần.

Một là, uýnh kinh tế.

Anh này ăn gian vụ này, quỵt nợ vụ kia, tham ô con Đốp ra răng, bóp họng con Mướp thế nào, đại loại thế. Sự việc qua lâu rồi, nhưng ngâm tôm chờ thời, và lúc này mới là lúc leo gác bếp móc hồ sơ uýnh nhau.

Hai là, uýnh vào các vấn đề thân nhân, riêng tư.

Ví dụ như anh là trưởng họ nhưng vợ anh có lai lịch làm đĩ, con cái anh đái bậy ị đùn, bản thân anh từng bóp vú bậy gái thôn chẳng hạn.

Ba là, khi hai vấn đề trên rơi vào thế yếu, thì uýnh về mặt tư tưởng, lập trường.

Ví dụ như phát hiện ra anh like fb Mai Dương, là một thằng mất nết phản động, đĩ điếm hoang đàng. Ví dụ như cụ ngoại nhà anh chống gậy có bịt mạ vàng biểu hiện của thói xa hoa tư sản chẳng hạn, hay ví dụ như hôm rồi người dân bức xúc lắm vì thấy anh vửa bón cơm cho đít nhôm vừa hát nhạc phản động sao không chết người giai khói lửa mà tèo tốt em gái hậu phương chẳng hạn.

Uýnh theo 3 kịch bản đó, các anh trưởng họ mặc sức thả bọn mõ tung tin đồn, chúng đồn um lên, sai có đúng có không quan trọng, quan trọng là gây được sự chú ý, cơ bản tạo được dị nghị, và cuối cùng chỉ cần bôi bẩn được một vết trên mặt là đẹp.

Cha kia chỉ cần đang loay hoay lau mặt, thì làng đã chia xong cmn thịt rồi, ấy là ổn.

Vậy nên hội làng vui là ở chỗ đó, ở cái chỗ chuẩn bị bày mâm chia phản, mài dao chọn trâu, lên danh sách họ tộc ưu tiên. Còn khi đã đâu vào đấy, áo trắng má thơm yên vị vỗ tay đãi bôi các kiểu, thì thậm chí thịt trâu có thể thơm với các trưởng tộc, nhưng đối với bọn dân làng trên răng dưới tông lào, thì đôi khi còn nhạt hơn cả bọt mép, nước dzãi của đám nhà giáo nhân dân, hehee.

Tuesday, June 16, 2020

Tư tưởng

Một tư tưởng là một mệnh đề có nghĩa!
A thought is a proposition with a sence ( wittgenstein )

Có vẻ như đây là một cách định nghĩa về tư tưởng và nó khá hiển nhiên rằng, nếu anh nói những câu ba lăng nhăng, què cụt, trống rỗng thì ắt tư tưởng của anh là như vậy, tức là chả có tư tưởng nào cả.

Kẻ Chợ là nick name ông anh tôi, một chuyên gia hà nội học lừng danh, lại tin rằng, các ông quan to, các ông nghị gật mõm vẩu vì lười đọc sách nên thiếu vốn từ để thể hiện tư tưởng, đôi khi, rất có thể tư tưởng đó là suất sắc.

Có vẻ theo anh, tư tưởng và từ ngữ tải tư tưởng đó là khác nhau, là những thực thể riêng biệt, cho nên, đôi khi, người ta vẫn diễn đạt lúng túng đầu ngô mình sở một tư tưởng mà, rất có thể, vốn ngôn ngữ anh ta oách hơn thì tư tưởng đó sẽ được diễn đạt rõ ràng hơn.

Ông tiến sĩ khác thì tin rằng, tư tưởng cần ngôn ngữ " bao chứa" nó, thật thú vị!

Vậy rốt cuộc, cái gọi là "tư tưởng" ấy xuất hiện trong não người ta theo hình dạng nào? Nếu nó không có " hình dạng" nào, nó vô thể, thì sao người ta biết tư tưởng đó đã xuất hiện?

Các triết gia ngôn ngữ thì phán từ lâu rằng, tư tưởng chính là ngôn ngữ, hay nói cách khác, người ta suy tư chính là suy tư bằng ngôn ngữ. Tư tưởng hiện diện bằng ngôn ngữ.

Cho nên, tư tưởng là điều có thể nói ra được, thì nói một cách rõ ràng và ta phải im lặng những gì không thể nói được.

Không thể nói được tức là không có tư tưởng nào cả, không ngậm mõm mà cứ nói nhăng nói cuội, nói liên tha liên thiên, thì chỉ là cách thể hiện sự ngu dốt mà thôi!

Rất tiếc, đây là chuyện thường ngày của các thượng thư mõm khắm!

P/S : Ảnh chả liên quan đéo gì, cơ mà kiệt tác đã lên sóng mà chính mình cũng đéo biết mà xem, hỡi ôi!

Đỗ Trí Hùng

Tái ông thất mã

Sao không mua vé số?

Cách đây một quãng thời gian lâu lâu, tôi làm thuê cho một công ty thương mại thiết bị kỹ thuật, đảm trách manager phụ trách bộ phận kinh doanh, kiêm quản trị luôn bộ phận cung ứng hàng. Lúc đó, công ty mới nhận việc thêm một cô bé tên T., khá nhanh nhẹn, trẻ, xinh, mỗi tội có cái tính khá ẩu trong công việc. Cô bé này làm việc ở bộ phận đặt hàng.

Có một đơn hàng thiết bị kỹ thuật cô bé này phụ trách đặt hàng từ yêu cầu kỹ thuật của bộ phận kinh doanh, trị giá đơn hàng giá gốc khoảng hơn 100.000.000 VND. Một tháng sau, hàng về, cả đám tụi tôi tá hỏa vì hàng đặt sai một thông số quy cách. Sai thông số này, thiết bị sẽ không lắp lên dây chuyền sản xuất của khách hàng được. Lỗi sai do cô bé T. làm hợp đồng cẩu thả, không đối chiếu kỹ thông số kỹ thuật bên kinh doanh đưa lên, rồi nhầm lẫn giữa thông số quy cách của một hợp đồng trước đó với hợp đồng mới này.

Tôi hoảng lắm, kêu một cậu nhân viên bộ phận kỹ thuật đi cùng. Không chỉ tổn thất đơn hàng, còn có thể mất khách hàng do không giao kịp hàng nữa. Hai thằng lật đật trong ngày phi xuống nhà máy của khách hàng dưới tỉnh, mục đích khảo sát lại xem có cách gì chỉnh sửa cơ khí để vẫn lắp được thiết bị lên chuyền sản xuất không. Trong đầu luôn nghĩ, không xử lý được vụ này, ông sếp dữ dằn cạo đầu cả phòng chứ chẳng chơi.

Thời may, khi hai thằng tôi xuống nhà máy khách hàng coi chuyền sản xuất, tụi tôi phát hiện ra khách hàng cũng xác định sai quy cách thiết bị lúc đặt hàng. Nếu đặt hàng đúng theo yêu cầu quy cách khách hàng đã đặt hàng công ty chúng tôi thì cũng không lắp thiết bị lên chuyền sản xuất được.

Tôi trao đổi với lãnh đạo nhà máy và bộ phận kỹ thuật của khách hàng về các giải pháp xử lý kỹ thuật. Không thể xử lý cơ khí được. Chỉ có cách… đặt lại hàng mới. Rút cục hai bên thảo luận và đồng ý khách hàng sẽ đặt lại đơn hàng mới, bên chúng tôi bớt 30% giá trị đơn hàng để hỗ trợ khách hàng vì sai sót kỹ thuật bất khả kháng. Tôi cũng đề xuất sẽ hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển đi air cấp kỳ về cho khách hàng thay vì đi sea như lúc đầu, vì thời gian duy tu chuyền sản xuất của họ cũng đã tới tiến độ, không thể chờ lâu được.

Vì 30% bớt giá đơn hàng và cách xử lý hàng air cấp kỳ này, tối hôm đó dưới tỉnh hai thằng tôi còn được cậu trưởng phòng kỹ thuật dưới đó mời một bữa nhậu khá là… hoành tráng, chi phí khoảng 1.000.000 VND tiền túi của cậu ấy, vì lý do… "anh giúp tụi em xử lý nhanh và hợp tình hợp lý sự cố."

Hôm sau lái xe về lại Sài Gòn, tụi tôi mừng muốn chết. Thú thực là hai thằng cười suốt dọc đường về. Về tới văn phòng, tôi thông báo cả phòng là sự cố đã xử lý xong, phần nhiều nhờ may mắn. Nhưng dù sao tôi cũng rất nghiêm khắc cảnh cáo cô bé đặt hàng làm việc cẩu thả. Tôi thẳng thắng bảo sai lầm thế này, chỉ một lần thôi là xứng đáng cho nghỉ việc. 

Ngày hôm sau, bộ phận kỹ thuật và bộ phận kho điện thoại thông báo: "Anh N. ơi, chính thằng làm hàng cho mình cũng làm sai hàng rồi. Chiếu theo đơn hàng bé T. đặt, tụi nó cũng làm sai quy cách, anh ạ." 

Tôi xuống kho kiểm tra kỹ lại. A, quả đúng là như thế. Một số quy cách kỹ thuật nhỏ khác, tuy không quá quan trọng, nhưng quả thực nhà cung cấp cũng làm hàng sai so với đơn hàng chúng tôi đặt.

Ái chà… Kịch hay rồi! Vụ này tôi lấy vai trò manager trực tiếp trao đổi với nhà cung cấp luôn, viết email than phiền khí thế. Tranh cãi, khiếu nại, than phiền vượt cấp, đòi bắt đền toàn bộ hợp đồng, không chỉ bắt đền giá hàng mà còn phí vận tải quốc tế, vận tải nội địa, dịch vụ hải quan, thuế má, lợi nhuận cơ hội thất thoát, vân vân và vân vân… Và tôi dọa cắt toàn bộ hợp tác mua bán trước nay. Nhà cung cấp cũng hoảng.

Kết quả cuối cùng là tôi thương thảo "hợp tình hợp lý" với nhà cung cấp, và họ chịu làm lại hàng đền cho công ty tôi miễn phí. Phía công ty tôi chịu chi phí vận chuyển, thuế, dịch vụ hải quan các loại. Tựu trung là hai bên cùng chia sẻ tổn thất cho sự cố bất khả kháng. Và, vào khúc cuối, khi mọi thương thảo đã kết thúc, tôi yêu cầu họ điều chỉnh một chút quy cách mới. Đương nhiên, quy cách điều chỉnh mới… đúng hệt với quy cách thiết bị đặt lại cho khách hàng. Nhà cung cấp vụ này chả mất gì. Họ gật đầu cái rụp.

Tôi nhẩm tính nhờ vụ sai sót này của cô bé T., tụi tôi vừa mua được điểm với khách hàng, vừa mua được điểm được với nhà cung cấp, mà lợi nhuận ròng của đơn hàng vốn từ khoảng 30% tăng vọt lên quãng gần 150%. Đó là chưa kể… dư ra một bộ thiết bị vứt trong kho do đặt hàng sai quy cách lúc đầu.

Quãng một tuần sau, một cậu phòng kinh doanh báo có khách hàng yêu cầu thiết bị này, quy cách… đúng hệt như bộ thiết bị đặt sai đang đắp chiếu trong kho. Quy cách này phi chuẩn kỹ thuật, thị trường ở Việt Nam chả ai có hay tồn sẵn để cung cấp cả, mà khách hàng cần cực gấp, không thể chờ nhập hàng. Cậu bé hỏi tôi: "Anh N., vụ này mình nâng biên lợi nhuận 300% hay 500% đây?" Tôi bảo: "Thôi, đừng có tham! Đừng lợi dụng cái khó của khách hàng để bắt chẹt họ chứ? Mình nâng… 100% thôi."

Vậy là xong. Tụi tôi giải tỏa được luôn món thiết bị đặt sai quy cách ban đầu, vốn là thứ… để đó chả ai mua, chỉ tốn diện tích kho chứa. Mà lại giải tỏa được với một cái giá… trên trời.

Cuối tháng, cả phòng theo thông lệ họp bình bầu KPI, đánh giá khen thưởng, kỷ luật. Đến lúc đánh giá KPI của cô bé T., do cô ấy làm việc cẩu thả, làm sai hàng, trong tháng đã bị cảnh cáo ở cấp độ cao, nên tôi phải xác định hình thức kỷ luật. Nhưng mà, nhìn chỉ số hiệu quả kinh doanh trên màn hình, tôi nín lặng, chả nói được câu nào. Riêng một vụ cô bé T. làm sai đơn hàng đó, khi xử lý xong hết, lợi nhuận ròng ngang ngửa với cả phòng cả chục con người cày bừa nguyên tháng.

Tôi trầm ngâm mãi, cứ nhìn mấy con số và không nói gì. Kỷ luật cô bé thì cảm thấy dở, mà… khen thưởng cô bé thì lại càng… chả giống ai. Tôi rất là lúng túng.

Cô bé T. hình như cũng hãi, sợ kỷ luật hay sao ấy, mãi không thấy tôi nói gì, mới rụt rè bảo: "Anh… nói gì đi chứ?"

Tôi chả biết nói gì, rốt cục cũng quay ra cô ấy, hỏi: "Này, em. Sao bữa đó… em không đi… mua vé số?" 

SG 15-06-2017

Saturday, June 13, 2020

Những Lưu Phái Tiểu Thuyết Hiện Nay

Những Lưu Phái Tiểu Thuyết Hiện Nay
https://bachngocsach.com/reader/theloai
1: Văn Thanh: là những bộ tiểu thuyết có chiều sâu, đấu trí và cực kỳ lôgic, văn phong chau chuốt... Đơn cử là Ngũ Thanh Của Văn Học Mạng  như  Phong Hỏa Hí Chư Hầu, Yên Vũ Giang Nam, Miêu Nị, Phần Nộ Đích Hương Tiêu ( chuối tiêu 🍌), Kiêu Kỵ Giáo, ngoài ra còn các tác giả khác như vô tội, ... Các tác giả  này  thường là fan những lão binh có thâm niên ít dành cho các tân binh...
2. Tiểu bạch văn: Tình tiết đơn giản, không có chiều sâu, nội dung tương đối nghèo nàn, mỳ ăn liền , phù hợp để thư giãn, thả lỏng tâm tình, người mới đọc thường rất ưa thích. Nổi tiếng nhất là Ngũ Bạch của văn học Mạng : Đường Gia Tam Thiếu, Thiên Tằm Thổ Đậu, Ngã Cật Tây Hồng Thị, Thần Đông, Mộng Nhập Thần Cơ
3. Lão bạch văn: Lão bạch văn thì ngược lại, phục vụ thâm niên độc giả, các tác phầm này thường có nội dung, lập luận và hành văn đều tốt hơn.
4. Ngựa giống văn: Đơn giản là nam chính có lực hấp dẫn siêu cường, nhân vật nữ chạy theo như vịt.
5. Hậu cung văn: Nam chính thê thiếp thành đoàn, ít thì ba năm cái, nhiều thì cả chục hoặc hơn.
*Ngựa giống văn cùng Hậu cung văn khác nhau chủ yếu ở điểm: Hậu cung văn có miêu tả tình cảm giữa nam chính với nữ chính, có cố sự. Ngựa giống văn thì không cần thứ này.
6. Sảng văn: thường là những bộ hài nhẹ nhõm, gây cười,  Nhân vật chính làm mọi việc đều thuận lợi, đánh đâu thắng đó, thăng cấp nhanh chóng.
7. Hệ thống văn: Nhân vật chính xuyên qua thế giới khác kèm theo hệ thống bật hack, thường thì sẽ kèm luôn combo Sảng văn với Hậu cung. Nhưng vẫn có một số ít truyện hệ thống rất chất lượng.
8. Đồng nhân văn: Đem nhân vật ở các truyện khác vào truyện của mình. Hoặc đem cả map truyện khác vào, sau đó thỏa thích thay đổi theo ý mình. (Thường là lấy những bộ truyện nổi tiếng.)
9. Khinh Tiểu Thuyết (Nhị Thứ Nguyên): Nguồn gốc từ Nhật Bản, thường lấy phong cách anime để khắc họa nhân vật, hướng đến lứa tuổi thanh thiếu niên trẻ.
10. Khoái xuyên văn: Cũng là nhân vật chính xuyên việt, xuyên qua thời không, nhưng sẽ đi qua nhiều cái thế giới, nhiều thời đại khác nhau.
11: Phàm nhân lưu: Khởi nguồn từ « Phàm Nhân Tu Tiên » (tác giả Vong Ngữ), nhân vật chính từ tầng dưới cùng, có cực thấp thiên phú nhưng dựa vào ý chí và tâm tính cộng với nghịch thiên kỳ ngộ mà trưởng thành.
12. Hắc ám lưu: Các truyện thể loại này có phong cách tương đối âm u, thường có các tình tiết âm mưu, giết chóc, huyết tinh, bạo lực, …. Nhìn bộ « Cổ Chân Nhân » liền biết.
13. Hồng Hoang lưu: Lấy Hồng Hoang làm bối cảnh. Hồng Hoang là chỉ hỗn độn mông muội thời đại, thời kỳ sơ khai, thời kỳ vạn vật sinh ra. Các truyện này thường có các nhân vật trong Đạo giáo. Lấy « Phong Thần Diễn Nghĩa », « Sơn Hải Kinh » cùng « Tây Du Ký » các loại làm cơ sở, lấy « Phật Bản Thị Đạo » của Mộng Nhập Thần Cơ làm khai tông tổ sư cùng dàn khung kết cấu, đem Trung Quốc thần thoại hệ thống tiến hành một cái tập hợp lớn. Trong truyện thường đem Đại Đạo, Thiên ý, Hồng Mông làm từ mấu chốt. Trong đó, người tu luyện phần lớn lấy thành Thánh (Thiên Đạo Thánh Nhân) làm mục tiêu cuối cùng nhất.
14. Vô hạn lưu: Khởi nguyên từ tiểu thuyết « Vô Hạn Khủng Bố » của zhttty. Nhân vật chính sẽ xuyên qua lần lượt các thế giới trong các bộ phim, trò chơi, anime…  để hoàn thành các hạng nhiệm vụ, từ đó có thể sống tiếp và làm bản thân mình mạnh lên.
15. Phế vật lưu: Nhân vật chính bắt đầu là một giới phế vật, chịu đủ khinh bỉ, thóa mạ, sau đó nhân vật chính đột nhiên đạt được một loại nào đó cơ duyên, cuối cùng hoàn thành nhân sinh nghịch chuyển, trở thành đại nhân vật khiến thế nhân ngưỡng vọng.  
16. Linh khí khôi phục lưu: Lấy thiên địa đại biến, linh khí khôi phục làm bối cảnh, miêu tả thế giới sẽ thế nào phát triển, nhân loại làm như thế nào sinh tồn. Nhân vật chính trong thể loại này thường sẽ làm chúa cứu thế.
17. Phản xuyên lưu: Nhân vật chính xuyên qua xuyên lại lại hai cái thế giới.
18. Làm ruộng lưu (Nhàn văn): Có nhiều biến thể, nhưng chủ yếu là nhân vật chính nhờ làm ruộng (làm nông, trồng trọt) mà trưởng thành. Tình tiết thường chậm rãi.
Còn nhiều các lưu phái khác như Sư Huynh lưu, Sư Tổ lưu, Tổ Tông lưu…
---------------------------
    Viết xuống "Những thuật ngữ thường dùng để phân loại tiểu thuyết" không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a...
Nguồn : chế biến thêm từ vidian

Friday, June 12, 2020

Mong ước - năng lực

[WEIXIN] Niềm vui của người trẻ thời nay chỉ kéo dài 5 phút đồng hồ
————————
Dịch bởi: Blog Dịch Tiếng Trung Dạo | Bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả và chỉ được đăng tải tại Weibo Việt Nam, vui lòng không tự ý repost.
Tác giả: 𝐍𝐡𝐮𝐲̣ 𝐇𝐲
————————-
Tôi phát hiện ra số lần không vui của người trẻ hiện nay càng ngày càng nhiều, thời gian không vui vẻ cũng ngày càng dài hơn, nguyên nhân không vui vẻ cũng theo đó mà ngày càng phức tạp hơn.
Vài năm trước chúng ta vì bị người mình thích từ chối mà buồn bã, vì bố mẹ cãi nhau mà khóc nức nở, vì thành tích thi cử giảm sút mà lo âu. Thế nhưng những sự đau khổ ấy luôn rất ngắn ngủi, sau khi khóc một trận, ngủ một giấc nó liền từ từ biến mất, đến nhanh thì đi cũng nhanh. Không vui vẻ hiện nay lại không thể kiểm soát được, có quá nhiều việc không thể lường trước được khiến cho chúng ta không vui.
Tăng ca bỗng nhiên "tìm đến tận cửa" trong thời gian nghỉ ngơi, cái túi mới ra vô cùng thích trên thị trường nhưng lại không mua nổi, những người xung quanh đều đã kết hôn sinh con nhưng bản thân vẫn cô đơn một mình, những người cùng tuổi đã có thành tựu mà cuộc sống của mình lại tạm thời chẳng có chút khởi sắc gì, bố mẹ đã lớn tuổi nhưng tiếc rằng không thể ở bên cạnh họ.Những thứ không vui này thỉnh thoảng sẽ bị niềm vui tạm thời xuất hiện xua tan nhưng khi định thần lại thì nói lại vây lấy chúng ta như cũ khiến cho chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn lo âu và mờ mịt.
Lần trước tôi xem được một đoạn video.Vlogger Lý Tuyết Cầm đã đi đến một nhà hàng lẩu để trải nghiệm cuộc sống. Người hướng dẫn cho Lý Tuyết Cầm là một cô gái 23 tuổi, ăn ở và làm việc nhà hàng, mỗi tháng thu nhập 5000 tệ, cô ấy sẽ gửi 4000 tệ về quê, chủ động giúp đỡ bố mẹ lo em trai em gái còn đang đang đi học. Trong lúc làm việc sẽ gặp những vị khách không nói lý lẽ, thái độ rất không tốt, cũng có lúc sẽ bị khách gây khó dễ nhưng cô gái ấy luôn luôn cười vui vẻ để đối mặt với những điều đó.
Cô ấy không có những lý tưởng to lớn xa vời, mong ước của cô ấy đều rất nhỏ, rất thực tế, cô không tham lam muốn có được tất cả những thứ tốt đẹp nhất, chỉ mong từng bước, từng bước nhỏ bước trên con đường của chính mình.Cũng chính vì như vậy nên dù cho công việc vất vả nhưng cô luôn thoải mái hơn những người trẻ có tầng tầng lớp lớp tâm sự ở trong lòng, dù cho lương chẳng cao, dù cho tương lai cũng chẳng sáng lạng nhưng cô ấy vẫn luôn luôn vui vẻ.
Cuối video, Lý Tuyết Cầm đã hiểu vì sao cuộc sống của bản thân rõ ràng tốt hơn cô gái kia rất nhiều những cô vẫn không thấy vui. Bởi vì cái gì cô cũng muốn, muốn sống một cuộc sống sung sướng, muốn có tiền, muốn có được sự tôn trọng của người khác, muốn tìm kiếm nửa còn lại. Muốn quá nhiều nhưng năng lực lại không đủ để đáp ứng những mong muốn ấy, vì vậy mới không vui.
Trong cuộc phỏng vấn cách đây không lâu, tôi gặp một cô bé mới tốt nghiệp đại học được một năm. Dù mới lăn lộn ngoài xã hội được một năm nhưng cô ấy đã đã đổi việc 3 lần rồi. Tôi hỏi cô tại sao kinh nghiệm mỗi lần làm việc lại ngắn như vậy, cô cũng trả lời tôi một cách rất chân thành rằng cảm thấy ở công ty lúc ấy không học được gì nữa, thấy tốc độ tiến bộ của bản thân quá chậm.
Thời chúng ta có biết bao nông nổi, không chỉ không có cách nào để giống với người của thời trước, dùng cả đời chỉ để "cày cuốc" một sự nghiệp duy nhất, cống hiến toàn bộ thanh xuân và nhiệt huyết. Nhiều khi người trẻ chúng ta thời này đối với một việc nào đó đến sự nhẫn nại một năm cũng không có nổi. Chúng ta luôn ảo tưởng về sự thay đổi giữa ngày và đêm, nhưng chưa từng nhẫn nại để bản thân được "lắng đọng" lại, luôn luôn do tạm thời không có thành tựu gì mà lo âu về tương lai.
Trên mạng đọc được một đoạn như thế này: "Tại sao càng ngày tôi càng trở lên không vui? Bởi vì tôi luôn mong đợi một kết quả. Đọc một cuốn sách thì mong nó khiến cho mình trở nên sâu sắc hơn, viết một câu chuyện để giãi bày tâm sự thì mong được quan tâm, được an ủi." Những giả tưởng này nếu như trở thành hiện thực rồi, chúng ta sẽ thoải mái thở phào một cái, còn nếu như không thành sự thật thì sẽ lại tự mình ăn năn hối hận. Thế nhưng cũng chính là tôi của những ngày thơ ấu, dùng thời gian cả một buổi chiều chỉ để xem lũ kiến chuyển nhà, đợi đá nở hoa. Thuở nhỏ không chờ mong kết quả, thuở nhỏ khóc cười đều chẳng đong đếm cân đo.
Muốn có được quá nhiều nhưng làm thì lại quá ít, rõ ràng nên cúi đầu để "cày cuốc" tích lũy nhưng lại nông nổi ngửa mặt trông lên những hào nhoáng không thể với tới. Đứng trên thang máy lại chẳng đủ nhẫn lại đợi thang máy chạy hết, tiệm ăn yêu thích phải đợi có chỗ thì thà đổi tiệm khác chứ không chịu xếp hàng chờ, theo đuổi một cô gái thì hi vọng "một phát ăn ngay" nhanh chóng có kết quả.
Xã hội này không ngừng tạo ra vô vàn những âu lo mà trong đó tác động đến mỗi một người trẻ, nó bắt chúng ta phải có tham vọng và dã tâm, phải không ngừng tiến thủ không được bằng lòng với hiện tại. Nhưng lại không nói với chúng ta từ đồng nghĩa của tham vọng là tiến thủ, dã tâm cũng có nghĩa là năng lực. Có tham vọng không phải là chuyện xấu. Có thể nói ra rằng mong muốn sống một cuộc sống thoải mái phóng khoáng nhưng cái vây hãm lấy chúng ta chính là nỗ lực và sự trả giá lại không cân xứng với tham vọng của chúng ta.
Vui vẻ thực ra rất đơn giản, quan tâm đến cuộc sống hiện tại, bước từng bược một chậm mà chắc, vĩnh viễn đừng sống mà lo lắng về những điều chưa xảy ra trong tương lai.
--------------------------------------------------------------------------
Nguồn: 

Lừa đảo ponzi

NHẬN DIỆN NHỮNG LỪA ĐẢO TÀI CHÍNH ĐA CẤP KIỂU PONZI NÚP BÓNG APP THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.

** Nhờ các bạn tương tác comment, like để đưa status này đi xa. Giúp cho nhiều người không bị lừa đảo! 
Nếu muốn share status các bạn ra trang cá nhân của tôi nhé. Cám ơn các bạn nhiều. 

TỪ LỪA ĐẢO TÀI CHÍNH PONZI ĐẾN CÁC APP THẦN KỲ THỜI 4.0.

Charles Ponzi cha đẻ của mô hình lừa đảo tài chính Ponzi là người Mỹ gốc Ý. Là một người mê tiền và mưu mô cao, Ponzi luôn tìm cách để làm ra tiền nhiều nhất và nhanh nhất. Năm 1919, Ponzi tìm ra được 1 cách kiếm tiền hiệu quả đó là đầu cơ chênh lệch trên tem bưu chính quốc tế. Ông ta thuê các đại lí mua phiếu hồi đáp quốc tế (IRC - International Reply Coupon) giá rẻ ở các quốc gia khác và gửi tới Mỹ. Sau đó, ông ta sẽ đổi lấy tem và bán lại tem giá cao hơn ở Mỹ để kiếm lời.
Ponzi thành công rực rỡ trong phi vụ này và kiếm được bộn tiền. Thế nhưng Ponzi trở nên tham lam, và bắt đầu dựng lên mô hình lừa đảo Ponzi. 

Ông ta phóng đại sự thành công của việc mua bán tem hồi đáp quốc tế để chiêu dụ nhà đầu tư. Ông ta vay tiền nhà đầu  tư bằng cách phát hành trái phiếu và cam kết sẽ trả 50% số tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Đây là mức lãi quá cao, và vì thế đã làm nhiều người trở nên tham lam, đến mức "điên rồ". Kết quả là chỉ trong hai năm 1919-1920, Ponzi đã huy động được 15 triệu USD một con số khổng lồ vào thời điểm đó từ hơn 40.000 khách hàng. Tháng 8/1920, Ponzi bắt đầu trả lãi chậm, không theo đúng cam kết. Cảnh sát liên bang đã đột kích khám xét văn phòng công ty ông và phát hiện ra, ông ta không dùng tiền của nhà đầu tư để mua bán tem IRC, mà dùng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, theo đúng câu "robbing Peter to pay Paul"
Và Pozin tên ông đã được đặt cho những mô hình lừa đảo đầu tư tài chính. 

Mô hình lừa đảo PONZI được định nghĩa là một dạng lừa đảo tín dụng huy động vốn theo hình thức đa cấp lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó. 
Người huy động vốn sẽ "vẽ" lên 1 dự án,  1 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, và đang cần huy động vốn để phát triển. Người huy động vốn cam kết trả mức lãi suất cao cho nhà đầu tư và sẽ dùng những ví dụ về những nhà đầu tư đã nhận lãi cao, để tiếp tục chiêu dụ những nhà đầu tư mới. 

Người huy động vốn sẽ trả hoa hồng rất cao cho những người giới thiệu nhà đầu tư. Người giới thiệu có thể không phải là nhà đầu tư, mà cũng có thể là nhà đầu tư. Tức là nhà đầu tư cũ giới thiệu nhà đầu tư mới và hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu đó. Vì thế người ta còn gọi mô hình lừa đào này là mô hình tài chính đa cấp Ponzi.

Kể từ khi ra đời năm 1919, cho đến nay, những mô hình lừa đảo tài chính kiểu Ponzi liên tục phát triển ở tất cả các quốc gia. Một trong những mô hình lừa đảo lớn nhất thế giới, cho đến nay là vụ gian lận tài chính của ông Bernard L. Madoff với số tiền lên đến 50 tỷ đô la Mỹ.

Ở Việt Nam, các mô hình lừa đảo kiểu Ponzi cũng liên tục làm mưa làm gió. Tìm trên Google chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ. Bản thân người viết đã tham gia góp phấn vạch trần những vụ như: mỏ vàng Insider 21, tiền ảo One Coin, máy đào tiền ảo Sky Mining…

Gần đây, với sự phát triển của công nghệ, các dự án lừa đảo theo mô hình Ponzi ngày càng nở rộ, đặc biệt là các App thương mại điện tử mà tôi gọi là dự án "App thần kỳ thời 4.0" 
Đây là những app dùng mô hình sàn thương mại điện tử để kết nối người mua với người bán, và áp dụng hình thức hoàn tiền khủng cho người mua. 
Đích nhắm của những "App thần kỳ thời 4.00" là kêu gọi nhà đầu tư góp tiền đầu tư, hoặc cho App vay, với lãi suất cực kỳ cao. "App thần kỳ thời 4.00" sẽ dùng tiền nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. 
"App thần kỳ thời 4.00", cũng như tất cả các lừa đảo tài chính trước đây, sẽ chết khi lượng tiền người sau không đủ cho những người trước, hoặc khi sáng lập App rút tiền và im lặng biến mất. 

APP THẦN KỲ THỜI 4.0 "HỒ BIẾN" RA TIỀN!

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức kinh doanh của các App Thần kỳ thời 4.0.
Đây là công thức để tính kết quả kinh doanh. Nó áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. 
Đầu tiên bắt đầu với doanh thu gộp, tức là toàn bộ doanh số thu được từ các loại khách hàng. Khấu trừ các khuyến mại, giảm giá trực tiếp chúng ta sẽ có doanh thu thuần. 
Lấy doanh thu thuần trừ đi giá thành sản phẩm/dịch vụ - là những chi phí cấu thành ra sản phẩm – chúng ta sẽ có lợi nhuận gộp. 

Tiếp đó chúng ta trừ đi 2 nhóm chi phí lớn. Nhóm 1 là chi phí bán hàng, tiếp thị, gồm tất cả những chi phí liên quan đến việc kinh doanh tiếp thị như chi phí quảng cáo, lương và tiền thưởng cho nhân viên kinh doanh. 
Nhóm 2 là chi phí quản lý doanh nghiệp gồm tất cả những chi phí phát sinh trong kỳ ví dụ như thuê văn phòng, lương, khấu hao tài sản, các loại chi phí vận hành. 
Lợi nhuận gộp trừ đi 2 nhóm chi phí đó sẽ ra lợi nhuận ròng trước thuế. Nếu số này âm thì gọi là lỗ ròng, doanh nghiệp không phải đóng thuế. Nếu  số này dương, thì doanh nghiệp đóng thuế  thu nhập. Sau khi đóng thuế, chúng ta sẽ có lợi nhuận ròng sau thuế. 
Lợi nhuận ròng này sau khi trích quỹ tái đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp vào các năm sau, sẽ trở thành lợi nhuận có thể chia cổ tức, hoặc lợi nhuận giữ lại.

Hầu hất cả những sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, hoặc sàn quốc tế tại Việt Nam như Lazada, Shopee, hoặc sàn nội địa như TIKI, SENDO đều phải lỗ trong nhiều năm đầu. Lý do là, vì các loại chi phí, đặc biệt là chi phí marketing quá lớn. Các doanh nghiệp phải nâng tiền Marketing để thu hút (acquire) khách hàng, và marketing để nhắc, thúc đẩy khách hàng mua hàng. Hầu như chưa có sàn TMĐT nào có lợi nhuận trong 5 năm đầu. Để tồn tại và phát triển, các sàn TMĐT này liên tục kêu gọi vốn đầu tư. Sàn TMĐT sẽ ngừng lỗ khi nó chiếm lĩnh thị trường, có số lượng lớn user và không bị áp lực nặng về cạnh tranh. 

Còn các app "thần kỳ đời 4.0" thì sao? 
Ngoài các chi phí tương tự như các sàn TMĐT chính quy nói trên, thì các App "Thần kỳ Đời 4.0"  còn có 1 chi phí đặc biệt đó là chi phí hoàn tiền cho khách. Họ cam kết, trong thời gian 5 năm, sẽ hoàn đến 80% doanh số mua hàng của khách. 
Chúng ta thử tính chi phí này bằng bao nhiêu phần trăm doanh thu của App. 

Giả sử khách hàng mua 100 đồng từ 1 cửa hàng nào đó trên App "Thần kỳ Đời 4.0". Doanh thu mà App được hưởng chính là từ hoa hồng, và phí do người bán đóng góp. Giả sử khoản hoa hồng và phí này của App là rất tốt, lên đến 30%. Tức là App được hưởng 30 đồng từ 100 đồng mua hàng của khách.
Bây giờ chúng ta tính giá trị của 80 đồng mà App cam kết sẽ hoàn khách hàng trong vòng 60 tháng. Chúng ta sẽ chiết khấu, tức là tính giá trị hiện tại của số tiền được trả lại, theo công thức sau. Giá trị hiện tại = Giá trị tương lai/(1+lãi suất)số kỳ
Giả sử rằng lãi suất là 24%/năm, tương đương 1,81%/tháng, thì 2 đồng được trả vào năm 1, sẽ có giá trị hiện tại là = 2/(1+1,81)1 = 1,964 đồng, 1 đồng được trả vào tháng thứ 40, sẽ có giá trị hiện tại = 1/(1+1,81%)40 = 0,488 đồng. 

Tổng giá trị hiện tại của 80 đồng trả lại này, bằng 50,48 đồng.
Nói 1 cách khác, khi có 1 khách hàng mua 100 đồng từ App "Thần kỳ Đời 4.0" thì App thần kỳ được hưởng doanh số 30 đồng, và phải trả khoản hoàn phí cho khách hàng tương đương 50 đồng. App lỗ ngay lập tức -20 đồng. 
Đó là chưa kể các chi phí sales, marketing, vận hành, quản lý doanh nghiệp mà tôi đã liệt kê bên trên, cũng rất lớn.
Các sàn TMĐT hàng đầu không hoàn phí cho khách mà còn lỗ nặng. 

Thì App "Thần kỳ Đời 4.0", hoàn phí khủng như thế thì chỉ từ lỗ đến lỗ. Bài toán kinh doanh của App "Thần kỳ Đời 4.0" xem như không có lối ra nào cả.
Vận hành kinh doanh thì lỗ nặng thì tiền đâu mà các App thần kỳ thời 4.0 trả cho nhà đầu tư. Câu trả lời không còn gì khác hơn, đó chính là chiêu thức phổ biến của Ponzi: "robbing Peter to pay Paul" tức là lấy tiền của người sau trả cho người trước.

APP "THẦN KỲ ĐỜI 4.0" KÊU GỌI VỐN MÀ NHƯ ĐI BÁN RAU!

Để có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ, các "đại gia", các startup phải trình bày bảng kế hoạch kinh doanh chi tiết, trong đó chi tiết rõ họ đã kinh doanh như thế nào trong quá khứ và hiện tại, kế hoạch tương lai như thế nào. Mọi con số đều phải rất rõ ràng. Các quỹ, các đại gia, nghiên cứu rất kỹ mới ra quyết định đầu tư.

Để có thể kêu gọi vốn từ công chúng, kêu gọi vốn trên sàn chứng khoán, thì các doanh nghiệp - đạt đủ điều kiện về thời gian hoạt động, về lợi nhuận – phải phát hành bản cáo bạch rất chi tiết về tình hình doanh nghiệp, chủ sở hữu, ban giàm đốc, kết quả kinh doanh trong quá khứ, kế hoạch kinh doanh trong tương lai, những rủi ro…Đặc biệt là những báo cáo tài chính đều phải có kiểm toán. 

Để có thể vay vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp phải làm bộ hồ sơ chi tiết, và đa phần phải thế chấp tài sản.

Ấy vậy mà, các APP "THẦN KỲ ĐỜI 4.0" chẳng cần phải trình bày, báo cáo một kế hoạch kinh doanh nào, không báo cáo bất cứ số liệu nào. Hoàn toàn không có một bản báo cáo tài chính được kiểm toán nào cả.

Các APP "THẦN KỲ ĐỜI 4.0"  hoàn toàn không nói gì về việc họ đã và sẽ vận hành kinh doanh như thế nào để quản lý đồng tiền vốn của nhà đầu tư và sinh lợi trên đồng vốn. Mà đây là vấn đề quan trọng nhất, là căn cứ để các nhà đầu tư quyết định nhưng họ lại lơ không nói gì. 

Mà thay vào đó họ nói về mức hoàn tiền khủng cho khách, về tỷ suất lợi nhuận rất cao cho nhà đầu tư để đánh vào lòng tham, sự điên rồ tiền bạc của nhà đầu tư. Các APP "THẦN KỲ ĐỜI 4.0"  dùng những cụm từ bí ẩn thời 4.0, và những từ ngữ ảo diệu, hoa mỹ, dùng những cách tính tiền, lợi nhuận rắc rối để khỏa lấp nội dung quan trọng nhất: Họ kinh doanh như thế nào để tạo ra giá trị, để tiền sinh ra tiền với mức khủng như vậy?

NHẬP NHẰNG ĐÁNH LẬN CON ĐEN 

Nếu các doanh nghiệp nghiêm túc, startup đàng hoàng có những thông tin chính thức về, giấy phép công ty, trụ sở, những người sáng lập, hội đồng quản trị, Ban giám đốc …trên website, trên các phương tiện đại chúng thì các "App thần kỳ đời 4.0" hoàn toàn không có thông tin rõ ràng và chính thức. Họ dựng các website và youtube vệ tinh để đánh bóng thương hiệu, đưa thông tin chiêu dụ khách hàng. 

Họ cố tình dùng hình ảnh và tên tuổi của người có uy tín, người nổi tiếng theo cách mập mờ, đánh lận con đen. Họ mời những người nổi tiếng, có uy tín đến  1 sự kiện nào đó của họ, chụp hình cùng logo của họ… rồi họ "chế biến" những hình ảnh của những người nổi tiếng này để PR để "dụ dỗ" người thiếu hiểu biết. Câu cửa miệng của các tín đồ "là App này của ông A, ông B cực uy tín", hoặc "App này là của ông C đem về Việt Nam", hoặc "cả thế giới dùng app này mà lo gì".

NHỮNG TÍN ĐỒ CỦA APP "THẦN KỲ ĐỜI 4.0"

Phân tích như trên, chúng ta thấy rõ những sai trái rõ ràng của "App thần kỳ đời 4.0" thế nhưng nó vẫn mê hoặc được nhiều tín đồ.

Nhóm 1: Những người mua hàng và đã bắt đầu được hoàn tiền vài tháng. Họ quá lợi. Mua ở đâu cũng vậy, mua ở "App Thần kỳ Đời 4.0" thì được hoàn tiền khủng. Quá sướng.  Thế là họ liên tục mua, và  tự nguyện trở thành "tín đồ" của "App Thần kỳ Đời 4.0", luôn tuyên truyền về sự kỳ diệu của "App Thần kỳ Đời 4.0". Một thời gian ngắn sau, họ sẽ từ từ biến bản thân mình từ người mua trở thành nhà đầu tư. Đó đúng là kịch bản mà "App Thần kỳ Đời 4.0" đã giăng ra.

Nhóm 2: Những nhà đầu tư tham lam. Tôi đã chứng kiến những người bạn của tôi, cũng học và làm về tài chính, nhưng họ dễ dàng dính bẫy của những lừa đảo Ponzi trước đây: Mỏ vàng Insider 21, Tiền ảo OneCoin, đào tiền Sky Mining. Họ hiểu biết mà còn bị lòng tham làm mờ mắt thì những người dân bình thường, làm sao cưỡng nổi những quảng cáo về mức lợi nhuận quá lớn như vậy.

Nhóm 3: Những nhà đầu tư sành sỏi, lợi dụng các lừa đảo Ponzi để kiếm tiền. Họ tham gia ngay lúc đầu, giới thiệu nhiều người, và thu vốn + lời về nhanh, trước khi hệ thống sụp.

Nhóm 4: Là nhóm chuyên đi giới thiệu để kiếm hoa hồng mà không đầu tư. 
Nhóm này đích thức là những con diều hâu hút tiền của nhà đầu tư. Và vì thế mồm của chúng rất to để giải thích, và "bảo vệ"cho dự án, và chiêu dụ nhà đầu tư. 

NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÚP NHẬN DIỆN LỪA ĐẢO TÀI CHÍNH 

Trong cuốn sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", tôi có viết về các nguyên tắc đầu tư. Theo đó, trước khi đầu tư vào bất kỳ 1 dự án, một app nào, chúng ta phải hiểu thật rõ những điều sau: 

- Cơ sở pháp lý của dự án, của App đó. Nhà nước, pháp luật có bảo vệ chúng ta hay không? 
- "Hạng mức tín dụng", độ tin cậy của doanh nghiệp, của những  người giữ tiền chúng ta. 
- Nguyên tắc vận hành, tạo ra lợi nhuận của dự án, của app. 
- Những rủi ro tiềm ẩn. Cách giảm thiểu rủi ro. 

Các App thần kỳ thời 4.0 đều không thỏa mãn những điều kiện bên trên. Điều nguy hiểm nhất, là nó vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất: "Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí". 
Những doanh nghiệp hàng đầu tạo được tỷ suất lợi nhuận cao cho người chủ sở hữu, chia cổ tức cao cho nhà đầu tư nhưng họ không bao giờ hứa 1 mức lợi nhuận cao với bất kỳ nhà đầu tư nào. 

Nếu đầu tư vào doanh nghiệp, mà họ hứa chắc chắn lãi suất năm: 30%, 50%, 70%, thì nhà đầu tư có thể đi vay ngân hàng 12%-15% và đầu tư vào doanh nghiệp để hưởng lãi chênh lệch rất cao mà không có 1 rủi ro nào. Điều này là không đúng theo nguyên tắc ""Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí". 
Bớt tham lam, và chịu khó học hỏi kiến thức, người dân sẽ bớt bị sập những lừa đảo đầu tư, những mô hình tài chính đa cấp kiểu Ponzi."

Bài đã đăng trên báo Cafebiz 

Lâm Minh Chánh
Tác giả sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam 

** Mời các bạn đăng ký tham gia webinar trực tuyến (zoom) miễn phí, với nội dung: "NHẬN DIỆN NHỮNG ĐẦU TƯ LỪA ĐẢO KIỂU PONZI. NHÀ ĐẦU TƯ NGHIỆP DƯ NÊN ĐẦU TƯ VÀO ĐÂU?"
Thời gian: 19:30 – 21:00, thứ hai 15/6/2020.
Số lượng có hạn. các bạn đăng ký tại đây nhé https://forms.gle/ZY4kmtPbMbNW4xXCA

Thursday, June 11, 2020

Thói quen

[Zhihu] Khi 25 tuổi nên làm những gì để 5 năm sau có thể đạt được những thành tựu to lớn? (Lược dịch)

 _______________ 

Người dịch: Quân Trúc | Bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả và chỉ được đăng tải tại Weibo Việt Nam, vui lòng không tự ý repost. _______________

[+125965 Like]
Năm nay tôi vừa đúng 30 tuổi, để tôi trả lời theo hướng ngược lại vậy: những sự hối hận khi 25 tuổi không có một ai nói cho tôi biết cả.

1. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng kiến thức hay kĩ năng học được sẽ theo mình đến suốt cuộc đời, cho dù là làm việc hay thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa thì những kiến thức mới và kĩ năng đều có công dụng của nó.

2. Khi tôi 25 tuổi, có người nói với tôi rằng thói quen rất quan trọng, nhưng không có ai nói với tôi nó quan trọng đến mức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của chính mình, ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn và chất lượng cuộc sống của bản thân, bởi vì hầu hết mọi người mỗi phút giây đều đang sống trong những thói quen suy nghĩ và thói quen sống khác nhau, ví dụ như tập thể thao, chạy bộ, đọc sách, học tập, viết văn, cách diễn đạt, cách kết nối với mọi người,… tất cả những thói quen này đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả làm việc và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hình thành nên những thói quen, sau đó những thói quen đó sẽ tạo ra chính con người chúng ta.

3. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng phương pháp học tập "vây tiễu" rất quan trọng. Thông qua quá trình quan sát cách người khác giao lưu với mọi người, cách thuyết trình, cách viết văn, từ đó học hỏi cách suy nghĩ của họ, 
học hỏi thói quen suy nghĩ xuất sắc nhất của người đó.

4. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng sự thành thật và uy tín quan trọng đến mức nào. Thành thật là chân lý của khả năng lãnh đạo, uy tín là chân lý trong làm ăn. Mức lương hàng năm, khả năng lãnh đạo và thành tựu thương 
nghiệp của bản thân tất cả đều được giải thích trong 2 từ này.

5. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng cha mẹ đang ngày càng tiến gần tới cái chết. Có thể những người trẻ tuổi sẽ nghĩ về một cuộc sống hạnh phúc nhiều hơn, nhưng với độ tuổi của cha mẹ, càng lớn tuổi thì họ càng phải đối mặt với việc họ sẽ cách chủ đề này ngày càng xa. Họ lo lắng bị thế giới này vứt bỏ, lo 
lắng bản thân không có một vai trò quan trọng gì trong cuộc sống của con cái. Họ vô cùng khát vọng con cái về thăm, khát vọng sự quan tâm và tôn trọng. Dù cho bận rộn đến mức nào, có thể gọi điện thoại cho họ thì hãy gọi nhiều thêm một chút, có thể cùng nhau ăn một bữa cơm thì hãy ăn nhiều thêm vài bữa, có thể đáp ứng được những điều họ muốn, bất kể là lớn hay nhỏ thì cũng hãy cố gắng khiến họ hài 
lòng.

6. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng giấc ngủ chính là thứ thật sự quyết định hiệu suất cuộc sống, bởi vì chất lượng giấc ngủ sẽ quyết định tâm trạng, trạng thái và khả năng tập trung của ngày hôm sau, mà tâm trạng, trạng thái và khả năng tập trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, những kết quả này là thứ tạo nên bản thân chúng ta hiện tại. Vậy nên ngủ một giấc thật ngon là con đường ngắn nhất có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

7. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng phải giữ vững bản thân mình, song song đó là không ngừng khiến bản thân ngày càng tiến bộ. Thật ra trong một mối quan hệ, hết mực cưng chiều quan trọng hơn cưng chiều một cách miễn cưỡng. 
Giữ vững bản thân có thể kiểm tra xem mình và đối phương có hợp nhau hay không và giúp chúng ta không ngừng hoàn thiện bản thân mình, có thể giữ cho tình cảm càng thêm sâu sắc và lâu dài. Nhất định đừng vì cảm thấy cô đơn, ba mẹ ép buộc, thể diện của mình hay những lo nghĩ mà vội vàng tìm một người nào đó. Người ấy sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của mình và gây ra những ảnh hưởng to lớn, vậy nên hãy thận trọng một chút, cho dù có độc thân thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với chọn nhầm người
8. Khi tôi 25 tuổi, không có ai nói với tôi rằng việc dùng những giác quan để cảm nhận thế giới này quan trọng như thế nào. Cố gắng phát hiện ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, phát hiện những chi tiết khác biệt nho nhỏ ở mọi nơi sẽ đem đến cho ta rất nhiều bất ngờ.

 _______________


Artist:쪼양

Hướng nội hướng ngoại

Mình không đồng tình với quan điểm trong bài này lắm?
Hướng nội đâu đồng nghĩa với rụt rè, ít nói, kém giao tiếp, ghét tương tác xã hội đâu? Và ngược lại hướng ngoại cũng đâu đồng nghĩa với quảng giao, năng động, thích tiếp xúc với mọi người?

Bạn có thể là một người hướng ngoại trầm tính và ít nói, nhân tố quyết định là bạn cảm thấy tinh thần mình vui vẻ thoải mái, như được nạp năng lượng khi bạn ở cạnh những người khác; và cảm thấy kiệt quệ về mặt tinh thần nếu phải ở một mình.

Và bạn có thể là một người hướng nội năng động, giỏi giao tiếp, nhưng bạn sẽ thấy kiệt sức nếu phải duy trì tương tác xã hội trong khoảng thời gian dài, và chỉ cảm thấy thoải mái hơn khi có thời gian được ở một mình.

Trong mắt mọi người thì mình là một người cực kỳ hướng ngoại, mình được nhận xét là tự tin, năng động, cởi mở, giỏi giao tiếp; nhưng sự thật là việc có kỹ năng giao tiếp tốt không đồng nghĩa với việc mình tận hưởng việc liên tục nói chuyện với người khác, đặc biệt là khi đã kiệt sức về mặt tinh thần. Mình cũng cần tương tác xã hội, nhưng giới hạn trong một mức độ vừa phải thôi. Phần lớn thời gian mình cần và muốn được ở một mình, và mình thoải mái hơn với việc dành thời gian cho bản thân.

Đánh giá người khác là hướng nội hay hướng ngoại chỉ dựa trên kỹ năng giao tiếp và tính cách của người ta thì đương nhiên là sai và vớ vẩn rồi, vì ngoài chuyện tính cách của con người thường xuyên thay đổi ra thì đó đâu phải là điểm khác biệt cốt lõi giữa người hướng nội với người hướng ngoại.

Và đúng, nếu có người hướng nội/hướng ngoại hoàn toàn thì ng đó rất có thể sẽ gặp cực nhiều vấn đề tâm lý. Hướng nội hướng ngoại nó đâu có phải cực âm - cực dương hay đen - trắng, nó là cả một phổ (spectrum), một thang đo từ hướng nội nhiều - hướng ngoại ít đến ngược lại.

Nên bài này dù có ý đúng, nhưng gần như là mắc lỗi nguỵ biện vậy. Nó đâu có phản bác lại định nghĩa đúng về hướng nội - hướng ngoại, mà phản bác lại những hiểu biết đại chúng sai lầm về hai quan niệm này thôi.

CON NGƯỜI và TINH THẦN

CON NGƯỜI và TINH THẦN 1 –  " Nếu có một gã trọc phú hàng to súng lớn, có thể mua biệt thự alibaba cho em ở, xe lếch xù cho em đi, nạp ...